Biểu cảm về người ông của em
- Mở bài:
Ngó lên nuột lạt mái nhà / Bao nhiêu nuột lạt nhớ ông bà bấy nhiêu. Mỗi lần đọc câu ca dao ấy, tôi lại nghĩ đến ông tôi, một người đã dành cho tôi biết bao tình yêu thương tha thiết.
- Thân bài:
Ông tôi năm nay đã ngoài 60 tuổi. Ở cái tuổi gần đất xa trời ấy thế mà ông tôi còn khỏe lắm. Mới hôm qua, ông còn đi bộ năm cây số đến chơi nhà nội Bảy ở dưới vùng Hạ Điền. Cha tôi đòi chở ông đi, ông nhất định không chịu, ông nói tuổi già nhưng chân tay vẫn còn dẻo lắm, đi bộ cho nó thơi thả, ông không vội gì. Ông định ở dưới chơi mấy ngày với nội Bảy rồi mới về. Thường là như thế, ông tôi đi chơi là phải hơn tuần hoặc nửa tháng mới chịu về.
Ông tôi dáng người mảnh khảnh, gầy gầy nhưng cao. Trong các anh em, ông tôi cao nhất nhà. Cha tôi giống ông nên cũng cao lắm, cao hơn mẹ tôi cả một cái đầu. Bởi ông cao và gầy nên có cảm giác chân tay ông tôi dài quá khổ. Lúc ông ngồi chuốc nan tre, chân ông co khép lại, gối cao hơn vai. Cái bàn uống nước trà cao thế mà ông ngồi với tay là bưng được ly trà. Tôi vẫn thường trêu ông chân tai dài như siêu nhân, rồi cười khúc khích. Ông thường cốc vào đầu tôi nói tự nhiên nó đã như thế.
Làn da ông tôi ngăm nâu rắn chắc. Một lão nông suốt đời bươn chải trên đồng dưới ruộng, nắng gió mưa bão đã ăn sâu vào làn da ấy. Suốt đời ông tôi đã ở trên mảnh đất này, gắn cuộc đời mình với đồng, với ruộng, với con trâu cái cày. Ngày ông bà về ở với nhau khổ lắm. Đất ruộng chưa có, chỉ có mỗi con trâu ông cố ngoại tôi cho làm vốn. Còn ông cố nội tôi cho ông cái triền soi này làm nơi xây tổ ấm.
Những ngày đầu, ông hăng hái chặt tre dựng nhà, toan lo cho cái hạnh phúc cuộc đời. Ngày này qua ngày khác, ông tôi đi cày thuê cho nhà người ta. Còn bà tôi chắt chiu mấy đồng tiền cưới buôn rau, bán cá, sớm hôm cùng chồng vượt qua những ngày khốn khó. Cảnh nghèo nên thương nhau, từ ngày đó đến giờ chưa bao giờ ông bà to tiếng với nhau, trong nhà lúc nào tình cảm cũng đằm thắm.
Ông tôi có khuôn mặt hơi dài và hóp lại ở hai má, làn da lốm đốm vết đồi mồi. Có lẽ do ông gầy và những chiếc răng đã rụng hết nên má hóp lại. Mái tóc ông bạc phơ, hàm râu bạc trắng dài xuống đến ngực. Tôi vẫn thường vuốt râu ông, nó cứng như cước.
Thỉnh thoảng, tôi nghịch ngợm nắm chòm râu ông giật giật hoặc quét lên má thật thích. Đôi hàng chân mày ông thẳng ngang rồi vòng xuống ôm lấy đôi mắt mở rộng, sáng quắc. Nhìn khuôn mặt của ông rất điềm đạm và hiền từ. Ông là người ít nói. Giọng ông nghe trầm ấm vô cùng. Chỉ khi nói chuyện với nội Bảy hay với các cụ ông ở trong làng, ông mới nói nhiều.
Năm trước, cha tôi xây một căn lều nhỏ phía bờ suối cạnh nhà làm nơi để ông tôi tiếp khách. Không gian yên lặng, phong cảnh hữu tình, cách xa cái bề bộn, tất bật đời thường khiến ông tôi thích lắm. Ngồi nhâm nhi ly nước trà, ăn mấy cái bánh quê, trò chuyện “sách vở” với các cụ cao niên trong làng, thư thái cùng cảnh vật, hồi cố những chuyện đã qua khiến ông tôi tươi trẻ hẳn. Ngày bà tôi còn ở trên đời, ông bà thường cũng thường ngồi ở nơi ấy, uống trà và trò chuyện tương lai. Giờ bà đã xa rồi, chỉ còn mình ông. Đôi khi, tôi thấy ông nhìn đăm đăm ra gốc xoài già bà đã trồng, đôi mắt xúc động rưng rưng.
Tính ông tôi lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ. Ông nói, đó là cái nếp ở quê mình. Sống với vườn cây mà không thường quét dọn là bẩn lắm. Thế nên, mỗi buổi sớm thức dậy là ông cùng chúng tôi quét dọn trong ngoài. Xong rồi, mới làm chuyện khác.
Mấy ngày ông tôi đi chơi xa, tôi nhớ ông lắm. Mỗi buổi tối, ông thường nằm võng, kể cho tôi nghe mấy chuyện cổ tích, chuyện ngày xưa câu cá hay chuyện đánh bẫy chim ngoài đìa. Tôi thích nhất là chuyện đi bẫy chim cuốc của ông. Ông bảo, giống chim ấy khôn lắm. Ông đặt lắm bẫy trên lối chúng đi nhưng chúng tránh được hết. Ông phải suy nghĩ mãi mới phát hiện ra cách đặt bẫy mà chúng không thể ngờ tới. Cuối cùng, chúng vẫn không thể qua được cái tài nghệ đánh bẫy của ông. Bà tôi vẫn còn nhắc, ngày đó ông bắt được nhiều chim, ăn không hết còn làm khô gửi cho nội Bảy nữa.
- Kết bài:
Giờ ông tôi đã lớn tuổi, không còn muốn đi đánh bẫy nữa. Mỗi khi nghe tiếng cuốc kêu ngoài đìa, tiếng kêu khắc khoải khiến ông tôi nhớ về những ngày khốn khó thuở hàn vi mới về. Đôi mắt thẫn thờ, đăm đăm nhìn về xa xăm. Tuổi già hay nhớ chuyện xưa mà. Qua gần hết cuộc đời mới biết đường đời gian nan, sống được là diễm phúc rồi, có mơ chi đến chuyện giàu sang, phú quý.
Bài văn tham khảo:
- Mở bài:
Trong gia đình, ông luôn là người khiến em cảm thấy ấm áp và gần gũi nhất. Dù đã lớn tuổi, mái tóc bạc phơ và dáng người chậm rãi, ông vẫn toát lên một phong thái đầy uy nghiêm nhưng cũng rất đỗi hiền từ. Đối với em, ông không chỉ là người thân, mà còn là một người thầy, một người bạn luôn bên cạnh chia sẻ và dạy dỗ.
- Thân bài:
Ông em là một người nông dân cả đời gắn bó với cánh đồng và đất đai quê hương. Đôi bàn tay ông chai sạn, những vết nhăn hằn sâu trên trán là minh chứng cho những ngày tháng lao động vất vả. Tuy vậy, trong đôi mắt ông luôn ánh lên sự lạc quan, hi vọng. Mỗi lần ông kể chuyện về cuộc sống, về những ngày tháng khó khăn mà ông và gia đình đã vượt qua, em lại cảm thấy yêu thương ông nhiều hơn. Ông không chỉ truyền cho em những bài học về cuộc đời, mà còn dạy em cách trân trọng từng giây phút, từng công sức mà cha mẹ và người thân dành cho em.
Kỷ niệm em nhớ nhất là những buổi chiều hè, khi ông dẫn em ra đồng thả diều. Ông dạy em cách buộc dây, cách nâng diều để nó bay cao trên bầu trời xanh. Trong lúc chờ diều bay, ông thường kể cho em nghe những câu chuyện ngày xưa, khi ông còn là một chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết. Những câu chuyện ấy không chỉ giúp em hiểu hơn về cuộc đời của ông mà còn khiến em cảm nhận được sự ấm áp từ tình yêu thương mà ông dành cho em.
Không chỉ vậy, ông còn là người giúp em yêu thích văn học và khám phá những giá trị tinh thần sâu sắc. Ông thường đọc những bài thơ hay kể chuyện cổ tích cho em nghe trước khi đi ngủ. Giọng ông trầm ấm, mỗi câu chữ ông nói ra đều như mang theo hơi thở của thời gian, khiến những câu chuyện trở nên sống động và đầy ý nghĩa.
Trong cuộc sống thường ngày, ông luôn là tấm gương sáng về lòng nhân hậu và sự nhẫn nại. Ông chưa bao giờ cáu giận hay trách mắng ai. Khi em mắc lỗi, ông không la mắng mà nhẹ nhàng chỉ ra cái sai, dạy em cách sửa chữa. Những lời dạy của ông luôn chứa đựng sự khuyên bảo và yêu thương, giúp em ngày càng trưởng thành hơn.
Có lẽ, điều làm em trân trọng ông nhất là tình yêu mà ông dành cho gia đình. Ông luôn quan tâm đến sức khỏe của từng thành viên, hỏi han từng bữa cơm, từng giấc ngủ. Ông thường nhắc nhở em về tầm quan trọng của việc học tập, không chỉ để đạt thành tích cao mà còn để trở thành một người có ích cho xã hội. Những lời ông nói như những hạt giống gieo vào lòng em, giúp em nuôi dưỡng khát khao học hỏi và vươn lên trong cuộc sống.
Mỗi lần nhìn ông chăm sóc những cây cảnh trước sân hay nhặt từng chiếc lá khô rơi, em lại cảm nhận được sự bình dị trong tâm hồn ông. Dường như, ông luôn tìm thấy niềm vui từ những điều nhỏ bé quanh mình. Từ ông, em học được cách yêu thương và sống chậm lại để cảm nhận hạnh phúc từ những điều giản dị trong cuộc sống.
Giờ đây, dù em đã lớn và không còn thường xuyên ở bên ông như trước, nhưng những kỷ niệm và bài học mà ông để lại vẫn luôn là hành trang quý giá trong cuộc đời em. Ông như một cây đại thụ, che chở và nâng đỡ em trong suốt những năm tháng tuổi thơ, giúp em hiểu rằng giá trị của gia đình là điều thiêng liêng và bất biến.
- Kết bài:
Em luôn biết ơn vì đã có một người ông tuyệt vời như vậy. Dù thời gian có trôi qua, dù những nếp nhăn trên khuôn mặt ông có thêm nhiều hơn, nhưng trong mắt em, ông mãi là người thầy, người bạn và người ông kính yêu nhất. Lễ phép, yêu thương và biết ơn – đó là những gì em luôn mang trong lòng mỗi khi nghĩ về ông.