soan-bai-vinh-ha-long-mot-ki-quan-thien-nhien-doc-dao-va-tuyet-mi-ngu-van-9-canh-dieu

Soạn bài: Vịnh Hạ Long: một kì quan thiên nhiên độc đáo và tuyệt mĩ – Ngữ văn 9, Cánh diều

Soạn bài: Vịnh Hạ Long: một kì quan thiên nhiên độc đáo và tuyệt mĩ – Ngữ văn 9, Cánh diều

* Nội dung chính: Văn bản Vịnh Hạ Long: một kì quan thiên nhiên độc đáo và tuyệt mĩ giới thiệu về Vịnh Hạ Long, một trong những di sản thiên nhiên thế giới. Văn bản đã nêu được những sự độc đáo và vẻ đẹp tuyệt vời của vịnh Hạ Long

1. Chuẩn bị

– Xem lại phần Kiến thức ngữ văn và những hiểu biết về văn bản thông tin nói chung để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này.

– Đọc trước văn bản Vịnh Hạ Long: một kì quan thiên nhiên độc đáo và tuyệt mĩ, tìm hiểu thêm thông tin về vịnh Hạ Long.

– Nêu một số hiểu biết của em về vịnh Hạ Long và những điều em muốn biết thêm về danh lam thắng cảnh nổi tiếng này.

– Hãy chuẩn bị thông tin về một danh lam thắng cảnh mà em biết để giới thiệu với bạn cùng lớp.

Trả lời:

– Thông tin về Vịnh Hạ Long:

+ Vịnh Hạ Long nằm ở Đông Bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 165km, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Đây là vùng biển đảo được xác định trong tọa độ từ 106°56’ đến 107°37’ kinh độ Đông và 20°43’ đến 21°09’ vĩ độ Bắc với diện tích 1.553km² gồm 1.969 hòn đảo (trong đó 980 hòn đảo đã có tên).

+ Vịnh Hạ Long bao gồm cả vịnh Bái Tử Long. Vịnh Bái Tử Long có giá trị tương đồng với khu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long về cảnh quan, địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học và văn hóa lịch sử. Đây là nơi tập trung rất nhiều đảo đá, hang động và bãi tắm đẹp nổi tiếng.

– Một số hiểu biết của em về vịnh Hạ Long:

+ Hạ Long có nghĩa là “Rồng xuống”. Từ trước thế kỷ XIX, tên vịnh Hạ Long chưa được ghi chép trong thư tịch cổ của Việt Nam, chủ yếu được biết đến với tên gọi Giao Châu, Lục Thủy, An Bang, An Quảng, Hải Đông, Hoa Phong, Nghiêu Phong …. Đến cuối thế kỷ XIX, tên vịnh Hạ Long mới xuất hiện trên bản đồ hàng hải của Pháp vẽ về vịnh Bắc Bộ và trên một số bài báo bằng chữ tiếng Pháp, chữ tiếng Việt.

+ “Hạ Long” còn được gắn với truyền thuyết nguồn gốc của dân tộc Việt là “Con Rồng, cháu Tiên”, gắn với truyền thuyết đàn rồng xuống giúp người Việt đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi. Chuyện được kể rằng: “Ngày xưa, khi người Việt mới lập nước, trong một lần nước Việt bị giặc ngoại xâm, trời sai Rồng mẹ mang theo một đàn Rồng con xuống giúp người Việt đánh giặc. Khi thuyền giặc từ biển cả ào ạt tấn công vào bờ thì đàn Rồng cũng hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc, những châu ngọc ấy thoắt biến thành muôn vàn đảo đá sừng sững, liên kết lại như bức tường thành vững chãi, bất ngờ chặn bước tiến quân giặc. Thuyền giặc đang lao nhanh bị chặn lại đột ngột đâm vào các đảo đá, đâm vào nhau vỡ tan tành. Sau khi giặc tan, Rồng mẹ và Rồng con không trở về trời, mà ở lại hạ giới – nơi vừa diễn ra trận chiến đấu. Chỗ Rồng mẹ xuống là Hạ Long, nơi Rồng con xuống là Bái Tử Long. Đuôi của đàn Rồng quẫy lên trắng xóa là Long Vĩ (tức bán đảo Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh ngày nay)”.

2. Đọc hiểu

* Trả lời câu hỏi giữa bài:

Câu 1: Phần mở đầu nêu thông tin chính gì?

Trả lời:

Phần mở đầu văn bản nêu thông tin thời gian và địa điểm vịnh Hạ Long được ghi nhận vào Di sản Thế giới: Vào lúc 17 giờ 17 phút ngày 14 tháng 12 năm 1994 tại khách sạn du lịch Lơ Me-ri-điêng (Le Meridien) nổi tiếng thành phố Phu-kẹt (Phuket) – miền nam Thái Lan.

Câu 2 : Chú ý tên viết tắt của các tổ chức quốc tế.

Trả lời:

– Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUNC).

– Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO)

Câu 3: Việc dẫn thơ Nguyễn Trãi ở đây có tác dụng gì?

Trả lời:

– Việc dẫn thơ Nguyễn Trãi ở đây có tác dụng khẳng định vẻ đẹp như một kì quan của vịnh Hạ Long được phát hiện từ lâu đời.

Câu 4: Tiêu đề mục 1 cho biết nội dung chính của phần này là gì?

Trả lời:

Tiêu đề mục 1 cho biết nội dung chính của phần này là vẻ đẹp khoẻ khoắn và thơ mộng của vịnh Hạ Long, một tác phẩm nghệ thuật của thiên nhiên.

Câu 5: Chú ý những chi tiết làm sáng tỏ cho tiêu đề 1?

Trả lời:

– Trên diện tích không, mọc lên hàng nghìn hòn đảo đá muôn hình muôn vẻ từ tấm thảm xanh lộng lẫy, lấp lánh vô số châu ngọc.

– Đảo Hạ Lọng không phải những quả núi đá đơn điệu buồn tẻ mà là thế giới sống động với những sinh linh ẩn hiện trong biết bao hình hải bí ẩn bằng đá.

– Dường như các đảo đá đều có nội tâm, đều có suy nghĩ, khát vọng và hoài niệm về quá khứ.

Câu 6: Những biện pháp tu từ nào được sử dụng trong đoạn này?

Trả lời:

Những biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn này là:

+ Nhân hoá (Biển cả đã cần cù chạm khắc và chân đảo nhiều hình thù kì lạ)

+ So sánh (trông xa, tựa bức phù điêu uốn lượn quanh chân đảo; Có đảo hình trụ tứ giác bề thế, bốn mặt phẳng lì, đen bóng như được ghép bằng ván gỗ lim…);

+ Sử dụng các từ ngữ gọi hình, gợi cảm (mảnh khảnh, ngộn nghĩnh, thon nhỏ, nhọn sắc…).

Câu 7: Dự đoán nội dung chính của phần 2.

Trả lời:

– Nội dung chính của phần 2: Cảnh quan thay đổi trong chớp mắt theo góc nhìn và thời gian là vẻ đẹp độc đáo và đặc sắc.

Câu 8: Vẻ đẹp và cái thú của Hạ Long được khắc hoạ theo trình tự nào?

Trả lời:

– Vẻ đẹp và cái thú của Hạ Long được khắc hoạ theo trình tự thời gian: buổi sáng, trưa, chiều và đêm.

Câu 9: Đêm trăng thu ở Hạ Long có gì độc đáo?

Trả lời:

Đêm trăng thu ở Hạ Long diễm lệ và độc đáo:

– Mặt vịnh yên tĩnh như tấm gương phản chiếu ánh trăng sáng bạc, lóng lánh tựa thuỷ ngân.

– Đảo đá trầm tư, ẩn hiện giữa mảng tối mảng sáng …

Câu 10 : Chú ý vẻ đẹp đa dạng của hang động ở Hạ Long.

Trả lời:

– Vẻ đẹp đa dạng của hang động ở Hạ Long: Các hang động có quy mô, kiểu dáng màu sắc đa dạng và phong phú.

– Động Thiên Cung có sức hấp dẫn kì lạ. Trên vách động là bức tranh hoành tráng chạm nổi nhiều hình, đường nét uyển chuyển, mềm mại; trên trần hang là cột đá dài 2m như chiếc gậy của Tôn Ngộ Không; dưới vòm động là thạch nhũ như dát bạc.

Câu 11: Hồ Đầm Ba có gì độc đáo?

Trả lời:

Nét độc đáo của hồ Đầm Ba:

– Cửa hang hình bán nguyệt

– Đáy cửa hang là mặt nước thông với dòng hải lưu uốn lượn…

– Hồ Đầm Ba gồm ba trũng biển, đi thăm hồ phải đi bằng xuồng hoặc thuyền qua hang luồn giữa rừng thạch nhũ.

Câu 12: Ý của Quách Mạt Nhược qua câu thơ là gì?

Trả lời:

– Trong bài thơ Cảm hứng trong khi chơi thuyền trên vịnh Hạ Long, nhà thơ Trung Quốc Quách Mạt Nhược có viết:

Cảnh trước mặt cho tôi vài thi tứ
So với cảnh diệu kì, thơ có cũng như không

(Hoàng Trung Thông dịch)

Hai câu thơ của Quách Mạt Nhược đã khẳng định vẻ đẹp của diệu kì của vịnh Hạ Long ngay cả thơ ca cũng không sánh kịp.

* Trả lời câu hỏi cuối bài:

Câu 1 : Nhan đề của văn bản thể hiện sự đánh giá như thế nào về kì quan vịnh Hạ Long?

Trả lời:

– Nhan đề của văn bản thể hiện sự đánh giá về kì quan vịnh Hạ Long: Hùng vĩ và bí ẩn, đầy cảm hứng và vô cùng độc đáo, vịnh Hạ Long thật xứng đáng là một trong những kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất.

Câu 2: Các đề mục nhỏ và nội dung đã triển khai vấn đề được nêu ở nhan đề như thế nào?

Trả lời:

Các đề mục nhỏ và nội dung đã chứng minh được sự độc đáo và tuyệt mĩ của vịnh Hạ Long.

– Vịnh Hạ Long được coi như tác phẩm nghệ thuật độc đáo của thiên nhiên với hệ thống đảo đá muôn hình muôn vẻ. Những hòn đảo nhỏ như được chấm lên trên nền xanh ngọc của biển, cùng theo đó là những hang động kỳ bí được tạo nên bởi sóng và gió, những cánh rừng xanh biếc rộn rã tiếng chim hót, thật kỳ ảo.

– Vịnh Hạ Long thay đổi vẻ đẹp của mình theo không gian và thời gian. Mỗi góc nhìn, mỗi thời điểm, vịnh Hạ Long lại có vẻ đẹp riêng biệt và độc đáo riêng.

– Những hang động của Hạ Long được văn mản miêu tả như những lâu đài của tạo hoá giữa chốn trần gian.

 Tất cả những đề mục nhỏ và nội dung của văn bản đều khẳng định: Vịnh Hạ Long: một kì quan thiên nhiên độc đáo và tuyệt mĩ.

Câu 3: Vì sao văn bản Vịnh Hạ Long: một kì quan thiên nhiên độc đáo và tuyệt mĩ được coi là văn bản thông tin? Trong văn bản này có sự kết hợp của các phương thức biểu đạt nào? Chỉ ra tác dụng của sự kết hợp ấy?

Trả lời:

– Văn bản Vịnh Hạ Long: một kì quan thiên nhiên độc đáo và tuyệt mĩ được coi là văn bản thông tin vì văn bản này đã cung cấp cho người đọc những thông tin về vịnh Hạ Long: thời gian vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản Thế giới; quang cảnh của vịnh Hạ long (các đảo, hang động); những sự đánh giá về vịnh Hạ Long.

– Trong văn bản này có sự kết hợp của các phương thức biểu đạt: thuyết minh kết hợp với miêu tả và biểu cảm.

– Tác dụng: Giới thiệu về vịnh Hạ Long một cách sống động, chân thực nhất đến người đọc.

Câu 4: Từ văn bản, hãy chỉ ra những giá trị của Vịnh Hạ Long.

Trả lời:

Những giá trị của Hạ Long được bêu trong văn bản:

– Giá trị về du lịch: Du khách đi giữa Hạ Long như đi giữa một thế giới động vật hoá đá với những hòn đảo như đôi gà chọi nhau, chú đại bàng trên mỏm đá rình mồi…; động Thiên Cung có sức hấp dẫn kì lạ với các du khách

– Giá trị về địa chất – địa mạo: hàng nghìn đảo đá sừng sững, trăm nghìn dáng điệu nhấp nhô; có hàng chục hàng động mở trong lòng núi đá với quy mô, kiểu dáng màu sắc đa dạng, phong phú…

– Giá trị về nghệ thuật: Vẻ đẹp của Hạ Long trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các sáng thơ ca, âm nhạc, nhiếp ảnh; …

Câu 5 : Học xong văn bản, em có những hiểu biết gì về vịnh Hạ Long và còn muốn biết thêm những thông tin gì về địa danh nổi tiếng này?

Trả lời:

– Thông qua văn bản, em biết được Hạ Long là một kì quan thiên nhiên thế giới, là một thế giới sống sống động với những sinh linh ẩn hiện trong biết bao hình hải bí ẩn bằng đá, là sự thay đổi cảnh sắc độc đáo trong nháy mắt, là cảnh sắc ẩn dấu trong các hang động, đặc biệt là đông Thiên Cung khi vào thăm ta ngỡ như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh, là hồ Ba Đầm với rừng thạch nhũ có nhiều kiểu dáng, màu sắc rực rỡ.

– Ngoài ra, em còn muốn biết thêm về các hang động khác trong quần thể hang động của vịnh Hạ Long như hang Đầu Gỗ, Hang Sửng Sốt,… Đặc biệt em còn muốn biết thêm về nguồn gốc của vịnh Hạ Long.

Câu 6: Nếu được giới thiệu một số nét về danh lam thắng cảnh nổi tiếng về quê hương, em sẽ nêu các thông tin nào?

Trả lời:

Nếu được giới thiệu một số nét về danh lam thắng cảnh nổi tiếng về quê hương, em sẽ nêu các thông tin:

– Giới thiệu nguồn gốc của khu di tích: Có từ bao giờ, ai phát hiện ra? đã kiến tạo lại bao giờ chưa?

– Giới thiệu vị trí địa lí, đặc điểm bên ngoài (nhìn từ xa hoặc nhìn từ trên).

– Trình bày về đặc điểm của từng bộ phận của khu di tích: Kiến trúc, ý nghĩa, các đặc điểm tự nhiên khác thú vị, độc đáo…

– Danh lam thắng cảnh của quê hương bạn đã đóng góp như thế nào cho nền văn hoá của dân tộc và cho sự phát triển nói chung của đất nước trong hiện tại cũng như trong tương lai (làm đẹp cảnh quan đất nước, mang lại ý nghĩa về giáo dục, ý nghĩa tinh thần, mang lại giá trị vật chất…).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang