»» Nội dung bài viết:
“Ra-ma buộc tội”
(Trích sử thi “Ra-ma-ya-na ” của Ấn Độ)
Sử thi Ra-ma-ya-na:
“Ra-ma-ya-na là một trong hai bộ sử thi nổi tiếng của Ấn Độ, có ảnh hưởng sâu sắc tới văn học, văn hóa Ấn Độ và nhiều nước trong khu vực. Sử thi này ra đời vào khoảng thế kỉ III trước công nguyên, gồm 24.000 câu thơ đôi, chia thành sáu khúc ca lớn, viết về những kì tích của hoàng tử Ra-ma.
“Ra-ma-ya-na” là thiên sử thi vĩ đại đầy chất bi hùng, chói lọi ánh hào quang huyền thoại, mở ra thời đại rực rỡ trong văn học Ân Độ. Người Ấn tin rằng: « chừng nào sông chưa cạn, núi chưa mòn thì “Ramayana” còn làm say mê lòng người và cứu họ ra khỏi vòng tội lỗi».
Đoạn trích: “Ra-ma buộc tội”.
Vi trí: Đoạn trích thuộc khúc ca thứ sáu, chương 79 của tác phẩm. Sau khi chiến thắng Quỷ vương Ra-va-na, cứu được nàng Xi-ta trở về nhưng Ra-ma lại nghi ngờ lòng chung thủy của Xi-ta, vì vậy, Xi-ta quyết lên giàn lửa tự thiêu để bảo vệ danh dự, sự trong trắng của mình. Có thể nói đây là thử thách cuối cùng mà cả hai phải vượt lên để có chiến thắng tuyệt đối, trọn vẹn.
Chủ đề: Đoạn trích biểu hiện ý thức và hành động của Ra-ma và Xi-ta trong việc bảo vệ danh dự, đồng thời thể hiện quan niệm của người Ấn cổ đại về người anh hùng, đức vua mẫu mực và người phụ nữ lí tưởng.
Nội dung chính:
Đoạn trích ca ngợi phẩm chất của Ra-ma – người anh hùng lí tưởng, nhà vua tương lai của đất nước: Rất yêu thương Xi-ta nhưng biết dũng cảm bảo vệ danh dự và tiếng tăm của dòng họ, biết dựa vào sức mạnh của mọi người xung quanh, biết cảm hóa và thu phục lòng người: Ra-ma không chỉ đứng trên tư cách một người chồng mà còn trên tư cách một người anh hùng, một đức vua; Ra-ma rất yêu thương và xót xa cho vợ nhưng vẫn phải giữ bổn phận gương mẫu của một đức vua anh hùng. Mâu thuẫn trong Ra-ma lúc này là mâu thuẫn giữa danh dự, bổn phận và tình yêu.
Đoạn trích ca ngợi phẩm chất của Xita – người phụ nữ lí tưởng: lòng chung thủy, nỗi đau đớn và giận dữ khi bị xúc phạm, niềm kiêu hãnh về nguồn gốc xuất thân cao quý —» mối quan hệ giữa Xi-ta và Ra-ma đã vượt ra khỏi mối quan hệ vợ chồng riêng tư trở thành mối quan hệ xã hội.
Hình ảnh Xi-ta bước lên dàn hỏa thiêu là chi tiết mang tính chất huyền thoại. Xita hành động rất quyết liệt để bảo vệ phẩm hạnh của mình, hơn nữa, người chồng đôi với Xi-ta là tất cả ý nghĩa cuộc đời, vì thế, khi bị Ra-ma ruồng bỏ, đốì với Xi-ta, chẳng khác gì cái chết. Nhưng khi tiến về dàn lửa, Xi-ta lại xin thần thánh che chở – đó là cách để chứng minh cho phẩm hạnh trong sáng của mình. Xi-ta dám bước qua mạng sông của mình, dám chấp nhận thử thách để chứng minh sự thủy chung với Ra-ma và sự cứu giúp của thần linh đã cứu mạng sống và phẩm giá của Xi-ta. Đây là cảnh vừa hào hùng, vừa bi thương, thể hiện lòng can tâm, thủy chung, mạnh mẽ của Xi-ta.
Nghệ thuật:
+ Xây dựng nhân vật lí tưởng với tâm lí, tính cách, triết lí, hành động sinh động.
+ Sử dụng hình ảnh điển tích, ngôn ngữ miêu tả và đối thoại, nghệ thuật trần thuật hấp dẫn giàu kịch tính, giàu yếu tố sử thi.
Ý nghĩa:
+ “Ra-ma buộc tội” là đoạn trích giàu kịch tính. Trong đó Ra-ma và Xi-ta phải vượt lên xung đột gay gắt giữa tình cảm và bổn phận, danh dự.
+ Đoạn trích thể hiện quan niệm về vua sáng, người phụ nữ lí tưởng của người Ấn cổ đại và là bài học vô giá, sức sống tinh thần bền vững cho đến ngày nay.
+ Đoạn trích góp phần bồi dưỡng ý thức bảo vệ danh dự và tình yêu thương con người.
Bài tham khảo:
Phân tích đoạn trích “Ra-ma buộc tội”
Nằm ở khúc ca thứ 6 chương 79, đoạn trích “Ra-ma buộc tội” kể lại những chi tiết sau khi chiến thắng quỷ vương Ra-va-na, cứu Xi-ta, nhưng vì danh dự và lòng ghen tuông, Ra-ma đã nghi ngờ sự trong sạch của Xi – ta và tuyên bố ruồng bỏ nàng. Xi-ta đã bảo vệ danh dự bằng cách nhảy vào giàn hoả (theo cách tự thanh minh của người Ấn Độ cổ).
Câu chuyện diễn ra ở vương quốc Kô-sa-la. Vua Đa-xa-ra-tha có bốn người con trai do ba bà vợ sinh ra. Ra-ma là con cả, hơn hẳn các em về tài đức. Vua cha có ý định nhường ngôi cho chàng nhưng vì lời hứa với bà vợ thứ Ka-kê-i xinh đẹp nên đã đày Ra-ma vào rừng và trao ngôi lại cho Bha-ra-ta, con của Ka-kê-i. Ra-ma cùng vợ là Xi-ta và em trai Lắc-ma-na vào rừng sống ẩn dật.
Quỷ vương Ra-va-na lập mưu cướp Xi-ta đem về làm vợ. Mặc quỷ vương dụ dỗ và ép buộc, Xi-ta vẫn kịch liệt chống cự. Được tướng khỉ Ha-nu-man giúp đỡ, Ra-ma đã cứu được Xi-ta. Nhưng sau đó, Ra-ma nghi ngờ tiết hạnh của Xi-ta và không muốn nhận lại nàng làm vợ. Để chứng tỏ lòng chung thuỷ của mình, Xi-ta đã nhảy vào lửa. Thần lửa biết Xi-ta trong sạch nên đã cứu nàng. Ra-ma và Xi-ta trở về kinh đô.
Đoạn trích là thử thách cuối cùng của Ra-ma và Xi-ta trên con đường tìm về với hạnh phúc và danh vọng. Bằng lối kể chuyện giàu kịch tính và nghệ thuật khắc họa tính cách rất điển hình, tác giả đã cho chúng ta thấy được quan niệm của người ấn Độ cổ đại về người anh hùng, về đường quân vương mẫu mực và về người phụ nữ lí tưởng trong xã hội và thái độ kiên quyết bảo vệ danh dự của người Ấn Độ cổ đại.
Có thể nói, màn gặp gỡ giữa Ra-ma và Xi-ta trong một không gian công cộng, giữa đông đủ mọi người, đã chi phối rất nhiều đến tâm trạng cũng như ngôn ngữ đối thoại của Ra-ma và Xi-ta.
Với Ra-ma, lúc này chàng không chỉ đứng trên tư cách một người chồng mà còn trên tư cách một người anh hùng, một đường quân vương. Với tư cách ấy, chàng ở trong một hoàn cảnh vô cùng khó xử: vừa yêu thương xót xa cho vợ nhưng vẫn phải giữ bổn phận gương mẫu của một đức vua anh hùng: “Thấy người đẹp khuôn mặt bông sen với những cuộn tóc lượn sóng đứng trước mặt mình, lòng Ra-ma đau như dao cắt. Nhưng vì sợ tai tiếng, chàng bèn nói với nàng, trước mặt những người khác…”.
Nàng Xi-ta cũng vậy. Trong màn gặp gỡ này, nàng đã vô cùng đau khổ khi bị kết tội oan. Là một người vợ, hơn nữa còn là một hoàng hậu, nàng không thể để danh dự của mình bị bôi nhọ một cách xấu xa. Nhưng việc ấy đâu có dễ. Lúc đầu nàng ra sức van nài trong khuôn khổ quan hệ tình nghĩa vợ chồng (lời thoại xưng hô chàng – thiết) nhưng rồi nàng chuyển sang quan hệ xã hội: “Hỡi đức vua!… Người…”. Sự thay đổi cách xưng hô ấy cũng cho thấy tình thế khó xử của Gia-na-ki “trước mặt đông đủ mọi người”.
Theo lời tuyên bố của Ra-ma thì chàng giao tranh với quỷ Ra-va-na, tiêu diệt hắn để giải cứu Xi-ta vì danh dự người anh hùng bị xúc phạm khi Ra-va-na dám cướp vợ của chàng. Chàng ruồng bỏ Xi-ta vì danh dự không cho phép người anh hùng chấp nhận một người vợ đã chung chạ với kẻ khác (“Người đã sinh trưởng… một vật để yêu đương).
Để nhấn mạnh bổn phận và danh dự, chúng ta thấy Ra-ma nhấn đi nhấn lại nhiều lần những từ ngữ liên quan đến tài năng và danh dự (nhân phẩm, tiếng tăm, uy tín, gia đình cao quý, dòng họ lừng lẫy, trả thù sự lăng nhục,…) của một đức vua cao quý, anh hùng.
Khi Xi-ta bước lên giàn lửa, Ra-ma cũng căng thẳng vô cùng. Có thể nói đó cũng là một thử thách dữ dội đối với Ra-ma bởi chàng không thể nghĩ rằng hành động của Xi-ta lại quyết liệt như vậy. Ở vào một tình thế “tiến thoái lưỡng nan” vì thế mà: “Vào lúc đó, chẳng ai trong đám bạn hữu dám nói gì với Ra-ma, hoặc nhìn vào chàng; lúc đó nom chàng khủng khiếp như thần chết.
Khi bị đẩy vào bước đường cùng, Xi-ta mặc dù vô cùng đau đớn nhưng nàng vẫn bình tĩnh đưa ra những lời thanh minh thấu tình, đạt lí. Trước hết, Xi-ta khẳng định tư cách và đức hạnh của nàng không thể so sánh với hạng phụ nữ thấp kém tầm thường được. Nàng là con của thần Đất Mẹ và chỉ với việc nàng có thể từ bỏ cung điện nguy nga để theo chồng vào rừng mà chia sẻ bao gian nan thử thách cũng đủ để chứng minh cho phẩm hạnh của nàng rồi.
Lí do thứ hai còn thuyết phục hơn nữa. Nàng bị bắt cóc và việc quỷ vương Ra-va-na động đến người nàng khi nàng đang bị ngất đi là những điều nằm ngoài lí trí của nàng. Khi nàng tỉnh lại, nàng đã nhất quyết cự tuyệt tất cả những hành động của quỷ vương. Lí do mà Xi-ta đưa ra quả thật là vô cùng sắc sảo, đặc biệt khi những sự việc ấy lại được chứng kiến bởi Ha-nu-man.
Không thuyết phục được chồng, cuối cùng, Xi-ta đã chọn một hành động quyết liệt hơn: bước lên giàn lửa. Hành động và lời cầu khấn của Xi-ta hướng tới đáng A-nhi cho thấy để chứng minh cho đức hạnh và phẩm tiết thủy chung, Xi-ta sẵn sàng bước qua cả mạng sống của chính mình.
Có thể nói cảnh Xi-ta nạp mình cho lửa là một cảnh đầy kịch tính, vừa hào hùng và vừa rất bi thương. Chính vì vậy nó khiến cho quan quân và dân chúng của cả hai bên cũng như anh em bạn hữu vô cùng xúc động (“Ai nấy, già cũng như trẻ đau lòng đứt ruột… Các phụ nữ bật ra tiếng kêu khóc thảm thương. Cả loài Rak-sa-xa lẫn loài Va-na-ra cũng kêu khóc vang trời trước cảnh tượng đó”). Cảnh Xi-ta bước lên giàn lửa đúng là biểu tượng tập trung nhất cho hình mẫu người phụ nữ lí tưởng của Ấn Độ thời cổ đại.
- Kết bài:
Đoạn trích “Ra-ma buộc tội” là là phép thử khốc liệt nhân cách và bản lĩnh của con người. Thật kì lạ khi ở vào thế kỉ III trước Công nguyên, đã có một dân tộc mà đời sống nội tâm đã đạt đến mức phong phú, sâu sắc, tinh tế và nhân bản nhường ấy, đi trước thời đại đến mấy nghìn năm. Phải chăng vì thế mà độc giả luôn hướng đến thiên sử thi của dân tộc Ấn Độ-cái nôi văn minh nhân loại với một niềm ngưỡng vọng thiêng liêng. Người Ấn Độ quả đã không quá lời khi nói: “Chừng nào sông chưa cạn, đá chưa mòn thì Ramayana còn làm say đắm lòng người và cứu vớt họ ra khỏi vòng tội lỗi”.