lan-dau-tien-truoc-bien-khoi-vo-tan-hoang-trung-thong-ve-dep-tinh-cha-con-noi-voi-con-y-phuong-7902-2

Từ ý thơ: Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận. Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con (Hoàng Trung Thông), cảm nhận điều người cha gửi gắm vào người con ở bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương

Từ ý thơ: Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận. Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con (Hoàng Trung Thông), cảm nhận điều người cha gửi gắm vào người con ở bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương


  • Mở bài:

Kết thúc bài thơ “Những cánh buồm”, nhà thơ Hoàng Trung Thông viết:

“Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con”

Đi trọn cuộc đời, có những lúc ta cũng bỗng giật mình nhận ra điều bình dị giống như nhà thơ Hoàng Trung Thông đã nhận ra ấy. Qua ước mơ hồn nhiên của con, nhà thơ bắt gặp lại chính mình thuở còn ngay dại. Đó là ước mơ được vượt lên trên những con sóng đến với bến bờ xa lạ tít tắp ngoài khơi kia. Ước vọng ấy, một lần nữa được tái hiện cảm động qua lời người cha dặn con trong bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương.

  • Thân bài:

Hoàng Trung Thông là một trong những nhà thơ nổi bậc nhất của nền thơ Việt Nam thế kỉ 20. Trọn đời ông gắn với nền thơ cách mạng. Ông tận tâm đem ngòi bút phục vụ cho cuộc chiến đấu và đời sống xây dựng đất nước. Tác phẩm của ông giúp con người sống tốt đẹp hơn, tâm hồn trong sạch hơn. Thơ ông đánh thức tình yêu với con người, nỗ lực đấu tranh vì những lý tưởng nhân đạo và sự tiến bộ của con người. Bởi thế mà những cánh buồm, một bài thơ xuất sắc của Hoàng Trung thông đầy chất chiêm nghiệm và triết lý sâu xa.

Tâm sự của người cha trong hai câu thơ của Hoàng Trung Thông.

Hai cha con trong một buổi chiều đi trên biển. Biển khơi huyền diệu khơi gợi trong con người biết bao ước mơ và khát vọng. Lời người con ngây thơ, trong sáng và đẹp đẽ:

– Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,
Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?

Để từ đó, con ước muốn vượt lên trên những con sóng, được đi xa đến những bến bờ xa lạ:

– Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,
Để con đi!

Lời tâm sự nghe thật chân thành và gần biết bao. Cha đã giảng giải những thắc mắc cho con. Mặc dầu những nơi đó cha chưa từng đi đến. Người  cha cũng đã từng ấp ủ những ước mơ như con và đã từng tìm hiểu về điều đó nhưng vân chưa tận mắt giải đáp được câu hỏi của mình:

Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.

Tiếng lòng con trẻ đánh thức những ưu tư xa xăm mà người cha ngỡ rằng đã quên lãng. khát vọng sống, khát vọng đi xa lại một lần nữa tìm đến trong ông rạo rực và cháy bỏng. Lần đầu tiên nó cựa mình sống dậy hết sức mạnh mẽ, không ngừng thôi thúc con người. Chính hình ảnh cánh buồm là chiếc cầu nối tâm tư giữa hai thế hệ, nâng ước mơ lên tầm cao mới. Những điều cha chưa làm được lại đang nảy mầm trong ước mơ con. Và nó lớn lao hơn nhiều lần. Ước mơ vượt lên trên hoàn cảnh gian khó, khám phá thế giới rộng lớn, chinh phục và làm chủ nó.

Gia đình và quê hương chính là nguồn lực nâng bước chân con trên đường đời vạn dặm. Người cha vô cùng hạnh phúc khi những ước vọng ấy lại được tìm thấy trong tiếng mơ của con. Những điều cha chưa làm được đều được kì vọng gửi gắm vào ước mơ con. Và chắc chắn, đó sẽ là hiện thực.

Hai câu thơ gieo vào lòng ta nhưng ước mơ cao đẹp, thúc giục ta lên đường tìm tòi, khám phá để vươn đến đỉnh cao tri thức. “Những cánh buồm” rồi đây sẽ đưa chúng ta đến mọi miền xa xôi của tổ quốc để ta mơ ước, khát khao tự hào và hành động góp sức mình dựng xây và phát triển đất nước hơn nữa.

Điều người cha gửi gắm và kì vọng vào người con ở bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương.

Cũng giống như Hoàng Trung Thông, nhà thơ Y Phương cũng cũng tìm kiếm chính mình trong ước mơ về tương lai của con trẻ. Thế nhưng, ước mơ ấy được Y phương dặn dò và kì vọng chứ không bất chợt nhận ra nhơ ở Hoàng Trung Thông. Bởi thế mà, ở bài thơ Nói với con ta nhận thấy, những điều mà người cha mong muốn con thực hiện được trình bày một cách rõ ràng, có hệ thống, chặt chẽ và ý nghĩa.

Trước hết, nhà thơ nêu bậc vai trò và ý nghĩa của gia đình và quê hương đối với cuộc đời của mỗi con người. Gia đình và quê hương chính là nguồn cội dưỡng nuôi và che chở của con người:

Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

Không có gì vĩ đại hơn công ở sinh thành của cha mẹ. Mỗi một cuộc sinh thành là một ánh sáng rực rỡ chiếu rọi trên khắp mặt đất này. Đó là ánh sáng của sự hiện sinh và hạnh phúc tột cùng của con người. Nhìn con lớn lên từng ngày, niềm sướng vui và hạnh phúc của cha mẹ cũng tràn đầy theo thời gian. Ẩn giấu kín đáo trong niềm vui là ước mơ, là kì vọng của cha mẹ:

Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười.

Chính cha mẹ là người nâng đỡ những bước chân đầu tiên, con đừng quên điều đó. Và không ai khác dạy cho con biết nói, biết cười để con cảm nhận cuộc đời tươi vui và ấm áp. Gia đình chính là nguồn sức mạnh đau tiên làm lớn lên nguồn sống trong con. Ngoài gia đình là một quê hương lớn, nơi ấy rồi đây con sẽ bước tới:

Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng.

Quê hương của người đồng mình thân thiện và tràn đầy tình yêu thương, chở che cho con. Cuộc sống người đồng mình bình dị, tuy gian khó nhưng lúc nào cũng biết làm đẹp cho cuộc sống của mình. Thiên nhiên, núi rừng rộng lớn dâng tặng cho đời con tất cả những gì con cần có như bao thế hệ đã nhận lấy điều đó. Ngoài cha mẹ, người đồng mình cũng sẽ chung tay tạo dựng cho con những gì cần thiết để con trưởng thành.

Những phẩm chất cao quý và truyền thống văn hóa tốt đẹp của người đồng mình sẽ là hành trang cùng con đi đến tương lai rộng lớn.

Người đồng mình thương lắm con ơi!
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục

“Người đồng mình yêu lắm con ơi!” là lời dặn dò con phải biết yêu thương người đồng mình như gia đình, như máu thịt của mình. Bởi chỉ có tình yêu thiêng liêng ấy mới giúp con gắn kết mình với quê hương mãi mãi.

Người đồng mình “tuy thô sơ da thịt” nhưng lúc nào cũng có lắm ưu tư, nhiều khát vọng, chí lớn vươn cao, vươn xa. Dẫu mai này có làm sao thì cha cũng muốn con ghi nhớ và không ngừng tự hào về quê hương và người đồng mình. Cuộc sống còn nhiều gian khó, nghèo đói nhưng người đồng mình chưa bao giờ chê bai hay rời bỏ. Đó là tấm lòng thủy chung của con người với quê hương, núi rừng. Con hãy sống vô tư và bình dị như sông như suối, đừng lo lắng về những gian nan có thể tới. Lên thác xuống ghềnh đừng lo cực nhọc. Người đồng mình tuy thô sơ da thịt nhưng chưa bao giờ sống nhỏ bé. Con hãy quý trọng những gì đang có và sẽ có, đừng so tính và đừng chán nản. Có thể con chưa hài lòng nhưng đó là những gì tốt nhất mà quê hương đã dành tặng cho mỗi con người.

Từ ngàn năm qua, những giá trị cao quý ấy kết tinh thành phong tục, lối sống mà người đồng mình không ngừng gìn giữ và bồi đắp từng ngày. Người đồng mình luôn tự hào về quê hương nghèo khó của mình. Đó không phải là lòng tự tôn hay kiêu hãnh mà là tấm lòng trân trọng đối với lớp lớp người đi trước và niềm mong mỏi của quê hương vào lớp lớp người đến sau. Điều quan trọng không phải là cuộc sống có trở nên giàu có hay không, quan trọng nhất đó là chúng ta có tìm thấy bản sắc nguồn cội chính mình ở tương lai hay không? Chính phong tục, lối sống và cách ứng xử của con mới có thể minh chứng và khẳng định mạnh mẽ điều đó.

Niềm mong mỏi thiết tha ấy được người cha gửi gắm ở những câu thơ cuối cùng:

Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.

Một lần nữa hình ảnh người đồng mình tuy thô sơ da thịt được lặp lại và nâng cao lên tầm mới. Đó là lời dặn đinh ninh con không bao giờ được quên nguồn cội của mình. Đó là nguồn sức mạnh nâng bước con lên đường đi xa đến với những chân trời mới nhiều mới mẻ và khác lạ. Lên đường là vượt qua những dãy núi cao, vượt ra khỏi thung lũng chật hẹp để đến với những cánh đồng lớn, vượt lên quê hương để đến với đất nước. Lên đường là từ một người đến với mọi người. Nơi ấy, con hãy là chính mình, sống bằng văn hóa và tinh thần của người đồng mình.

Lên đường còn có nghĩa là đón nhận những giá trị mới của cuộc sống để làm cho quê hương tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Đó chính là ước vọng mà người cha luôn mong mỏi con làm được. Những gì cuộc đời người cha chưa làm được đều được được gửi gắm trọn vẹn vào người con.

  • Kết bài:

Qua lời dặn dò của hai người cha trong hai bài thơ, ta nhận ra mỗi bước ta đi trên đường đời chứa đựng niềm tin và khát vọng của cha mẹ. Lời cha nhắc nhở muốn đạt đến thành công nhất định sống phải có ước mơ và khát vọng lớn lao, phải rời khởi không gian chật hẹp, đến với miền đất xa lạ tìm kiếm ước mơ. Chỉ cần có ước mơ đủ lớn, ý chí sẽ đưa ta đến với thành công. Đó đâu chỉ là khát vọng của cha mà còn là khát vọng mà mỗi con người cần phải có.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang