dan-y-cảm-nhận-vẻ-dẹp-hinh-anh-ngươi-dông-minh-trong-bai-noi-vơi-con

Dàn bài : Cảm nhận vẻ đẹp hình ảnh người đồng mình trong bài Nói với con của Y Phương

Dàn bài : Cảm nhận vẻ đẹp hình ảnh người đồng mình trong bài Nói với con của Y Phương

I. Mở bài:

– “Nói với con” là bài thơ tiêu biểu của tác giả Y Phương.
– Đoạn thơ thứ 2 của bài thể hiện vẻ đẹp của “người đồng mình”.

II. Thân bài:

* Ý nghĩa nhan đề:

– “Nói với con” giống như lời nói của tác giả muốn nhắc nhở thế hệ con cháu chúng ta nhớ giữ gìn bản sắc dân tộc, truyền thống quê hương; tuy người ở quê hương mình nhỏ bé nhưng ý chí và tâm hồn của họ không hề nhỏ bé.

* Vẻ đẹp người đồng mình:

– “người đồng mình”: cách gọi thân thương, trìu mến, thiết tha, thể hiện sự chia sẻ , đồng cảm.

– “Cao đo nỗi buồn/ Xa nuôi chí lớn”. Từ “cao, xa” là khoảng cách đất trời ⇒ là những khó khăn trong cuộc sống. Từ “đo nỗi buồn” , “nuôi chí lớn” ý muốn nói là phải vượt qua nỗi buồn, phải có rèn luyện ý chí. Ý nghĩa hai câu trên ý muốn nói sống phải biết vượt qua nỗi buồn, phải rèn luyện ý chí để vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

– “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh / Sống trong thung không chê thung nghèo đói”: tuy sống có nghèo khó nhưng những người đồng mình chịu thương, chịu khó, không bao giờ chịu khuất phục trước khó khăn.

– “Sống như sông như suối / lên thác xuống ghềnh / Không lo cực nhọc”: tuy người đồng mình tuy cuộc sống có nhiều lúc đi lên đi xuống nhưng bọn họ vẫn không lo cực nhọc ⇒ sống lạc quan, giàu bản lĩnh.

– “Người đồng mình thô sơ da thịt / chẳng ai nhỏ bé đâu con”: tuy người sống ở quê mình tuy mộc mạc , giản dị, chân thật nhưng ý chí, tâm hồn của bọn họ không hề ” nhỏ bé”.

– “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương”: có tinh thần yêu quê hương, biết xây dựng quê hương.

* Nghệ thuật được sử dụng trong bài:

– biện pháp: so sánh( trong câu ” sống như sông như suối”), tu từ, điệp ngữ….

* Đánh giá, bàn luận, so sánh:

– Giọng điệu bài thơ lúc linh hoạt; lúc thiết tha, triều mến, trang nghiêm.

– Thể thơ tự do, phù hợp với lối nói tư duy của người miền núi.

III. Kết bài:

– Bài thơ “nói với con” đã làm chúng ta có thêm suy nghĩ và góc nhìn về nhũng người đồng mình.


Bài tham khảo:

Y Phương là một nhà thơ chiến sĩ. Thơ ông cuốn hút người đọc bằng vẻ đẹp vừa chất phác, mộc mạc, vừa mạnh mẽ, trong sáng. Ngôn ngữ và hình ảnh thơ của ông in đậm dấu ấn tư duy hồn nhiên và lối nói rất giàu hình ảnh của người miền núi. Vẻ đẹp của những người dân miền núi được thể hiện đẹp đẽ trong tác phẩm Nói với con.

Phần mở đầu bài thơ tác giả đã khái quát cho con về cội nguồn con được sinh ra và nuôi dưỡng chính là trong tình yêu thương của cha mẹ và sự bao bọc, che chở của người đồng mình, của núi rừng thiên nhiên. Sau những lời lẽ hết sức tha thiết ấy, tác giả đi sâu khắc họa những vẻ đẹp của người đồng mình. Qua những vần thơ giản dị, chân thành những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình hiện lên thật rõ nét và đáng trân trọng, tự hào.

Khổ thơ mở đầu bằng câu thơ ngập tràn tình cảm: “Người đồng mình thương lắm con ơi”. Hai tiếng “người đồng mình” được nhắc lại một lần nữa là cách gọi thể hiện sự gần gũi, thân thương như trong một gia đình. “Thương lắm” – bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với cuộc sống nhiều vất vả, gian khó của họ. Rồi để sau đó là một loạt những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình được ông đưa ra.

Trước hết họ là những người giàu ý chí nghị lực, kiên cường và bền bỉ:

“Cao đo nỗi buồn sa nuôi chí lớn”

Câu thơ có cách diễn đạt vô cùng độc đáo, nỗi buồn và chí lớn vốn không thể định hình, định lượng nhưng lại được tác giả dùng cao để đo nỗi buồn, xa để đo ý chí của con người. Cách nói trên đã hữu hình hóa những trắc trở, khó khăn mà người đồng mình phải trải qua đồng thời còn cho thấy ý chí quyết tâm của họ. Trước mọi khó khăn, thử thách họ vẫn không ngừng cố gắng, không ngừng vươn lên. Những khó khăn kia chỉ là thuốc thử, tôi rèn ý chí của họ ngày một mạnh mẽ hơn.

Không chỉ có ý chí kiên cường, họ còn thủy chung, yêu quê hương tha thiết: Sống trên đá không chê đá gập gềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói. Nơi họ được sinh ra, lớn lên gặp biết bao khó khăn, trở ngại nhưng tuyệt nhiên họ chưa một lần kêu than. Các từ phủ định “không chê” được lặp lại hai lần kết hợp với điệp từ “sống” cho thấy sức sống bền bỉ, mãnh liệt của người đồng mình trước những gian truân của cuộc sống. Đồng thời lời thơ còn gửi gắm tâm sự, mong muốn của cha đến con: mong con luôn thủy chung, tình nghĩa với bản làng, quê hương.

Họ còn là người có lối sống phóng khoáng, mạnh mẽ và luôn luôn lạc quan:

“Sống như sông như suối không lo cực nhọc”

Câu thơ ngắn, nhịp nhanh như lời thúc giục động viên. Hình ảnh so sánh “như sông như suối” khắc họa lối sống khoáng đạt của con người nơi đây, thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” lại gợi nên cuộc sống lao động đầy vất vả. Thế nhưng họ vẫn “không lo cực nhọc” rất lạc quan, yêu đời. Câu thơ là lời khẳng định, ngợi ca của cha về vẻ đẹp của người đồng mình: họ luôn sống mạnh mẽ gắn bó thiết tha với quê hương dù phải trải qua bao khó khăn, cực nhọc. Từ đó người cha muốn: con sống mạnh mẽ vượt lên mọi ghềnh thác cuộc đời bằng ý chí, nghị lực của mình. Không chỉ vậy người đồng mình còn có những phẩm chất tốt đẹp khác khiến người cha rất đỗi tự hào. Đó là mộc mạc, giàu chí khí, niềm tin: “người đồng mình tuy thô sơ da thịt…đâu con”. Họ có thể thô sơ, giản dị về vẻ bề ngoài nhưng lại không hề nhỏ bé về tâm hồn, ý chí.

Tự lực tự cường xây dựng quê hương, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Câu thơ đã miêu tả thực công việc thường ngày của họ: đục đá, đẽo đá để “kê cao quê hương”, làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần nâng cao vị thế quê nhà. Qua đó câu thơ còn ca ngợi tinh thần tự lực, tự cường, chăm chỉ của người đồng mình. Ý nghĩa hơn nó còn mang giá trị tinh thần to lớn “còn quê hương thì làm phong tục”. Ý thơ cho ta thấy một công việc giản dị nhưng trở thành phong tục, nét đặc trưng, biểu tượng của quê hương miền núi. Bởi vậy, câu thơ còn có ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc: khái quát về tinh thần tự tôn, ý thức xây dựng phát triển và bảo vệ cội nguồn. Như vậy, bằng sự lao động cần cù, nhẫn nại hàng ngày người đồng mình đã làm nên quê hương với những phong tục tập quán tốt đẹp. Từ đó người cha mong muốn con kế tục và phát huy truyền thống quê hương, sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của người đồng mình. Và hãy lấy đó làm hành trang để tự tin vững bước vào đời.

Bằng lớp ngôn từ giản dị, giọng điệu thiết tha tự hào, tác giả đã bộc lộ niềm tự hào sâu sắc về những vẻ đẹp phẩm chất của người đồng mình. Đồng thời qua những lời thơ tha thiết ấy ông còn gửi gắm đến con những lời khuyên những nguyện ước chân thành: con phải sống phòng khoáng tự do, luôn nỗ lực, cố gắng hết mình làm nên vẻ đẹp cho quê hương.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang