phan-tich-truyen-ngan-rung-xa-nu-cua-nguyen-trung-thanh

Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Phân tích truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành.

  • Mở bài:

Nguyễn Trung Thành (bút danh khác là Nguyên Ngọc ), là nhà văn xuất sắc của nền văn học kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Ông gắn bó nhiều với Tây Nguyên cả hai cuộc kháng chiến nên hiểu biết sâu sắc cảnh vật và con người nơi đây. Sự gắn bó, hiểu biết và lòng yêu mến đối với thiên nhiên và con người Tây Nguyên, đó là cơ sở khiến Nguyên Ngọc trở thành người đầu tiên và góp nhiều công sức nhất trong việc đưa văn chương hiện đại tìm đến với Tây Nguyên và đem Tây Nguyên về với văn chương hiện đại. Truyện ngắn “Rừng xà nu” được viết vào mùa hè năm 1965. Đây là thời điểm đế quốc Mĩ đổ quân ào ạt và miền Nam nước ta để mở rộng chiến tranh. Tây Nguyên trở thành chiến trường ác liệt. Giữa khói lửa chiến tranh, bom đạn tàn phá, rừng xà nu bạt ngàn như thể hiện một sức sống kiên cường của con người Tây Nguyên đã gợi cho Nguyễn Trung Thành viết truyện ngắn này.  Nguồn đề tài và cảm hứng ấy đã làm cho văn Nguyên Ngọc đạt đến những khúc sử thi hào hùng và vẻ đẹp trữ tình, lãng mạng.

  • Thân bài:

Truyện kể về cuộc đời nhân vật Tnú – một đứa con kiên trung của núi rừng tây Nguyên. Sau ba năm đi lực lượng quân giải phóng, Tnú được phép về thăm làng một đêm. Bẻ Heng dẫn anh về làng, nó kể cho Tnú nghe những đổi thay của làng. Mọi người đón tiếp anh nồng nhiệt. Đêm ấy, cụ Mết – một già làng có uy tín kể cho dân làng nghe về cuộc đời bi tráng của Tnú. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Tnú được dân làng Xô Man cưu mang, cụ Mết dạy dỗ, anh Quyết – cán bộ cách mạng dạy chữ. Tnú và Mai là hai thiếu niên tích cực đem lương thực vào rừng nuôi cán bộ. Tnú đi liên lạc cho anh Quyết rất dũng cảm và thông minh. Bị giặt bắt, tra tấn, nó không khai. Vượt ngục trở về, Tnú lại cùng dân làng đánh giặc. Kẻ thù tìm cách bắt Tnú, không được, chúng bắt vợ con anh đánh đến chết. Tnú xông ra nhưng không cứu được vợ con. Anh bị giặt trói và đốt mười đầu ngón tay bằng nhựa và xà nu. Cụ Mốt cùng đám thanh niên làng Xô Man bất ngờ tấn công bọn giặc bằng giáo mác, cứu được Tnú. Sau này, dù đôi bàn tay mỗi ngón chỉ còn hai đốt, Tnú vẫn tham gia lực lượng quân giải phóng đi tìm giặc mà đánh trả thù nhà nợ nước. Cuối truyện là cảnh cu Mết và Dít – cô bí thư chi bộ xã, chính trị viên xã đội, tiễn Tnú về đơn vị. Họ đứng nhìn những cánh rừng xà nu nối tiếp nhau chạy đến chân trời.

Thông qua câu chuyện về cuộc đời Tnú và cuộc nổi dậy của dân làng Xô – man, tác giả ca ngợi tinh thần quật khởi của nhân dân Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Vẻ đẹp hình tượng cây xà nu.

Rừng xà nu là một hình tượng nghệ thuật, thể hiện sự sáng tạo của Nguyễn Trung Thành gợi sự liên tưởng đối sánh với dân làng Xô Man nói riêng và các dân tộc ít người ở Tây Nguyên nói chung trong công cuộc kháng chiến chống Mĩ, vừa mang ý nghĩa tả thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng.

Cây xà nu, rừng xà nu gắn bó mật thiết với con người Tây Nguyên, là biểu tượng cho phẩm chất cao đẹp của người dân làng Xô Man nói riêng và nhân dân Tây Nguyên nói chung. Có thể nói rừng xà nu là linh hồn của tác phẩm, cảm hứng chủ đạo và dụng ý nghệ thuật của nhà văn được khơi nguồn từ cây xà nu, rừng xà nu.

Cây xà nu mang vẻ đẹp của núi rừng Tây Nguyên. Xà nu là loại cây họ thông, thân gỗ cao to, tán lá rộng vương cao, mọc nhiều ở vùng đất Tây Nguyên. Trong tác phẩm nó xuyên suốt câu chuyện, mang đặc trưng Tây Nguyên, phân biệt địa bàn này với những vùng cao khác của Tổ Quốc. Xà nu là loại cây có đời sống sinh học lạ, mang vẻ đẹp về dáng vẻ, màu sắc, hương thơm mà những loài cây khác không có được. Nguyễn Trung Thành đã bị vẻ đẹp của loài cây này mê hoặc ngay từ lần đầu ông đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên. Những cây xà nu “ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Đó là vẻ đẹp mạnh mẽ, khoẻ khoắn, tràn đầy sức sống. Nhựa xà nu “thơm ngào ngạt”, “ thơm mỡ màng” đầy quyến rũ.

Cây xà nu đẹp đẽ, gắn bó mật thiết với người Tây Nquyên. Lửa xà nu sáng trong mỗi bếp dân làng, trong nhà ưng – nơi dân làng tụ họp. Đuốc xà nu soi đường cho dân làng vào rừng tìm giáo mác đánh giặc. Khói xà nu xông bảng nứa cho trẻ em học chữ. Xà nu cũng chứng kiến những sự kiện trọng đại của dân làng Xô Man.

Cây xà nu trở thành biểu tượng cho cuộc sống và phẩm chất dân làng Xô Man. Với sự kết hợp hài hoà sắc màu, hình khối, mùi hương, ánh sáng và sức nóng, tác giả viết nhiều câu văn miêu tả rừng xà nu đậm chất Tây Nguyên, gây được ấn tượng đặc biệt trong người đọc. Từ ngữ gợi cảm, giàu giá trị tạo hình, phép so sánh, nhân hóa cụ thể, sinh động: Bức tranh thiên nhiên mĩ lệ, bi tráng – tượng trưng cho phẩm chất, số phận của nhân dân Tây Nguyên, miền Nam trong chống Mĩ. Đây là phép ứng chiếu rừng cây và con người.

Rừng xà nu biểu tượng của đau thương, mất mát, hi sinh. Cánh rừng xà nu được miêu tả ở đoạn văn là một cánh rừng “trong tầm đại bác”, ngày nào cũng bị bắn hai lần. Như vậy, ngay trong câu đầu tiên của tác phẩm, Nguyên ngọc đã dựng lên một sự sống trong tư thé đối mặt với cái chết, một sự sinh tồn đang đứng trước sự đe dọa của diệt vong. Cánh rừng xà nu trong tác phẩm vì thế là biểu tượng của đau thương. Sự đau thương ấy hiện ra với nhiều vẻ. Có cái xót xa của các cây non, tựa như đứa trẻ thơ “nhựa còn trong, chất dầu còn loãng…cây chết”. Lại có cái đau dữ dội của những cây xà nu , như những con người đang giữa tuổi thanh xuân, bỗng “bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão”. Và còn những cây có tấm thân cường tráng, “vết thương của chúng chóng lành”, đại bác không giết nổi.

Như vậy, hình tượng rừng xà nu còn phản ánh những đau thương mà một thời mà dân tộc ta đã chịu đựng. Tuy nhiên, tác giả muốn cái cuối cùng còn đọng lại trong tâm trí người đọc về rừng xà nu là ấn tượng về một rừng cây mà đại có thể gây ra ngàn vạn nỗi đau thương, nhưng sẽ không bao giờ và không thể nào hủy diệt được. Sự sống luôn mạnh hơn cái chết. Những câu văn hào hứng thiết tha nhất của phần mở đầu này là những câu viết về loài xà nu khao khát sống, háo hức phóng mạnh lên bầu trời lớn rộng không gì cản nổi, như để thỏa mãn tình yêu tự do và ánh sáng.

Hình tượng rừng xà nu cho thấy tác phẩm thiết tha hướng về sự sống, để ngợi ca sự sống đẹp nồng nàn, bất khuất và bất diệt. Sức sống mãnh liệt của rừng xà nu là cảm hứng chủ yếu của Nguyễn Trung Thành. Nhà văn muốn cái cuối cùng còn đọng lại trong tâm trí người đọc về rừng xà nu là ấn tượng sâu đậm về một rừng cây mà đạn đại bác của giặc không bao giờ và không thể nào huỷ diệt được. Sự sống luôn mạnh hơn cái chết. Tác giả nhiều lần nhắc đến cây xà nu: có khi hiện ra trong kỉ niệm, có khi lại hiện ra trước mắt. Lúc là cây xà nu, lúc là rừng xà nu, lúc thì đồi xà nu. Miêu tả: cây xà nu, ngọn xà nu, rễ xà nu, cành xà nu, lá xà nu, nhựa, lửa, khói… người dân làng Xô Man sinh ra dưới bóng cây xà nu, lớn lên cùng cánh rừng xà nu; lửa xà nu trong bếp, ngọn đuốc: Cây xà nu có mặt trong mọi sinh hoạt cộng đồng của dân làng Xô Man. Gắn bó với cuộc sống từng con người: dùng khói làm bảng cho Tnú và Mai học chữ, tay bị đốt bằng nhựa xà nu.

Hình ảnh rừng xà nu với những cây con, cây trưởng thành là biểu tượng cho các thế hệ dân làng Xô man đánh giặc (bé Heng, Dít, Mai, Tnú, anh Xút, bà Nhan, cụ Mết.). Đó là hình tượng xuyên suốt, trung tâm tạo nên bối cảnh sử thi, làm nền cho câu chuyện ở làng Xô man, góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm. Hình ảnh cây xà nu trong tác phẩm luôn gắn bó với cuộc sống con người Strá trong đau thương và bất khuất chiến đấu, chiến thắng kẻ thù. Như vậy nhà văn không miêu tả xà nu đơn thuần ở khía cạnh sinh vật học mà trong sự gắn bó mật thiết với con người, trở thành biểu tượng cho con người.

Với nghệ thuật thậm xưng, cách nói so sánh và những từ ngữ giàu tính tạo hình, tác giả để lại ấn tượng khó phai trong lòng người đọc về truyện ngắn Rừng xà nu như những điệp khúc màu xanh mênh mông bất tận. Rừng xà nu trong tác phẩm Nguyễn Trung Thành thiết tha hướng về sự sống. Trong mưa bom bão đạn, nó vẫn vươn lên một sức sống mãnh liệt chẳng khác nào người dân làng Xô Man bất khuất, kiên trung không bao giờ khuất phục trước kẻ thù. Đây là điều chủ yếu làm nên chất nhân văn sâu đậm của tác phẩm. Vượt qua mọi đau thương và sự huỷ diệt của kẻ thù “rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng…”. Nghệ thuật nhân hoá thể hiện cảm động vai trò, tác dụng, giá trị của rừng xà nu với làng Xô-Man.

Với nghệ thuật nhân hoá, so sánh thích hợp, đoạn văn tả rừng xà nu không chỉ mang cảm hứng lãng mạn và khuynh hướng sử thi rõ nét mà còn làm dậy sắc Tây Nguyên hết sức đậm đà. Cách mở đầu và kết thúc tác phẩm độc đáo bằng hình ảnh rừng xà nu tạo nền cho câu chuyện – “Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời” – giúp ta hiểu rằng rừng xà nu không chỉ là biểu tượng của con người làng Xô Man hẻo lánh mà còn là biểu tượng của cả Tây Nguyên, cả miền Nam, cả dân tộc Việt Nam trong những năm tháng đánh Mĩ hào hùng.

Vẻ đẹp hình tượng con người Tây Nguyên (dân làng Xô Man).

Hình tượng nhân vật Tnú:

Trong dụng ý nghệ thuật của mình, Nguyễn Trung Thành muốn nói:  Truyện ngắn Rừng xà nu là câu chuyện của một đời được kể trong một đêm. Người mà cuộc đời được kể trong một đêm ấy là nhân vật trung tâm của tác phẩm – chàng dũng sĩ mang tên Tnú.

Cuộc đời của Tnú qua lời kể của cụ Mết: Nó là người Strá mình, cha mẹ nó chết sớm, làng Xô man đã nuôi nó. Sớm giác ngộ cách mạng. Tnú làm liên lạc và tích cực tham gia việc nuôi giấu cán bộ cách mạng. Nhân vật Tnú là một bước tiến mới trong sự nhận thức và biểu hiện những phẩm chất của một người anh hùng lí tưởng.

So với nhân vật A Phủ trong Vợ Chồng A Phủ” (Tô Hoài), Đinh Núp trong “Đất nước đứng lên” (Nguyên Ngọc), nhân vật Tnú có thuận lợi hơn là không trải qua quá trình tìm đường, nhận đường. Từ tuổi niên thiếu Tnú đã được anh Quyết – cán bộ cách mạng nằm vùng dạy dỗ giáo dục và giác ngộ lí tưởng. Tnú có những phẩm chất mà con người ở thế hệ của “Vợ chồng A Phủ” hay “Đất nước đứng lên” chưa thể có.

Lúc nhỏ, Tnú là một cậu bé thông minh, nhanh nhẹn, dũng cảm, gan dạ. Thông qua lời kể của cụ Mết, những hồi ức về cuộc đời của Tnú lúc nhỏ được tái hiện như một thước phim quay chậm.

Tnú mạnh mẽ bản lĩnh “không bao giờ nó đi đường mòn. Giặc vây các ngả đường, nó leo lên một cây cao nhìn quanh một lượt rồi xé rừng mà đi; qua sông nó không thích lội chỗ nước êm, cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên mặt nước, cỡi trên thác băng băng như một con cá kình”

Đối với cách mạng, Tnú luôn nhớ lời cụ Mết dạy phải trung thành với Đảng, với đất nước: “Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn.”

Tnú là con người quả cảm, kiên cường. Có lần Tnú lọt vào ổ phục kích của giặc, chỉ kịp nuốt lá thư vào bụng thì bị bắt. Giặc tra tấn dã man Tnú quyết không khai, một lòng trung thành với cách mạng, Tnú còn chỉ vào bụng mà nói rằng “cộng sản ở đây này”

Tnú biết vượt qua nỗi tự ti của bản thân mà cầu tiến. Được anh Quyết dạy chữ, Tnú học chậm hơn Mai, có lần nó lấy đá tự đập vào đầu chảy máu, Được anh Quyết giảng giải nó gạt nước mắt nhờ Mai dạy lại để sau này còn thay anh Quyết làm cán bộ giỏi. Sự gan góc ở tuổi thiếu niên càng được hun đúc thành tính cách kiên cường khi Tnú trưởng thành.

Lúc trưởng thành, Tnú càng trở nên mạnh mẽ hơn. Ba năm sau, Tnú thoát ngục Công Tum trở về, lưng anh đã lành hết vết thương. Để có thể vượt ngục thành công thì phải có kế hoạch, sự mưu trí. Để vượt ngục thì phải dũng cảm. Sau bao nhiêu tháng ngày bị tra tấn như vậy như kẻ thù không thể làm nhụt chí sờn lòng của Tnú mà ngược lại những năm tháng ấy càng hun đúc thêm ý chí đấu tranh của Tnú..

Từ khi vượt ngục trở về, Tnú đã là một thanh niên rắn rỏi, chững chạc, vững vàng, kiên cường bất khuất; là cán bộ nòng cốt của phong trào cách mạnh ở làng Xô Man. Ngay lập tức, Tnú đã lãnh đạo dân làng Xô man (lúc này anh Quyết đã hi sinh) thì Tnú đã thay anh Quyết làm cán bộ CM thay anh giống như lời dặn của anh ngày xưa. Tnú đã thay anh lãnh đạo dân làng Xô Man đi 3 ngày đường lên núi Ngọc Linh mang đá chắc, đá về mài giáo chuẩn bị chống lại kẻ thù. Bản thân Tnú đã thay đổi tư tưởng và đem sự thay đổi tư tưởng ấy đến với dân làng.

Và tất nhiên kẻ thù không thể để cho mầm mống cộng sản này có thể phát triển được cho nên khi vừa nghe tin chúng kéo về càn quét, mục đích bắt cho được Tnú vì Tnú cùng cụ Mết và đám thanh niên đã trốn vào rừng. Điểm then chốt trong câu chuyện về cuộc đời Tnú chỉ bắt đầu từ sự việc giặc kéo về làng, tìm diệt phong trào nồi dậy ở Xô Man. Chúng lồng lộn chặn đường tiếp tế, chỉ có con Dít là đứa lanh lẹn hàng đêm bò theo máng nước đem gạo tiếp tế. Nhưng cũng chỉ đến sáng thứ tư nó bị bắt. Nguồn tiếp tế bị chặn lại. kẻ thù còn nghĩ ra mưu kế hèn hạ bắt vợ con Tnú với mưu kế không bắt được cọp đực thì bắt cọp cái và cọp con tất sẽ dụ cọp đực trở về. 

Để bắt Tnú, chúng đem vợ con anh ra tra tấn dã man bằng gậy sắt. Giặc tra tấn mẹ con mai dã man trong ánh lửa xà nu rực cháy ở nhà ưng. Khi chứng kiến cảnh vợ con bị tra tấn dã man (giặc đánh cây sắt liên hồi vào Mai, Mai che chở cho con nhưng đến cây sắt thứ 3 vụt xuống mai không kịp lật đứa con thì cây sắt trúng nay giữa lưng nó) Tnú xông ra. Vì sao Tnú không xông ra ngay từ đầu mà đợi đến lúc con chết mới xông ra. Vì lúc này Tnú với tư cách là cán bộ nếu xông ra sẽ bị bắt, ảnh hưởng đến cách mạng và những người khác. Cả Mai và đứa con trai đầu lòng chưa đầy tháng tuổi đều gục chết dưới đòn thù.

“Ừ Tnú không cứu sống được mẹ con Mai…”. Tác giả đã để cho những lời ấy trở đi trở lại tới bốn lần, day dứt như một điệp khúc thương đau. Với tất cả những gì Tnú có, lẽ ra anh phải được hưởng hạnh phúc bên người vợ hiền dịu, bên đứa con đầu lòng đáng yêu. Vậy mà kẻ thù đã cướp đi của anh tất cả. Vợ con chết, bản thân anh bị bắt, bị trói bằng dây rừng và bị đốt mười đầu ngón tay bằng nhựa xà nu.

Và Tnú cũng bị tra tấn, chúng tra tấn anh dã man hơn bất kì người nào vì đây là người lãnh đạo cách mạng. Chúng dùng giẻ tẩm dầu xà nu quấn lên 10 ngón tay anh và đốt nên 10 ngón tay anh trở thành 10 ngọn đuốc. Vì lửa xà nu đượm rất nhanh, lửa xà nu rất mạnh. Và trong giây phút đau đớn như vậy anh không chỉ nghe thấy lửa cháy ở 10 đầu ngón tay (đây là đầu dây thần kinh, cảm nhận sự đau đớn rõ nhất) nhưng anh còn cảm nhận cháy trong lồng ngựa, cháy trong gan ruột, trời ơi cháy cháy hết ruột gan rồi. Nhưng anh không thèm kêu van bởi vì bên tai anh vẫn văng vẳng lời dặn của anh Quyết “người cộng sản không thèm kêu van”. Kêu van là hèn là yếu. Và để kìm giữ lời kêu van răng anh cắn nát môi anh, đầu lưỡi cảm thấy vị mặn chát của máu. Như vậy Tnú đã gồng mình lên để giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. chiến sĩ cách mạng là ngẩng cao đầu không thèm kêu van. Lòng căm thù của anh biến thành sức mạnh, thể hiện thành tiếng thét bỗng thành tiếng thét vang dội hơn.

Tính cách và số phận của Tnú được bộc lộ chói sáng ở cao trào này, cũng là đoạn đời bi tráng của nhân vật. Nguyên nhân dẫn đến đau thương của cuộc đời Tnú là do kẻ thù gây ra. Dù cố gắng hết sức Tnú không cứu được vợ con. Dân làng Xô Man cũng không thể cứu anh nếu họ chỉ có hai bàn tay trắng. Chính vì thế cụ Mết muốn ghi tạc vào các thế hệ con cháu một câu chân lí: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!” Đó là tư tưởng chủ đạo trong đường lối cách mạng của Đảng: Phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng. Vũ trang là con đường tất yếu để tự giải phóng của nhân dân.

Ở nhân vật Tnú, hình ảnh bàn tay gây ấn tượng đậm nét. Qua bàn tay ta thấy hiện lên cuộc đời và tính cách nhân vật. Bàn tay Tnú lúc còn lành lặn là bàn tay trung thực, tình nghĩa. Đó là bàn tay luyện chữ anh Quyết dạy, bàn tay cầm đá đập vào đầu mình để tự trừng phạt khi không nhớ chữ, bàn tay đặt lên bụng mình nói: Cộng sản “ở đây này” . Đó là bàn tay Mai đã nắm láy mà giàn giụa nước mắt khi Tnú vượt ngục Kon Tum trở về, đôi bàn tay ôm chặt lấy mẹ con Mai khi họ bị đánh đập đã man… Bàn tay bị giặc đốt bằng dầu xà nu như mười ngọn đuốc. Bàn tay sau này mỗi ngón chỉ còn hai đốt ấy vẫn cầm giáo, cầm súng đi trả thù nhà nợ nước. Hình ảnh hai bàn tay rực lửa của Tnú là ánh sáng thức tỉnh đồng bào Tây Nguyên đứng lên.

Tnú là người giàu tình yêu thương. Đó là tình yêu thương với gia đình, quê hương, đất nước. Với vợ con, anh yêu thương hết mực: Không đi Kon Tum mua vải được, Tnú xé đôi tấm dồ của mình ra làm tấm choàng cho Mai địu con. Anh đau khổ khi phải chứng kiến cảnh vợ con bị đánh đến chết. Với bà con dân làng, anh coi họ như người ruột thịt. Ba năm đi bộ đội giải phóng, về tới đầu làng, anh chợt hiểu ra: “cái mà anh nhớ nhất là làng, nỗi nhớ day dứt lòng anh suốt ba năm nay chính là tiếng chày đó, tiếng chày chuyên cần, rộn rã của những người đàn bà và những cô gái Strá, của mẹ anh ngày xưa, của Mai, của Dít…”

Tnú còn là người có tính kỉ luật cao. Đi lực lượng quân giải phóng suốt ba năm nhớ buôn làng nhưng được phép mới về thăm quê. Và chỉ về đúng một đêm như cấp trên cho phép.

Tnú được xem là một nhân vật điển hình của truyện ngắn, ở anh có những phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ cộng sản của vùng đất Tây nguyên. Anh như một cây xà nu trưởng thành trong bão tố chiến tranh mà đau thương không thể quật ngã. Tnú không chỉ là niềm tự hào của dân làng Xô man mà còn là niềm tự hào của các dân tộc it người Tây nguyên.

Cuộc đời Tnú là khúc ca bi tráng về những con người bất khuất trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Dù đau thương, mất mát, nhưng Tnú vẫn đứng lên, vẫn trở thành anh chiến sĩ giải phóng quân, hình ảnh con người Việt Nam đẹp nhất trong thời kì chống Mĩ, vẫn nặng tình nặng nghĩa với bản làng, vẫn giữ được nguyên tắc của tính kỉ luật trong quân đội, vẫn anh dũng hiên ngang trên chiến trường. Đồng bào Tây Nguyên nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung, đã có biết bao con người như Tnú trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Hình tượng nhân vật cụ Mết.

Nhân vật cụ Mết là một trong những điểm đáng chú ý trong truyện ngắn Rừng xà nu. Cụ là người quắc thước, râu dài tới ngực và còn đen bóng, mắt sáng sếch ngược, ở trần, ngực căng như một cây xà nu lớn, bàn tay nặng trịch như kìm sắt, tiếng nói ồ ồ dội vang… Cụ mang dáng dấp của những anh hùng trong trường ca Tây Nguyên, theo cách mạng. Cụ là cầu nối giữa dân làng Xô man với Đảng, với Cách mạng. Chính cụ là người đã dẫn dắt các thế hệ dân làng Xô-man đi theo Đảng

Cụ Mết là người trầm tĩnh, sáng suốt, quyết đoán, mạnh mẽ, không bao giờ khen “Tốt! Giỏi!”. Vừa ý nhất thì cụ chỉ khen “được!”. Cụ còn là linh hồn của làng Xô man, đóng vai trò là một người chỉ huy: Khi giặc vây bắt cụ Mết là người dẫn thanh niên làng vào rừng tìm giáo mác; khi Tnú định xông ra cứu vợ con, cụ Mết đã ngăn lại: “để tau”

Hình ảnh cụ Mết với lưỡi mác dài trong tay và tiếng ồ ồ: “Chém! Chém hết!” thật oai hùng và bất ngờ trong cái đêm căm hờn và quật khởi. Chính cụ đả phát động cuộc nỗi dậy hùng tráng của dân làng Xô Man, mở ra một cục diện mới.

Cụ Mết là người nhân từ, yêu thương dân làng (chia muối cho mọi người) và được mọi người yêu mến, kính trọng: “Lúc ông cụ Mết nói, mọi người đều im bặt.”

Cụ Mết là người kết nối các thế hệ con cháu làng Xô man. Cụ luôn có ý thức dạy con cháu biết giữ truyền thống dân tộc, biết tiết kiệm, bởi “Đánh thằng Mĩ phải đánh dài”, “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!”, “Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn”.

Tin vào Đảng, là người lưu giữ truyền thống, truyền lại cho thế hệ sau. Cụ Mết yêu nước, căm thù giặc, yêu thương dân làng như máu thịt của mình. Hình ảnh cụ Mết tiêu biểu cho cả cộng đồng, là cây xà nu cổ thụ của buôn làng Xô Man, chỗ dựa cho buôn làng.

Cụ Mết là cây xà nu cổ thụ mà rễ đã cắm sâu vào lòng đất, tán đã xòe rộng che chở cho các thế hệ dân làng Xô man. Cụ là tượng trưng cho lịch sử, truyền thống là chỗ dựa vững chắc cho các thế hệ con cháu, là gạch nối giữa Đảng và đồng bào Tây Nguyên, là điển hình gương mẫu của một già làng yêu nước, yêu cách mạng, yêu buôn làng.

Nhân vật Dít, bé Heng,….

Nhân vật Dít là em gái của Mai. Lúc nhỏ Dít lanh lẹn, gan góc; dũng cảm: Nó bò theo máng nước đem gạo ra rừng cho cụ Mết, Tnú và đám thanh niên khi giặc lùng bắt Tnú. Bị giặc bắt, uy hiếp, lúc đầu khóc thét, sau đó bình thản nhìn bọn giặc. Lúc trưởng thành: Có năng lực, có uy tín, cùng lúc kiêm hai nhiệm vụ: Bí thư chi bộ xã và Chính trị viên xã đội. Cô rất nghiêm túc trong công tác cách mạng, việc công việc tư rõ ràng. Tình cảm trong sáng, kín đáo. Dít trưởng thành trong phong trào cách mạng, là lực lượng chủ chốt kế tục sự nghiệp thế hệ đàn anh như Tnú để lại, cùng dân làng Xô Man chiến đấu chống bọn Mĩ Diệm khát máu.

Nhân vật bé Heng: Làm liên lạc nhanh nhẹn, giỏi việc, có ý thức cách mạng sớm. Bé Heng là lứa xà nu con tràn trề sức sống đang vươn lên mạnh mẽ, tiếp nối thế hệ đi trước.

Hình tượng con người Tây Nguyên được tác giả khắc hoạ đậm nét qua các nhân vật đại diện cho những thế hệ cách mạng mang những phẩm chất chung của cộng đồng, ở họ nổi bật lên là phẩm chất của những người cách mạng: yêu buôn làng, yêu quê hương đất nước, căm thù giặc, một lòng trung thành với cách mạng.

Đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn “Rừng xà nu”.

Truyện được xây dựng theo kết cấu theo phong cách nghệ thuật văn chương hiện đại: kết cấu đầu cuối tương ứng: mở đầu và kết thúc đều bằng hình ảnh rừng xà nu, có dụng ý nghệ thuật thể hiện sức sống mãnh liệt của thiên nhiên và con người trước bão tố chiến tranh. Nhà văn còn vận dụng kết cấu truyện lồng truyện: truyện kể về làng Xô man và những cánh rừng xà nu bạt ngàn thời kì chống Mĩ nhưng lồng trong đó là truyện về cuộc đời Tnú.

Truyện sử dụng nhiều hình ảnh mang tính chất sử thi: Cây xà nu, loại cây có sức sống mãnh liệt gợi liên tưởng đến loại cây thần trong sử thi Dăm Săn; Cụ Mết, già làng Xô Man với chất giọng ồ ồ, nghiêm nghị khi kể chuyện Tnú cho dân làng nghe; Đôi bàn tay Tnú như 10 ngọn đuốc khi bị giặc đốt; Cuộc nổi dậy của dân làng Xô man trong đêm đồng khởi khiến cả rừng xà nu ào ào rung động,… Xây dựng những nhân vật điển hình đậm chất sử thi: Tnú, cụ Mết, Giọng văn đa dạng, linh hoạt, lúc tự sự trữ tình, khi trang nghiêm hùng tráng, tạo sự hấp dẫn cho tác phẩm đồng thời góp phần tạo tính sử thi của truyện. Ngôn ngữ chọn lọc, mang đậm dấu ấn của vùng đất Tây Nguyên.

Nghệ thuật miêu tả cây xà nu luôn được đặt trong sự ứng chiếu với con người, để gợi ra những biểu tượng về đời sống, số phận và phẩm cách của con người. Đồng thời, nhiều chỗ miêu tả về con người cũng luôn dùng cách so sánh với cây xà nu. Thủ pháp ấy trong miêu tả tạo nên sự hòa nhập, tương ứng giữa con người với thiên nhiên, mang chất thơ hào hùng, tráng lệ.

Rừng xà nu là một thiên truyện mang ý nghĩa và vẻ đẹp của một khúc sử thi trong văn xuôi hiện đại. Với lời văn trau chuốt, giàu hình ảnh, tác phẩm đã tái hiện được vẻ đẹp tráng lệ, hào hùng của núi rừng, của con người và của truyền thống văn hoá Tây Nguyên. Thông qua câu chuyện về những con người ở một bản làng hẻo lánh, bên những cánh rừng xà nu bạt ngàn, xanh bất tận, tác giả đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa lớn lao của dân tộc và thời đại : Để cho sự sống của đất nước và nhân dân mỗi mãi trường tồn, không có cách nào khác hơn là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù tán ác.

Truyện ngắn Rừng xà nu tiêu biểu cho nghệ thuật biểu hiện của Nguyễn Trung thành. Cách tổ chức cốt truyện khéo léo theo kiểu chuyện lồng trong chuyện. Cách kể chuyện của nhà văn có sức cuốn hút, gây sự chú ý. Đặc biệt, Nguyễn Trung Thành đã rất thành công trong việc dùng hình ảnh biểu tượng đặc sắc, tái hiện chân thực cuộc sống và chiến đấu của con người Tây Nguyên khiến cho tác phẩm dạt dào cảm hứng sử thi.

  • Kết luận:

“Rừng xà nu” là bản trường ca hào hùng ca ngợi và khẳng định sức mạnh của lòng yêu nước; lí giải quá trình tất yếu phải đứng lên cầm vũ khí chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên. Cuộc nổi dậy của dân làng Xô-Man không phải là bộc phát, nhất thời mà là có ý thức, mở màn cho cuộc chiến đấu lâu dài của dân tộc. Tác phả cổ vũ tinh thần quyết tâm chiến đấu cho nhân dân cả nước.

Vẻ đẹp của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước qua Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang