TRƯỜNG THPT CHUYÊN BÌNH LONG TỔ NGỮ VĂN | ĐỀ ĐỀ XUẤT KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI KHU VỰC DUYÊN HẢI – BẮC BỘ NĂM HỌC 2018 – 2019 Môn: Ngữ văn 10 Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề) Đề gồm 02 câu trong 01 trang |
Câu 1 (8 điểm):
“Ngày xưa ở một làng nọ, có hai anh em đẻ sinh đôi, trẻ tuổi, đáng yêu. Tuy nhiên tính tình của họ rất ngỗ nghịch. Và mọi việc trở nên nghiêm trọng khi hai anh em bắt đầu đi ăn trộm cừu của những người nông dân trong vùng – một hành vi bị coi là trọng tội. Một lần nọ, cả hai anh em bị bắt quả tang. Dân làng quyết định trừng phạt bằng cách trích lên trán họ hai chữ “ ST” (sheep thief – tên trộm cừu) như một dấu ấn tội lỗi sẽ theo họ suốt đời. Một người trong hai anh em vì quá xấu hổ, nên đã bỏ làng đi biệt xứ. Kể từ đó, chẳng còn ai biết tin tức được gì về anh ta.
Còn người thứ hai vô cùng ân hận, đã ở lại làng và cố gắng hết sức để bù đắp lại những lỗi lầm của mình. Lúc đầu mọi người đều e dè và chẳng muốn dính líu gì với anh ta. Tuy nhiên anh ta vẫn quyết tâm chuộc lỗi. Hễ trong làng có ai đau yếu anh đều tìm đến ân cần chăm sóc và lo lắng. Bất cứ ai có việc gì nặng nhọc, anh đều giúp đỡ hết mình, chẳng cần biết đó là ai, giàu hai nghèo. Cứ thế, anh luôn sống vì người khác mà chẳng hề đòi ban thưởng hay trả công.
Nhiều năm trôi qua, một bữa nọ, có một vị khách đi ngang qua ngôi làng. Trong lúc ngồi quán nước bên đường, ông trông thấy một cụ già, trên trán có khắc một dấu khác lạ. Bất kì ai trong làng đi qua đều dừng lại kính cẩn chào hỏi cụ; đám trẻ con chơi xong cũng chạy đến sà vào long cụ. Tất cả mọi người đều thể hiện thái độ yêu quý, kính trọng ông cụ.
Vị khách tò mò hỏi chủ quán:
– Hai kí tự trên trán ông cụ có nghĩa là gì thế?
– Tôi cũng không rõ nữa. Chuyện xảy ra cách đây đã lâu lắm rồi – người chủ quán đáp.
Sau đó ông ngừng suy nghĩ một chút rồi nói – nhưng theo tôi chắc nó có nghĩa là “Thánh nhân” ( Saint)”
(Theo sách Hạt giống tâm hồn)
Hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ của anh chị về bài học rút ra từ câu chuyện trên?
Câu 2 (12 điểm)
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng nhận xét: Thơ không cần nhiều từ ngữ. Nó cũng không quan tâm đến hình xác của sự sống. Nó chỉ cần cảm nhận và truyền đi một chút linh hồn của cảnh vật thông qua linh hồn thi sỹ.
Anh/chị suy nghĩ gì về câu nói đó và hãy làm sáng tỏ thông qua việc phân tích bài thơ « Cảnh ngày hè » của Nguyễn Trãi ?
–——————- Hết ——————–
TRƯỜNG THPT CHUYÊN BÌNH LONG TỔ NGỮ VĂN | HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ ĐỀ XUẤT KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI KHU VỰC DUYÊN HẢI – BẮC BỘ NĂM HỌC 2018 – 2019 Môn: Ngữ văn 10 Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề) Đề gồm 02 câu trong 01 trang |
Câu 1 (8 điểm):
* Yêu cầu về kĩ năng:
– Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận: có đủ mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn.
– Xác định đúng và trúng vấn đề nghị luận, biết triển khai vấn đề nghị luận;vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
* Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, cơ bản nói được các vấn đề sau:
– Rút ra bài học từ câu chuyện (1 điểm):
Cách hành xử của con người khi mắc lỗi lầm: Con người khi mắc lỗi hãy dũng cảm nhận lỗi và cố gắng sửa chữa để trở thành người tốt.
– Bàn luận (5 điểm):
+ Trong cuộc sống con người không thể tránh khỏi những lỗi lầm, vấp ngã. Nếu chạy trốn quá khứ sẽ luôn sống trong mặc cảm tội lỗi, giày vò, day dứt…
+ Khi biết đối diện với sự thật, nhận ra lỗi lầm, luôn cố gắng phấn đấu để sửa lỗi, chuộc lỗi là cách ứng xử có văn hóa, thể hiện bản lĩnh, lòng trung thực, sự hướng thiện. Khi đó con người sẽ thấy tâm hồn thanh thản, an yên, được mọi người yêu quý, kính trọng.
+ Biểu dương những người biết sửa chữa lỗi lầm bằng những hành động ý nghĩa, hướng thiện. Phê phán những người bảo thủ, cố chấp không thừa nhận sai lầm của bản thân, không biết sửa sai, chuộc lỗi.
+ Thái độ của mọi người xung quanh trước những sai lầm của người khác có ý nghĩa rất quan trọng: Nếu như kì thị, soi mói trước những sai lầm của người khác dễ khiến họ mặc cảm, tự ti. Cần có thái độ bao dung, cảm thông, giúp đỡ những người lầm lỗi lấy lại niềm tin, động lực để phấn đấu sống tốt hơn, hoàn thiện nhân cách.
– Mở rộng vấn đề (1 điểm):
Con người có quyền mắc sai lầm nhưng có những lỗi sai trong đời sống không bao giờ sửa được. Chính vì thế, con người cần hoàn thiện bản thân mỗi ngày, hạn chế mắc phải những sai lầm đáng tiếc.
– Bài học nhận thức và hành động (1 điểm):
Cố gắng đừng để xảy ra những sai lầm đáng tiếc. Nếu xảy ra thì phải tìm cách sửa lỗi lầm bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Không được trốn chạy quá khứ, không nên tự ti, mặc cảm.
Câu 2 (12 điểm):
* Yêu cầu về kĩ năng:
Biết làm bài văn nghị luận về một vấn đề lí luận văn học kết hợp với kiểu bài phân tích tác phẩm thơ. Phương pháp, kĩ năng làm bài chắc chắn, linh hoạt. Văn viết giàu cảm xúc, hình ảnh; bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ; không mắc lỗi về dùng từ, chính tả, diễn đạt, kiến thức và ngữ pháp.
* Yêu cầu về kiến thức:
Có thể có nhiều cách trình bày nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
Trình bày được suy nghĩ về ý kiến của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh (4 điểm):
1. Giải thích nhận định: (1 điểm)
Thơ cần ít từ ngữ. Thơ không chú trọng miêu tả cụ thể, chi tiết hiện thực đời sống như đời sống vốn có mà thơ chỉ nắm bắt lấy cái thần thái, hồn vía của hiện thực để truyền tới người đọc. Khi đến với người đọc, phần hiện thực ấy đã được khúc xạ, phản ánh qua cảm xúc, tâm hồn, tình cảm của nhà thơ về cuộc sống.
2. Bàn luận: ( 3 điểm)
+ Nhận định trên là đúng vì dung lượng thơ thường ngắn nên nhà thơ dùng không nhiều từ ngữ để miêu tả cụ thể, chi tiết đời sống như nó vốn có mà chỉ cốt nắm bắt cái thần thái, hồn vía của hiện thực ; thơ là tiếng nói của tình cảm, của trái tim nên bao giờ hiện thực được phản ánh trong thơ cũng mang tâm sự, nỗi niềm nào đó của nhà thơ.
+ Có như thế, thơ mới sâu sắc, thấm thía và để lại nhiều dư vị, cảm xúc cho người đọc.
+ Muốn làm được điều đó, nhà thơ phải có tài sử dụng nghệ thuật ngôn từ ; ngôn ngữ, hình ảnh phải cô đọng, hàm súc, giàu biểu cảm, giàu tính tạo hình…, đặc biệt là phải giàu cảm xúc, tình cảm và luôn thiết tha với cuộc sống.
+ Ý kiến của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có ý nghĩa với người sáng tác và người cảm thụ thơ.
3. Phân tích bài thơ « Cảnh ngày hè » của Nguyễn Trãi để làm sáng tỏ nhận định :
Trên cơ sở hiểu biết về tác giả và tác phẩm, thí sinh phân tích được bài thơ để làm sáng tỏ nhận định.
* Giá trị nội dung (6 điểm) :
– Bức tranh thiên nhiên ngày hè : sinh động, tràn đầy sức sống với đầy đủ những hình ảnh, màu sắc, âm thanh, hương vị ; bức tranh thiên nhiên có sự vận động mạnh mẽ thể hiện sức sống căng tràn của sự vật từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, từ xa lại gần nối tiếp, hô ứng.
– Bức tranh cuộc sống con người : nao nức, vui tươi, thể hiện một cuộc sống ấm no, thanh bình, yên ả.
Bức tranh tâm trạng nhà thơ : Qua việc cảm nhận bức tranh thiên nhiên và cuộc sống trogn bài thơ, người đọc còn cảm nhận được sâu sắc con người, nỗi lòng của Nguyễn Trãi :
+ Tình yêu thiên nhiên sâu sắc, hòa mình với thiên nhiên, với Nguyễn Trãi thiên nhiên hiện lên như một đối tượng thẩm mĩ để nhà thơ chiêm ngưỡng cũng như một con người để bầu bạn, sẻ chia.
+ Tấm lòng ưu dân ái quốc, nhàn cư nhưng không nhàn tâm.
* Đánh giá nghệ thuật (2 điểm) :
Phân tích được những đặc sắc nghệ thuật mà Nguyễn Trãi đã sử dụng để nắm bắt thần thái cảnh vât và thể hiện cảm xúc, tâm sự của mình :
– Ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, giàu sức gợi nhưng cũng rất trong sáng, giản dị, gần gũi, cách sử dụng từ láy tài tình.
– Sáng tạo độc đáo trong hình thức thơ : câu thơ thất ngôn xen lục ngôn.
– Phát triển thể loại thơ Nôm Đường luật.
– Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.