Núi La Hiên – Chiếc vảy rồng thiêng của Trường Sơn hùng vĩ.
Núi La Hiên là tên một đại sơn thuộc dãy Trường Sơn Nam nằm trên địa bàn xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Núi có độ cao trên 1.318 mét so với mặt nước biển. Đường chim bay từ chân Tây Bắc đến Đông Nam khoảng 20km, là nơi cư trú chủ yếu của tộc người Ba Na bản địa.
Đối với con người, mỗi đại sơn đều ẩn chứa bên trong nó những sức mạnh huyền bí và kỳ diệu phi thường. Dù bất cứ đâu, con người đều lấy núi cao làm điểm tựa cho tinh thần và niềm tin tâm linh. Có thể thuở ban đầu, con người kinh ngạc trước vẻ to lớn bên ngoài của nó, kinh ngạc trước sức mạnh vô hình và cảm thấy mình nhỏ bé, bất lực trước những chuyển đổi của vũ trụ. Mỗi tai họa khủng khiếp giáng xuống không phải do trời mà là do thần linh ẩn mình trong biểu tượng ở gần ta nhất chi phối. “Có thờ mới thiêng, có kiêng mới lành” đó cũng là tâm lí chung của người Việt trong vấn đề sùng bái tự nhiên.
Người dân địa phương tin rằng ngọn núi này thật sự là một điều kỳ diệu, chất chứa nhiều bí ẩn đánh đố và làm say mê không chỉ người dân địa phương, mà còn hàng nghìn người đã đến thăm đại hùng sơn kỳ diệu này.
Dãy Trường Sơn giống như một con rồng lửa trườn mình từ bắc xuống nam. Tại nơi đây, trên mảnh đất Phú Yên, con rồng lửa ấy bất ngờ cuộn mình dữ dội tạo nên những ngọn núi cao ngất ngưỡng mây trời, rồi ào ào lao ra biển xanh kết thúc cuộc hành trình vạn lí.
La Hiên được ví như chiếc vảy gai cao trên đỉnh mình rồng, oai nghiêm, hùng dũng vươn thẳng lên trời. Sườn tây thẳng dốc, quanh năm hứng chịu sự phai mòn. Sườn đông thoai thoải, nhẹ nhàng trải mình ra sông lớn. Nhìn từ xa, La Hiên đĩnh đạc như dáng ngồi của một vị tu sĩ đang trong tư thế thiền định bất tận. Trên rặng La Hiên có hòn núi nhỏ mà dân trong vùng gọi là Hòn Ông và một hòn khác kề bên gọi là Hòn Bà. Người Ba Na Tô Lô là dân bản địa lâu đời nhất.
Mùa đông, nước sông về đầy, La Hiên mịt mờ khói tỏa. Buổi sáng sớm, nhìn lên sườn núi thấy sương mờ lâng lâng trong cái rét của miền sơn cước, La Hiên trầm tư như một chiếc lư đồng vận khí, lặng lẽ nghe vũ vũ trụ chuyển mình. Đến buổi trưa, sương mờ chưa tan hẳn mà chuyển dần lên đỉnh núi, tròn quanh như ánh hào quang. Ta có thể tưởng tượng, làn sương không cụm lại mà xoay tròn giống như đường viền trên sao thổ. Ngỡ như có người ngoài hình tinh nào đó vừa ghé ngang đây, trên đường bay còn chưa kịp mờ phai dấu vết. Có thể lắm chứ bởi La hiên với bao điều kì bí mà con người chưa khám phá hết. Nó cũng có thể thu hút sự tìm tòi của những tồn tại xa xôi.
Đêm buông xuống. Cả vũ trụ ngừng thở, lặng nghe âm thanh thì thầm của rừng sâu vọng về. Một cành cây đổ trong đêm lạnh cũng khiến ta rùng mình. Một hòn hòn đá lăn ngỡ như đất trời long lỡ. La Hiên âm thầm ẩn chứa trong nó bao truyền kì đủ làm ta say mê, đủ làm ta thấy hãnh diện và tôn kính.
Mùa xuân, buổi sớm nghe chim cu rừng gáy trên sườn đồi, biết La Hiên đã thức giấc. Khói bắt đầu tan trườn từ đỉnh xuống chân núi rồi lũ lượt chảy về phía bắc. Cả đất trời rùng mình chuyển động. Ánh nắng mượt dài dát bạc ngọn núi xanh. Đàn khỉ hú gọi nhau vang động núi rừng. Mấy con hoẵng táo tác gọi nhau kéo về phía nam tìm đồng cỏ. Dân bản địa bắt đầu dọn cỏ những mảnh ruộng chân núi chuẩn bị cho vụ mùa. Dân bản địa đã luôn luôn coi ngọn núi này là một nơi linh thiêng và trong những thập kỷ gần đây, ngọn núi được xem là cội nguồn của sức mạnh thần bí sinh ra hòa bình và thịnh vượng.
Đến mùa hạ, hoa rừng trở mình buông nở. Khóm lan treo mình lủng lẳng thả chùm hoa đỏ, hoa bằng lăng tím rộ kéo thành một vệt dài từ mình núi đến phía sau sườn tây như chiếc khăn mùa đông chưa kịp thả xuống. Tiếng chim khứu, chim chìa vôi đỏ, chìa vôi trắng vang vang núi rừng. Còn có cả tiếng của trăm loài chim khác nữa trong bữa đại nhạc hội chim rừng tưng bừng ngỡ như trong huyền sử.
Dòng Kì Lộ lững lờ trôi, nước xanh trong vắt in hình bóng núi. Nằm dưới bờ đá mát rượi, nhìn lên La Hiên, dáng núi nghiêng nghiêng như muốn tựa lưng vào đâu đó mà không tìm được điểm tựa. Dù trời nắng khô khốc mà núi vẫn giữ màu xanh ngà. Đám cây kơ nia vươn mình đĩnh đạc soi bóng trời cao. Mặt trời từng ngày đi qua, chiếu rọi như thiu như đốt càng làm cho La Hiên thêm phần tươi lá cho ta có cảm tưởng như có một người mạch bất tận nào đó chảy ngầm trong lòng núi nuôi dưỡng thân cây trước sự khắc nghiệt của khí hậu khô cằn miền nhiệt đới. Lá thêm xanh, hoa đua nở như thách thức tạo hóa trong cuộc quần xoay vĩ đại.
Mùa thu, rừng cây im lìm. Hoa lan rũ từng vệt dài khô khốc. Chim chóc dần khuất bóng. Con vượn hú dài trên đỉnh cao nghe thê thiết. La Hiên trầm tư như một lão ông trước bàn cờ gặp nước đi khó. Tương truyền La là nơi tiên ở; giữa ngọn núi là nơi quanh năm mưa.
Trên núi có một cái giếng tiên, nước toả ra bốn bên đổ ra thành đầu sông Bà Lá, sông Cà Lúi và sông Hà Đang, sông Hà Cái (tức sông Kì Lộ ngày nay). Bên cạnh giếng có bàn cờ đá, có ghế ngồi được coi là của những ông tiên, khi trăng thanh mưa tạnh là các tiên đến đánh cờ. Dù biết là không có thật nhưng câu chuyện đã làm cho La Hiên thêm phần kì bí, càng suy nghĩ càng thấy sức mạnh tưởng tượng của con người lúc nào cũng muốn làm niềm tin thêm rạng rỡ, nhuốm đẫm màu sắc huyền thoại.
Sườn núi phía Tây có những buôn làng Ba Na (Gia Lai). Sườn Đông Nam có buôn làng Ba Na của huyện Đồng Xuân. Người Ba Na cư trú ở sườn phía Đông Nam trên độ cao 1100m. Các làng phía Hà Đang gồm buôn Dơm, buôn Dao, buôn Ma Lươm, buôn Ma Hơ, làng Cà Te, phía Thồ Lồ gồm buôn Ma Quân, buôn Ma Kham, buôn Hà Cát, buôn Ma Dú, buôn Ma Choai, buôn Ma Hàm thuộc hệ Tô Lô.
Chân núi phía Tây Bắc (An Khê) là nơi phát tích của phong trào Tây Sơn, cũng là quê hương của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Chân núi phía Đông Nam là nơi mà ông Nguyễn Nhạc phát động xây dựng căn cứ Tây Sơn Hữu Đạo gồm Thồ Lồ, Hà Đang, Hà Cát, Ma Dú.
Chuyện xưa kể rằng vốn họ ở bờ biển, hải đảo, vùng biển ngày nay là của Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi. Do chiến tranh bộ tộc liên miên cho nên bộ tộc Tô Lô phải lên núi cao ở để có thể chiến đấu, bảo tồn. Họ xây dựng buôn làng trên sườn núi cốt để nhìn rõ bốn phương. Người Ba Na Tô Lô di chuyển dần lên phía Tây, hình thành nhiều buôn làng ở Gia Lai, Kon Tum. Nhưng dù đi đến đâu họ đều xoay cửa nhà trông về núi La Hiên như để nhớ về nguồn cội và cầu mong sự che chở thiêng liêng từ ngọn đại sơn hùng vĩ này.
Xem thêm:
bai viet hay qua