Nghe bài thuyết minh tổng hợp
(Ngữ văn 11, tập 2, Cánh Diều)
I. Định hướng.
a) Rèn luyện kĩ năng nghe nội dung bài thuyết minh tổng hợp cần đáp ứng ba yêu cầu:
– Nắm bắt được nội dung thuyết minh và quan điểm của người nói.
– Nhận xét, đánh giá về nội dung và cách thức thuyết minh
– Biết đặt câu hỏi về những điểm cần làm rõ.
Trong phần Viết, sách đã hướng dẫn em cách viết bài thuyết minh tổng hợp với đề tài giới thiệu một số phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam. Với phần Nói và nghe; người nói cần chuyển nội dung bài viết thành bài thuyết trình; nghĩa là sử dụng lời nói, giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể phù hợp để trình bày lại nội dung đã viết. Người nghe tập trung lắng nghe theo các yêu cầu đã nêu ở trên.
b) Để nghe và nắm được nội dung thuyết minh một cách hiệu quả, các em cần lưu ý:
– Tập trung chú ý khi người nói trình bày, ghi lại các nội dung chính: chú ý cách thức và kĩ thuật trình bảy của người nói.
– Biết nêu các câu hỏi về đề tài được nghe và những điểm người nói nếu chưa rõ.
II. Thực hành
Bài tập: (trang 121 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1). Nghe giới thiệu về một số phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam.
a) Chuẩn bị:
Xem lại nội dung đọc hiểu và phần viết theo yêu cầu thuyết minh tổng hợp.
– Xem xét các yêu cầu đã nêu trong mục 1. Định hướng
– Xem lại dàn ý và nội dung vấn đề đã làm ở phần Viết.
– Chú ý những ý mới mà người nói bổ sung, cách sắp xếp các ý của bài giới thiệu…. Trong khi nghe giới thiệu, đối chiếu nội dung bài nói theo các yêu cầu sau:
Mở đầu: | Vấn đề người thuyết trình giới thiệu là gì? |
Nội dung chính: | Các nội dung chính người nói đã trình bày như thế nào? Người nói trình bày theo dàn ý đã chuẩn bị hay theo trật tự khác nhưng vẫn nêu được các nội dung chính mà bài đã yêu cầu? Người nói có sử dụng các phương tiện hỗ trợ khi thuyết trình không?… |
Kết thúc: | Người nói có tóm lược nội dung đã trình bày và trả lời được câu hỏi của người nghe (nếu có) không? |
b) Nói và nghe.
Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1, phần Nói và nghe, mục c (trang 31), đổi chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này, chú ý tập trung kĩ năng nghe nhiều hơn.
* Bài nói mẫu tham khảo:
Xin chào thầy cô và các bạn. Sau đây em xin trình bày bài thảo thảo luận hôm nay về một số phẩm chất của con người Việt Nam.
Trong thời chiến, nhân dân Việt Nam đã hiện lên như những người anh hùng hiên ngang, dũng cảm. Hơn hết, trong họ còn sục sôi ý chí chiến đấu kiên cường. Có lẽ bởi vậy mà bất kì thế lực thù địch nào đến xâm chiếm đều bị dân tộc Việt Nam đánh bại. Trong thời bình, đặc biệt là trong công cuộc chống dịch covid 19 hiện nay, con người Việt Nam hiện lên mới đẹp và đáng tự hào làm sao! Trước sự lây lan nhanh chóng của virus corona, họ chẳng màng hiểm nguy, sợ hãi mà cùng nhau kết nối, gắn chặt sợi chỉ đỏ xuyên suốt mang tên “yêu nước” để xây dựng nên bức tường thành kiên cố ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh truyền nhiễm. Chưa dừng lại ở đó, trong họ còn sáng lên những phẩm chất cao đẹp như giàu lòng tình thương, nhân hậu. Bởi vậy mà trong cuộc chiến covid 19, họ cứu chữa tất cả mọi người, dân tộc trên thế giới mà không hề có sự phân biệt nào.
Về tôn giáo tín ngưỡng, dân tộc Việt Nam thể hiện rõ sự hòa nhập qua tín ngưỡng đa thần. Trước hết người Việt có đạo thờ cúng tổ tiên, xuất phát từ việc ghi nhớ ơn đức của thế hệ trước. Người Việt cũng thờ rất nhiều vị thần, thần của người Việt không ở cao xa mà “sống” bên cạnh con người và luôn hỗ trợ con người. Người Việt Nam không cuồng tín tôn giáo. Các thứ lớp tôn giáo và tín ngưỡng, gia đình, dòng họ, làng xã và quốc gia hòa hợp nhau, bổ sung cho nhau. Sự hỗn hợp này là đặc điểm rất lớn thể hiện sự hòa nhập tôn giáo và tính hiện thực của tín ngưỡng tôn giáo người Việt xưa và nay. Sự hòa nhập trong việc tiếp thu các hệ tư tưởng và tôn giáo cũng cho thấy tư duy trung hòa, mở rộng và linh hoạt của người Việt.
Qua đây, chúng ta nhận thấy con người Việt Nam đẹp biết bao! Là một công dân Việt, em luôn rèn luyện và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc. Hơn hết, em sẽ cố gắng chung tay xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý để bài thảo luận được hoàn thiện hơn.
c) Kiểm tra và chỉnh sửa: Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1, phần Nói và nghe, mục d (trang 32), đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này, chú ý tập trung vào kĩ năng nghe.