ke-lai-le-gio-to-hung-vuong-o-truong-em

Kể lại buổi Lễ giỗ Tổ Hùng Vương ở trường em

KỂ LẠI BUỔI LỄ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG Ở TRƯỜNG EM

Dàn bài:

  • Mở bài:

– Nêu được sự việc có thật liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử mà văn bản sẽ thuật lại.
– Nêu lí do hay hoàn cảnh người viết thu thập tư liệu liên quan.

  • Thân bài:

1. Gợi lại bối cảnh, câu chuyện, dấu tích liên quan đến nhân vật, sự kiện.

– Câu chuyện, huyền thoại hoặc dấu tích liên quan đến nhân vật, sự kiện.

2. Thuật lại nội dung/ diễn biến của sự việc có thật liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử.

– Bắt đầu – diễn biến – kết thúc.
– Sử dụng được một số bằng chứng (tư liệu, trích dẫn,…); kết hợp kể chuyện với miêu tả.

3. Ý nghĩa, tác động của sự việc đối với đời sống hoặc đối với nhận thức về nhân vật/ sự kiện lịch sử.

  • Kết bài:

– Khẳng định ý nghĩa của sự việc hoặc nêu cảm nhận của người viết về sự việc.

Bài văn mẫu:

  • Mở bài:

– Nêu được sự việc có thật liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử mà văn bản sẽ thuật lại: Hằng năm, vào Mùng 10 tháng 3 Âm lịch, Trường THCS Nguyễn tri Phương long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại trường nhằm tưởng nhớ và tôn vinh công lao dựng nước và giữ nước của các vị vua Hùng. Đây là ngày lễ lớn nhất trong năm, có đầy đủ ban giám hiệu Nhà trường, thầy cô giáo và học sinh toàn trường đến tham dự.

  • Thân bài:

1. Gợi lại bối cảnh, câu chuyện, dấu tích liên quan đến nhân vật, sự kiện.

Hùng Vương hay vua Hùng là cách gọi dành cho các vị vua nước Văn Lang của người Lạc Việt. Thời đại Hùng Vương trải qua 18 đời, kéo dài từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 2 trước công nguyên. Các vua Hùng đại diện cho tổ tiên, cho truyền thống dựng nước và là niềm tự hào về nền văn minh đậm đà bản sắc dân tộc trong suốt mấy nghìn năm.

2. Thuật lại nội dung/ diễn biến của sự việc có thật liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử.

Hôm trước ngày Giỗ Tổ, khu vực sân khấu đã được trang trí thật đẹp đẽ với rất nhiều hoa tươi, không gian xung quanh sân trường cũng được dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ.

+ Bắt đầu và diễn biến sự việc:

Buổi sáng diễn ra Lễ Giỗ Tổ, học sinh toàn trường trong trang phục lễ trang trọng tập trung đầy đủ ở giữa sân. Ban giám hiệu Nhà trường, đại biểu khách mời và các thầy cô giáo ngồi ở hàng ghế phía bên trái. Khu vực bàn thờ Tổ được trang trí và bày biện rất nhiều lễ vật.

Bắt đầu buổi Lễ, Thầy Hiệu trưởng thay mặt Nhà trường long trọng đọc bài văn tế Lễ. Bài văn tế trầm hùng trong giọng đọc vang vọng nhằm ôn lại lịch sử 4.000 năm dựng nước, giữ nước và khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phát triển mạnh mẽ, sánh ngang cùng các quốc gia phát triển trong thời đại mới: “Mừng hôm nay/ Trống đồng dội tới/ Núi sông dậy sấm anh hùng/ Trống đồng vang lên/ Trời đất ngút ngàn linh khí/ Toàn dân giỗ tổ Hùng Vương/ Cả nước vui ngày quốc lễ…”

Trên hương án, khói trầm toả ra nghi ngút. Một mùi hương ấm áp lan tỏa khắp không gian thật dễ chịu, khiến cho không khí buổi Lễ càng trở nên thiêng liêng. Sau bài văn tế của Thầy Hiệu trưởng, toàn trường im lặng một phút tưởng niệm các Vua Hùng.

Tiếp đến là phần dâng phẩm vật kính lễ Tổ Hùng Vương. Thầy Hiệu trưởng là người đầu tiên lên kính lễ dâng hương. Thầy chậm rãi bước lên trước bàn thờ, cẩn thận đặt đồ tế lễ lên bàn rồi thắp ba cây nhang, kính cẩn khấn vái. Sau đó là các vị đại biểu, rồi đến các thầy cô giáo. Cuối cùng là đại diện các lớp xếp hàng trật tự bước lên dâng hương. Trong suốt buổi lễ, một không khí trang nghiêm, thành kính bao trùm. Ai cũng xúc động trước buổi lễ cao cả, trọng đại.

+ Kết thúc sự việc: 

Sau khi tất cả các học sinh dâng hương, buổi lễ kết thúc. Học sinh trở về lớp học, tiếp tục buổi học.

3. Ý nghĩa, tác động của sự việc đối với đời sống hoặc đối với nhận thức về nhân vật/ sự kiện lịch sử.

Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước. Đồng thời, đây còn là dịp để giáo dục học sinh biết tự hào về nền văn hóa của dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước và ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

  • Kết bài:

– Khẳng định ý nghĩa của sự việc hoặc nêu cảm nhận của người viết về sự việc: Qua nhiều lần tham dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tôi đã hiểu rõ ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ và vô cùng biết ơn các vị vua Hùng đã có công dựng nên đất nước, giữ gìn và phát triển đất nước, đặt nền móng đầu tiên của quốc gia Việt Nam từ buổi đầu sơ khai, để từ đó, con cháu đời đời sau kế tục, giữ gìn và phát huy xây đựng đất nước vững mạnh, giàu đẹp như ngày hôm nay. Buổi lễ giúp tôi càng thêm tự hào về truyền thống của dân tộc, bồi dưỡng thêm lòng yêu nước, từ đó ra sức học tập để mai này đem sức mình xây dựng quê hương, đất nước.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang