huong-dan-cach-lam-bai-nghi-luan-ve-mot-tac-pham-tho-hoac-doan-tho

Hướng dẫn cách làm bài nghị luận về một tác phẩm thơ (hoặc đoạn thơ)

Hướng dẫn cách làm bài nghị luận về một tác phẩm thơ (hoặc đoạn thơ).

I. Nghị luận về một đoạn thơ bài thơ là gì?

1. Khái niệm.

Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là trình bày nhận xét, đánh giá của mình về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ ấy. Bài văn nghị luận nhằm làm rõ tư tưởng, phong cách nghệ thuật của thơ đã tác động tới cảm xúc thẩm mĩ, tư duy nghệ thuật và những liên tưởng sâu sắc của người viết.

– Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ được thể hiện qua ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu… bài nghị luận cần phân tích các yếu tố ấy có những nhận xét, đánh giá cụ thể, xác đáng

– Nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ được thể hiện qua yếu tố ấy để có những nhận xét, đánh giá, cụ thể, xác đáng.

– Bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần có bố cục mạch lạc, rõ ràng; có lời văn gợi cảm, thể hiện rung động chân thành của người viết.

– Hình thức chính của kiểu bài nghị luận này là phân tích, cảm nhận hoặc bình giảng.

– Đề bài có cấu tạo chia làm hai dạng:

  • Dạng đề có những từ ngữ chỉ rõ cách thức tiến hành bài làm: phân tích, cảm nhận và suy nghĩ, cảm nhận, gợi cho em những suy nghĩ gì,…
  • Dạng đề không có những từ ngữ định hướng.

2. Các dạng đề thường gặp.

Đề bài của dạng bài văn nghị luận này sẽ có những dạng cụ thể sau:

  1. Phân tích/cảm nhận một bài thơ.
  2. Phân tích/cảm nhận một đoạn thơ.
  3. Phân tích/cảm nhận một khía cạnh trong đoạn thơ, bài thơ.
  4. Phân tích/cảm nhận một hình ảnh, chi tiết trong bài thơ.
  5. So sánh giữa hai bài thơ, hai đoạn thơ.
  6. Nghị luận ý kiến bàn về bài thơ, đoạn thơ.

Xem thêm:

II Cách làm bài văn nghị luận về một bài thơ (hoặc đoạn thơ).

1. Kỹ năng phân tích đề.

– Tùy yêu cầu đề bài mà chúng ta thực hiện theo đúng ý trong đó, như trong đề có yêu cầu về mệnh lệnh hoặc vấn đề cần nghị luận thì nên thực hiện đúng theo yêu cầu đó.

– Các từ ngữ trong đề bài như phân tích, cảm nhận và suy nghĩ biểu thị những yêu cầu định hướng cách làm bài.

+ Phân tích: yêu cầu phải phân tích đoạn thơ, bài thơ, đi sâu vào các phần nhỏ của nó để rút ra những nhận định cần thiết.

+ Cảm nhận: lưu ý đến ấn tượng và cảm thụ riêng của người viết về đoạn thơ, bài thơ đó, nhấn mạnh đến yếu tố cảm thụ chủ quan.

+ Suy nghĩ: nhằm nhấn mạnh tới những suy nghĩ riêng, những kết luận rút ra trên cơ sở suy luận về những yếu tố nội dung, nghệ thuật và kết luận lô-ghic rút ra từ đó.

2. Các bước triển khai bài nghị luận về một đoạn thơ bài thơ.

a. Kiểu bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ:

  • Mở bài:

– Giới thiệu ngắn gọn kiến thức cơ bản về tác giả, về hoàn cảnh ra đời, xuất xứ của bài thơ, đoạn thơ.

– Nêu khái quát về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ.

– Giới thiệu những vấn đề nghị luận và trích dẫn.

  • Thân bài:

1. Giới thiệu chung.

2. Phân tích, cảm nhận những giá trị nội dung và nghệ thuật:

– Trình bày và phân tích từng luận điểm qua các yêu tố:

+ Hình ảnh, từ ngữ thơ.
+ Nhịp điệu, âm điệu thơ.
+ Tình cảm, tư tưởng của tác giả.

– Viết thành từng đoạn, phải đảm bảo yêu cầu về cấu trúc và bố cục của từng đoạn, khi chuyển ý cần sử dụng các phương tiện liên kết, chuyển ý.

3. Đánh giá chung về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ: những hình ảnh giàu ý nghĩa, biểu tượng, cấu tứ, nhịp điệu.

  • Kết bài:

– Đánh giá khái quát và khẳng định giá trị riêng, đặc sắc của bài thơ, đoạn thơ nghị luận.

* Lưu ý:

– Có thể phân tích bài thơ theo từng khổ, từng dòng. Nếu là thơ Đường luật thì phân tích theo từng cặp Đề – Thực – Luận – Kết. Riêng đối với thơ tứ tuyệt chia theo cấu trúc: khai, thừa, chuyển, hợp; hoặc chia thành hai câu đầu và hai câu cuối (tuỳ từng bài cụ thể).

– Hoặc có thể phân tích theo hình tượng thơ, theo nội dung xuyên suốt bài thơ. Đưa các nội dung chính của bài thơ, đoạn thơ thành các luận điểm lớn. Nếu đề yêu cầu cảm nhận đoạn thơ, câu thơ, thì chia nhỏ các nội dung có trong đoạn, trong câu, biến chúng thành các luận điểm lớn để đi sâu cảm nhận.

– Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần nêu được các nhận xét, đánh giá và sự cảm thụ riêng của người viết. Những nhận xét, đánh giá ấy phải gắn với sự phân tích, bình giá ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu, cảm xúc của tác phẩm

b. Kiểu bài nghị luận so sánh hai đoạn thơ, bài thơ.

– So sánh hai bài thơ, đoạn thơ tuyệt đối không phải để khẳng định tác phẩm nào hay hơn, mà để tìm ra nét hay tương đồng và độc đáo của mỗi tác phẩm. Sự tương đồng nói lên tính phong phú, phát triển của văn học. Điểm khác biệt tô đậm phong cách riêng của mỗi nhà thơ và xu hướng sáng tác…

– Ở phần thân bài phải đảm bảo hai bước: phân tích từng tác phẩm trước rồi so sánh sau.

– Các bình diện để so sánh:

  • Tác giả, hoàn cảnh sáng tác, mục đích sáng tác.
  • Đề tài và nội dung tư tưởng của mỗi bài thơ, đoạn thơ.
  • Bút pháp nghệ thuật.
  • Giá trị, ý nghĩa và sức sống của mỗi bài thơ, đoạn thơ trong sự nghiệp sáng tác của mỗi nhà thơ.

* Dàn ý nghị luận so sánh hai đoạn thơ, bài thơ:

  • Mở bài:

– Giới thiệu hai tác giả và hai bài thơ (2 đoạn thơ).

– Giới thiệu vấn đề nghị luận.

  • Thân bài:

1. Phân tích bài thơ/đoạn thơ thứ nhất. Đưa ra định hướng những điểm tương đồng và khác biệt với bài thơ, đoạn thơ thứ hai.

2. Phân tích bài thơ/đoạn thơ thứ hai theo định hướng những điểm tương đồng với bài thơ, đoạn thơ thứ nhất.

3. So sánh:

– Chỉ ra những điểm tương đồng của hai bài thơ, đoạn thơ. Tìm ra nguyên nhân và ý nghĩa.

– Chỉ ra những điểm khác biệt của mỗi bài thơ, đoạn thơ. Từ đó khẳng định những nét độc đáo, giá trị riêng của mỗi bài thơ, đoạn thơ.

  • Kết bài:

– Đánh giá giá trị nội dung và nghệ thuật của mỗi bài thơ, đoạn thơ.

– Những cảm nhận về phong cách sáng tác của mỗi nhà thơ.

c. Nghị luận ý kiến bàn về bài thơ, đoạn thơ:

– Bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần đáp ứng các yêu cầu của một bài văn nghị luận nói chung.

– Cần nêu lên được các nhận xét, đánh giá và sự cảm thụ riêng của người viết. Những nhận xét, đánh giá ấy phải gắn với sự phân tích, bình giá ngôn, từ, hình ảnh, giọng điệu, nội dung cảm xúc,… của tác phẩm.

– Đối tượng của kiểu bài này rất đa dạng (một bài thơ, đoạn thơ, hình tượng thơ…). Kiểu bài này cần tìm hiểu từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu, cấu tứ của bài thơ, đoạn thơ đó.

* Dàn ý nghị luận ý kiến bàn về bài thơ, đoạn thơ:

  • Mở bài:

– Giới thiệu đoạn thơ, bài thơ và bước đầu nêu nhận xét, đánh giá của mình (Nếu phân tích một đoạn thơ nên nêu rõ vị trí của đoạn thơ ấy trong tác phẩm và khái quát nội dung cảm xúc của nó).

  • Thân bài:

– Lần lượt trình bày những suy nghĩ, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ để làm rõ vấn đề cần nghị luận.

  • Kết bài:

– Khái quát ý nghĩa, giá trị của đoạn thơ, bài thơ.

Xem thêm: Hướng dẫn cách làm bài nghị luận (phân tích, cảm nhận) về một tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang