Vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Công Trứ qua “Bài ca ngất ngưởng”.
- Mở bài:
Nguyễn Công Trứ quê Hà Tĩnh. Ông là một tên tuổi lớn, một danh tướng, một nhà kinh tế, một nhà thơ tài tử, tài hoa nhưng cuộc đời nhiều biến cố thăng trầm. Nguyễn Công Trứ còn là nhà thơ nổi tiếng của văn học nửa đầu thế kỷ XIX. Ông lấy thơ ca tỏ rõ chí khí của mình ở đời. “Bài ca ngất ngưỡng” là một tác phẩm đặc sắc của ông.
- Thân bài:
Nguyễn Công Trứ xuất thân trong một gia đình nho học. Tuy học rộng, tài cao nhưng Nguyễn Công trứ lại rất lận đận trong thi cử. Con đường làm quan lắm lúc chông chênh, nhiều lần bị giáng chức. Ông là nho sĩ, kẻ sĩ thức thời, luôn ý thức về cái tôi cá nhân và khát vọng.
Tuy rất bận rộn với công việc nhưng Nguyễn Công Trứ cũng dành cho thi ca và các hoạt động nghệ thuật một ưu ái lớn. Ông làm thơ, hát ca trù, sưu tầm văn hóa. Các sáng tác của Nguyễn Công trứ hầu hết bằng chữ Nôm. Đặc biệt, ông rất thích hát nói. Ông chính là người đầu tiên có công đem đến cho hát nói một nội dung phù hợp với chức năng và cấu trúc của nó.
Bài ca ngất ngưởng được sáng tác khi nguyễn Công Trứ về ở ẩn tại quê nhà Hà Tĩnh. Rời khỏi quan trường, Nguyễn Công Trứ ung dung, tự tại với cuộc sống điền viên nơi thôn dã. Ông lấy gió trăng làm bầu bạn, ngày đêm ca hát, sống thanh cao, thoát tục.
Ngất ngưỡng theo nghĩa đen là tư thế ngả nghiêng, không vững chắc. Nghĩa được dùng trong bài đó là lối sống, phong cách sống khác người, đầy cá tính, bản lĩnh, vươn lên trên thế tục để được sống là chính mình. Đó cũng là cảm hứng chủ đạo của tác phẩm:
Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây, cờ đại tướng
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên
Mọi việc trong trời đất không việc gì không là của ta. Đó là lời tự xung ngạo nghễ, tự nhận trách nhiệm về mình của người làm trai đứng giữa đất trời. Toàn văn chữ Hán thể hiện sự trang trọng, dùng lối nói phủ định để khẳng định: trong trời đất( vũ trụ) không có việc gì không phải là phận sự (nhiệm vụ, trách nhiệm) của ta (nhà nho).
Câu nói thể hiện quan niệm của nhà nho đầy tự tin, tự hào vào tài trí và lí tưởng của mình. Nguyễn Công Trứ đặc biệt đề cao và triển dương chí làm trai trong cuộc đời. Nhìn vào đó ta thấy các chức quan của ông không ngừng thăng tiến. Ông nhiều lần tỏ rõ cái chí khí của người làm trai đáng mặt đứng giữa trời đất:
“Chí làm trai nam, bắc, đông, tây
Cho thỏa sức vẫy vùng nới bốn bể”.
hay:
“Có trung hiếu nên đứng trong trời đất
Không công danh thà nát với cỏ cây”.
Bởi thế, nhiều lần ông đã:
“Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.
Chí những toan xẻ núi lấp sông”.
Cái chí, cái tài đã có, Nguyễn Công Trứ bước vào quan lộ là điều hiển nhiên. Các câu thơ tiếp theo là những vị trí mà Nguyễn Công Trứ đã trải qua trong suốt cuộc đời làm quan của mình. Nhìn vào đó ta thấy các chức vị của ông không ngừng thăng tiến: Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông. Rồi đến cả chức Bình tây đại tướng ông cũng nắm giữ. Tin tưởng vào tài năng của mình ông trở nên “ngất ngưởng”. Ông cho mình là người “tài bộ”. Tức ông là người có tài năng lớn. Tài năng ấy đã bộc lộ thành phong cách, bộ dạng riêng.
Quan trường vốn gò bó, chưa hẳn đã phù hợp với tính cách của Nguyễn Công Trứ. Thế nhưng, ông nhận rõ, chỉ có làm quan mới đem được cái tài, cái chí lớn ấy ra giúp đời, giúp nước. Trọn cuộc đời của Nguyễn Công Trứ là sự công hiến miệt mài không ngừng nghỉ. Ông là người đa tài và giàu khát vọng cống hiến. Ở lĩnh vục nào ông cũng tỏ ra xuất sắc cả.
Bằng một hệ thống từ Hán Việt trang trọng, đoạn thơ đã diễn tả thành công tâm thế của bậc dũng tướng hết lòng vì cuộc đời. Nhịp thơ thay đổi linh hoạt tạo nên một giọng điệu hào hùng bộc lộ thái độ trang trọng. Đoạn thơ cũng khẳng định một tài năng lỗi lạc xuất chúng: học giỏi thi hương đỗ cao (thủ khoa), làm quan võ (tham tán) làm quan văn (tổng đốc đông) có tài quân sự, chiến tích( bình Tây). Nguyễn Công Trứ cũng đã nhìn nhận, khẳng định tài năng cá nhân: Một biểu hiện có tính ngất ngưởng.
Cách dùng điệp từ: khi, có khi hết sức ấn tượng. Ông chỉ kể lướt qua nhưng tác động mạnh vào lí trí người đọc. Đời người chỉ cần một trong những chức vị ấy là dã mãn nguyện ròi. Thế mà, ông có tất cả. Điều đó cho thấy sự tự tin, bản lĩnh của tác giả nhưng không hề tự cao, tự đại. Nguyễn Công Trứ ngất ngưởng bằng chính tài năng và sự nghiệp của một người văn võ song toàn. Đó cũng chính là bản lĩnh đáng trân trọng của Hi Văn.
Qua lời giới thiệu đầy tự hào và ngạo nghễ, cho ta thấy những danh hiệu đã đánh dấu một cuộc đời đầy tài năng với bao gian khổ, cống hiến cho đất nước. Rồi đến một ngày, sau khi đã cống hiến hết mình vì đất nước, Nguyễn Công Trứ cũng được hưởng cái thú an nhàn mong ước:
“Đô môn giải tổ chi niên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng”.
Xưa Lão Tử cưỡi trâu đi về núi. Nay Nguyễn Công Trứ họ cổ nhân cũng cưỡi bò dạo quanh thôn xóm. Thế nhưng, việc cưỡi bò của ông cũng khác thường lắm. Ông cưỡi bò vàng, lấy mo cau buộc đuôi bò với ý rằng muốn che miệng thế gian. Đừng thấy ông khác thường, thoát tục mà cười chê đàm tiếu. Cưỡi ngựa ông đeo nhạc cho ngựa. Ngựa đi đến đâu rộn ràng đén đấy. Cái việc làm trái khoáy, khác người như muốn trêu ngươi thiên hạ vậy.
Chưa hết, khi lên chốn lâm tự, ông càng tỏ ra ngất ngưỡng đến kì lạ:
“Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng’.
Chùa là nơi tôn nghiêm. Xưa nay đâu có chuyện ca cẩm, đàn hát huyên náo. Cũng chẳng ai mang kiếm lên chùa. Thế mà, Nguyễn Công Trứ đã biến nơi đây thành nơi diễn xướng hết sức linh đình. Hành động của Nguyễn Công Trứ đã phá vỡ luật lệ, xúc phạm đến nơi thiêng liêng và đức tin của con người. Thế mà, ta không thấy các sư chùa nổi giận. Không phải vì nể cái danh của ông mà vì mến ông, hiểu ông. Ông ca đấy, ông uống rượu đấy. Nghĩa là ông thích làm ngược, thích mọi người biết ông đang “ngất ngưởng”
Câu thơ hóm hỉnh, thể hiện phong cách sống khác người của Nguyễn Công Trứ. Bởi đối với ông, danh vị đã cực đỉnh, vì dân vì nước mà đã tận trung, tận hiến. Giờ là lúc ông được sống với chính mình trong một bản thể tự do, siêu vi. Mọi lời khen chê không còn quan trọng nữa. Thử hỏi người chê ông hẳn đã có công trạng gì. Cứ khư khư ôm giữ lề thói chắc gì đã hữu ích cho đời.
Từ quan là dứt nợ với cuộc đời làm trai. Vũ trụ từ đây không có việc gì là việc của ta nữa. Nguyễn Công trứ minh bạch giữa con người của bổn phận và con người của cuộc đời. Cái bản ngã xã hội và bản ngã nhân sinh từ đây tách biệt. Nói thế thôi chứ Nguyễn Công Trứ vẫn lo nghĩ về đất nước. Ngay khi giặc pháp đặt chân xâm chiếm, ông hăng hái xin cầm quân ra trận. Nhưng đáng tiếc thay, lúc ấy ông đã tuổi cao sức yếu, đành phó mặc cho đời.
Tuy thế, tấm lòng vị hiền quan vẫn canh cánh bên lòng nỗi thương dân thương nước. Ngất ngưởng mà vẫn bám vào cuộc đời thực, an nhiên trong cõi tục vốn nhiều nhiêu khê, trắc trở. Thoát khỏi ràng buộc, về với chốn điền viên, được sống là chính mình, vượt lên thói tục, Nguyễn Công Trứ càng trở nên “ngất ngưởng”:
“Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không tiên, không vướng tục”.
Tuổi già cần tận hưởng thú vui thiên nhiên, vui phơi phới đi trong gió xuân, đắm mình trong tiếng đàn, câu hát, say ngắm sắc đẹp tuổi trẻ. Cái ngất ngưởng thể hiện ở lối sống khác người, khác đời nhưng đồng thời qua đó lại cho thấy một phần trong tâm hồn con người của ông: Một nghệ sĩ, một tài tử say mê nghệ thuật ca trù, một con người đến già vẫn muốn sống trẻ trung, vui tươi, thoải mái. Và tất nhiên, phải tài hoa lắm, bản lĩnh lắm, mới dám sống như thế, làm như thế. Đó là cách sống lạc quan vui vẻ, ung dung tự tại, chân thật và thanh cao. Như vậy, quan điểm sống của Nguyễn Công trứ vừa rất người, rất trần thế nhưng lại không phàm tục.
Ba câu thơ cuối cùng thể hiện nhân cách cao đẹp của Nguyễn Công Trứ:
“Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!”
Sử dụng điển cố, điển tích Nguyễn Công Trứ tự coi mình sánh ngang hàng với những bậc anh tài có sự nghiệp hiển hách. Đó là niềm tự hào về tài đức của bản thân. Tuy có phần khoa trương nhưng nó giúp khẳng định mạnh mẽ quan niệm sống của ông. Đó là dù làm gì, ở vị thế nào, vẫn vẹn đạo quân thần, là bề tôi trung quân ái quốc.
Câu thơ cũng thể hiện sự tự hào, ý thức sâu sắc về giá trị cá nhân, thể hiện bản lĩnh và phẩm cách hơn người, cá tính độc đáo của ông. Phải là con người thực tài, thực danh thì mới trở thành tay ngất ngưởng, ông ngất ngưởng được. Cách sống ngất ngưởng thể hiện chất tài hoa, tài tử. Ngất ngưởng sang trọng. Cá tính và bản lĩnh ấy hơn hẳn và khác biệt với tầng lớp thống trị phong kiến đương thời.
Với giọng thơ tự hào, sảng khoái, pha chút hóm hỉnh, đoạn thơ đã làm nổi bật một Nguyễn công Trứ với ý chí, sở thích cá nhân, một cách sống vượt lên trên những thói tục, những ràng buộc thông thường, những thế lực tinh thần vẫn ngự trị xưa nay trong đời sống.
Thái độ, quan niệm nhân sinh của Nguyễn Công Trứ không phải là sự khác đời, khác người đáng cười, đáng phê phán mà cần thấy rõ bản lĩnh cứng cỏi của một danh sĩ có tài năng, có phẩm chất trước sự phát triển phức tạp của một chặng đường lịch sử đất nước, trước mối quan hệ phức tạp của một tập đoàn phong kiến đang khủng hoảng (nhà Nguyễn). Đó cũng là thái độ, quan niệm nhân sinh hiện đại: đề cao cái tôi cá nhân, ý thức cá nhân phóng khoáng hiếm thấy trong văn học trung đại.
Thực chất Nguyễn Công Trứ là người có tài. Song điều đáng tự hào là ông làm quan không vì danh lợi mà làm quan để giúp vua, giúp dân và dù ngất ngưởng đến đâu nhưng ông vẫn giữ trọn vẹn lòng trung với vua, hết lòng hết sức với nước với dân, với bao công tích rạng ngời. Nói về điều này, Trần Đình Sử có nói: “Nguyễn Công Trứ”nhập thế tục mà không vướng tục, rong chơi mà vẫn trọn đạo vua tôi”.
- Kết bài:
Với sự uyển chuyển, tinh tế của thể hát nói với tính chất tự do phóng khoáng thích hợp với việc thể hiện cái tôi ngông nghênh đầy tự tin và bản lĩnh của tác giả, “Bài ca ngất ngưỡng” thể hiện một phong cách, một thái độ, một lối sống độc đáo, khác đời của Nguyễn Công Trứ qua đó cho thấy tài năng và nhân cách của ông.