Phân tích văn bản Về hình tượng bà Tú trong bài thơ “Thương vợ” (Chu Văn Sơn)

Phân tích văn bản Về hình tượng bà Tú trong bài thơ “Thương vợ” (Chu Văn Sơn)

  • Mở bài:

Chu Văn Sơn (1962 – 2019), là một người thầy, một nhà văn tài hoa, một nhà phê bình văn học sắc sảo. Trong những bài phê bình, ông có nhiều phát hiện tinh tế, sâu sắc, có cách viết bay bổng nghệ sĩ, và một giọng văn riêng, vừa gần gũi vừa thanh lịch. Văn bản Về hình tượng bà Tú trong bài thơ Thương vợ được in trong Tác phẩm văn học trong nhà trường – những vấn đề trao đổi, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012.

  • Thân bài:

Về hình tượng bà Tú trong bài thơ Thương vợ là một văn bản nghị luận văn học. Bố cục văn bản chia làm 4 phần:

– Phần 1 (từ đầu đến số phận của bà) : Hình tượng bà Tú thuộc về kiểu gia đình nhà nho theo ảnh hưởng Nho giáo.

– Phần 2 (tiếp theo đến…hay nhất của bài thơ): Hình tượng bà Tú trong hai câu đề.

– Phần 3 (tiếp theo đến… lời chao giọng chát): Hình tượng bà Tú trong hai câu thực.

– Phần 4 (đoạn còn lại): Hình tượng bà Tú trong hai câu luận.

Nội dung văn bản đi sâu phân tích vẻ đẹp hình tượng bà Tú trong bài thơ “Thương vợ” của Trần Tế Xương, một người phụ nữ đảm đang, chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng con. Bài thơ không chỉ thể hiện sâu sắc tình thương sâu nặng của nhà thơ đối với vợ thông qua sự thấu hiểu nỗi vất vả, gian lao của bà Tú mà còn châm biếm chính mình vì làm thân nam nhi nhưng lại làm gánh nặng cho vợ con. Văn bản đã làm rõ hình ảnh bà Tú hiện lên với bao vẻ cực nhọc, đáng thương song cũng mang đầy vẻ đẹp của phẩm chất, đạo đức.

Tác giả Chu Văn Sơn phân tích rất sâu sắc và giàu sức thuyết phục về hình tượng bà Tú. Ông tập trung khắc họa hình tượng bà Tú trên các phương diện như: hoàn cảnh gia đình; bà Tú trong mối quan hệ với xã hội và bà Tú trong mối quan hệ với cộng đồng. Thông qua những khía cạnh ấy, hình tượng bà Tú hiện lên chân thực là một người phụ nữ tảo tần, tháo vát, chịu thương chịu khó, yêu chồng thương con và hết lòng hi sinh vì gia đình dù cuộc đời mình vất vả, lênh đênh.

Cách trình bày vấn đề trong văn bản rất linh hoạt. Trước hết, tác giả trình bày vấn đề một cách khách quan. Tác giả bài viết đưa ra thông tin về nền tảng gia đình của bà Tú và hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Đây đều là những thông tin khách quan tạo cơ sở cho lập luận sau đó.

Tiếp đến, ông trình bày vấn đề theo ý chủ quan. Từ thông tin về nền tảng gia đình và hoàn cảnh lịch sử, tác giả bài viết đã đưa ra những nhận xét, đánh giá chủ quan của mình và thể hiện sự đồng cảm, xót thương về hoàn cảnh của bà Tú: vì nền tảng gia đình cùng hoàn cảnh xã hội ấy mà bà Tú buộc phải bươn chải mưu sinh, không được hưởng cuộc sống an nhàn, thảnh thơi.

Tác giả đã có sự so sánh rất độc đáo khi chỉ ra có sự tương đồng về hình ảnh ẩn dụ “cò”“thân cò” và sự khác biệt về cách miêu tả: “lặn lội”“lặn lội bờ sông”. Mục đích của việc lập luận nhằm nhấn mạnh nỗi vất vả, nhọc nhằn của người phụ nữ; thể hiện sự đồng cảm, xót xa cho số phận của người phụ nữ; đồng thời tô đậm giá trị hiện thực của tác phẩm, qua đó góp phần làm cho hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ “Thương vợ” trở nên sinh động, đầy ấn tượng.

Với cách lập luận sắc bén, dẫn chững, lí lẽ cụ thể, logic, văn bản đã làm nổi bậc những giá trị của bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương, giúp người đọc hiểu rõ hơn nỗi vất vả, gian truân, vẻ đẹp phẩm chất của bà Tú và tấm lòng của nhà thơ dành cho vợ. Qua đó, người đọc cũng nhận thấy thái độ không đồng tình đối của tác giả đối với những nhộn nhạo, đảo lộn giá trị của bối cảnh xã hội đương thời và tình cảm xót thương, trân trọng đối với bà Tú.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang