Đọc hiểu văn bản: Đi bộ ngao du (E-min hay về Giáo dục của Ru-xo)
I. Đọc – hiểu chú thích:
1. Tác giả:
– Ru-xô (1712-1778) tên khai sinh là Jean-Jacques Rousseau, là một nhà văn, triết gia, nhà hoạt động cách mạng xã hội Pháp với nhiều đóng góp tích cực cho xã hội.
– Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác: Ông là nhà văn, nhà triết học, nhà hoạt động cách mạng xã hội Pháp. Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng như Giuy-li, Nàng Hê-lô-i-dơ mới, Ê-min hay về giáo dục…
2. Tác phẩm Đi bộ ngao du.
– Hoàn cảnh sáng tác: Văn bản trích trong quyển V – quyển cuối cùng của tác phẩm Ê-min hay Về giáo dục, xuất bản năm 1762, bài viết bày tỏ quan điểm muốn ngao du học hỏi cần phải đi bộ
– Bố cục 3 đoạn:
+ Đoạn 1: Khổ 1: Đi bộ ngao du rất thoải mái, được tự do thưởng ngoạn
+ Đoạn 2: Khổ 2: Đi bộ ngao du trau dồi kiến thức, tăng sự hiểu biết về thiên nhiên, cuộc đời
+ Đoạn 3: Khổ 3: Đi bộ ngao du rèn luyện sức khỏe, tinh thần cho con người.
II. Đọc – hiểu văn bản:
1. Đi bộ ngao du rất thoải mái, được tự do thưởng ngoạn.
– Những trở ngại gặp phải và những cách khắc phục tương ứng:
+ Thời tiết xấu ⇒ Đi ngựa.
+ Chán ⇒ tìm những thứ để giải trí.
+ Mệt mỏi ⇒ Vận động hai cánh tay.
– Đi bộ ngao du tạo nên trạng thái tinh thần thoải mái, không bắt buộc, không phụ thuộc:
+ Muốn đi, muốn dừng nhiều tuỳ ý.
+ Không phụ thuộc vào con người, phương tiện.
+ Không phụ thuộc vào đường xá lối đi, chỉ phụ thuộc vào bản thân mình.
+ Thoải mái hưởng thụ tự do trên đường đi.
⇒ Đi lúc nào, dừng lúc nào tùy thích. Quan sát khắp nơi, dừng lại ở tất cả mọi khía cạnh. Không phụ thuộc vào con người, phương tiện. Không phụ thuộc vào đường sá, lối đi. Hưởng thụ tất cả tự do trên đường đi. Đi để giải trí, học hỏi, vận động, làm việc. Đi bộ ngao du là niềm hạnh phúc, được tự do thưởng ngoạn.
2. Đi bộ ngao du trau dồi kiến thức, tăng sự hiểu biết về thiên nhiên, cuộc đời.
– Ích lợi của đi bộ ngao du với việc bồi dưỡng nhận thức, làm giàu thêm hiểu biết của con người:
– Đi bộ ngao du như Ta-lét, Pla-tông, Py-ta-go ⇒ cuộc sống là trường học vĩ đại.
+ Những nhà triết gia đi bộ ⇒ Xem xét tài nguyên trái đất phô bày phong phú.
+ Những người yêu mến nông nghiệp đi bộ ⇒ Muốn biết các sản vật… và cách thức trồng trọt.
+ Người có chút ít hứng thú với tự nhiên học ⇒ Sưu tập các mẫu vật phong phú, đa dạng của thế giới tự nhiên.
⇒ Đó là những kiến thức của nhà khoa học tự nhiên.
– Sự đối lập giữa phòng sưu tập của vua chúa và của Ê-min:
+ Phòng sưu tập của các vua chúa toàn những đồ linh tinh.
+ Phong sưu tập của Ê-min phong phú hơn- là cả trái đất, mỗi nơi mỗi vật ở đúng chỗ của nó.
– Ý nghĩa:
+ Đề cao kiến thức thực tế.
+ Xem thường sách vở giáo điều.
+ Khích lệ mọi người đi bộ mở mang kiến thức, năng lực khám phá, mở rộng tầm hiểu biết.
⇒ Đi bộ ngao du sẽ trau dồi vốn tri thức, mở mang tầm nhìn. Đồng thời tác giả cũng muốn đề cao kiến thức của các nhà khoa học am hiểu kiến thức thực tế.
3. Đi bộ ngao du tăng cường sức khỏe, tinh thần cho con người.
– Lợi ích của đi bộ ngao du với việc rèn luyện sức khỏe và tinh thần con người:
+ Đi bộ ngao du giúp tinh thần thoải mái, rèn luyện được sức khỏe, tránh buồn bã cáu kỉnh, tính tình vui vẻ, khoan khoái, hài lòng với tất cả. Tâm hồn hân hoan khi trở về nhà, thèm ăn, thèm ngủ, muốn nghỉ ngơi.
+ Nếu mệt mỏi thì nên đi bộ ngao du sẽ thấy tâm hồn thoải mái thư giản và yêu đời.
– So sánh 2 trạng thái tinh thần đối lập nhau: vui vẻ, hân hoan, khoan khoái với mơ màng, buồn bã, đau khổ.
⇒ Khẳng định lợi ích tinh thần của người đi bộ ngao du. Từ đó thuyết phục mọi người: Muốn tránh buồn bã, cáu kỉnh nên đi bộ ngao du.
* Ghi nhớ: Để chứng minh muốn ngao du cần phải đi bộ, bài Đi bộ ngao du lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục, lại rất sinh động do các lí lẽ và thực tiễn cuộc sống tác giả từng trải qua luôn bổ sung cho nhau. Bài này còn thể hiện rõ Ru-xô là một con người giản dị, quý trọng tự do và yêu thiên nhiên. |
III. Tổng kết:
1. Giá trị nội dung:
– Đi bộ ngao du là một văn bản nói về những lợi ích không tưởng của việc đi bộ, qua đó khuyên mỗi người nên đi bộ thường xuyên để tìm thấy những điều mới lạ. Văn bản như một lời khuyên, kinh nghiệm sống mỗi người nên đi bộ ngao du để trau dồi mọi thứ
– Văn bản là minh chứng cho những tác dụng mà đi bộ mang lại cho con người, muốn ngao du cần phải đi bộ. Qua đó, thể hiện Ru-xô là một con người giản dị, quý trọng tự do và yêu thiện nhiên.
2. Giá trị nghệ thuật.
– Văn bản có cách lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục, lí lẽ và dẫn chứng sinh động.
Trả lời câu hỏi SGK.
Trả lời câu 1 (Trang 101, SGK)
– Đi bộ ngao du thì ta hoàn toàn được tự do, tùy theo ý thích, không bị lệ thuộc vào bất cứ ai
– Đi bộ ngao du thì ta sẽ có dịp trau dồi vốn tri thức của ta.
– Đi bộ ngao du có tác dụng tốt đến sức khoẻ và tinh thần của con người.
Trả lời câu 2 (Trang 101, SGK)
– Trình tự sắp xếp ba luận điểm chính trên rất hợp lí vì nó phù hợp với chính suy nghĩ, cuộc đời, quan điểm của Ru-xô.
Trả lời câu 3 (Trang 101, SGK)
Thực tiễn cuộc sống từng trải của bản thân Ru-xô luôn bổ sung sinh động cho các lí lẽ của ông khi ông lập luận.
+ Tác giả dùng đại từ nhân xưng “ta” khi lí luận chung, xưng “tôi” khi nói về những cảm nhận riêng của bản thân mình khiến cho bài văn tăng thêm sự chân thành và thuyết phục.
+ Xưng “tôi” mỗi khi kể chuyện về Ê-min.
Trả lời câu 4 (Trang 101, SGK)
Qua tác phẩm, ta thấy bóng dáng của nhà văn Ru-xô
+ Quý trọng tự do, yêu thiên nhiên.
+ Con người giản dị, muốn sống thuận theo tự nhiên
+ Ông biết cân bằng, coi trọng cả vật chất và đời sống tinh thần.
Tham khảo:
Cảm nhận nội dung ý nghĩa văn bản Đi bộ ngao du của Ruxo
Ru-xô (1712-1778) là nhà văn, nhà triết học lỗi lạc của nước Pháp trong thế kỉ XVIII. Trích đoạn “Đi bộ ngao du” là quyển V – quyển cuối cùng của tác phẩm Ê-min hay Về giáo dục, xuất bản năm 1762, bài viết bày tỏ quan điểm muốn ngao du học hỏi cần phải đi bộ.
Ngao du bằng cách đi bộ mang lại cho con người rất nhiều lợi ích cả về thể chất lẫn tinh thần. Đi bộ ngao du rất thoải mái, chủ động và tự do. Ở Pháp và Tây Âu trong thế ki XVIII đi ngựa là sang trọng, văn minh. Nhưng Ru-xô đã so sánh và khẳng định: đi bộ ngao du thú vị hơn đi ngựa. Đi bộ ngao du rất thoải mái và chủ động: có thể đi hay dừng, có thể quay phải, quay trái, quan sát khắp nơi, xem xét tất cả tùy thích. Có thể đến với bao cảnh đẹp, cảnh lạ đó đây: một dòng sông, một khu rừng rậm, một hang động, một mỏ đá… Đến đâu ưa thích thì ta lưu lại đấy, lúc nào thấy chán thì bỏ đi. Đi bộ ngao du rất tự do, ta chẳng phụ thuộc vào những con ngựa hay gã phu trạm, có thể đi theo nhũng con đường mà ta thích: Gặp thời tiết xấu thì ta đi ngựa. Chẳng hề vội vã… Ê-min to khỏe, không mỏi mệt, em tìm được nhiều thú để giải trí, để làm việc, để vận động chân tay.
Đi bộ ngao du là cơ hội để tăng cường sự hiểu biết về thế giới xung quanh, những gì vốn rất quen thuộc nhưng ẩn chứa nhiều bí mật cần được khám phá. Đi bộ ngao du là để quan sát, tìm tòi, phát hiện như Ta-let, Pla-tông và Pi-ta-go. những nhà triết học, toán học vĩ đại của Hy Lạp thời cổ đại. Đi bộ ngao du là để xem xét những tài nguyên, là để biết các đặc sản nông nghiệp và cách thức trồng trọt những đặc sản ấy. Là để phát triển hứng thú với tự nhiên học: xem xét một khoảnh đất mà mình đi qua, ghè một vài mẩu của lèn đá, sưu tập hoa lá, những hòn sỏi, các hóa thạch của những quả núi. Ru-xô so sánh một cách hóm hỉnh để làm nòi bật lí lẽ của mình: phòng sưu tập của “những triết gia phòng khách” thì có đủ “các thử linh tinh” vì họ “chỉ biết gọi tên” nhưng ““chẳng có một ỷ niệm gì về tự nhiên cả”. Trái lại, phòng sưu tập của Ê-min là phòng sưu tập “cả trái đất “phong phú hơn các phòng sưu tập của vua chúa có thể so sánh với các công trình của Đô-băng-tông (1716 – 1800), nhà tự nhiên học lừng danh của nước Pháp.
Qua đó, Ru-xô đã đề cao con người tự nhiên; ông chỉ rõ phải đưa con người vào trong môi trường tự nhiên để mở mang kiến thức, phát triển nhân cách. Giáo dục không được thoát li tự nhiên, nếu không sẽ trở thành viển vông, vô nghĩa. Tư tưởng ấy, quan điểm ấy rất tiến bộ, đến nay vẫn có nhiều ý nghĩa.
Đi bộ ngao du có thể làm thay đổi trạng thái tinh thần, tăng cường cho ta tình yêu cuộc sống. Đi bộ ngao du còn làm cho sức khỏe “được tăng cường”, tính khí trở nên “vui vẻ” Kẻ xa hoa sống trong tiện nghi sang trọng “ngồi trong các cỗ xe tốt chạy rất êm” thì tâm hồn bệnh hoạn: “mơ màng, buồn bã, cáu kỉnh hoặc đau khổ”. Trái lại, Ê-min vì đi bộ nhiều nên lạc quan, yêu đời: “luôn luôn vui vẻ’, khoan khoái và hài lòng với tất cà”; ăn ngon miệng hơn dù “bữa cơm đạm bạc”, ngủ ngon giấc hơn, dù “cái giường tồi tàn”. Người ta có lúc phải phóng xe trạm cho nhanh, cho được việc, nhưng muốn ngao du thì phải đi bộ. Thú vị của đi bộ ngao du là làm cho con người trở nên giản dị hơn, biết sống, yêu sống và yêu đời hơn.
Cách viết của Ru-xô rất thâm trầm, giản dị. Qua các ngôi thứ: “tôi, ta, Ê- min”, ông đã làm cho giọng văn thay đổi, lúc thì tranh biện, lúc thì tâm sự. Lí lẽ, dẫn chứng ông nêu ra là sự thật hiển nhiên, là chân lí, đầy sức thuyết phục. Có lúc tác giả sử dụng so sánh một cách hóm hỉnh để khẳng định lí lẽ, quan điểm của mình. Lí lẽ, dẫn chứng và cách lập luận của Ru-xô rất mạch lạc và khúc chiết, sáng tỏ và sâu sắc khi khẳng định một chân lí: đi bộ ngao du rất thoải mái và tự do, rất bổ ích và thú vị. Ai cũng nên biết, cần biết đi bộ ngao du để mở mang kiến thức, mở rộng tầm mắt, phát triển nhân cách, thể lực, làm cho cuộc sống có sắc màu ý vị.
Đọc trích đoạn “Đi bộ ngao du” của Ru-xô, hơn bao giờ ta thêm sáng tỏ: học trong tự nhiên rộng lớn, học trong cuộc sống muôn màu là một trong những cách học tích cực nhất, có giá trị nhất.