doc-hieu-van-ban-khoe-cua-truyen-cuoi-dan-gian-ngu-van-8-chan-troi-sang-tao

Đọc hiểu văn bản Khoe của (Truyện cười dân gian) (Ngữ văn 8, Chân trời sáng tạo)

Đọc hiểu văn bản:

Khoe của
(Truyện cười dân gian)
(Ngữ văn 8, Chân trời sáng tạo)

I. Tìm hiểu chung.

1. Truyện cười.

– Truyện cười là thể loại tự sự dân gian chứa đựng yếu tố gây cười, nhằm mục đích giải trí, hoặc phê phán, châm biếm, đã kích những thói hư, tật xấu trong cuộc sống. Truyện cười là một trong những biểu hiện sinh động cho tính lạc quan, trí thông minh sắc sảo của tác giả dân gian.

2. Truyện “Khoe của”.

– Thể loại: Truyện cười dân gian.

II. Đọc hiểu văn Khoe của.

1. Tình huống truyện: Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa 2 anh chàng có tính khoe khoang:

– Anh chàng có áo mới: Mặc áo mới đứng ở cổng từ sáng đến chiều để được mọi người khen ngợi.

– Anh chàng có lợn cưới: Chạy đi tìm lợn nhưng cũng không quên khoe con “lợn cưới”.

Những vật đem khoe rất bình thường. Từ đó chế giễu tính hay khoe, khoe của.

2. Tình tiết gây cười.

– Cuộc “đụng độ” giữa 2 người khoe khoang.

+ Anh có áo mới:

  • Có chiếc áo mới liền mặc ngay mà không hề đợi đến ngày lễ hoặc tếm có dịp nào đó.
  • Anh ta “ đứng hóng ở cửa, đợi có ai đi qua người ta khen”.
  • Anh kiên nhẫn đứng từ sáng đến chiều.
  • Khi anh lợn cưới đến thì giơ vạt áo ra và trả lời.

Hành động thừa, lố bịch và trả lời thừa một vế.

+ Anh có lợn cưới:

  • Anh đi tìm lợn khoe trong lúc nhà đang có việc lớn ( nhà có đám cưới), lợn để làm cỗ cho lễ cưới lại bị sổng mất.
  • Lẽ ra chỉ cần hỏi người ta “ Bác có thấy con lợn của tôi chạy qua đây không?” Hoặc có thể miêu tả lại con lợn bị sổng như thế nào? Nhưng anh có lượn lại thế từ “ cưới” vào thành “ lợn cưới” không phải từ thích hợp để chỉ con lợn bị sổng.

Mục đích của anh ta chỉ để khoe lợn, khoe của. 

– Đặt ra những câu hỏi thừa thông tin nhằm mục đích khoe áo, lợn mới:

+ Anh chàng có lợn cưới: “Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?” → Mục đích: Khoe áo mới

+ Anh chàng có áo mới: “Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả” → Mục đích: Khoe lớn cưới, khoe của.

– Điệu bộ lố bịch, gây cười, hỏi nhưng không nhằm mục đích lấy thông tin mà chỉ cốt khoe khoang.

3. Ý nghĩa.

– Phê phán những người có tính khoe khoang, khoác lác.

III. Tổng kết.

1. Nội dung: Truyện “Khoa của” chế giễu, phê phán những người có tính hay khoe của, một tính xấu khá phổ biến trong xã hội.

2. Nghệ thuật: Cách kể chuyện ngắn gọn, gây ấn tượng cho người đọc. Có yếu tố gây cười, hài hước.

3. Bài học: Khoe khoang là việc phô trương tài sản cho người khác biết còn khoác lác là nói phóng đại sự thật, nói những lời không đúng với những gì mắt thấy tai nghe, không đúng với sự thật.


* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Phân tích ý nghĩa của truyện cười Khoa của.

Bài làm 1:

– Nội dung: Trong truyện Khoe của, yếu tố mâu thuẫn là cả hai anh chàng đều quá lố bịch. Khi trả lời, họ không trả lời đúng trọng tâm câu hỏi mà chỉ muốn khoe đồ vật của mình. Vậy nên câu trả lời của họ lạc đề, không có giá trị. Thậm chí, đến đồ vật của họ muốn khoe cũng không có gì đặc biệt cả. Hành động của hai anh này cũng hết sức buồn cười,  một anh chàng thì đứng cả ngày trời, một anh thì dù có việc vội vã vẫn không quên khoe của.

– Nghệ thuật: Tác giả sử dụng những hình ảnh hay câu chuyện gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu, tình huống rất đời thường và bình dị. Vậy nên, từ những hình ảnh quen thuộc, người đọc càng thấy sự hài hước và châm biếm trong câu chuyện. Cách tác giả dân gian vận dụng và sử dụng rất tài tình, hợp lý tình huống và lời đối đáp để phản ánh thói xấu của con người. Nhờ đó, đằng sau tiếng cười chứa đựng bài học cho con người nhẹ nhàng, thâm thúy

– Bài học: Không nên nói khoác lác, phóng đại sự việc mà phải trung thực, tôn trọng sự thật. Nếu cố chấp nói khoác, câu chuyện của bạn sẽ bị phát hiện và tạo thành câu chuyện cười cho những người khác, tự mình làm xấu mình.

Bài làm 2:

  • Mở bài:

Truyện cười là sản phẩm sáng tạo của trí tuệ dân gian, được lưu truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Truyện cười được sáng tác không chỉ nhằm mang đến tiếng cười giải trí sau những phút giây lao động mệt mỏi mà còn ngầm phê phán những thói hư tật xấu, qua đó gửi gắm những bài học, ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Một trong những tác phẩm truyện cười nổi tiếng nhất trong kho tàng văn học dân gian có thể kể đến, đó là “Khoe của”.

  • Thân bài:

Truyện cười “Khoe của” kể về cuộc gặp gỡ và đối thoại đầy hài hước của hai anh chàng có tính khoe khoang. Anh chàng có chiếc áo mới thì mặc lên người, đứng ngoài cổng từ sáng sớm để khi có người đi qua sẽ nhận được lời khen ngợi, trầm trồ. Thế nhưng, đen đủi thay anh ta đứng từ sáng đến tận chiều mà không ai quan tâm, cũng không ai dành cho anh ta lời khen ngợi như điều anh ta kì vọng. Có thể thấy anh chàng khoe áo mới là một người rất kiên trì, anh ta chấp nhận đứng từ sáng đến tối để nhận được lời khen mà không hề bỏ cuộc giữa chừng. Thế nhưng đặt sự kiên trì ấy vào mục đích của anh ta: chỉ muốn nhận được lời khen thì ta lại thấy hành động ấy có chút trẻ con, lố bịch. Vì những lời khen sáo rỗng mà bỏ ra bao thời gian, công sức và tất cả sự kì vọng, trông đợi. Câu chuyện khoe áo của anh chàng vừa nực cười vừa đáng chê trách.

Tình tiết gây cười được đẩy lên cao trào khi anh chàng có áo mới “may mắn” gặp được một người. Thế nhưng oái oăm thay, anh chàng đi tìm lợn mà anh ta gặp lại là một người có tính khoe khoang giống mình. Cuộc đối thoại giữa hai anh chàng mang đến tiếng cười sảng khoái vì nó thể hiện được “cuộc chiến” cân tài cân sức, ai cũng cố gắng khoe khoang một các lố bịch. Câu chuyện sẽ không có gì bất thường nếu anh chàng mới đến hỏi thăm một cách bình thường về con lợn bị mất nhà mình. Có thể thấy anh ta đang rất vội vàng tìm lợn để làm đám cưới, thế nhưng sự gấp gáp của thời gian không đánh mất đi bản tính thích khoe khoang, khoác lác của mình. Câu hỏi “Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?” khiến người đọc bật cười bởi sự thừa thãi trong nội dung câu hỏi và mục đích gây chú ý và muốn được khen ngợi. Con lợn thì ai cũng biết nhưng anh ta lại nhấn mạnh “lợn cưới” để khoe khoang nhà đang có việc, hơn nữa còn được tổ chức ăn uống rất linh đình.

Cuộc đối thoại càng trở nên thú vị hơn khi anh chàng có áo mới cất tiếng trả lời “Từ khi tôi mặc chiếc áo mới này, chẳng thấy có con lợn nào chạy qua đây cả”. Nghe qua câu trả lời vẫn đáp ứng được nội dung câu hỏi của anh đi tìm lợn, rằng: Tôi không thấy con lợn nào cả. Thế nhưng cách anh ta trả lời lại mang đến những tràng cười sảng khoái, bởi mục đích của anh ta đâu phải trả lời anh chàng tìm lợn mà để khoe chiếc áo mới mua của mình đó chứ. Đúng là khi kẻ năm lạng gặp người nửa cân, để nhận được lời khen sáo rỗng cả hai anh chàng đều dựng lên một kịch bản “hoàn hảo” và bản thân trở thành diễn viên chính nhưng vô tình lại mang đến một vở hài kịch với những tràng cười sảng khoái.

  • Kết bài:

Thông qua xây dựng một cuộc gặp gỡ đầy hài hước của hai anh chàng có tính hay khoe, tác giả dân gian đã ngầm phê phán thói khoe khoang, khoác lác, đây cũng là thói hư tật xấu phổ biến ở một bộ phận người trong xã hội xưa. Bằng cách kể chuyện tự nhiên, ngắn gọn với những yếu tố gây cười tự nhiên, truyện cười “Khoe của” không chỉ mang đến những tiếng cười hài hước mà còn truyền tải, gửi gắm được những bài học ý nghĩa.

Bài làm 3:

 

– Truyện “Khoe của” kể về hai anh chàng có tính hay khoe. Một người thì có chiếc áomới, còn người kia thì có con “lợn cưới”. Anh có chiếc áo mới đứng ở ngoài cửađợi người đi qua khen mình mã mãi không thấy ai hỏi thì tức tối lắm. Bỗng anh có con lợn cưới đi qua và hỏi có thấy có con “lợn cưới” không. Anh này nhân cơ hội liền lấy tay khoe vạt áo và bảo không thấy có con lợn nào chạy qua cả mà không cần biết người khác đang hỏi gì mình.

– Hành động của anh “áo mới”: “Có anh tính hay khoe của. Một hôm, may đượccái áo mới, liền đem ra mặc, rồi đứng hóng ở cửa, đợi có ai đi qua người ta khen.”

+ Mở đầu câu chuyện ta đã thấy vô cùng hài hước, người đàn ông trong câu chuyện (anh “áo mới”) đã là một người trưởng thành, nhưng lại có một tính cách rất trẻ con, đó là muốn nhận được những lời khen ngợi của mọi người.

+ Nhưng đen đủi thay cho anh ta, vì đứng từ sáng đến tận chiều nhưng không thấy ai hỏi thăm hay đả động gì đến chiếc áo cả. Ta cũng có thể thấy anh ta khá là kiên nhẫn, bởi không nề hà thời gian hay sự mệt mỏi, vì mục đích của mình mà anh ta vô cùng quyết tâm. Sự kiên nhẫn ấy đáng quý nhưng mục đích của anh ta lại rất nực cười, thậm chí thành lố bịch, người đọc sẽ cảm thấy khó hiểu rằng vì sao chỉ vì một lời khen sáo rỗng mà anh ta chấp nhận hi sinh thời gian và công sức một cách mù quáng như vậy.

– Tính khoe khoang của anh ta không dừng lại ở sự trẻ con nữa mà thành một hành động đáng chê cười, đả kích. Vì không được ai khen mà anh ta trở nên tức tối, bực bộ.

+ Anh có áo mới thích khoe của đến mức đứng ở cổng từ sáng đến chiều mà không thấy ai đi qua mà hậm hực.-Hành động của anh “lợn cưới”: “Đang tức tối, chợt thấy một anh, tính cũng hay khoe, tất tưởi chạy đến hỏi to: Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?”

+ Lại càng ngớ ngẩn hơn khi có một người đàn ông kia (anh “lợn cưới”) tỏ ra hớt hải chạy đến hỏi anh chàng này : “Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?”. Lời hỏi han sẽ rất bình thường nếu như anh ta không cố tình nhấn mạnh từ “lợn cưới”. Con lợn thì ai cũng biết, nhưng lợn cưới thì thật kì quặc, nó “đậm” mùi khoe khoang, chẳng là nhà của người đàn ông này đang có công việc, vì vậy mà việc hỏi con lợn cưới chỉ là hình thức màu mè bên ngoài. Còn mục đích chính là khoe hôm nay nhà tôi có việc, có tổ chức ăn uống rất linh đình.

+ Anh “lợn cưới” thích khoe của đến mức khoe trong tình huống mất con lợn mới (trong đám cưới) nên đi tìm.

– Màn đối thoại của 2 anh chàng:

+ Ta có thể thấy hai anh chàng khoe khoang đều gặp đúng đối thủ, đúng là “vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn”. Người đàn ông chạy đi tìm lợn hỏi với giọng điệu vô cùng hồ hởi, câu trả lời anh ta mong muốn nhận được nhất lúc này là sự hỏi thăm về con lợn cưới.

+ Nhưng, đối thủ của anh ta lại không phải là người bình thường, anh ta trả lời nhưng cũng không giống với câu trả lời mà người đàn ông tìm lợn muốn nghe: “Từ lúc tôi mặc chiếc áo mới này, chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả!”. Nghe qua, câu trả lời đáp ứng được câu hỏi nhưng ai cũng có thể phát hiện ra mục đích của anh chàng kia cũng không phải trả lời mà là khoe về chiếc áo của mình.

– Câu truyện đáng cười vì ai cũng thích khoe khoang, thể hiện. Lời lẽ và cử chỉ của nhân vật chỉ hướng đến mục đích khoe của, khoe của một cách vô duyên và  quá lộ liễu. Cách khoe của này không ngờ lại gây cười cho người trong thiên hạ.

– Tiếng cười châm biếm ( cụ thể trong trào phúng bạn): Những thói xấu “thông thường” ở những người bình dân bộc lộ ở những hành vi buồn cười trong sinh hoạt của họ

+ Ở đây nó là tiếng cười châm biếm nhưng không gay gắt và quyết liệt như tiếng cười trào phúng dành cho giai cấp thống trị (trào phúng thù). Truyện cười”Lợn cưới áo mới” mượn tình huống hài hước, khoe của của hai người đàn ông để phản ánh và chế giễu những người có lối sống khoe khoang một cách quá trớn,khoe không có điểm dừng và không khéo léo. Mang lại tiếng cười vui vẻ nhẹ nhàng nhưng có ý nghĩa sâu cay đối với chúng ta về thói xấu phổ biến của một bộ phận người trong xã hội – khoe khoang.

Truyện cười “Khoe của” là những tiếng cười mỉa mai, châm biếm thói hay khoe, háo danh, hay thích thể hiện mình của một số người trong xã hội. Qua việc phê phán thói khoe khoang của anh “áo mới” và anh “lợn cưới”,câu chuyện cũng muốn đề cao về sự khiêm tốn, chừng mực trong cách xử sự.

Truyện có tính giáo dục sâu sắc. Khoe khoang là một thói quen xấu, tuy không gây hại cho người khác nhưng để lại những ấn tượng không tốt trong mắt người đối diện. Những lời khoe khoang khiến cho người nói trở nên lố bịch đồng thời gây khó chịu cho người khác. Cần sống giản dị, khiêm nhường, tài năng và giá trị của con người được khẳng định qua những hành động cụ thể chứ không phải những lời khoe khoang sáo rỗng, vô vị.

Bài làm 4:

  • Mở bài:

Truyện cười có những nét đặc trưng riêng không thể nhầm lẫn, bởi yếu tố gây cười cũng như nội dung hàm súc của nó. Đằng sau tiếng cười sảng khoái, người ta buộc phải ngẫm nghĩ, phải học hỏi và thay đổi. Khoe của là một trong những truyện cười đặc sắc, khiến chúng ta không ngừng suy nghĩ.

  • Mở bài:

“Khoe của” mở đầu bằng tình huống trào phúng. Trong truyện, ta bắt gặp hai anh có tính khoe của gặp nhau. Một anh thì may được chiếc áo mới liền mặc ngay, mong được khen. Một anh thì muốn khoe với mọi người mình có con lợn cưới. Người có áo mới thì mặc ngay và đứng hóng ở cửa, đợi có ai đi qua người ta khen. Anh ta tức giận chỉ vì anh ta đã đứng từ sáng đến chiều mà chẳng có ai hỏi.

Chi tiết “đứng hóng ở cửa” rất đắt. Nó lột tả được những điều đáng chê cười ở anh chàng này. Một cái áo mới thì có gì đâu mà đến nổi bỏ cả công ăn việc làm, chỉ “hóng” ở cửa để khoe. Khi có người mất lợn hỏi “Bác có thấy con lợn của tôi chạy qua đây không?” thì lẽ ra anh ta phải trả là “Tôi có thấy con lợn chạy qua đây” hoặc “Tôi không thấy con lợn nào chạy qua đây cả”. Câu trả lời của anh ta lại là: “Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả”. Với mọi người thì câu trả lời đó thừa thãi. Nhưng với anh ta thì có lẽ câu trả lời đó mới diễn đạt đúng đủ mục đích “khoe” của anh ta. Thật là buồn cười và lố bịch.

Tình huống được xây dựng theo cách nói quá, lố bịch hơn so với hoàn cảnh thường thấy, nhằm mục đích nhấn mạnh vào bài học mà tác giả muốn đề cập. Đó là phê phán đả kích thói khoe khoang, khoe của. Đây là tính xấu phổ biến trong xã hội, thói khoe khoang khiến đối phương khó chịu và cảm giác không được thoải mái, thân thiện, dễ khiến chúng ta mất điểm trong mắt người khác. Trong câu chuyện, hai kẻ thích khoe khoang gặp nhau đã tạo thành một tình huống lố bịch, dở khóc dở cười. Trong cuộc sống, hãy hạn chế tối đa thói xấu này, người xưa nói rằng một bông lúa chín là một bông lúa biết cúi đầu, giá trị của một người chỉ thực sự lớn khi họ biết cách khiêm tốn.

Câu chuyện khuyên ta hãy sống khiêm tốn. Đức độ và tài năng của mỗi người sẽ được bộc lộ qua việc làm chứ không bộc lộ qua lời nói. Thước đo giá trị con người không phải bằng tiền bạc mà bằng tài năng, trí tuệ và sự đóng góp, cống hiến của người đó đối với cộng đồng, xã hội.

Bên cạnh đó, việc khoe khoang sẽ khiến cho trí tuệ của con người giảm sút, bởi họ chỉ quan tâm đến việc làm sao để đối phương biết những thứ mình có, dẫn tới sự lố bịch trong cách giao tiếp, ví dụ hình ảnh lợn cưới trong câu chuyện mang đầy tính châm biếm đả kích. Trí tuệ giảm sút, khiêm tốn không có rất dễ đi đên thất bại, trong cuộc sống không cần phải nói nhiều, tự họ sẽ nhìn nhận giá trị của bạn, và chỉ như vậy, bạn mới được công nhận.

  • Kết bài:

Như vậy “Khoe của” tuy có cốt truyện đơn giản, không đặc sắc, nhưng không vì vậy mà mất đi nôi dung hay. Với tiếng cười châm biếm, tác phẩm phê phán thói khoe khoang của con người và khuyên chúng ta phải biết khiêm tốn trong cuộc sống.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang