phong-cach-nghe-thuat-tho-van-tran-te-xuong

Phong cách nghệ thuật thơ văn Trần Tế Xương.

Phong cách nghệ thuật thơ văn Trần Tế Xương.

I. Về kết cấu.

1. Thơ trào phúng của Tú Xương hết sức đa dạng và phong phú.

Có bài thơ vừa có hiện thực vừa có trào phúng. Bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật, Tú Xương sử dụng tiếng cười làm vũ khí. Ở Tú Xương không có cái nhàn nhạt, cái lưng chừng, cười là cười phá, chửi là chửi độc, chua chát đến ứa mật, ứa máu.

Có những bài tự trào, tự khoe về mình, dùng ngôn ngữ lấp lững, ỡm ờ, hoặc những từ hoàn toàn thô tục . . . Tứ thơ thường độc đáo, đột ngột, táo bạo gây sự chú ý và bám vào linh hồn của chủ đề. Tú Xương đã quàng vào cổ ông Hàn nọ ( Vốn làm nghề nấu rượu) những xâu, chai, lọ, vung, nồi lổn nhổn:

Hàn lâm tu soạn kém gì ai?
Ðủ cả vung nồi, cả cóng chai

(Ðưa ông hàn)

Cái tài tình của Tú Xương là chợp đúng cái thần của sự vật bằng một vài nét điển hình, rồi với cách nói thẳng thừng, táo bạo và hài hước của mình, ông phơi bày cái lõi của sự thật cho mọi người xem có khi ở câu đầu:

Lúc túng toan lên bán cả trời
Trời rằng thằng bé nó hay chơi

(Tự cười mình)

Có khi ở cuối câu:
Cụ Xứ có cô con gái đẹp
Lăm le xin bố cưới làm chồng

(Ði thi nói ngông)

Có khi mượn lối chơi chữ:
Ấm không ra ấm, ấm ra nồi
Ấm chạy lăng quăng, ấm chẳng ngồi

(Bỡn ông ấm Ðiềm)

Có lúc nhân cái mồm tu hú của đối tượng mà hạ một ý thật lạ lùng:

Cậu này ắt hẵn hay nghề sáo,
Dây vũ dây văn vụng ngón đàn

(Thông gia với quan)

Hoặc mở đầu bài thơ Ðể vợ chơi nhăng là đánh thẳng đối tượng là anh chồng ngu”:

Thọ kia mày có biết hay chăng
Con vợ mày kia xiết nói năng
Vợ đẹp của người không giữ được
Chồng ngu mượn đứa để chơi nhăng

Nhưng mục đích chính là đả kích mụ vợ, nên khổ thơ cứ dồn dập và quyết liệt:

Ra đường đáng giá người trinh thục
Trong bụng sao mà những gió trăng,
Mới biết hồng nhan là thế thế,
Trăm năm, trăm tuổi, lại trăm thằng.

Có thể nói, Tú Xương đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật kết cấu trong thơ trào phúng, trước hết vì tiếng cười của ông là sự phê phán của một lý trí và cảm xúc nhạy bén của con tim nên tiếng cười trào phúng của Tú Xương rất chắc, hiệu quả cao.

2. Thơ Tú Xương đậm chất trữ tình.

Lời thơ nhuần nhuyễn, ý thơ gần gũi, sâu lắng. Các bài thơ tiêu biểu Ðêm hè, Ngẫu hứng, Sông lấp, Gửi cụ thủ khoa Phan, Nhớ bạn phương trời . . . thể hiện cái sâu xa trong tâm trạng của ông đó là tinh thần dân tộc, tuy có giới hạn nhưng rất đáng quý, đã hình thành nên tính cách Tú Xương.

Ông có những bài thơ thể hiện tình cảm lãng mạn cũng khá hiện đại:

Em gửi cho anh mãnh lụa đào
Không biết rằng em bán thế nào

(Tặng người quen)

Ðề tài thơ trữ tình của Tú Xương tuy không phong phú và đa dạng như thơ trào phúng nhưng cũng rất sâu sắc và đậm đà. Nhà thơ sử dụng nhiều chi tiết từ cuộc sống nên tứ thơ rất sinh động, nhiều chi tiết xác thực như bản thân đời sống. Hình ảnh bà Tú được tái hiện bằng những nét rất thực:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

(Thương vợ)

Bài thơ Nhớ bạn phương trời đã đi sâu vào thế gới tâm trạng, tràn ngập cảm xúc trữ tình của nhà thơ đối với nhà cách mạng Phan Bội Châu.

Ta nhớ người xa cách núi sông,
Người xa, xa lắm nhớ ta không?
Sao đang vui vẻ ra buồn bã
Vừa mới quen nhau đã lạ lùng
Lúc nhớ, nhớ cùng trong mộng tưởng
Khi riêng riêng đến cả tình chung
Tương tư lọ phải là trai gái,
Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng.

3. Thơ Tú Xương có sự kết hợp hai yếu tố hiện thực và trữ tình:

Rất độc đáo và sâu sắc. Kết cấu bài thơ không gò bó. Tính phóng túng trong suy nghĩ cũng như trong tính tình đã đem vào khuôn khổ thể thơ bảy chữ tám câu nhiều nét mới đã phá vỡ mọi qui định:

Việc bác không xong tôi chết ngay!
Chết ngay? Như thế vội vàng thay!

(Bỡn người làm mối)

Hỏi lão đâu ta?- Lão ở Liêm
Trông ra bóng dáng đã hom hem

(Già chơi trống bỏi)

Người đói ta đây cũng chẳng no,
Cha thằng nào có tiếc không cho

(Thề với ăn xin)

Rất nhiều bài thơ của Tú Xương có sự kết hợp hài hòa hai yếu tố hiện thực và trữ tình (Vịnh khoa thi hương năm Ðinh Dậu, Thương vợ, Thề với ăn xin . . .)

Nói về sự kết hợp giữa hai yếu tố hiện thực và trữ tình trong một bài thơ, Nguyễn Tuân cho rằng: Sở dĩ thơ Tú Xương không bị tắt gió, không bị bay ra khỏi là vì thơ Tú Xương đã đi bằng hai chân hiện thực và lãng mạn, là vì thi pháp của Tú Xương phối hợp cả hiện thực và trữ tình

II. Về ngôn ngữ và chất liệu dân gian.

1. Về ngôn ngữ.

Tú Xương là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh. Ngôn ngữ giản dị, chính xác, uyển chuyển, gợi hình và có tính chất dân gian. Ði hát mất ô được xem là bài duyên dáng, hóm hĩnh, độc đáo của Tú Xương vì ông đã thể hiện được cái thần của bài thơ:

Đêm qua anh đến chơi đây
Giày chân anh dận, ô tay anh cầm
Rạng ngày sang trống canh năm
Anh dậy, em hãy còn nằm trơ trơ
Hỏi ô, ô mất bao giờ
Hỏi em, em cứ ậm ờ không thưa
Chỉn e rầy gió mai mưa
Lấy gì đi sớm về trưa với tình?

Sử dụng ngôn ngữ hàng ngày, tươi mát, tự nhiên mà vẫn thanh nhã, óng chuốt. Mấy câu sau đây như lời nói ở cửa miệng, không thêm bớt mà rất chân thành:

Tôi hỏi thăm ông đến tận nhà,
Trước nhà có miếu, có cây đa
Cửa hè sân ngõ chừng ba thước,
Nửa tá tre pheo đủ một tòa . . .

(Ông ấm Ðiềm)

Hoặc đây là cách nói ngang tàng nhưng rất tự nhiên:

Gái tơ đi lấy làm hai họ
Năm mới vừa sang được một ngày

(Viếng cô Ký)

Hai họ là vợ hai, đối với Một ngày tức mùng một tết. Vậy câu thơ chỉ giữ cái vỏ của phép đối mà vượt qua những ràng buộc khác khiến cho lời thơ của Tú Xương không những êm tai, sướng miệng mà còn rất độc đáo, có giá trị châm biếm cao.

2. Về chất liệu dân gian:

Nhiều thành ngữ dân gian, ca dao đã đi vào thơ Tú Xương bằng sự sáng tạo riêng.

Các thành ngữ như Học đã sôi cơm, thi không ăn ớt, vuốt râu nịnh vợ, quắc mắt khinh đời, năm nắng mưới mưa, thân cò lặn lội . . . đã được Tú Xương vận dụng khá độc đáo trong thơ.

Vuốt râu nịnh vợ con bu nó
Quắc mắt khinh đời cái bộ anh.

Tú Xương rất am hiểu ca dao, nhiều câu ca dao còn thể hiện cái tình tứ, duyên dáng, hóm hỉnh của nhà thơ.

Ai ơi còn nhớ ai không?
Trời mưa một mảnh áo bông che đầu
Nào ai có tiếc ai đâu
Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô?
Người đi tam đảo, ngũ hồ.
Kẻ về khóc trúc, than ngô một mình.
Non non, nước nước, tình tình
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ
( Áo bông che đầu)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang