Lý tưởng sống cao đẹp của Nguyễn Công Trứ qua “Bài ca ngất ngưởng“.
- Mở bài:
Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) là nhà nho tài tử trung thành với lý tưởng “trí quân trạch dân” (giúp vua để cho dân được no ấm). Cuộc đời ông đầy thăng trầm nhưng lúc nào cũng sôi nổi, sống bản lĩnh phóng khoáng và tự tin, có nhiều đóng góp cho dân, cho nước. những sáng tác của Nguyễn Công Trứ góp phần quan trọng vào việc phát triển thể loại hát nói trong văn học Việt Nam. Bài ca ngất ngưởng biểu hiện sâu sắc cái lý tưởng sống cao đẹp của nhà thơ. Ngất ngưởng là cách Nguyễn Công Trứ thể hiện bản lĩnh cá nhân hết sức độc đáo và khác lạ trong cuộc sống đời thường.
- Thân bài:
Nguyễn Công Trứ viết Bài ca ngất ngưỡng năm 1848 khi ông cáo quan về hưu. Ở ngoài vòng cương tỏa của quan trường và những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, ông có thể bộc lộ tâm tư phóng khoáng của bản thân đồng thời là cái nhìn mang tính tổng kết về cuộc đời phong phú.
Nhan đề đã thể hiện hết thái độ sống của Nguyễn Công Trứ. Đó là sống “ngất ngưỡng”. Theo nghĩa đen, “ngất ngưởng” có nghĩa là cao nhưng không vững. Theo nghĩa hàm ẩn, đó là một phong cách sống tôn trọng sự trung thực, tôn trọng cá tính, không chấp nhận sự “khắc kỉ, phục lễ” uốn mình theo lễ giáo của nho gia, phá vỡ mọi giới hạn của lễ nghi và hình thức, làm những việc ngược đời.
Trước hết, Nguyễn Công trứ “ngất ngưởng” ở chốn quan trường:
“Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây, cờ đại tướng
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên”.
Nguyễn Công Trứ tự cho mình đủ sức, đủ tài gánh vác mọi việc trong trời đất: “vũ trụ nội mạc phi phận sự”. Đó có thể xem là một thái độ kiêu căng, tự mãn, tự đề cao mình quá mức. Không chỉ có thế, ông còn tự cho mình là người tài năng xuất chúng “ông Hi Văn tài bộ”, là “tay ngất ngưởng”, văn võ song toàn, hơn người cả về học vị đến chức tước: “Thủ khoa”, “Tham tán”, “Tổng đốc đông”,…
Đọc đoạn thơ, người đọc nhận thấy, Nguyễn Công Trứ đã khoe ra tài năng và chức vị hết sức hợm hĩnh. Điều ấy trái với đạo đức nhà nho và nhân cách làm người. Thế nhưng, dụng ý của Nguyễn Công trứ không phải là vậy. Ông muốn tổng kết cuộc đời mình, tổng kết những chăng đường thăng hoa và thăng trầm. “Vũ trụ nội mạc phi phận sự ” chỉ là một cách nói khoa trương biểu hiện một khát vọng làm những việc lớn lao giúp ích cho đời, không ngại ngần gian khổ, hiểm nguy. Nhìn lại những vị trí mà Nguyễn Công Trứ đã đam nhận, ta thấy rằng, không phải lúc nào cũng là thăng quan, tiến chức mà có khi ông bị giáng chức.
Cuộc đời ông là những thăng trầm trong sự nghiệp. Ông được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong quân sự và kinh tế, tới chức thượng thư, tổng đốc. Nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt, nhiều lần giáng liền ba bốn cấp như năm 1841 bị kết án trảm giam hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị cách tuột làm lính thú,…
Nghệ thuật điệp từ kết hợp liệt kê chức tước, danh hiệu, Nguyễn Công Trú muốn nhấn mạnh tài năng của mình, thể hiện phong thái ung dung, kiêu hãnh trước thực tại dù sự đời lắm đổi thay. Giọng điệu tự hào kết hợp với các từ Hán-Việt thể hiện rõ nét, trang trọng về tài năng và địa vị bản thân.
Rời chốn quan trường, Nguyễn Công Trứ tiếp tục “ngất ngưởng” khi cáo quan về hưu:
“Đô môn giải tổ chi niên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”.
Khi đến tuổi về hưu, sẵn sàng treo ấn từ quan để sống cuộc sống cho bản thân mình. “Đô môn giải tổ chi niên” giống như một lời ca vui được tháo bỏ mọi ràng buộc, mọi nghĩa vụ, sống ung dung, tự tại. Đối với ông, về hưu là được tự do, sự tự do của một người đã làm xong bổn phận với dân với nước.
Trở về làng quê, ông lại tiếp tục “ngất ngưỡng” khiến cho người đời không khỏi vừa giận vừa thương. Giận vì ông là một nhà nho mà lại hành xử khác thường, dung tục. Thương là vì hiểu ông. Phía sau cái lối “ngất ngưỡng” ấy là một tấm lòng vô tư, bình dị và khao khát sóng đẹp, sống bằng cuộc sống của chính mình:
“Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”.
Đó là lối sống cao đẹp, đầy bản lĩnh, vượt qua những thói tục bình thường. Ông cưỡi bò, đeo đạc ngựa cho bò khi về hưu, chứ không cưỡi ngựa. Ông còn treo mo cau ở phần trên đuôi bò một cách lạ lẫm mà ông gọi hóm hĩnh là để che miệng thế gian.
Ông lên chùa lễ phật mà lại “tay kiếm cung”. Phía sau lại “theo đủng đỉnh một đôi dì”. Thật là chẳng ra thể thống gì. Cửa phật trang nghiêm, sao chấp nhận được cái hành động phách lối và bất kính đến thế. Thế nhưng, ta chẳng thấy một sự phàn nàn nào. Đến cả “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”.
Thì ra, ông làm cái điệu bộ đó thôi. Ông muốn sống tự nhiên, không câu nệ hình thức, còn cái tâm, cái đạo thì ông hết sức giữ gìn. Ông sẵn sàng thay đổi bản thân để thích nghi với hoàn cảnh mới sau khi từ quan. Ông muốn được làm những việc mà mọi người thường làm hoặc có thể làm mà chẳng sợ điều tiếng. Nghĩa là ông muốn mọi người xem ông là một người bình thường chứ không phải là một vị quan quyền thế. Ông muốn ở gần hơn, được chia sẻ nhiều hơn với cuộc đời bình dị, nơi đã sinh thành và nuôi dưỡng ông, cả về vật chất, lẫn tâm hồn. Lời nói phỏng ai tin, chỉ có hành động, từng bước phá vỡ cái rào cản quá lớn giữa ông và cuộc đời bình thường. Cho nên ông ngất ngưỡng, ông kì dị là vậy.
Sự đời thế gian ông bỏ hết ngoài tai, điềm nhiên trong cõi thuần khiết. Danh lợi, phú quý giờ như giấc chiêm bao, được mất không còn ý nghĩa gì nữa:
“Được mất dương dương người tái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong”.
Bản chất của con người vốn là một cá thể với nhiều nhu cầu và ham muốn. Nguyễn Công Trứ đã không chọn cách tu hành khắc kỉ để gìn giữ thiện lương mà lấy cái vui ở đời để làm nguồn sống. Ông lấy cái thú vui ở đời để di dưỡng tinh thần:
“Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không tiên, không vướng tục”.
Dù xa rời quan trường, nhưng tấm lòng vì nước vì dẫn vẫn ngày đêm túc trực:
“Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung”.
Được và mất nghĩa là vẫn vui như người thái thượng. Khen và chê nghĩa là mặc như gió thổi bỏ ngoài tai. Nguyễn Công Trứ thích sống tài tử, thoải mái hưởng lạc: “Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng/ Không phật, không tiên, không vướng tục”
Nhà thơ ý thức về bản lĩnh và phẩm chất, giá trị của bản thân. Bậc tài tử phong lưu, không ngần ngại khẳng định cá tính của mình.
Bài thơ rất thành công khi kết hợp thể loại hát nói với việc bày tỏ tư tưởng, tình cảm tự do, phóng túng, thoát ra khỏi khuôn khổ của tác giả.
- Kết bài:
Con người Nguyễn Công Trứ thể hiện trong hình ảnh “ông ngất ngưởng”. Ông từng làm nên sự nghiệp lớn, tâm hồn tự do phóng khoáng, bản lĩnh sống cao đẹp đầy mạnh mẽ, ít nhiều có sự phá cách về quan niệm sống, vượt qua khuôn sáo khắc khe của lễ giáo phong kiến.