Phân loại truyền thuyết.
– Vấn đề phân loại truyền thuyết được đặt ra ngay từ buổi đầu lịch sử sưu tầm,những truyền thuyết. Có rất nhiều cách phân loại truyền thuyết tuỳ theo các tiêu chí phân loại.
+ Phân loại căn cứ vào nội dung của thời kì lịch sử được truyền thuyết phản ánh
1. Truyền thuyết về “Họ Hồng Bàng” và thời kì Văn Lang – Âu Lạc.
2. Truyền thuyết về thời Bắc thuộc.
3. Truyền thuyết thời phong kiến tự chủ.
4. Truyền thuyết thời kì cận hiện đại.
+ Phân loại truyền thuyết theo tiêu chí những chủ đề nội dung phản ánh, nhân vật, kết cấu…, có cách phân loại sau:
1. Truyền thuyết địa danh (về tên gọi của các địa danh).
2. Truyền thuyết lịch sử (về nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử).
3. Truyền thuyết phổ hệ (về nguồn gốc lịch sử của các dòng họ, các ngành nghề, các tôn giáo…).
Hoặc cụ thể hơn:
1. Truyền thuyết về sự hình thành dân tộc.
2. Truyền thuyết về các vị anh hùng trong chiến đấu.
3. Truyền thuyết về những vị anh hùng trong lao động và sáng tạo văn hoá.
4. Truyền thuyết về địa danh và đền chùa.
– Truyền thuyết của dân tộc đã được ghi thành văn bản từ rất sớm.
+ Ngay từ thời Bắc thuộc, các học giả phương Bắc đã ghi lại truyền thuyết về thời Hùng Vương qua các sách: Giao châu ngoại vực kí (thế kỉ IV), Việt Nam chí (thế kỉ V). Khoảng thế kỷ X đến thế kỉ XIV có các sách ghi chép truyền thuyết như Báo cực truyện, Ngoại sử kí của Đỗ Thiện, Việt điện u linh của Lí Tế Xuyên, Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh… Hai cuốn trên chỉ còn tên, hai cuốn dưới sách không còn nguyên vẹn.
+ Đến thế kỉ thứ XV thì truyền thuyết dân gian mới được ghi chép nhiều hơn. Cuốn Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên có vai trò quan trọng trong việc sưu tầm, ghi chép truyền thuyết. Truyền thuyết được ghi lại ở phần ngoại kỉ, được sắp xếp và hệ thống hóa lại.
+ Năm 1996, Lê Văn Kỳ tổng kết việc sưu tầm, biên soạn truyền thuyết nhận xét: Cho đến nay ít nhất cũng đã có 15 cuốn truyền thuyết với vài trăm truyện lớn nhỏ đủ để khẳng định nó là một thể loại văn học dân gian độc lập [1]
– Có nhiều cách phân loại truyền thuyết tuỳ thuộc vào những tiêu chí khác nhau, nhưng cách phân loại căn cứ vào nội dung của thời kỳ lịch sử được truyền thuyết phản ánh là hợp lý hơn cả vì tránh được trùng lặp và thích hợp với đặc trưng phản ánh lịch sử của truyền thuyết.