Soạn bài: Thảo luận về một vấn đề trong đời sống – Ngữ văn 9, Chân trời sáng tạo
Ở Bài 1. Thương nhớ quê hương, em đã học kĩ năng thảo luận về một vấn để đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi. Trong bài học này, em sẽ vận dụng những kĩ năng đã có để thảo luận về cách thể hiện bản thân của giới trẻ hiện nay trong buổi sinh hoạt lớp.
Bước 1: Chuẩn bị
– Thành lập nhóm (không quá sáu thành viên/ nhóm), chọn nhóm trưởng, thư kí; phân công công việc cho các thành viên.
– Thống nhất mục tiêu, thời gian thảo luận bằng cách trả lời các câu hỏi: Mục đích của buổi thảo luận này là gì? Thời gian thảo luận dự kiến là bao lâu? Nhóm sẽ dành bao nhiêu thời lượng cho mỗi ý kiến khi thảo luận để phù hợp với thời gian trên?
– Xác định đối tượng người nghe, cách nói:
+ Người nghe trong buổi sinh hoạt lớp là những ai?
+ Nên chọn cách nói như thế nào cho phù hợp với những đối tượng đó?
– Sử dụng mẫu phiếu chuẩn bị thảo luận nhóm trong phần Nói và nghe Bài 1 để ghi các ý kiến, lí lẽ, bằng chứng trước khi tham gia thảo luận, dự kiến phản hồi các ý kiến trái chiều và ý kiến khi thảo luận.
Bước 2: Thảo luận
Vận dụng các kĩ năng thảo luận trong nhóm nhỏ và thảo luận giữa các nhóm (đã học ở Bài 1) để:
– Trình bày ý kiến.
– Phản hồi ý kiến.
– Thống nhất ý kiến.
Lưu ý: Khi thảo luận, cần bám sát mục tiêu của buổi thảo luận, tránh xa đề, lạc đề, cần lắng nghe, ghi chép ý kiến của các bạn; đồng thời cần tích cực đóng góp ý kiến, phản hồi ý kiến của các bạn.
Bài nói tham khảo
Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là…………học sinh lớp………trường………. Hôm nay, tôi sẽ trao đổi về nội dung: Cách thể hiện bản thân của học sinh hiện nay.
Có ai đó đã từng nói rằng: “Con người sinh ra không phải để tan biến như hạt cát vô danh, mà để lưu dấu chân trên mặt đất và trong tim mọi người”. Việc thể hiện bản thân, do vậy, là một nhu cầu chính đáng của mỗi con người, các bạn học sinh cũng không là ngoại lệ. Vấn đề đặt ra cho mỗi chúng ta là: Thể hiện bản thân như thế nào là đúng đắn?
Thể hiện bản thân là một chuỗi hành động do con người tạo ra hay học hỏi của một ai đó nhằm khẳng định và cho thấy những đặc điểm nổi bật của bản thân mình, gây ấn tượng mạnh đối với mọi người xung quanh. Thể hiện bản thân ở môi trường học đường được chứng minh qua cả ngoại hình, lời nói, cách ứng xử và hành động của học sinh.
Ở độ tuổi mới lớn, học sinh có những sự thay đổi đáng kể về tâm lý và suy nghĩ, dẫn đến hành động cũng trở nên nhạy cảm với mọi thứ xung quanh, điều này khiến họ luôn muốn thể hiện mình, chứng minh rằng mình đã trưởng thành. Mặt khác, nhu cầu được mọi người chú ý, được mọi người nể trọng, cũng là lí do khiến các bạn học sinh muốn thể hiện bản thân, để khẳng định năng lực và cái tôi của mình.
Những hành động thể hiện bản thân tích cực đến từ những việc đơn giản không những ở bề ngoài chỉnh chu, phù hợp với quy định của nhà trường mà còn ở lời nói và cử chỉ lịch sự lễ phép. Việc dám nói lên ý kiến, bảo vệ những quan điểm đúng đắn của mình đánh dấu cột mốc của sự trưởng thành. Cậu bé Đỗ Nhật Nam là một tấm gương hiếu học và không ngần ngại thể hiện bản thân trước mọi người xung quanh, cậu đã được tổng thống Obama gửi thư khen ngợi. Dẫu vậy, cậu vẫn quan tâm đến việc giúp đỡ cộng đồng, kì nghỉ hè vừa rồi cậu đã về nước mở lớp học tiếng Anh miễn phí cho các bạn đồng trang lứa. Hàng năm cứ đến hè, các bạn học sinh lại tích cực tham gia chiến dịch Hoa phượng đỏ, mồ hôi nhễ nhại nhưng khuôn miệng vẫn tươi cười, hăng say giúp đỡ mọi người. Họ cho chúng ta một bài học đúng đắn về cách thể hiện bản thân: cống hiến hết mình vì cộng đồng!
Tuy nhiên, hiện nay một số học sinh đã có những hành động khẳng định bản thân mình sai trái, không phù hợp với độ tuổi. Họ tập tành hút thuốc lá, tụ tập băng nhóm đánh nhau, quay clip bạo lực phát tán lên mạng, họ nói tục chửi thề, lạm dụng “ngôn ngữ teen” để chứng tỏ mình là “người sành điệu”… Đó là những hiện tượng đáng buồn, gây ra nhiều hậu quả khó lường cho bản thân và những người xung quanh.
Thể hiện bản thân mình, đúng đắn hay sai lầm, chủ yếu phụ thuộc vào việc mỗi chúng ta nhận thức bản thân và các giá trị sống. Mỗi chúng ta cần hướng đến cộng đồng để sống có ích, từ những việc làm nhỏ nhất: tham gia quỹ giúp bạn vượt khó, tiết kiệm tiền tiêu vặt để ủng họ đồng bào lũ lụt miền Trung… Đó là những hành động nhỏ những có ý nghĩa lớn, đánh dấu sự trưởng thành trong mỗi người học sinh.
Một vì sao sinh ra phải được tỏa sáng, mỗi con người sinh ra đều có nhu cầu thể hiện mình. Điều quan trọng là mỗi chúng ta phải biết phân định đúng, sai và sống tích cực, có như vậy chúng ta mới có thể trở thành ngôi sao bình dị nhưng lung linh, được mọi người yêu quý!
Qua đây, mỗi bạn học sinh hãy có cho mình một hãy nhiều cách thể hiện bản thân đúng đắn. Có như vậy, bạn mới là một người học sinh mang nhiều phẩm chất đạo đức tốt, được thầy cô, bạn bè và gia đình ngợi ca, tự hào.
Bước 3: Suy ngẫm và rút kinh nghiệm
Sau khi kết thúc thảo luận, em hãy:
– Nêu ít nhất hai điều bản thân hoặc các thành viên trong nhóm đã làm tốt trong quá trình thảo luận.
– Nêu hai điều bản thân và các thành viên cần rút kinh nghiệm, điều chỉnh để lần thảo luận sau đạt hiệu quả cao hơn.
Trả lời:
– Hai điều đã làm được:
+ Xác định được nội dung, đối tượng, mục đích của bài nói.
+ Trong bài nói, đã sử dụng lí lẽ, dẫn chứng, câu văn gần gũi, giản dị với vấn đề thảo luận.
– Hai điều cần rút kinh nghiệm:
+ Cần bổ sung phần kết thúc, lời cảm ơn.
+ Sử dụng thêm dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.