Kể về một kỉ niệm của bản thân.
I. Định hướng.
Cần lưu ý:
– Xác định kỉ niệm mình kể.
– Xây dựng dàn ý cho bài kể miệng.
– Phân biệt cách nói miệng (văn nói) và cách viết (văn viết).
II. Thực hành.
Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của em với thầy cô, bạn bè khi học ở trường tiểu học.
1. Chuẩn bị.
– Xem lại bài viết kể lại một kỉ niệm sâu sắc của em với thầy cô, bạn bè,… ở phần Viết.
– Dự kiến các phương tiện hỗ trợ tranh, ảnh, video,…) cho việc kể (nếu có).
2. Tìm ý và lập dàn ý.
Dựa vào dàn ý đã làm ở phần Viết, có thể bổ sung hoặc thêm, bớt cho nội dung kể về kỉ niệm của bản thân.
– Mở bài: Nêu khái quát về kỉ niệm: Nhớ như in cái ngày cuối cùng tại trường tiểu học của mình, giây phút phải chia xa mọi người.
– Thân bài: Kể chi tiết, cụ thể về kỉ niệm.
+ Tôi đi học thật sớm, nhìn kĩ lại trang phục, đồ dùng của mình. Cảm giác khó tả khi chuẩn bị không còn là học sinh tiểu học.
+ Trên đường đến trường quen thuộc, nhìn kĩ khung cảnh thấy man mác buồn.
+ Vào lớp học, quan sát bạn bè vui cười, hồn nhiên trêu đùa.
+ Cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp, dặn dò cả lớp.
+ Lần cuối cùng, cô điểm danh sĩ số, ai nấy đều rưng rưng, chạy ôm lấy cô.
– Kết bài: Cảm nghĩ của em về kỉ niệm đó.
+ Đó là giây phút tuyệt đẹp nhất trong những năm tháng học lớp 5.
+ Khoảng khắc chấm dứt cấp tiểu học, chuyển sang giai đoạn mới, bước vào lớp 6.
3. Nói và nghe.
– Dựa vào dàn ý và thực hiện việc kể lại truyện trước tổ hoặc lớp.
– Chú ý bảo đảm nội dung và cách kể để câu chuyện trở nên hấp dẫn.
4. Kiểm tra và chỉnh sửa.
Nhớ lại, rút kinh nghiệm về nội dung câu chuyện và cách kể chuyện:
– Người nói xem xét lại nội dung và cách nói của bản thân.
– Người nghe nắm được nội dung mà người kể trình bày, tránh mắc lỗi khi nghe.
Bài tham khảo:
Thời gian trôi qua nhanh, ngày nào tôi còn bỡ ngỡ nép sau lưng mẹ, từng bước chậm rãi đi qua cánh cổng trường tiểu học. Nhìn lại quãng thời gian đó, tôi có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Và một trong những kỉ niệm mà tôi chẳng thể nào quên được đó là hồi ức về buổi học cuối cùng tại trường tiểu học.
Hôm ấy tôi đến lớp thật sớm, khoác trên mình bộ đồng phục chỉnh tề nhất, cũng tại hôm ấy tôi mới thấy được sự trang nghiêm và đáng trân trọng của bộ đồng phục mà tôi đã mặc trên người suốt mấy năm trời. Tôi ngắm mãi phù hiệu trường tiểu học A, để ý các chi tiết trên đó. Chỉ còn vài giờ nữa thôi, tôi sẽ không còn là học sinh tiểu học nữa mà trở thành các đàn anh, đàn chị đầy gương mẫu. Nhưng tại sao tâm trạng tôi lại đầy ắp nỗi buồn, sao cổ họng tôi lại cứ nghẹn lại, không biết nói gì.
Trên đường tới lớp, con đường vẫn đông đúc như mọi khi. Hàng cây xanh mướt hai bên đường như đang trùng xuống. Tôi cứ có cảm giác mọi thứ đang trôi chậm lại. Trường tiểu học của tôi được xây dựng trong một thị xã nhỏ, nằm ở ngoại ô thành phố Hà Nội. Trường tuy không rộng rãi, khang trang như mấy ngôi trường trong thành phố thế nhưng chúng tôi lại luôn cảm nhận được cái ấm áp và thân thuộc, trường như ngôi nhà thứ hai của bọn nhỏ chúng tôi. Một sáng mùa hè trong veo và yên ả, những tia nắng đang rọi xuống từng vòm cây xanh mượt mà. Cảnh sân trường buổi sáng mai tĩnh lặng đến lạ kì, có lẽ vì do các bạn học sinh chưa đến hết. Hôm nay tôi đến trường sớm hơn mọi ngày chắc lẽ vì một lí do nào đó vô cùng đặc biệt?
Tôi vào lớp ngồi ngay ngắn trên bàn học, vì hôm ấy là buổi học cuối cùng nên chúng tôi không cần phải học nhiều, thi cử cũng đã xong nên có lẽ bây giờ là thời điểm nhẹ nhàng nhất. Tôi mang chiếc cặp mà trong đó có vẻn vẹn vài cuốn sách cũ, tôi nhẹ để chúng lên bàn và ngồi ngắm nhìn mọi thứ xung quanh mình. Các bạn trong lớp vẫn hồn nhiên tươi cười, trêu đùa nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện mà mình biết.
Tiếng nô đùa, tiếng cười giòn tan của các bạn trong lớp cuối cùng cũng đã dừng lại khi cô chủ nhiệm bước vào. Hôm ấy cô không quát mắng chúng tôi. Không còn là cô chủ nhiệm nghiêm khắc hay nhắc nhở chúng tôi mỗi khi chúng tôi mắc lỗi, lúc ấy cô chỉ bước vào và im lặng. Ánh mắt cô giáo hôm nay cũng buồn và nhẹ nhàng biết bao. Cô nhìn một loạt các bạn học sinh, mắt rơm lệ, và nhắn nhủ chúng em phải cố gắng để trở thành học trò ngoan và giỏi ở cấp học mới. Cũng là những lời quen thuộc, cũng là cái giọng nói ấy, vẫn ngữ điệu thân quen ấy nhưng sao hôm nay chúng tôi lại thấy nó thấm thía đến lạ và muốn nghe mãi không thôi.
Cuối cùng cô điểm danh cả lớp lần cuối, cô cầm cuốn sổ điểm danh lên đọc to rõ ràng tên từng bạn học sinh một, khi tên mỗi bạn vang lên cô còn nhắc nhở thêm về điểm mạnh, điểm yếu để chúng tôi khắc phục và hoàn thiện hơn. Khi cô gập lại cuốn sổ cũng là lúc tiếng trống trường vang lên, đó cũng là lúc chúng tôi nhận ra cuộc đời học sinh yêu dấu tại trường tiểu học của chúng tôi đã kết thúc, khi ấy chẳng ai có thể kìm nén được cái mớ cảm xúc hỗn độn của mình và tất cả đều khóc lớn. Cả lớp chúng tôi vỡ òa khóc lớn và chạy lên ôm trầm lấy cô, ngày hôm ấy cả ngôi trường vỡ òa trong tiếng khóc. Ngày hôm ấy chúng tôi rời xa nhau, rời xa mái trường, khép lại quãng thời gian tiểu học.
Đó là giây phút tuyệt đẹp nhất trong những năm tháng học lớp 5. Tạm biệt mái trường thân yêu, tạm biệt chỗ ngồi thân thương, tạm biệt bảng đen phấn trắng, “cho dù có đi nơi đâu ta cũng không quên được nhau”. Khoảng khắc chấm dứt cấp tiểu học, tôi chuyển sang giai đoạn mới, bước vào lớp 6 – môi trường mới. Tôi dặn lòng sẽ học hành thật tốt để không khỏi tiếc nuối những tháng ngày ở cấp một.