Mối quan hệ giữa văn chương và hội họa
Nghệ thuật tạo hình gồm có hội họa, đồ họa, điêu khắc, nhiếp ảnh nghệ thuật. Ðặc điểm của chúng: phản ảnh hiện thực thông qua sự tái hiện hình tượng các hình thức thấy được của hiện thực, đều thể hiện diện mạo các sự vật và hiện tượng của thế giới khách quan, diện mạo con người, thể hiện toàn bộ tính muôn vẻ của các sự kiện và quá trình cuộc sống được cảm nhận bằng thị giác. Nghệ thuật tạo hình còn được gọi là nghệ thuật thị giác (trong tạo hình, hội họa là ngành tiêu biểu). Việc thể hiện trực tiếp toàn bộ tính muôn hình muôn vẻ của các hiện tượng được cảm thụ cảm tính: các sự vật, đường nét, màu sắc, hình khối, dáng vẻ của thế giới bên ngoài đã làm cho nghệ thuật tạo hình nói chung và hội họa nói riêng có ưu thế về phía tác động trực tiếp, xác thực, cụ thể đến người tiếp nhận.
Về phương diện này, văn chương có những hạn chế nhất định. nhưng, nhà văn cố phấn đấu làm cho hình tượng của mình đạt được tính tạo hình. Người ta đã xem các hình tượng văn chương là những bức tranh. Bằng ngôn từ, văn chương có thể khắc họa rõ nét những hiện tượng riêng lẻ của thế giới. (Song sự khắc họa này diễn ra thông qua sự liên tưởng, thông qua kinh nghiệm sống của người tiếp nhận). Ở đây cần lưu ý rằng: văn chương không chỉ đơn thuần là vẽ bằng ngôn từ về các sự vật hiện tượng mà người vẽ còn thể hiện trực tiếp cả thái độ của mình về đối tượng, hơn nữa, văn chương không xem yếu tố tạo hình, yếu tố khắc họa là yếu tố tự quyết, tiên quyết.
Văn chương có ưu thế trong việc thể hiện sự vận động, sự phát triển và sự thay đổi đang diễn ra của thế giới, ngay cả những hiện tượng tưởng như đứng im, không vận động của thế giới. Chẳng hạn, miêu tả sắc đẹp của người phụ nữ. nếu như hội họa cố gắng miêu tả tỉ mỉ về sắc đẹp chân dung một phụ nữ thì, văn chương lại không đi theo con đường của hội họa mà kể lại ấn tượng do vẻ đẹp đó dấy lên ở những người xung quanh. Vẻ đẹp ở đây được thể hiện dường như ở trong trạng thái vận động, trong hành động. Nguyễn Du miêu tả vẻ đẹp, tài sắc của chị em Kiều theo kiểu đó:
- Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
- Một hai nghiêng nước, nghiêng thành
Hội họa tìm cách khắc phục mặt tĩnh tại của mình bằng cách thể hiện những tình huống điển hình, khoảng khắc tiêu biểu từ toàn bộ quá trình phát triển của sự vật và hiện tượng. Hình tượng nghệ thuật tạo hình cũng mang tính thời gian, tính vận động, vì bản thân nó là sự thể hiện một thời điểm nhất định của sự vận động và phát triển của sự vật. nó dừng lại ở một khoảnh khắc nhất định để giúp người tiếp nhận nhìn thấy được kỹ lưỡng hơn cái được miêu tả.
Sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa văn chương và hội họa khá đa dạng. Trước hết là ở chỗ chúng học tập lẫn nhau các biện pháp, thủ pháp nghệ thuật. Chẳng hạn, văn chương sử dụng biện pháp hài sắc, độ sáng tối, luật cận – viễn. Tác giả dân gian đã dùng các màu sắc các màu sắc để vẽ nên màu sắc của sen: Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng
Cũng có thể chỉ dùng một thứ màu:
Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ
Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển
Xanh trời, xanh của giấc mơ.
Cũng có thể phối hợp màu sắc (hài sắc):
Một vùng cỏ mọc xanh rì
Nước ngâm trong vắt, thấy gì nữa đâu.
Phối hợp xa gần (luật viễn cận): Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung
Hội họa chịu ảnh hưởng của khả năng nêu vấn đề, tính vạn năng của văn chương. Trước đây chức năng minh họa của hội họa được đề cao, nhưng do tác động của văn chương và nhiều ngành nghệ thuật khác mà trong mấy thế kỷ nay bản chất hội họa có thay đổi, tính minh họa bị đưa xuống hàng thứ yếu, điều cốt yếu của hội họa ngày nay là khả năng khái quát nghệ thuật, tính diễn cảm và năng động.
Ngoài ra, chúng ta thường thấy là hội họa tìm các chủ đề và đề tài cho mình từ các hình tượng văn chương.