Phân tích nghệ thuật khắc họa nhân vật chị Dậu trong doạn trích “Tức nước vỡ bờ”.
Ngô Tất Tố đã rất thành công trong nghệ thuật khắc họa nhân vật chị Dậu. Nhà văn kết hợp các chi tiết điển hình về cử chỉ với lời nói và hành động, tạo nên một hình tượng sống động, đa chiều. Nghệ thuật tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm khiến cho lời văn hết lôi cuốn. Thái độ của chị Dậu đối với tên cai lệ và người nhà Lý trưởng từ nhũn nhặn, tha thiết van xin đến cứng cỏi thách thức, quyết liệt biểu thị rõ nét sức mạnh phản kháng tiềm tàng mạnh mẽ. Nghệ thuật tương phản, đối lập được khai thác triệt để trong việc khắc họa tính cách chị Dậu với bọn cai lệ và người nhà lí trưởng.
Giọng điệu trần thuật lúc khoan thai, chậm rãi, lúc hối hả, gấp gáp rất phù hợp với các sự kiện. Nhất là đoạn miêu tả hành động của chị Dậu khi quyết liệt kháng cự lại tên Cai lệ và người nhà Lý trưởng khi chúng hung hãn xông vào chỗ anh Dậu. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Cái đoạn đánh nhau với cai lệ là đoạn tuyện khéo”.
Với những đặc sắc nghệ thuật ấy, nhà văn đã tạo được nhân vật chị Dậu giống thật, chân thực, sinh động, có sức truyền cảm. Tính cách chị Dậu hiện lên nhất quán với diễn biến tâm lí thật sinh động. Chị Dậu mộc mạc, hiền dịu, đầy vị tha, giầu tình yêu thương, sống khiêm nhường, biết nhẫn nhục chịu đựng nhưng hoàn toàn không yếu đuối, chỉ biết sợ hãi mà trái lại vẫn có một sức sống mạnh mẽ, một tinh thần phản kháng tiềm tàng.
Từ hình ảnh của chị Dậu ta liên tưởng đến người nông dân trước cách mạng tháng Tám: tự ti, nhẫn nhục, an phận do bị áp bức lâu đời. Nhưng họ sẽ đứng lên phản kháng quyết liệt khi bị áp bức bóc lột tàn tệ.
Sự phản kháng của chị Dậu còn tự phát, đơn độc chưa có kết quả (chỉ một lúc sau, cả nhà chị bị trói giải ra đình trình quan) tức là chị vẫn bế tắc nhưng có thể tin rằng khi có ánh sáng cách mạng rọi tới, chị sẽ là người đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh. Chính với ý nghĩa ấy mà Nguyễn Tuân viết: “tôi nhớ như có lần nào, tôi đã gặp chị Dậu ở một đám đông phá kho thóc Nhật ở một cuộc cướp chính quyền huyện kì tổng khởi nghĩa”.
Như vậy, từ hình ảnh “cái cò lặn lội bờ sông. Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non” và từ hình ảnh người phụ nữ trong thơ xưa đến hình ảnh chị Dậu trong “Tắt đèn”, ta thấy chân dung người phụ nữ Việt Nam trong văn học đã có một bước phát triển mới cả về tâm hồn lẫn chí khí.