phan-tich-tinh-yeu-que-huong-tha-thiet-cua-nha-tho-qua-hai-cau-tho-rung-cho-hoa-tam-long-noi-voi-con-y-phuong

Cảm nhận tình yêu quê hương tha thiết của nhà thơ qua hai câu thơ: Rừng cho hoa… tấm lòng (Nói với con – Y phương)

Cảm nhận tình yêu quê hương tha thiết của nhà thơ qua hai câu thơ: Rừng cho hoa… tấm lòng (Nói với con – Y phương)

  • Mở bài:

Quê hương là biểu tượng thiêng liêng nhất trong đời sống tình cảm của mỗi con người. Với hai câu thơ: “Rừng cho hoa. Con đường cho những tấm lòng”, nhà thơ Y phương đã kín đáo thể hiện tình yêu quê hường tha thiết và lòng biết ơn vô hạn đối với những gì mà quê hương đã ban tặng cho mỗi con người.

  • Thân bài:

Y Phương là nhà thơ dân tộc Tày. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của người miền núi. Từ hiện thức khó khăn của đời sống người đồng mình, nhà thơ bộc lộ tâm sự với chính mình, động viên mình, đồng thời để nhắc nhở con cái sau này phải biết yêu quý quê hương, hướng về nguồn cội.

Đối với Y Phương, quê hương chính là nguồn cội sinh thành của mỗi con người. Quê hương dưỡng nuôi và che chở cho con người. Quê hương lúc nào cũng nghĩa tình, bao dung và thủy chung với con người đời đời kiếp kiếp.

Bằng cách nhân hóa “rừng”“con đường”, qua điệp từ “cho”, Y Phương đã nhấn mạnh ý nghĩa tình cảm thiêng liêng đó. Quê hương là điều quý giá mà mỗi người không thể thiếu được trong suốt hành trình sống của một đời người.

Đối với người miền núi, rừng chính là nhà, là cha mẹ, là cội nguồn che chở. Trước hết, rừng là vĩ đại, ẩn chứa trong nó nguồn sức mạnh vô hạn, bí ẩn và thiêng liêng. Từ lâu, con người đã biết tôn kính và gìn giữ rừng xanh. Rừng đi vào đời sống tâm linh, trở thành những vị thần bảo trợ con người. Lúc nào con người cũng dựa vào nguồn sức mạnh ấy để sinh tồn, tin tưởng và hướng đến tương lai.

Rừng mang lại cho con người nguồn sống bất tận. Những gì con người cần, rừng đều có và ban tặng cho con người một cách vô tư, không bao giờ ích kỷ. Có thể nói, với phương thức sản xuất lạc hậu, kém hiệu quả, người miền núi còn dựa nhiều vào các nguồn tài nguyên rừng để sinh tồn và phát triển qua hàng nghìn năm qua. Trong đời sống của con người, rừng lúc nào cũng hiện diện qua mái lá, cái cây, cái cột làm nhà, qua búp măng tươi, khóm rau dại, những con thú hoang,…. Bảo vệ rừng là bảo vệ chính nguồn sống, cuộc sống của mình.

Rừng cũng là nơi để con người tâm sự, tỏ bày tình cảm với nhau hay suy nghĩ về những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Những chiếc lá xanh long lanh, tiếng chim hót, dòng suối chảy róc rách là bạn, là anh chị em của con người. Với người miền núi, muôn vật là gia đình và không hề có khoảng cách nào.

Không những rừng chở che, cưu mang con người mà còn thâu nhận con người khi họ chấm dứt sự sống, trở về với vĩnh hằng mênh mang. Họ trở về với rừng, với mẹ thiên nhiên vĩ đại. Chưa bao giờ rừng từ chối họ.

Mỗi người sinh ra và lớn lên đã nhận bao điều tốt đẹp từ làng xóm quê hương tình nghĩa. Quê hương bồi đắp cho con người những giá trị tinh thần cao quý: tình làng nghĩa xóm, tình gia đình sâu nặng, tình yêu thiên nhiên đất nước con người…

Quê hương là điểm tựa vững vàng cho con người trong mọi hoàn cảnh, là nguồn cồ vũ, động viên, là đích hướng về của con người. Ta có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không bao giờ tách được quê hương ra khỏi con người. Cũng không ai có thẻ đánh cắp tình yêu quê hương của người khác được trừ khi chính họ muốn làm điều đó.

Những kẻ chối bỏ cội nguồn, quê hương mà chạy theo những xa vời phù phiếm, chê quê hương nghèo khó, quay lưng phản bội quê hương. Ai lãng quên quê hương nghĩa là đánh mất chính mình, đánh mất giá trị sống đích thực, đánh mất cả tương lai. Không quê hương, con người cũng trở nên vô nghĩa. Bởi thế, cần phải thấy trách nhiệm đối với quê hương. Xây đắp bảo vệ, phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, biết tôn trọng và yêu quý những gì thuộc về quê hương, Tổ quốc.

  • Kết bài:

Quê hương không phải chỉ là những điều lớn lao. Quê hương còn là nơi chứa đựng những kí ức nhỏ bé mà thân thương. Quê hương đôi lúc cũng chưa đựng cả những nỗi khổ cực vất vả ngày xưa. Tuy nhiên, dù thế nào, quê hương vẫn là nơi đẹp nhất của mỗi người. Nhà thơ Y Phương đã nhẹ nhàng gửi gắm tình cảm ấy trong câu thơ đầy gợi cảm, có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang