Phân tích văn bản Vườn Quốc gia Cúc Phương (Theo Đào Thị Luyến, Hoàng Trà My, Hoàng Lan Anh)

Phân tích văn bản Vườn Quốc gia Cúc Phương (Theo Đào Thị Luyến, Hoàng Trà My, Hoàng Lan Anh)

  • Mở bài:

Văn bản Vườn Quốc gia Cúc Phương thuộc thể loại văn bản thông tin trích trong quyển Hỏi – đáp về những cánh rừng và vườn quốc gia Việt Nam của nhóm tác giả Đào Thị Luyến, Hoàng Trà My, Hoàng Lan Anh.  Văn bản sử dụng phương thức biểu đạt thuyết minh.

  • Thân bài:

Bố cục văn bản Vườn Quốc gia Cúc Phương chia làm 3 phần.

+ Phần mở đầu (từ “Cách Thủ đô Hà Nội 120km … đến “vẻ khoáng đạt, bao la của đại ngàn khiến con người như lạc đến một miền đất kì diệu, bỏ lại sau lưng cuộc sống đời thường ồn ã”): Giới thiệu khái quát về Vườn Quốc gia Cúc Phương.

+ Phần nội dung (từ “Quần thể động, thực vật …. Đó là những nếp nhà sàn, trang phục, phong tục tập quán, lễ hội cồng chiêng, điệu hò, … đến “mang đậm sắc thái văn hoá dân tộc Mường”):  Giới thiệu một cách có hệ thống những phương diện khác nhau (quần thể động, thực vật; cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa) làm nên sức hấp dẫn, thú vị của rừng Cúc Phương đối với mọi người.

+ Phần kết thúc (từ “Nếu đến Cúc Phương vào buổi chiều, du khách sẽ chứng kiến cảnh rừng núi lung linh huyền hoặc đến say lòng ... đến “Chắc hẳn, ai đã đến Cúc Phương một lần, khi chia xa vẫn còn lưu luyến, nhớ thương và hẹn mùa sau trở lại!”): Nhận xét khái quát về giá trị của rừng Quốc gia Cúc Phương; qua đó bày tỏ tình cảm, thái độ của người viết dành cho khu rừng.

Văn bản Vườn Quốc gia Cúc Phương cung cấp cho người đọc những thông tin cơ bản về danh lam thắng cảnh này, bao gồm: giới thiệu khái quát về địa danh, nêu đặc điểm của vườn về quần thể động, thực vật và cảnh quan thiên nhiên cùng ý nghĩa của địa danh mang tầm quốc gia.

1. Giới thiệu về vườn Quốc gia Cúc Phương

Nhan đề Vườn Quốc gia Cúc Phương đã khái quát được nội dung của toàn văn bản, tập trung hướng đến việc giới thiệu, làm rõ những đặc điểm của Vườn Quốc gia Cúc Phương, khiến nơi đây trở thành điểm đến sinh thái nổi tiếng, hấp dẫn với những người ai say mê khám phá và du lịch:

– Ngày thành lập: Cúc Phương được thành lập ngày 7/7/1962, đã trở thành vườn quốc gia đầu tiên và cũng là đơn vị bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam.

– Điểm độc đáo về quần thể động, thực vật của vườn Quốc gia Cúc Phương: Cúc Phương có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hoá – lịch sử. Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn với những ai say mê khám phá và du lịch.

– Đặc điểm cảnh quan thiên nhiên và giá trị lịch sử của vườn Quốc gia Cúc Phương: Rừng núi Cúc Phương có nhiều hang động đẹp, có nơi còn lưu giữ di tích khảo cổ quý giá, là chìa khoá để tìm hiểu về lịch sử. Ở động Người Xưa và hang Con Moong, chứng minh sự sống còn của con người từ 7,000 – 12,000 năm trước.

2. Cách triển khai thông tin của văn bản.

– Về đặc điểm hình thức, văn bản sử dụng hệ thống hai đề mục: quần thể động, thực vật và cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hoá để làm nổi bật thông tin.

+ Về từ ngữ, văn bản sử dụng hệ thống lớp từ ngữ chuyên ngành sinh học: quần thể động thực vật, tầng rừng, cây gỗ tán, cây bụi, thảm tươi, dây leo thân gỗ, kí sinh, bì sinh, chò xanh, chò chỉ, sấu, kim giao, bò sát, lưỡng cư, … ; lớp từ ngữ chuyên ngành khảo cổ (di chỉ, di cốt), văn hoá (ví dụ: người Mường, nhà sàn, lễ hội cồng chiêng, phong tục, tập quán , … ), lớp từ ngữ giàu giá trị miêu tả, biểu cảm: nổi tiếng, hấp dẫn, khoáng đạt, bao la, kì vĩ, phong phú, quái dị, khổng lồ, đa dạng, tưng bừng, lấp lánh, lung linh, huyền hoặc, xào xạc, dập dìu, …

+ Về hình ảnh minh hoạ, văn bản sử dụng nhiều hình ảnh minh họa sinh động, phù hợp với nội dung.

– Về cách trình bày thông tin, văn bản sử dụng phối hợp nhiều cách trình bày thông tin:

+ Trình bày thông tin theo quan hệ nhân quả: Phần mở đầu, người viết khẳng định Vườn Quốc gia Cúc Phương là điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn với những ai say mê khám phá và du lịch vì có nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hoá lịch sử. Tiếp theo, ở phần nội dung, người viết triển khai lí giải cụ thể về sức hấp dẫn, thú vị của rừng Cúc Phương bằng việc giới thiệu những giá trị của khu rừng như: đa dạng sinh học với quần thể động, thực vật phong phú, đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hoá. Từ đó, ở phần kết thúc, tác giả khẳng định vẻ đẹp lung linh, huyền hoặc đến say lòng của cảnh rừng núi Cúc Phương khiến Cúc Phương luôn là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách, níu giữ lòng người.

+ Trình bày thông tin theo cách phân loại đối tượng: Các tác giả đã trình bày những thông tin về thảm thực vật trước (bao gồm: đặc điểm, kết cấu, những loại thực vật đặc trưng…) → về sự đa dạng của hệ động vật (số lượng các loài, những loài động vật quý hiếm, loài động vật đặc biệt nhất…). Cách trình bày thông tin theo cách phân loại đối tượng không chỉ giúp cho văn bản cung cấp tới bạn đọc một lượng thông tin cụ thể, chi tiết mà còn giúp cho văn bản trở nên mạch lạc, rõ ràng.

+ Miêu tả rõ nét các đối tượng được nói đến: “Trong cái nắng xen lẫn sắc đỏ của mùa khô, rừng cây vẫn thắm xanh, xoa dịu bao mệt mỏi bụi đường của du khách. Vẻ khoáng đặt, bao la của đại ngàn khiến con người như lạc đến một miền đất kì diệu, bỏ lại sau lưng cuộc sống đời thường ồn ã”;  “… một con voọc mông trắng đang gọi đàn với vẻ ngộ nghĩnh, hồn nhiên, đáng yêu.” Việc sử dụng yếu tố miêu tả không ảnh hưởng đến mục đích cung cấp thông tin chính xác về thắng cảnh, ngược lại nó có vai trò góp phần làm tăng sức gợi tả của những đối tượng được nói tới, giúp người đọc hình dung thông tin một cách sinh động, hấp dẫn, cụ thể hơn và giúp người viết thể hiện được tình cảm của mình dành cho danh lam thắng cảnh.

– Nhấn mạnh hình ảnh loài voọc mông trắng: Khi giới thiệu về đặc điểm quần thể động, thực vật của Vườn Quốc gia Cúc Phương, tác giả không chọn chi tiết khác mà lại đề cập chi tiết loài voọc mông trắng được chọn làm biểu tượng ở nơi này. Loài voọc mông trắng vốn không còn tồn tại ở nơi nào khác trên thế giới, ngoài Vườn Quốc gia Cúc Phương. Điều này cho thấy môi trường sinh thái của Cúc Phương còn rất hoang sơ, cung cấp điều kiện sống và sinh trưởng an toàn, tốt nhất cho các loài động thực vật, đặc biệt với cả những loài tưởng chừng đã tuyệt chủng như voọc mông trắng. Từ đó cho thấy chi tiết ấy là chi tiết quan trọng, đắt giá, góp phần làm rõ giá trị về quần thể động vật và môi trường sinh thái của khu rừng, cung cấp thông tin rất quan trọng về biểu tượng của Vườn Quốc gia Cúc Phương (phân biệt Cúc Phương với những vườn Quốc gia khác), đồng thời là minh chứng rõ ràng, thuyết phục cho việc khẳng định Cúc Phương xứng đáng là một khu vườn Quốc gia, điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn với những ai say mê khám phá và du lịch.

→ Tóm lại, cách trình bày thông tin của văn bản cung cấp rõ những biểu hiện, minh chứng cụ thể về sự đa dạng, phong phú của hai hệ thống cơ bản, quan trọng (thực vật, động vật) làm nên quần thể động thực vật của một khu rừng. Điều đó làm cho thông tin cơ bản của phần văn bản (Quần thể động, thực vật) được thể hiện một cách đầy đủ, thuyết phục và góp phần thực hiện mục đích của văn bản (cung cấp thông tin về một đặc điểm cụ thể làm nên sức hấp dẫn của Vườn Quốc gia Cúc Phương).

3. Đánh giá:

– Với cách thức lập luận chặt chẽ, logic; bố cục văn rõ ràng, mạch lạc; sử dụng nhiều hình ảnh so sánh, ví dụ minh họa sinh động; biện pháp miêu tả cảnh kết hợp với miêu tả và thuyết minh sinh động, hấp dẫn; có sử dụng một số từ ngữ chuyên ngành: quần thể, thực vật, khảo cổ, … nhưng trong sáng, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

– Văn bản Vườn Quốc gia Cúc Phương cung cấp một cách đầy đủ, chi tiết về Vườn quốc gia Cúc Phương: vị trí, lịch sử, đặc điểm, vai trò,…; nêu bật giá trị to lớn của Vườn quốc gia Cúc Phương về mặt sinh thái, lịch sử, văn hóa; khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy giá trị của vườn quốc gia. Qua đó, tác phẩm không chỉ cung cấp những thông tin cơ bản về một danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Việt Nam mà còn khơi gợi được ở bạn đọc tình yêu thiên nhiên và sự thích thú cùng mong muốn được một lần ghé thăm khu sinh thái đặc biệt này.

  • Kết bài:

– Qua việc giới thiệu, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của Vườn quốc gia Cúc Phương; tác giả bày tỏ niềm tự hào về giá trị của vườn quốc gia, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên, mong muốn bảo vệ môi trường. Văn bản góp phần bồi dưỡng ý thức bảo vệ môi trường, thiên nhiên cho học sinh, giáo dục lòng yêu nước, tự hào về quê hương đất nước, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chung tay bảo vệ Vườn quốc gia Cúc Phương.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang