Miêu tả chiếc cặp sách học sinh
Dàn bài gợi ý:
- Mở bài:
Giới thiệu chiếc ặp: là một đồ vật quen thuộc, gắn bó với người học sinh.
- Thân bài:
a/ Hình dáng, kích thước của chiếc cặp?
+ Hình dáng: chữ nhật.
+ Màu sắc:
+ Bề rộng khoảng 60cm, ngang khoảng 10cm, cao khoảng 30cm.
+ Chất liệu: cosotn, vải, dù, nỉ, da,…
+ Kiểu dáng: cặp thuộc loại có quai xách hay loại vừa có quai xách vừa có dây đeo?
b/ Tả từng bộ phận:
+ Nắp cặp: mép được viền, đính hai (hay một) chiếc khóa…
+ Màu sắc của chiếc khóa, âm thanh phát ra từ chiếc khóa khi đóng mở?
+ Các bộ phận bên trong: Cặp có ba ngăn:
+ Ngăn ngoài cùng thì hẹp, dùng đựng giây màu và hộp bút
+ Hai ngăn trong rộng hơn, dùng đựng sách vở.
+ Các ngăn của cặp làm bằng loại vải gì? (Vải cứng, vải đen hoặc màu xám).
- Kết bài:
Tình cảm và ý nghĩ của em về chiếc cặp.
Ví dụ: Chiếc cặp là một người bạn giúp em học tập. Em cần phải giữ gìn nó sạch sẽ…
Bài tham khảo:
Thế là ngày khai trường đã đến. Trong nắng ấm ban mai, tôi tung tăng đến trường, lòng vui sướng vì từ hôm nay tôi đã là học sinh lớp 6. Sau vai tôi, chiếc cặp mới tinh, nặng trĩu sách vở, như cùng muốn chia vui cùng.
Đó là một chiếc cặp hình chữ nhật tuyệt đẹp. Kích thước của nó như được làm ra cho riêng tôi. Cặp rộng hai gang, dài đúng bốn gang tay tôi. Nó vừa có quai xách, vừa có dây đeo. Tôi có thể đeo một cách gọn gàng, cũng có thể xách một tay khi vào đến lớp.
Cặp được làm bằng một thứ vải giả da màu xanh nước biển bóng như sơn mài. Đã thế, trên mặt cặp lại nổi lên hình một chú bé mặt mũi sáng sủa, hăng hái cất bước trên đường, bên dưới có một hàng chữ: Chúc em học giỏi!
Nắp cặp cũng bằng vải da màu nước biển, nhưng có in thêm mấy bông hồng xinh xắn; xung quanh mép được viền rất cẩn thận.
Cặp có đến những ba chỗ khóa, hai bện là hai dây khóa nịt, ở giữa là một cái khóa “i-nốc” sáng choang, lò xo cứ nảy “tanh tách” mỗi khi đóng mở. Mở nắp ra, chiếc cặp khoe ngay ba cái ngăn của nó. Hai ngăn trong khá rộng để đựng sách và vở. Ngăn ngoài cùng thì hẹp, tôi dùng đựng giây và hộp bút. Tạo nên những ngăn ấy là những tấm vải cứng, màu đen. Hẳn người sản xuất đã nghĩ rằng cái màu ấy thì thật hợp cho những chú bé như tôi.
Tôi không biết rõ giá của chiếc cặp là bao nhiêu nhưng tôi biết chắc rằng nó cũng là món khá lớn so với túi tiền bé nhỏ của bố mẹ. Vì thế tôi quyết giữ gìn nó thật cẩn thận. Vả lại, nhìn chiếc cặp sách, người khác cũng có thể đoán biết được cậu học trò mang nó học hành như thế nào.
Bài tham khảo:
Ngày khai giảng năm học mới, chúng em bước vào sân trường, hầu như mỗi người đều mang sau lưng hay xách bên tay một chiếc cặp mới. Riêng bạn Tuấn mang trên lưng một chiếc ba lô, trông cứ như một người du lịch. Vì thế, mọi người “ồ” cả lên khi bạn Tuấn vừa qua khỏi cổng.
Đó là một chiếc ba lô con cóc, may bằng loại vải dù đen bóng, trông thật là bền chắc. Cả ba phía ba lô, trừ phía áp vào lưng, đều có túi. Cái túi ở giữa to nhất, có thể chứa được cái bình nước nhỏ. Hai túi bên thì bé hơn nhưng dài. Một túi cậu Tuấn cắm đủ thứ bút mực, bút chì, thước kẻ, tẩy, chuốt bút chì… Một túi khác chỉ có cái khăn mùi-xoa, nhưng nếu cần thì có thể chứa gọn một ổ bánh mì nhỏ hoặc vài trái cóc, trái ổi.
Một cái nắp lớn đậy trùm lên ba lô, được cài chặt bằng một cái khóa ‘ nhựa dẻo. Mỏ nắp ra, miệng ba lô được cột chặt bằng một sợi dây ni-lông luồn qua những cái lỗ nhỏ như lỗ buộc giày. Với dây buộc và nắp như thế, ba lô muốn đựng bao nhiêu sách vở cũng được; nhỡ có gặp mưa, chắc sách vở cũng không đến nỗi ướt sũng. Tất cả những gì ở cái ba lô này cũng đều có vẻ chắc chắn, từ ngăn lớn đến túi nhỏ, từ chất vải đến đường may.
Có lẽ đựng sách vở trong ba lô thì không tiện lắm, các thứ đều phải chồng chất lên nhau, muốn lấy một quyển cũng phải kéo cả chồng lên. Bù lại, ba lô có thể chứa bao nhiêu trông cũng gọn. Vả lại, đeo ba lô trên vai trông cũng có vẻ ngộ nghĩnh.
Cả lớp em tranh nhau ngắm nghía cái cặp sách lạ kiểu của bạn Tuấn. Em cung thấy thích. Tuy vậy, em lại nghĩ: dẫu sao, cái cặp sách hình chữ nhật bình thường của em rõ ràng là của một cậu học trò.