Cảm nhận tình yêu thương cha mãnh liệt của bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà”.
- Mở bài:
Trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà”, Nguyễn Quang Sáng đã rất thanh công khi xây dựng hình ảnh nhân vật bé Thu, con gái của Anh Sáu, người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Nhân vật bé Thu tuy cố chấp, bướng bỉnh nhưng có yêu thương cha mãnh liệt. Chính tình yêu thương cha tha thiết ấy đã khiến bé Thu trở nên bướng bỉnh, lầm lì, cố chấp và bảo thủ đến vậy.
- Thân bài:
Câu chuyện xoay quanh gia đình anh Sáu – một cán bộ cách mạng. Anh Sáu đã phải đi xa nhà kháng chiến khi con gái anh chưa tròn một tuổi. Mãi đến khi con gái anh lên tám tuổi, anh mới có dịp về thăm gia đình. Bé Thu- con gái anh không nhận ra cha mình vì vết sẹo trên mặt làm cho anh không còn giống với người trong ảnh mà em đã biết. Trong những ngày đầu, bé Thu đối xử cha mình như một người xa lạ, nhất định không gọi anh Sáu là ba. Mãi đến khi nhận ra, tình cha con trong em trỗi dậy mãnh liệt thì đó cũng là lúc anh Sáu trở lại chiến khu. Ở căn cứ, anh Sáu dồn hết tình thương và nỗi nhớ con vào việc làm chiếc lược ngà để tặng con gái anh. Trong một trận càn quét của địch, anh đã hi sinh. Trước khi nhắm mắt, anh kịp trao cây lược cho người bạn nhờ gửi lại cho con.
Từ lúc anh Sáu đi kháng chiến, Thu chưa một lần gặp ba. Mấy lần chị Sáu lên thăm anh nhưng đường xa, lại còn nguy hiểm nên không thể mang con theo. Trong lòng Thu luôn giữ gìn hình ảnh của cha trong tấm hình chụp chung với má và một lòng tự hào về cha nó lắm. Ta sẽ tưởng chừng như khi được gặp cha, nó sẽ bồi hồi, sung sướng và sà vào vòng tay của ba nó với tình cảm mãnh liệt hơn bao giờ hết. Nhưng không,Thu đã làm cho người đọc phải bất ngờ qua hành động quyết liệt không chịu nhận ông Sáu là ba. “Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn…ngơ ngác, lạ lùng…”. Khi ông Sáu đến gần, giọng lặp bặp run run: “Ba đây con! Ba đây con” thì “con bé thấy lạ quá, mặt bỗng tái đi,rồi vụt chạy và kêu thét lên: Má! Má !”.
Đó cũng là phản ứng bình thường của một đứa trẻ khi bất ngờ gặp người lạ tỏ ra thân quen với mình. Điều đó khiến cho anh Sáu đau đớn tột cùng. Suốt ba ngày, anh Sáu chẳng đi đâu xa, muốn ở bên con vỗ về, chăm sóc, bù đắp cho con sự thiếu thốn tình cảm suốt tám năm trời. Song, anh càng tìm cách xích lại gần thì nó càng tìm cách xa lánh, nhất định không gọi một tiếng “ba”. Tưởng chừng như những việc làm ấy cho chúng ta thấy Thu là một đứa bé không biết nghe lời. Nhưng không! Điều đó càng thể hiện rằng Thu rất yêu ba nó cả. Vì thế mà Thu mới tỏ ra lạnh nhạt với anh Sáu. Thu không muốn gọi anh Sáu là “ba”, chỉ tiếng gọi thiêng liêng ấy, Thu chỉ dành cho duy nhất một người mà nó yêu kính.
Những ngày kế tiếp, Thu vẫn bướng bỉnh với anh Sáu. Nó nhón gót lấy cái vá rồi múc ra từng vá nước trong nồi cơm ra để tránh bị nhão, khỏi bị má đánh đòn chứ nhất định không gọi anh Sáu là “ba”. Trong bàn ăn, Thu không chấp nhận cái trứng cá mà anh Sáu gắp cho, nó dùng đũa xoi vào chén cơm rồi bất thần hất cái trứng ra khỏi chén. Thái độ của bé Thu vừa đáng giận vừa đáng yêu chứ không đáng trách. Vết sẹo trên mặt anh Sáu đã làm trái tim bé Thu rướm máu. Ta thấy hậu quả của chiến tranh không những làm biến dạng con người mà còn gây ra những cảnh ngộ éo le, những nỗi đau gia đình chua xót.
Sau khi bị anh Sáu đánh, Thu bỏ về nhà ngoại. Trong đêm đó, Thu được ngoại giải thích về vết sẹo làm biến dạng khuôn mặt ba nó. Sự nghi ngờ mấy ngày nay đã được giải tỏa và Thu tỏ ra ân hận và hối tiếc: “nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn”. Đáng lẽ hai ngày anh Sáu được nghỉ phép, nó đã được nũng nịu với cha mình vì lại không chịu gọi một tiếng “ba”. Lúc ấy, nhớ lại ánh mắt giận dữ của anh Sáu lúc đánh nó, nụ cười chua xót khi nó không chịu gọi “ba”, Thu cảm thấy hối hận đến nhường nào. Tình yêu thương cha mãnh liệt cuộn trào trong nó nhưng nó vẫn chưa có cách nào để thể hiện điều đó.
Tới ngày nghỉ phép cuối cùng của anh Sáu, ai ai cũng muốn gặp lại anh trước khi đi. Còn Thu đứng ở góc nhà, tựa cửa, đôi mắt buồn, ánh mắt hiện lên sự hồn nhiên của trẻ thơ. Tình yêu cha trong bé Thu đã trỗi dậy mãnh liệt vào cái giây phút bất ngờ nhất, giây phút ông Sáu lên đường trong nỗi đau vì không được con đón nhận. Bác Ba là người đầu tiên nhận ra sự thay đổi của Thu: “vẻ mặt sầm lại buồn rầu”, “đôi mắt như to hơn nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa”.
Bà ngoại đã giúp bé Thu hiểu ra tất cả mọi điều, phá tan sự hoài nghi trong nó, nhận ra những sự thay đổi trên khuôn mặt anh Sáu. Để rồi tình yêu ba trào dâng mãnh liệt trong em vào khoảnh khắc ba nhìn em với cái nhìn trìu mến, giọng nói ấm áp “thôi, ba đi nghe con!”. Đúng vào lúc không một ai ngờ tới, kể cả ông Sáu, Thu thốt lên tiếng kêu thét “Ba…a…a…ba!”. Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và ruột gan mọi người nghe thật xót xa.
Đó là tiếng “ba” nó cố kìm nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó”. Nó chạy xô tới, nhảy thót lên, dang chặt hai tay ôm lấy cổ ba, hôn ba cùng khắp, hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, hôn cả vết thẹo dài trên má, khóc trong tiếng nấc, kiên quyết không cho ba đi. Nó biết ba nó nhất định phải đi vì nhiệm vụ cách mạng đang chờ. Tuy nhiên nó vẫn cố làm điều gì đó để thể hiện tình yêu ba nó một cách nồng nhiệt nhất.
Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện một cách bình dị mà sâu sắc, nỗi đau tinh thần mà chiến tranh đã gây ra cho nhân dân Việt Nam. Tác giả đã thành công trong việc thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam trong chiến tranh. Một trong những điểm tạo nên sự hấp dẫn của truyện “Chiếc lược ngà” là Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng được một cốt truyện khá chặt chẽ, có những tình huống bất ngờ nhưng hợp lý. Ngoài ra nghệ thuật miêu tả tâm lý trẻ thơ cũng rất độc đáo. Một bé Thu bướng bỉnh, cá tính nhưng lại giàu tình thương với cha mình.
- Kết bài:
Câu chuyện diễn ra đầy kịch tính chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ. Tình cha con giữa anh Sáu và bé Thu gợi lên nhiều suy tư, xúc cảm trong điều kiện khốc liệt của chiến tranh. Nhà văn muốn khẳng định và ca ngợi vẻ đẹp của tình cha con thiêng liêng sâu đậm, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh.