phan-tich-bai-tho-hau-troi-cua-tan-da

Làm rõ cái “ngông” của Tản Đà trong bài thơ “Hầu trời”.

Làm rõ cái “ngông” của Tản Đà trong bài thơ “Hầu trời”.

  • Thân bài:

Tản Đà (1889 – 1939) là nhà thơ có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa thơ ca giai đoạn đầu thế kỷ XX. Thơ Tản Đà thể hiện “cái tôi” lãng mạn, bay bổng vừa phóng khoáng lại vừa cảm thương, chính vì vậy ông đã được nhà phê bình văn học Hoài Thanh xếp ở vị trí đầu tiên trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”. Bài thơ “Hầu trời” được in trong tập “Còn chơi”, xuất bản năm 1921, thể hiện rõ nhất “cái tôi” cá nhân ngông nghênh, phóng túng và khao khát được khẳng định giá trị bản thân trước cuộc đời của Tản Đà.

  • Thân bài:

Bài thơ “Hầu trời” gây ấn tượng sâu sắc với người đọc bằng cách vào đề, cách dẫn dắt khá bất ngờ và thú vị, cuốn hút người đọc vào câu chuyện mà tác giả sắp kể:

Đêm qua chẳng biết có hay không,
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng.
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!
Thật được lên tiên – sướng lạ lùng.

Chính tác giả là chủ thể của giấc mơ cũng không dám khẳng định là giấc mơ đó có hay không, thực hay hư ảo. Nhưng ở các câu thơ tiếp theo với việc dùng ngữ điệu mãnh mẽ như để khẳng định yếu tố thực của giấc mơ. Từ “thật” được lặp lại bốn lần cũng như để nhấn mạnh sự thật của các chi tiết, hình ảnh trong giấc mơ.

Ở những khổ thơ tiếp theo, tác giả kể về lí do được lên “hầu trời” của mình:

“Nguyên lúc canh ba nằm một mình
Vắt chân dưới bóng ngọn đèn xanh
Nằm buồn, ngồi dậy đun ấm nước
Uống xong ấm nước, ngồi ngâm văn.
….
Vào trông thấy Trời, sụp xuống lạy
Trời sai tiên nữ dắt lôi dậy
Ghế bành như tuyết vân như mây
Truyền cho văn sĩ ngồi chơi đấy”.

Câu chuyện hoàn toàn hư cấu mà giống như một câu chuyện có thật vì có đủ tình huống, không gian, thời gian diễn ra sự việc và tác giả là nhân vật chính. Tác giả giải thích lí do của buổi “hầu trời” là do “tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà” khiến Trời mất ngủ. Trời bèn sai tiên nữ xuống gọi thi sĩ lên đọc văn cho Trời nghe. Lí do của buổi “hầu trời” mà tác giả đưa ra như một khẳng định rằng: Cái may mắn được lên hầu trời gắn liền với những phút cao hứng trong thơ văn của nhà thơ.

Khi đã đưa ra lí do, tác giả kể tiếp diễn biến của buổi “hầu trời”. Câu chuyện diễn ra rất tự nhiên và hợp lí. Theo lệnh của Trời, thi sĩ đọc văn và ngâm văn của mình cho Trời và các chư tiên nghe.

“Truyền cho văn sĩ đọc văn nghe
Dạ bẩm lạy Trời con xin đọc”.

Đúng với niềm đam mê của mình, thi sĩ đọc với tất cả sự nhiệt tình và phấn khích. Có lẽ chưa bao giờ thi sĩ lại cảm thấy hứng thú và thăng hoa đến như thế này nên đọc liền một mạch:

“Đọc hết văn vần sang văn xuôi
Hết văn thuyết lí lại văn chơi
Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi”.

Thái độ của người nghe rất chăm chú và ai cũng tán thưởng, bộc lộ sự hâm mộ qua nét mặt, cử chỉ, điệu bộ: “Tâm như nở dạ”; “Cơ lè lưỡi”; “Hằng Nga, Chức nữ chau đôi mày”; “Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng” và khi hết mỗi bài thì tất cả cùng đồng loạt vỗ tay. Thi sĩ còn kể ra hàng loạt các tập thơ của mình như: “Khối tình”, “Đài gương”, “Lên sáu”…Nhận được sự ngưỡng mộ, thi sĩ được các chư tiên dặn: “Anh gánh lên đây bán chợ trời”.

Đoạn thơ tiếp theo thể hiện rõ ý thức về “cái tôi” cá nhân của tác giả rất cao:

“Trời lại phê cho: “văn thật tuyệt!
Văn trần được thế chắc có ít
Nhời văn chau chuốt đẹp như sao băng!
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!
Êm như gió thoảng, tinh như sương!
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!”

“Cái tôi” được thể hiện ở việc tác giả đã cố ý mượn lời của Trời để ca ngợi thơ văn của mình. Hiện tượng này từ trước đến nay trong lịch sử văn chương chưa từng thấy, nó không những chứng tỏ Tản Đà rất có ý thức về tài năng văn chương vượt trội của bản thân so với các nhà văn, nhà thơ cùng thời mà còn như khẳng định chính Tản Đà là người khơi nguồn cho một cuộc cách mạng về thơ ca, đúng với cái tên “người của hai thế kỉ” mà Hoài Thanh đã gọi. Cái hay, cái đẹp trong thơ văn Tản Đà được chính tác giả đem so sánh với vẻ đẹp tuyệt vời của các hiện tượng, sự vật trong vũ trụ như: sao băng, mây, gió, sương, tuyết…, thái độ của tác giả tỏ ra rất tự hào, kiêu hãnh về tài năng văn chương của mình. Đây chính là cái “ngông” của thi sĩ, tự khẳng định một cách rất “ngông”, rất Tản Đà.

Theo yêu cầu của Trời, thi sĩ tự xưng tên tuổi và thân thế:

“ – Dạ, bẩm lạy Trời con xin thưa
Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn
Quê ở Á châu về địa cầu
Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”.

Trời ngờ ngợ một lúc lâu rồi sai Thiên Tào kiểm tra lại. Thiên tào tra sổ rồi bẩm báo:

“– Bẩm quả có tên Nguyễn Khắc Hiếu
Đày xuống hạ giới vì tội ngông”.

Lúc ấy Trời mới phán rằng đó không phải là Trời đày mà là nhờ làm việc “thiên lương” của nhân loại. Thấy Trời phán vậy, thi sĩ liền trình bày một mạch nỗi khổ của bản thân và những khó khăn của nghề kiếm sống bằng ngòi bút:

– “Bẩm trời, cảnh con thực nghèo khó
Trần gian thước đất cũng không có
….
Trời lại sai con làm việc nặng quá
Biết làm có được mà dám theo”.

Đoạn thơ này là một bức tranh hiện thực được vẽ bằng bút pháp tả chân thực, tỉ mỉ và rất cụ thể, phản ánh chính xác đời sống cùng cực của tầng lớp văn nghệ sĩ và tình hình lộn xộn của thị trường văn chương thời ấy. Cảm xúc ở đoạn thơ khi thi sĩ đọ thơ cho Trời nghe hứng khởi bao nhiêu thì đoạn này lại ngậm ngùi, chua xót bấy nhiêu. Giấc mơ “hầu trời” như sự biểu hiện tha thiết, mãnh liệt của khát khao được thể hiện tài năng của thi sĩ. Dường như Trời cũng thấu hiểu được tình cảnh của thi sĩ nên khuyên nhủ:

“Rằng: Con không nói Trời đã biết
Trời dẫu ngồi cao, Trời thấu hết
Thôi con cứ về mà làm ăn
Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết”.

Tiếng gà gáy xao xác, tiếng người dậy báo hiệu đã hết đêm. Cuộc chia tay giữa thi sĩ với Trời và các chư tiên diễn ra trong niềm xúc động:

“Hai hàng lụy biệt giọt sương rơi
Trông xuống trần gian vạn dặm khơi
Thiên tiên ở lại, trích tiên xuống
Theo đường không khí về trần ai”

Thi sĩ đã tỉnh khỏi giấc mộng nhưng những sự việc diễn ra vẫn còn đầy ấn tượng khiến thi sĩ phải thốt ra như sự tiếc nuối:

“Một năm ba trăm sáu mươi đêm
ao được mỗi đếm lên hầu Trời”.

  • Kết bài:

Câu chuyện “hầu trời” đã phản ánh khá rõ tính cách của Tản Đà, ông đã mạnh dạn tự biểu hiện “cái tôi” cá nhân, một “cái tôi” ngông nghênh, phóng túng tác giả ý thức rất rõ về tài năng, dám đàng hoàng công khai cái tài văn chương hơn người của mình. Bài thơ “Hầu trời” là một bài thơ hay và độc đáo, tiêu biểu cho tính chất giao thời giữa cái mới và cái cũ trong nghệ thuật thơ Tản Đà.

Phân tích bài thơ “Hầu trời” của Tản Đà.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang