phan-tich-van-ban-tho-doan-tho-hinh-tuong-tho

Phân tích văn bản thơ, đoạn thơ, hình tượng thơ

Kỹ năng phân tích một đoạn thơ / bài thơ / hình tượng trong một bài thơ

I. Khái niệm

Phân tích thơ là phân tích những từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu, giọng điệu, biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ để từ đó làm nổi bật những tư tưởng, tình cảm mà tác giả muốn gửi gắm qua bài thơ. Thủ pháp phân tích giúp cho người đọc nhận ra cái hay, cái đẹp, cái đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của bài thơ đó. Đồng thời thấy được tài năng, sự sáng tạo, độc đáo của tác giả trong việc lựa chọn những hình ảnh, từ ngữ có thể miêu tả một cách chính xác và sâu sắc những tư tưởng, tình cảm của mình.

II. Cấu trúc dàn ý bài văn phân tích một đoạn thơ, bài thơ.

Dàn bài chung.

1. Mở bài:

– Giới thiệu sơ lược về tác giả: tên tuổi, bút danh, vị trí trong nền văn học, chủ đề sáng tác, phong cách sáng tác, những đóng góp của tác giả đối với phong trào văn học, giai đoạn văn học và nền văn học dân tộc.

– Giới thiệu tổng quát về bài thơ: hoàn cảnh xuất xứ, đại ý, nội dung chính của đoạn thơ/bài thơ. Dẫn vào đoạn thơ, bài thơ cần phân tích: trích lại bài thơ (nếu ngắn) còn khổ thơ thì phải ghi lại tất cả.

2. Thân bài:

– Khái quát về vị trí trích đoạn hoặc bố cục, mạch cảm xúc chủ đạo của khổ thơ, bài thơ.

– Giới thiệu vấn đề nghị luận và phương hướng nghị luận.

– Phân tích bài thơ/đoạn thơ: trích thơ rồi lần lượt phân tích những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ, v.v…. trong từng câu thơ, giải mã đúng từ ngữ, hình ảnh đó để giúp người đọc cảm thấy được những cái hay, cái đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

Lưu ý: Nên phân tích từ nghệ thuật đến nội dung, khi phân tích phải dựa vào từ ngữ có trong bài thơ, hoàn cảnh ra đời, phong cách sáng tác của tác giả để tránh suy diễn miên man, không chính xác, cụ thể:

–  Phân tích khổ thơ thứ nhất :

+ Nêu nội dung chính của khổ thơ thứ nhất:

(Trích thơ…)

+ Áp dụng các thủ pháp phân tích thơ để phân tích những hình ảnh, từ ngữ, biện pháp nghệ thuật tu từ, nhịp điệu, v.v. trong từng câu thơ; giải mã những từ ngữ, hình ảnh đó có ý nghĩa gì, nó hay, đặc sắc ở chỗ nào.

+ Liên hệ, so sánh với những bài thơ cùng chủ dề.

+ Chuyển sang khổ thứ hai.

– Phân tích khổ thơ thứ hai:

+ Cách làm bốn bước tương tự khổ thứ nhất.

+ Rồi cứ tiếp tục như thế đến hết bài.

(Lưu ý: đôi khi có thể phân tích hai khổ thơ cùng một lúc nếu hai khổ thơ cùng một ý nghĩa)

– Nhận xét đánh giá bài thơ:

+ Đánh giá về nội dung, tư tưởng của bài thơ. (Nét đặc sắc về nội dung của bài thơ là gì? Thành công/hạn chế?)

+ Đánh giá về nghệ thuật. (Thành công/hạn chế?)

+ Đánh giá về phong cách tác giả. (Qua bài thơ em thấy tác giả là người như thế nào; có thể nói thêm những đặc điểm về phong cách nghệ thuật và đóng góp của nhà thơ trên văn đàn lúc bấy giờ).

3. Kết bài:

+ Khẳng định lại toàn bộ giá trị về nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

+ Liên hệ bản thân và cuộc sống (nếu có).

Dạng 1: Hướng dẫn cách làm bài phân tích một bài thơ.

  • Mở bài:

– Giới thiệu tác giả dẫn vào bài thơ.

  • Thân bài:

– Khái quát về bài thơ : Giới thiệu xuất xứ ( trích trong tập thơ nào?), hoàn cảnh sáng tác ( sáng tác năm nào, gắn liền với sự kiện lịch sử gì nổi bật ?), tóm tắt nội dung, bố cục bài thơ.

– Phân tích nội dung, nghệ thuật bài thơ:

+ Lần lượt làm rõ nội dung, nghệ thuật bài thơ. Chia bài thơ thành từng đoạn nhỏ ( gồm những câu thơ có cùng nội dung hoặc liên quan mật thiết về nội dung) rồi giới thiệu, trích thơ và phân tích dẫn chứng thơ. Cụ thể :

+ Giới thiệu dẫn chứng : có 3 cách : Giới thiệu vị trí dẫn chứng/ Giới thiệu nội dung chính của dẫn chứng/ Kết hợp nêu vị trí dẫn chứng với nội dung chính.

+ Trích dẫn dẫn chứng : Phải trích nguyên văn và đặt dẫn chứng trong ngoặc kép. Viết dẫn chứng thành đoạn riêng.

+ Phân tích dẫn chứng : là dùng lời văn của mình để làm rõ nội dung ( nói cái gì? Nói vậy là có ý gì?), nghệ thuật ( biện pháp nghệ thuật gì?) và ý nghĩa của dẫn chứng ( có thể từ ngữ tiêu biểu hoặc cả câu thơ được trích dẫn ). Để phân tích được dẫn chứng phải hiểu nghĩa của từ ngữ, vận dụng những hiểu biết về tác giả, hoàn cảnh sáng tác bài thơ, những kiến thức đọc hiểu về văn bản, hiểu biết về văn học và đời sống; phải liên tục sử dụng liên tưởng và tưởng tượng, nhận xét và suy luận.

Lưu ý : phân tích chứ không diễn xuôi đoạn thơ.

– Đánh giá chung thành công về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

– Giải quyết yêu cầu phụ ( nếu có )

  • Kết bài:

– Tóm lại, đoạn thơ nổi bật gì về nội dung và nghệ thuật?

– Gợi liên tưởng rộng hơn, sâu sắc hơn ( thường nêu tác động của đoạn thơ đến tư tưởng, tình cảm của người đọc hay đóng góp của đoạn thơ với văn học, với đời sống. Có thể nêu ngắn gọn cảm nghĩ về tác giả, bài thơ, đoạn thơ.

Dạng 2: Hướng dẫn cách làm bài phân tích một hình tượng, một vấn đề trong một bài thơ.

  • Mở bài:

– Giới thiệu tác giả dẫn vào bài thơ. Nêu vấn đề : Giời thiệu hình tượng hay vấn đề phân tích

  • Thân bài:

1/ Khái quát về bài thơ: Giới thiệu xuất xứ ( trích trong tập thơ nào?), hoàn cảnh sáng tác ( sáng tác năm nào, gắn liền với sự kiện lịch sử gì nổi bật ?), tóm tắt nội dung, bố cục bài thơ.

2/ Phân tích hình tượng hay vấn đề: Lần lượt làm rõ từng đặc điểm của hình tượng.

– Nêu đặc điểm của hình tượng.

– Đưa dẫn chứng thơ phù hợp với đặc điểm của hình tượng.

3/ Nhận xét về nghệ thuật xây dựng hình tượng hay nghệ thuật thể hiện vấn đề.

4/ Liên hệ, so sánh với nhân vật khác.

  • Kết bài:

– Tóm lại, hình tượng ( trong đề ra) có gì nổi bật gì về nội dung và nghệ thuật?

– Gợi liên tưởng rộng hơn, sâu sắc hơn ( thường nêu tác động của hình tượng hay vấn đề đến tư tưởng, tình cảm của người đọc hay đóng góp của hình tượng hay vấn đề với văn học, với đời sống. Có thể nêu ngắn gọn cảm nghĩ về tác giả, bài thơ, đoạn thơ.

Dạng 3: Phân tích một đoạn thơ cơ bản như sau.

  • Mở bài:

– Giới thiệu tác giả dẫn vào bài thơ và trích dẫn đoạn thơ.

  • Thân bài:

– Giới thiệu xuất xứ (bài thơ trích trong tập thơ nào?); hoàn cảnh sáng tác (sáng tác năm nào, gắn liền với sự kiện lịch sử gì nổi bật?); tóm tắt nội dung, bố cục bài thơ.

– Phân tích nội dung, nghệ thuật bài thơ: Lần lượt làm rõ nội dung, nghệ thuật đoạn thơ. Chia đoạn thơ thành từng đoạn nhỏ (gồm những câu thơ có cùng nội dung hoặc liên quan với nhau về nội dung) rồi giới thiệu, trích thơ và phân tích dẫn chứng thơ.

+ Giới thiệu dẫn chứng: Giới thiệu vị trí dẫn chứng, giới thiệu nội dung chính của dẫn chứng, kết hợp nêu vị trí dẫn chứng với nội dung chính.

+ Trích dẫn dẫn chứng: Phải trích nguyên văn và đặt dẫn chứng trong ngoặc kép, viết dẫn chứng thành đoạn riêng.

+ Phân tích dẫn chứng: Dùng lời văn của mình để làm rõ nội dung (nói cái gì? nói như vậy là có ý gì?); nghệ thuật (biện pháp nghệ thuật gì?); ý nghĩa của dẫn chứng (có thể từ ngữ tiêu biểu hoặc cả câu thơ được trích dẫn).

– Để phân tích được dẫn chứng phải hiểu nghĩa của từ ngữ, vận dụng những hiểu biết về tác giả, hoàn cảnh sáng tác bài thơ, những kiến thức đọc hiểu về văn bản, hiểu biết về văn học và đời sống; liên tưởng và tưởng tượng, nhận xét và suy luận (lưu ý: phân tích, cảm nhận chứ không diễn xuôi đoạn thơ, sẽ bị trừ điểm).

– Đánh giá chung thành công về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

– Giải quyết yêu cầu phụ (nếu có).

  • Kết bài:

– Tóm lại, đoạn thơ nổi bật gì về nội dung và nghệ thuật? Gợi liên tưởng rộng hơn, sâu sắc hơn (thường nêu tác động của đoạn thơ đến tư tưởng, tình cảm của người đọc hay đóng góp của đoạn thơ với văn học, với đời sống. Có thể nêu ngắn gọn cảm nghĩ về tác giả, bài thơ, đoạn thơ.

III. Một số cách thức phân tích đoạn thơ, bài thơ.

Phân tích từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ, giọng điệu, nhịp điệu trong từng câu thơ, khổ thơ.

Phân tích từ ngữ.

Từ ngữ chính là chất liệu đầu tiê tạo nên ý nghĩa thơ. Mọi tư tưởng, tình cảm của tác giả đều được kí thác vào hệ thống từ ngữ của đoạn thơ, bài thơ.

Ví dụ: khi miêu tả hành vi và bản chất con buôn của Mã Giám SInh, Nguyễn Du đã dùng từ thật sâu cay:

Ghế trên ngồi lót sỗ sàng
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra.

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

“Ngồi tót”: cách ngồi sổ sàng, trịch thượng, vô văn hóa, thiếu lễ độ. Hành vi cho thấy, Mã Giám Sinh là một con người ít học, vô loại, nhân cách kém cỏi, tầm thường chứ không phải là một sinh viên trường Quốc Tử Giám nho nhã, học thức như hắn nói.

“Sỗ sàng”: ngồi thoải mái, không kiêng nể gì. Hành vi thất kính, vô văn hóa, thiếu lễ độ.

“Kíp”: giục giã, vội vàng, vô cùng cấp bách. Ỷ tiền khinh người.

Như vậy chỉ với việc miêu tả qua hệ thống ngôn ngữ, Nguyễn du đã vạch trần được bản chất của Mã Giám Sinh, đó chỉ là một tên vô loại, ít học và có gì đó gian trá, bịp bợm, bởi những lời nói của hắn trước sau không có sự thống nhất.

Phân tích hình ảnh thơ và biện pháp tu từ.

Ý nghĩa thơ còn được ẩn giấu trong hình ảnh thơ và các biện pháp tu từ được sử dụng. Thơ nói bằng hình ảnh và ẩn ý nghệ thuật. Đó mới là thơ, là nghệ thuật ngôn từ.

Ví dụ, khi thể hiện niềm yêu kính và tự hào đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhà thơ Viễn Phương viết:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

(Viếng lăng Bác – Viễn Phương)

Với thủ pháp ẩn dụ, Viễn Phương đã nâng cao cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, đồng thời thể hiện niềm tôn kính thiêng liêng đối với vị cha gì dân tộc.

“Mặt trời” trong câu thứ nhất là mặt trời của tự nhiên có tác dụng chiếu sáng và đem lại sự sống cho muôn vật, muôn loài. Còn “mặt trời” trong câu thơ thứ hai là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho Bác Hồ vĩ đại. Bởi từ trong cuộc đời và con người Bác cũng toát ra một thứ ánh sáng kì diệu vô cùng rực rỡ. Đó là ánh sáng của chân lí cách mạng có thể xua tan mọi bất công, bạo tàn và soi đường dẫn lối đưa 25 triệu con người đi từ bóng đêm nô lệ đến được ánh sáng của tự do, hòa bình, công lí.

Bác mãi là vầng dương bao la, chói ngời vĩ đại. Suốt cả cuộc đời Người đã hi sinh hạnh phúc của bản thân, gia đình để dấn thân vào con đường Cách mạng đầy hiểm nguy, thử thách để tìm ra con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc. Có thể nói bằng hình ảnh đó, tác giả Viễn Phương đã thể hiện một cách sâu sắc tình cảm yêu thương, tôn kính của nhà thơ đối với Bác.

Phân tích giọng điệu thơ.

Giọng điệu thơ góp phần bộc lộ tư tưởng, tình cảm bài thơ, đồng thời tạo nên sự đồng cảm sâu sắc giữa người đọc và tác giả bài thơ.

Đó có thể là giọng điệu chân thành, tha thiết, sâu lắng ( Bếp lửa, Viếng lăng Bác,…). Có thể là giọng hồn nhiên, sôi nổi, tinh nghịch (Bài thơ tiểu đội se không kính,…). Hoặc đau xót, buồn bã, tuyệt vọng (Kiều ở lầu Ngưng Bích,…)

Liên tưởng, so sánh những câu thơ cần phân tích với một số câu thơ có nội dung tương đồng hoặc tương phản.

So sánh tương đồng:

Vd: So sánh nỗi nhớ nhà, nhớ người thân yêu, ruột thịt của người lính trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu với nỗi nhớ nhà của người lính trong bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên.

Ruộng nương anh để bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính

So sánh với:

Ba năm rồi gửi lại quê hương
Mái lều gianh
Tiếng mõ đêm trường
Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya.

Trong nỗi nhớ của người lính đều xuất hiện những hình ảnh mộc mạc bình dị đặc trưng của làng quê vì họ đều xuất thân từ những người nông dân mặc áo lính.

So ánh tương phản.

Vd: So sánh nỗi nhớ ruộng vườn, gia đình của người lính trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:

Ruộng nương anh để bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính

Với nỗi nhớ về một Hà Nội xa xăm, sáng rực, vui vẻ, huyên náo, với hình ảnh những “dáng kiều thơm” thướt tha, yểu điệu trong tâm hồn của những người chiến sĩ thuộc binh đoàn Tây Tiến, được nhà thơ Quang Dũng nhắc tới trong bài thơ Tây Tiến, những chàng trai vốn xuất thân từ những người tri thức Hà Thành hào hoa, lịch lãm:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Hóa thân vào nhân vật để nói lên tâm tư, tình cảm của nhân vật.

Vd:

Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa.

Tiếng gọi tah thiết, chân thành, da diết, thể hiện một niềm mong mỏi của nhà thơ trong những ngày sống xa nhà. Tác giả như muốn mói với những con tu hú: “Tu hú ơi, đừng kêu chi hoài trên những cánh đồng xa xôi ấy nữa mà hãy về đây, hày kêu lên những âm thanh tưng bừng, rộn rã, hãy đến ở cùng bà để bà khống cảm thấy buồn bã, quạnh quẽ, cô đơn. Và qua lời kêu gọi chân thành, tha thiết đó, ta dường như cảm nhận được biết bao nỗi nhớ thương, lo lắng của tác giả đối với bà trong những ngày xa xứ.

Phân tích ý nghĩa nhan đề.

Vd: suy nghĩ của em về nhan đề bài thơ Bếp lửa:

Bếp lửa không còn là sự vật tồn tại bên ngoài mà đã đi sâu vào tâm hồn tác giả, gắn liền với những kỉ niệm êm đẹp của tuổi thơ, với hình ảnh người bà chắt chiu, dành dùm, chịu thương chịu khó, đã hết lòng yêu thương, qua tâm lo lắng cho tác giả. Bếp lửa của cuộc sống được nhen nhóm bằng than củi, gỗ cây còn bếp lửa trong tâm hồn được nhen nhóm bằng tình yêu, sự hi sinh, tần tảo của người bà. Bếp lửa mãi mãi soi sáng tâm hồn, là biểu tượng của quê nhà, gắn kiền con người với cội nguồn quê cha, đất tổ nên nó rất đỗi thiêng liêng và mãi tồn tại trong trái tim của mỗi con người.

ĐỀ BÀI THAM KHẢO

Đề: Cảm nhận của anh/chị về đọan thơ sau trong bài thơ Đất Nước, từ đó, nhận xét ngắn gọn về hệ thống chất liệu văn hóa dân gian được Nguyễn Khoa Điềm sử dụng trong đoạn trích:

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cũng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta.

(Trích Đất Nước, trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, Tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Gợi ý làm bài:

  • Mở bài:

– Nguyễn Khoa Điềm (1943) thuộc thế hệ nhà thơ chống Mỹ cứu nước. Đất nước, Nhân dân, cách mạng luôn là nguồn cảm hứng phong phú của thơ ông. Đất Nước là một đọan trích thuộc chương V trong bản trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, sáng tác năm 1971, tại chiến trường Bình Trị Thiên.

– Đoạn thơ là sự khẳng định của nhà thơ về vai trò của nhân dân trong việc làm nên không gian địa lý

– Bức tranh văn hóa đất nước muôn màu muôn vẻ: “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi vọng phu… Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”.

  • Thân bài:

– Trước hết, tác giả nêu ra một cách nhìn mới mẻ, có chiều sâu địa lý về những danh lam thắng cảnh trên khắp các miền đất nước. Nhà thơ đã kể, liêt kê một loạt kỳ quan thiên nhiên trải dài trên lãnh thổ từ Bắc vào Nam như muốn phác thảo tấm bản đồ văn hóa đất nước.

+ Đây là những danh lam thắng cảnh do bàn tay tự nhiên kiến tạo nhưng từ bao đời nay, ông cha ta đã phủ cho nó tính cách, tâm hồn, lẽ sống của dân tộc. Những ngọn núi, những dòng sông kia chỉ trở thành thắng cảnh khi nó gắn liền với con người, được cảm thụ qua tâm hồn, qua lịch sử dân tộc.

+ Trong thực tế, bao thế hệ người Việt đã tạc vào núi sông vẻ đẹp tâm hồn yêu thương thủy chung để ta có những “núi Vọng Phu”, những “hòn Trống mái” như những biểu tượng văn hóa. Hay vẻ đẹp lẽ sống anh hùng của dân tộc trong buổi đầu giữ nước để ta có những “ao đầm”… như những di tích lịch sử về quá trình dựng nước và giữ nước hào hùng…

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cũng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

+ Nếu không có những người vợ mòn mỏi chờ chồng cả thời chinh chiến thì không có sự cảm nhận về núi Vọng Phu. Cũng như nếu không có truyền thuyết Hùng Vương dựng nước thì không thể có sự cảm nhận nét hùng vĩ của núi đồi quanh đền Hùng.

+ Nói cách khác, những núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, núi Bút, non Nghiên không còn là những cảnh thiên nhiên thuần túy nữa, mà được cảm nhận thông qua những cảnh ngộ, số phận của Nhân dân, được nhìn nhận như là những đóng góp của Nhân dân, sự hóa thân của những con người không tên, không tuổi.

– Thiên nhiên đất nước, qua cái nhìn của Nguyễn Khoa Điềm, hiện lên như một phần tâm hồn, máu thịt của Nhân dân. Chính Nhân dân đã tạo dựng nên đất nước này, đã đặt tên, ghi dấu vết cuộc đời mình lên mỗi ngọn núi, dòng sông, tấc đất này. Từ những hình ảnh, những cảnh vật, hiện tượng cụ thể, nhà thơ đã “quy nạp” thành một khái quát sâu sắc:

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…

+ Với cấu trúc quy nạp (đi từ liệt kê các hình ảnh, địa danh… đến khái quát mang tính triết lý), dường như nhà thơ không thể kể ra hết những danh lam thắng cảnh và những nét đẹp văn hóa dân tộc vô cùng phong phú, đa dạng trên khắp đất nước. Nên cuối cùng, nhà thơ đã khẳng định: trên không gian địa lý đất nước, mỗi địa danh đều là một địa chỉ văn hóa được làm nên bằng sự hóa thân của bao cuộc đời, bao tâm hồn người Việt.

– Nhận xét ngắn gọn về hệ thống chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn trích

+ Chất liệu văn hoá dân gian trong đoạn trích gắn với ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ của văn học dân gian.

+ Chất liệu văn hoá dân gian trong Đất Nước còn gắn với những thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích, phong tục tập quán của người Việt Nam.

  • Kết bài:

– Đoạn thơ thể hiện được đặc điểm tiêu biểu của trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm: chất chính luận hài hòa chất trữ tình, giọng thơ tự sự; ngôn từ, hình ảnh đẹp, giàu sức liên tưởng.

– Viết về đề tài đất nước – một đề tài quen thuộc, nhưng thơ Nguyễn Khoa Điềm vẫn mang những nét riêng, mới mẻ, sâu sắc. Những nhận thức mới mẻ về vai trò của Nhân dân trong việc làm nên vẻ đẹp của đất nước ở góc độ địa lý – văn hóa càng gợi lên lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm với đất nước cho mỗi người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang