tu-chu-ban-than

Nghị luận về vai trò của ý thức tự chủ bản thân

Nghị luận về ý thức tự chủ bản thân.

  • Mở bài:

Raymond đã từng viết rằng: “Chiến thắng là một bông hoa khắt khe không dành cho tất cả các mảnh đất. Nó chỉ nở dưới ánh mặt trời của ý chí”. Muốn có được thành công và làm chủ cuộc sống không có cách nào khác là phải tự làm chủ bản thân mình. Hãy đặt tương lai vào bàn tay của chính bạn, đừng tìm kiếm nguồn hi vọng hay sức mạnh từ một nơi nào khác. Tự chủ bản thân sẽ giúp bạn làm chủ sự nghiệp và làm chủ cuộc đời.

  • Thân bài:

Thế nào là tự chủ bản thân?

Tự chủ bản thân là làm chủ chính bản thân mình, luôn ý thức được những gì mình đang làm và luôn biết tự điều chỉnh hành vi đúng mực và phù hợp với thế giới xung quanh.

Biểu hiện của người có tính làm chủ bản thân.

Người có ý thức tự chủ bản thân luôn biết kiềm chế cảm xúc, bình tĩnh, tự tin trong mọi tình huống. Họ không bao giờ nao núng hay hoang mang trước những khó khăn. Lúc nào họ cũng giữ lấy chính kiến, không bị ngả nghiêng, lôi kéo trước những áp lực tiêu cực là biết tự ra quyết định cho bản thân.

Người biết làm chủ bản thân luôn kiểm soát được những suy nghĩ, tình cảm, hành vi của mình, bình tĩnh, tự tin trong mọi hoàn cảnh, sẵn sàng chịu trách nhiệm về kết quả của những suy nghĩ, hành động đó.

Tại sao phải rèn luyện ý thức tự chủ bản thân?

Mỗi cá nhân sống trong cộng đồng đều có sự ràng buộc lẫn nhau. Nếu bạn không tự vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ sức lao động và đời sống của mình thì sẽ luôn phải sống phụ thuộc vào người khác. Mặt khác, cuộc sống luôn ẩn chứa nhiều bất trắc.

Làm chủ chính mình giúp con người sống chuẩn mực, kiểm soát được lời nói, hành vi, quyết định và lựa chọn của mình. Nhờ vậy, sẽ hạn chế được những hành động, lời nói tiêu cực gây tổn thương đến những người xung quanh hoặc bản thân.

Biết làm chủ chính mình trong mọi hoàn cảnh giúp con người hiểu hơn về bản thân mình, sáng suốt nhận ra niềm đam mê, sở trường của bản thân. Từ đó hoạch định được tương lai.

Làm chủ chính mình giúp chúng ta rèn luyện bản lĩnh, hình thành thái độ tự tin, tư duy độc lập; không bị tác động tiêu cực từ dư luận, không chạy theo số đông một cách mù quáng.

Người làm chủ chính mình biết rằng mình có toàn quyền cũng như toàn bộ trách nhiệm trong việc vẽ lên bức tranh cuộc đời mình. Vì vậy, họ không than trách quá khứ, không đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác. Họ luôn nỗ lực để hoàn thiện bản thân, khắc phục khó khăn để vượt qua thất bại để thay đổi cuộc đời theo hướng họ muốn.

Làm chủ chính mình sẽ luôn kiểm soát được suy nghĩ, hành động của mình nên học có đời sống nội tâm bình an hơn, hạnh phúc hơn.

Tính tự chủ rất cần thiết vì trong cuộc sống con người luôn luôn gặp những tình huống đòi hỏi phải có sẵn sự đúng đắn phù hợp. Nếu chẳng may bạn lạc vào rừng rậm, nếu không làm chủ được bản thân sao bạn có thể làm chủ được hoàn cảnh mà thoát ra khỏi chốn hiểm nguy đó. Chẳng hạn như nếu sau này bạn tốt nghiệp đại học, bạn cần có tiền để trang trải cuộc sống và thực hiện ước mơ, bạn sẽ tự khởi nghiệp làm giàu hay đi làm thuê cho người khác? Năng lực bao năm tích lũy và rèn luyện của bạn bỗng chốc thuộc về người khác để nhận lại những đồng tiền công tầm thường nếu bạn không biết làm tư chủ bản thân.

Tính tự chủ giúp con người tránh được những việc làm sai trái, tinh thần trở nên sáng suốt. Từ đó lựa chọn cách thức hiện mục đích hiệu quả cho cuộc sống của mình. Trong tình huống bất ngờ hay khó khăn nào đó, nếu bạn không thể bình tĩnh được, bạn thường có những hành động sai lầm. Hành động sai lầm sẽ đẩy bạn vào tình trạng tệ hại hơn. Bạn cần biết cách tự chủ cảm xúc của mình để bạn có thể bình tĩnh. Chỉ trong lúc bình tĩnh, bạn có thể đưa ra quyết định đúng đắn, giúp bạn thoát ra khỏi những rắc rối.

Nhờ tính tự chủ mà con người biết sống đúng đắn và biết cư xử có đạo đức, có văn hóa. Khi bạn đã có thể tự chủ bản thân mình, bạn sẽ quyết định mọi thứ có liên quan đến mình mà hoàn toàn không phụ thuộc vào một ai khác. bạn tự chủ nên bạn sẽ tự tin hơn. Không có gì phải e ngại khi bạn không có gì phải giấu kín, không việc gì bạn phải lảng tránh. Bạn hoàn toàn tự quyết định và chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. 

Tính tự chủ giúp ta đứng vững trước những tình huống khó khăn và những thử thách hay cám dỗ của cuộc đời. Bởi một khi bạn tin tưởng và làm chủ được bản thân mình, không có gì có thể làm lay chuyển được bạn. Đó là nguồn sức mạnh quý giá giúp bạn vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Mặt khác, nó còn giúp bạn trở nên sáng suốt hơn trước những cám dỗ của cuộc đời luôn phô bày trước mắt. Tự chủ bản thân chính là nguồn sức mạnh vô giá giúp bạn thành công.

Người biết tự chủ bản thân luôn hành động tự tin và quyết đoán bởi họ nắm vững năng lực bản thân và tin chắc vào những việc mình làm. Bởi thế, người có ý thức tự chủ bản thân luôn được người khác tin cậy và thành công trong cuộc sống. Nếu mọi người đều biết tự chủ, biết xử sự theo những chuẩn mực tốt đẹp thì xã hội sẽ ngày càng văn minh tiến bộ hơn.

Tự chủ bản thân là phẩm chất quý giá luôn có ở mỗi con người. Nhưng không phải lúc nào nó cũng lớn mạnh. Bởi thế, ta phải không ngừng rèn luyện nó, biến nó thành sức mạnh làm chủ bản thân.

Rèn luyện ý thức bản thân như thế nào?

Nếu muốn thực sự làm chủ bản thân, không có cách nào khác là bạn cần phải tự tin, tự hoàn thiện bản thân mình, gây dựng một sự nghiệp vững chắc cho chính mình. Chính con đường học tập sẽ là bệ phóng đưa bạn đến làm chủ bản thân mình. Tri thức chính là công cụ hữu hiệu nhất để bạn làm chủ thế giới. Một khi bạn có nhiều nguồn sức mạnh hỗ trợ, bạn mới có thể làm chủ bản thân mình như bạn mong muốn. Chẳng hạn như Bill Gate hay Steve Jobs, những con người dám vượt thoát khỏi những ràng buộc và định kiến của xã hội để tự chủ bản thân, tự chủ sự nghiệp của mình.

Luôn có ý thức rèn luyện làm chủ những suy nghĩ, tình cảm và hành vi của bản thân trong các hoạt động, các tình huống, hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày. Trước hết là làm chủ cảm xúc và lời nói. Trước những biến động vô chừng của cuộc sống, cảm xúc của con người cũng không ngừng lay động và biến đổi theo. Đừng để những gì xảy ra trước mắt điều hướng cảm xúc của bạn theo chiều hướng xấu.

Hãy làm chủ lời nói của mình. Biết nói lời chân thật, đừng quá nhiều lời cho những việc không cần thiết. Hãy suy nghĩ trước khi nói và dũng cảm chịu trách nhiệm về lời nói của mình. 

Tự tin trong học tập và các hoạt động tập thể. Luôn kiên định thực hiện và bảo vệ cái đúng, cái tốt. Không bị lôi kéo bởi đám đọng, không a dua theo bạn bè xấu làm điều không đúng (chia bè phái, mất đoàn kết, trốn học, bỏ học, tham gia vào các tệ nạn xã hội…).

Sống có khát vọng cao đẹp, có ước mơ, hoài bão lớn lao hướng đến tương lai, vươn đến chân – thiện – mĩ. Luôn tin tường và làm chủ bản thân mình. Có lỗi lầm thì phải sửa chữa. Tích cực làm việc nuôi sống bản thân, không được dựa dẫm vào người khác. Xây dựng lối sống trong sạch, vững mạnh và hòa hợp với cộng đồng.

Bàn luận mở rộng.

Tự chủ bản thân là cách để bước đến cuộc sống độc lập, không phụ thuộc hay bị ràng buộc. Thế nhưng, trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người không có ý thức tự chủ bản thân. Họ ít khi nghĩ đến việc phải tự làm một công việc nào đó mà luôn chờ đợi sự sai bảo. Họ luôn sống dựa dẫm và phụ thuộc vào người khác. Họ cũng không tự giác gánh vác một trách nhiệm nào và càng không muốn chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì. Bởi thế, họ luôn là người có cuộc sống bình thường, thậm chí là thất bại trong cuộc sống. Những người như thế thật đáng chê trách.

Bài học nhận thức và hành động.

Tự chủ bản thân là bước đầu hình thành đức tính tự lập. Người có tính tự lập sẽ làm chủ được sự nghiệp, làm chủ cuộc đời. Chỉ những ai biết tự chủ bản thân thì mới thực sự được tự do.

Làm chủ chính mình là chiếc chìa khóa quan trọng mở ra cánh cửa hạnh phúc.

  • Kết bài:

Kinh Phật có nói: “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kì tâm”. Nghĩa là trong trời đất không có chỗ nào là điểm tựa của các hiện tượng, tất cả đều do tâm ta mà ra. Bởi thế, không có sự cao quý nào cao quý hơn ý chí làm chủ bản thân mình. Bạn không cần làm chủ bất cứ ai mà hãy làm chủ suy nghĩ, tình cảm, năng lực và tất cả những gì bạn đang có. Bạn sẽ phát hiện ra rằng bạn cũng có rất nhiều thứ để quan tâm, để bảo vệ và làm cho nó có giá trị hơn. Đôi khi ta lại quên điều đó và tìm kiếm những giá trị không thuộc về mình để rồi chán nản và thất vọng. Hãy tập làm chủ bản thân ngay từ bây giờ để ngày mai bạn có thể làm chủ cả cuộc đời mình trong hạnh phúc và viên mãn.

 

Nghị luận: Vấn đề rèn luyện tính tự lập của học sinh ngày nay

4 bình luận trong “Nghị luận về vai trò của ý thức tự chủ bản thân”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang