Kể lại một hoạt động xã hội: Giúp đỡ người vô gia cư trong những Tết đến.
- Mở bài:
Không phải ai sinh ra cũng đều có một cuộc đời bình yên và hạnh phúc. Có những người vì một lí do nào đó đã không còn có gia đình, nhà của, trở thành người vô gia cư lang bạc nay đây mai đó, dầm sương dãi gió, đội nắng đội mưa, sống những tháng ngày nghèo đói, cơ cực. Những người như thế rất đáng thương, rất cần có sự giúp đỡ của mọi người. Từ cuối năm ngoái, tôi đã tự nguyên tham gia vào tổ chức hỗ trợ người vô gia cư trong những ngày Tết âm lịch. Đó là một việc làm hữu ích, đầy ý nghĩa, khiến tôi còn nhớ mãi,…
- Thân bài:
Tôi nhớ rất rõ những người vô gia cư ấy. Những người thường lang thang dọc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đường Điện Biên Phủ, đường Cách mạng Tháng Tám,…. Hàng ngày, để có tiền trang trải cuộc sống, những người vô gia cư thường đi lượm ve chai, bán vé số để sống. Người nào may mắn, thuê được chỗ trọ giá rẻ, rủ năm bảy người ở cùng để đỡ đần nhau, cũng có người đã quen với lề đường, góc chợ mỗi khi đêm xuống. Đối với họ, Tết là một khái niệm xa vời…
Đêm 30 Tết, tiết trời Sài Gòn về đêm cũng khiến cho nhiều người co ro vì lạnh, một số người khoác lên mình chiếc áo mỏng, tranh thủ chợp mắt. Đêm càng về khuya, dọc các tuyến đường ở Sài Gòn, trong khi một số người vô gia cư đã ngon giấc, một số khác vẫn ngắm nhìn ánh đèn điện rực rỡ và nghĩ về cái Tết xa quê. Có lẽ, họ đang nhớ quê lắm.
Nhóm chúng tôi có năm người: tôi là người nhỏ nhất, hai anh sinh viên trường Đại học Bách Khoa, một anh dân quân tự vệ và một bác cán bộ phường. Hôm ấy, nhận quà tặng từ các mạnh thường quân, nhóm chúng tôi được phân công phát gửi quà Tết cho các cô bác vô gia cư đang ở trên đường Võ Thị Sáu.
Đêm 30 Tết, đường phố Sài Gòn thưa thớt người đi. Bóng đèn điện đường không còn rực rỡ, phủ lên đường là những bóng cây mờ mờ buồn chán. Người đầu tiên chúng tôi gặp là một phụ nữ tiều tụy, xanh xao với đứa con nhỏ chừng ba bốn tuổi đang ngồi trước cửa đã đóng kín của một cửa hàng điện thoại. Bóng tối mái hiên phủ xuống, chỉ trông thấy nửa khuôn mặt chị. Thấy chúng tôi đến, chị cũng chẳng bận tâm. Chắc là chị đã quá mệt mỏi. Nhận món quà từ tay bác cán bộ phường, chị khẽ gật đầu cảm ơn.
Chúng tôi tiếp tục đi về phía trước khoảng hai ba căn nhà thì nhìn thấy một bà cụ đang nằm ngủ trên ghế đá. Chiếc nón lá đã cũ sờn, còn khoát trên cánh tay, hai chai nước nhỏ để trong túi. Không muốn làm bà tỉnh giấc, chúng tôi lặng lẽ đặt món quà bên cạnh rồi đi tiếp về hướng vòng xoay Dân Chủ.
Đi được một đoạn, trước cửa hàng hoa, chúng tôi bắt gặp một nhóm người đang ngồi uống nước và thì thầm nói chuyện. Thấy chúng tôi đến, họ yên lặng, nhìn chúng tôi đầy lo lắng. Bác cán bộ phường nhanh chóng đến chào hỏi để xua tan không khí ngại ngùng. Hỏi ra mới biết họ đều ở miền Trung vào đây bán vé số. Ngày Tết, giá vé xe đò đắt đỏ quá nên họ không thể về quê. Chủ đại lý cũng đóng cửa đi đâu đó cả tuần nay nên họ cũng không còn nơi để tá túc nữa. Nghĩ mà thương. Trò chuyện một hồi, bác cán bộ phường gửi cho mỗi người một phần quà cùng những lời chúc tốt đẹp. Họ rất vui vẻ và cảm ơn rối rít.
Đêm hôm ấy, chúng tôi trao tặng 10 phần quà. Mỗi phần quà gồm có bánh chưng, bánh Tết, bánh Pía, nước uống và phong bao lì xì, dù không mang nhiều giá trị vật chất nhưng phần nào đó, những món quà giữa đêm khuya cũng khiến cho những người bất hạnh ấy được ấm lòng.
- Kết bài:
Người xưa từng nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Với những người đang trong nghịch cảnh, được người khác quan tâm, giúp đỡ, dù là ít ỏi cũng là nguồn động viên lớn lao, giúp họ thêm vững tin, tiếp tục tiến về phía trước. Một chuyến đi thiện nguyện giúp tôi nhận ra ngay khi chúng ta đang ngủ say trong chăn ấm thì ở ngoài kia còn có biết bao số phận bất hạnh chỉ cần có một chiếc áo lành là đủ rồi. Lúc chúng ta lãng phí thức ăn thì có những người chỉ cần một bữa cơm đạm bạc đã là hạnh phúc. Hãy luôn nghĩ về người khác, biết yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ những người xung quanh mình sẽ giúp cuộc sống của chúng ta ngày càng tối đẹp hơn.