Kể về ba em
Có những hạnh phúc bỗng nhiên tan vỡ. Bất ngờ và đường đột. Có những niềm vui chợt tắt không hay. Ngày ba ra đi, tôi cứ nghĩ là mẹ nói dối. Mẹ chỉ trêu đùa tôi bởi tôi hay nghịch ngợm, bướng bỉnh. Nhưng không, đó là sự thật. Cho đến bây giờ, sau bốn tháng ba rời xa cõi trần, tôi đã tin đó là sự thật.
Ba mẹ tôi không phải người thành phố. Từ hơn mười năm trước, khi cửa nhà bị lũ phá tiêu tan và cướp đi sinh mệnh của anh trai tôi, ba mẹ tôi quẫn chí bỏ quê nhà miền trung nắng cháy phiêu bạt vào Nam. Lúc đó, tôi vẫn chưa ra đời. Ba mẹ cứ đi, cứ đi như cố trốn tránh đau thương, trốn tránh nỗi bi hận dòng đời nghiệt ngã. Ngày lang thang trên những nẻo đường, ai cho gì ăn nấy. Tối đến đâu thì tìm nơi ngủ tạm. Cứ thế, gần một tháng ròng rã, ba dìu dắt mẹ vào tới Sài Gòn rồi dừng chân ở đây. Nước mắt của mẹ tôi cũng đã cạn.
Người ta nói đất Sài Gòn hiền từ lắm, người Sài Gòn tốt tính, hay thương. Đó không phải là lời khen mây gió mà thực đó đã là bản tính của người Sài Gòn xưa nay. Một đêm, ba mẹ nằm dưới mái hiên mưa, một bà lão thấy thương tình mang cho mấy cái áo ấm và một ít thức ăn. Bà chậm rãi nhìn ba mẹ tôi, ánh mắt đầy thương cảm. Bà nói: “Hai đứa ở quê lên phải không? Bà thấy hai đứa cứ lang thang thế này, không được đâu. Để bà chỉ cho. Ngày mai, hai đứa đừng đi đâu nữa, hãy ở lại đây, dựng cái lều nhỏ ngay góc đường cạnh nhà bà rồi bán gì thì bán. Đừng có đi nữa”.
Mẹ tôi nghe bà nói, trong lòng cảm thấy ấm áp những chưa hết lo. Tiền thì không có mà cũng chưa biết gì nhiều về thành phố này thì bán gì đây. Ai ngờ, sáng hôm sau, bà lão đã gọi mấy đứa cháu tìm mấy cái bàn ghế cũ, cái bạt cũ và một vài thứ linh tinh khác đem về dựng căn lều cho ba mẹ tôi. Ngỡ như một giấc mơ, lúc đầu ba tôi sững sờ rồi như chợt tỉnh ra liền góp sức cùng mọi người. Chiều hôm đó, căn lều nhỏ che bạt bên góc đường đã dựng xong. Đó là nơi buôn bán nước uống và cũng là nơi ở tạm của ba mẹ tôi từ đó về sau.
Thắm thoát mười năm trôi qua, chưa bao giờ ba rời xa mẹ một ngày. Lúc nào ba mẹ cũng quấn quýt nhau, nhường nhịn nhau hết sức. Trong hẻm, ai cũng yêu mến cái tính siêng nang và hiền lành của ba. Với tôi, chưa bao giờ ba to tiếng la tôi dù tôi là một cô bé nghịch ngợm. Những khi tôi nghịch phá cái gì đó, ba ngăn tôi rồi ôm tôi vào lòng nói: “Không được, không được”, rồi bày cho tôi trò chơi khác.
Những lần tôi ốm, ba đều dành phần chăm tôi. Ba nói với mẹ rằng mẹ vất vả cả ngày, cứ nghi ngơi, để ba trông tôi. Ba nói thế để mẹ nghỉ ngơi chứ ba cũng mệt lắm. Đêm khuya tôi tỉnh giấc vì nóng quá, thấy ba gục đàu lên bàn, lưng tựa vào tường ngủ, tôi thương ba quá. Tôi không thể ngăn ba bớt thương tôi vì tôi là con của ba mà. Lúc ấy, tôi lại rúc đầu vào ba, làm ba tỉnh giấc. Sờ tráng tôi thấy nogns hổi, ba lại hối hả đi pha nước ấm lau lau rồi dỗ cho tôi ngủ.
Những kỉ niệm mến yêu có thể là kí ức đẹp đẽ nếu tất cả còn nguyên vẹn nhưng sẽ là nỗi khổ đau, sự dằn vặt nếu một khi những tai họa, mất mát xảy đến. Đại dịch covid tràn vào Sài Gòn như một trận cuồng phong khủng khiếp. Tấ cả các hoạt động dừng lại, hàng quán đóng của để chống dịch. Ba không có việc làm, cứ hét đi ra rồi lại đi vào. Một hôm, ba nói với mẹ rằng: “mình mang ơn Sài Gòn nhiều lắm. Giờ Sài gòn đang trong cơn hiểm nghèo, em hãy để anh đi giúp mọi người chống dịch”. Mẹ rưng rưng nước mắt: “em sợ lắm, nếu lỡ…”. Ba tôi ngăn lại, lau nước mắt trên mặt mẹ đinh ninh: “sẽ không có việc gì với anh đâu”.
Sáng hôm sau, ba thu xếp tham gia đội thiện nguyện thành phố đi phát rau và nhu yếu phẩm cho mọi người. Đó là làn đầu tiên ba đi xa nhất. Ba đi bao nhiêu ngày là bấy nhiêu đêm mẹ tôi không ngủ. Hôm nào mẹ cũng ngóng ra ngoài của đợi. Cứ mỗi khi nghe tiếng xe cấp cứu chạy ngang phố là mẹ lại ra ngóng nhìn. Thỉnh thoảng, ba có ghé lại nhà nhưng chỉ dám đứng từ xa nhìn mẹ con tôi qua lớp đồ bảo vệ cồng kềnh. Tôi và mẹ đứng lặng không nói nên lời. Ba nói cứ yên tâm, hết dịch rồi ba sẽ về. Rồi ba lại đi.
Một dự cảm không lành khiến mẹ tôi thấp thỏm, bồi hồi. ngày hôm ấy mẹ đứng ngồi không yên, cứ ngóng ra ngoài cửa. Thấy mẹ lo lắng, tôi cũng căng thẳng. Tiếng xe cấp cứu liên hồi rúc trên thành phố. Thứ âm thanh đáng sợ ấy vang lên không ngớt trong cả tháng qua. Thành phố Sài Gòn nhộn nhịp, đông vui là thế, giờ hiu quạnh, vắng vẻ đến nao lòng.
Một buổi chiều, có một nhóm người đến báo cho mẹ tôi hay rằng ba tôi đã bị nhiễm Covid, hiện đang cấp cứu trong bệnh viện. Mẹ tôi hay tin, khuôn mặt xám xầm lại rồi ngất đi. Tôi hoảng hốt gọi “mẹ! mẹ!” để lay mẹ dậy. Nhiều cô bác trong hẻm biết chuyện muốn đến giúp tôi nhưng không dám lại gần vì thành phố đang thực hiện giãn cách chống dịch. Nhờ các cô chú đoàn thiện nguyện hướng dẫn, tôi cố hết sức đặt mẹ trên ghế dài, lấy dầu xoa cho mẹ.
Mấy ngày sau, ba tôi mất. Tôi không tin là ba tôi đã bỏ mẹ con tôi ra đi mãi mãi. ba nói hết dịch ba sẽ về. ba nói sẽ mua cho tôi con búp bê mà tôi thích nhất khi thành phố hết giãn cách. Ba nói ba chỉ đi xa lần này thôi, xong việc ba không bao giờ đi xa mẹ con tôi nữa. Trời ơi! Ba ơi! Không có ba, mẹ con con biết làm thế nào ba ơi!
Đêm Sài Gòn mưa lất phất bay. Mẹ tôi ngồi bên tấm hình ba, nước mắt cứ lưng tròng. Mẹ cứ ngồi thế, mấy ngày nay rồi không nói tiếng nào. Có ai ngờ qua bao nhiêu gian khổ có nhau, sống chết kề cận mà nay phút chốc đã lìa xa muôn trùng. Đêm đêm, nằm trong lòng mẹ, tôi chỉ mong ba về. Ba ơi, nếu ba về thật, con hứa với ba con sẽ không còn nghịch ngợm nữa, không còn vòi vĩnh đòi ba mua đồ nữa, ba ơi!