Phân tích truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng
I. Mở bài:
– Giới thiệu truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng: Ếch ngồi đáy giếng không chỉ là một câu
thành ngữ quen thuộc mà còn là nhan đề của một câu chuyện ngụ ngôn đầy ý nghĩa.
– Ý kiến của người viết: Thông qua thái độ và kết cục bi thảm của con ếch, truyện phê phán những kẻ hiểu biết cạn hẹp mà kiêu căng, ngạo mạn, huênh hoang, hống hách, qua đó khuyên nhủ chúng ta phải cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình, không được chủ quan, kiêu ngạo.
II. Thân bài:
1. Tóm tắt: Có một con ếch sống lâu ngày trong một cái giếng, xung quanh chỉ có nhái, cua, ốc, chúng rất sợ tiếng kêu của ếch nên ếch kiêu căng nghĩ mình là “chúa tể”, xem trời bằng vung. Năm đó, trời mưa to làm nước dang cao đưa ếch ra ngoài. Quen thói cũ, ếch đi lại nghênh ngang, không chú ý đến mọi vật xung quanh nên đã bị một con trâu đi ngang dẫm bẹp.
2. Phân tích văn bản.
a. Ý kiến 1: Nhân vật con ếch là con vật có tầm nhìn cạn hẹp, tính cách kiêu căng, ngạo mạn.
– Lí lẽ và bằng chứng:
+ Ếch vốn là loài sống trên cạn. Việc ếch có mặt ở trong giếng nước có thể là do một lí do nào đó khiến nó được sinh thành và lớn lên ở đây. Cái giếng là một không gian hạn chế về điều kiện sống và số lượng các loài vật sinh sống đã hạn chế tầm nhìn của ếch. Nó coi trời bằng vung và nghĩ rằng ngoài thế giới mà nó đang trông thấy, không con thế giới nào khác.
+ Không gian tù túng ấy khiến các con vật nhỏ bé không có lựa chọn nào khác ngoài việc phục tùng con ếch, một con vật to lớn và mạnh mẽ nhất. Chính vì thế, ếch tỏ ra kiêu căng, cao ngạo, lúc nào cũng huênh hoang, ra oai với các con vật khác, nghĩ mình là “chúa tể”.
→ Nhận xét: Rõ ràng, hoàn cảnh sống có tác động rất to lớn đến suy nghĩ và hành động của con ếch. Môi trường nhỏ bé, hạn hẹp đã hạn chế tầm hiểu biết. Khi sống lâu ở môi trường ấy, không mở rộng thì hiểu biết trở nên nông cạn. Thay vì chia sẻ không gian sống và ứng xử hài hòa, công bằng với các con vật khác để cùng nhau xây dựng cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, con ếch lại giành lấy tất cả: lợi ích và quyền lực chi phối khiến cho cuộc sống trong giếng vốn đã chật hẹp càng thêm bức bối. Tầm nhìn cạn hẹp và lòng ích kỉ, thói tự đắc đã khiến con ếch trở thành kẻ cao ngạo đáng ghét.
b. Ý kiến 2: Kết cục của con ếch là hậu quả tất yếu dành cho những kẻ “coi trời bằng vung”.
– Lí lẽ và bằng chứng:
+ Nếu không có trận mưa to đưa ếch ra ngoài thì có lẽ nó mãi mãi là “chúa tể” ở trong giếng. Sự việc ếch được ra ngoài đặt nó vào tình huống có nhiều thử thách. Lúc này, thế giới xung quanh nó đã mở rộng thêm rất nhiều, bầu trời đã không còn bằng cái vung và nó đã không còn là “chúa tể” nữa nhưng nó không hề hay biết: nó vẫn nhâng nháo, không thèm đế ý đến xung quanh, nghênh ngang đi lại khắp nơi và cất tiếng kêu ồm ộp đầy kiêu hãnh.
+ Chính cái tính chủ quan, kiêu ngạo ấy đã khiến cho con ếch gặp vận rủi, phải trả giá quá đắt: ếch bị một con trâu đi qua giẫm bẹp. Con ếch nhận lấy kết cục bi thảm là điều tất yếu bởi con ếch lúc ấy vẫn còn cho mình là “chúa tể”. Mọi con vật phải né tránh nó chứ nó không né tránh ai bao giờ.
→ Nhận xét: Sự kiêu ngạo, chủ quan của con ếch đã khiến nó phải trả giá. Nếu con ếch chịu từ bỏ cái danh hiệu “chúa tể” tự phong thì chắc nó đã không phải nhận lấy một kết cục bi thảm đến như vậy.
c. Bài học rút ra.
– Kết cục của con ếch khiến cho chúng ta giật mình và không ngừng suy nghĩ về cách sống, cách ứng xử trong cuộc sống.
+ Câu chuyện khuyên nhủ con người ta dù sống ở đâu thì cũng không được kiêu căng, tự phụ, phải luôn biết cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình, đồng thời không được chủ quan, kiêu ngạo mà nên khiêm tốn học hỏi, biết tôn trọng người khác, không ỷ mạnh hiếp yếu.
+ Thông qua cách đánh giá lệch lạc, sai lầm của con ếch, câu chuyện hàm chứa ý nghĩa khuyên nhủ con người phải giữ thái độ khiêm tốn, tích cực học hỏi để mở rộng hiểu biết. Thế giới vô cùng bao la, rộng lớn, bởi vậy chúng ta cần nỗ lực học hỏi để mở mang tầm hiểu biết của mình.
+ Khi thay đổi hoàn cảnh tồn tại, chúng ra cần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá và hành động thận trọng để thích nghi với mọi vật xung quanh.
d. Liên hệ bản thân.
– Là học sinh, chúng ta cần phải biết lắng nghe, chia sẻ với bạn bè và những người xung quanh, không ỷ mạnh hiếp yếu, kiêu căng, tự phụ.
– Phải có cái nhìn toàn diện về các sự việc và cuộc sống, không được chủ quan, không đề cao bản thân quá mức, phải luôn khiêm tốn học hỏi để mở rộng hiểu biết của bản thân…
– Cần hợp tác với bạn bè, xây dựng tinh thần đoàn kết, thân ái trong lớp học, trường học.
III. Kết luận:
– Khẳng định ý kiến: Như vậy, nhân vật con ếch chỉ vì hiểu biết nông cạn, tính tình kiêu căng, tự phụ, cao ngạo quá mức, cố chấp, bảo thủ, chậm thay đổi và thích nghi đã phải trả giá đắt cho hành dộng ngu ngốc của mình. Đó cũng là bài học sâu sắc cho mỗi chúng ta.
– Cảm nghĩ: Nhân vật con ếch vừa đáng trách, vừa đáng thương. Đáng trách ở chỗ tầm nhìn đã hạn hẹp mà còn cao ngạo, cố chấp, ỷ mạnh hiếp yếu. Đáng thương ở chỗ chỉ vì bướng bình mà phải nhận lấy một kết cục bi thảm. Kết cục của câu chuyện đã để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc và quý giá về cách nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng và cách ứng xử trong cuộc sống.