suy-nghi-ve-duc-tinh-gian-di-cua-bac-ho

Suy nghĩ về đức tính giản dị của Bác Hồ

Suy nghĩ về đức tính giản dị của Bác Hồ

  • Mở bài:

Bác Hồ là một nhà văn, nhà thơ xuất sắc, nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự thiên tài, nhà ngoại giao xuất chúng. Thế nhưng, cái làm người ta nhớ nhất ở bắc đó đức tính khiêm tốn, lối sống giản dị hiếm có. Nếu tài năng và trí tuệ của bác có thể khiến người khác tôn kính, thì nhân cách của Bác có thể khiến người kinh ngạc.

  • Thân bài:

Hơn cả một đức tính, giản dị chính là phẩm chất cốt lõi của con người Việt Nam ta từ xưa đến nay. Phẩm chất cao quý ấy kết tụ và phát huy tinh hoa ở lãnh tụ Hồ Chí Minh hơn bao giờ hết. Người giản dị đâu chỉ vì cuộc sống cách mạng còn nhiều khó khăn mà còn bởi vì lối sống ấy khiến Người thấy ở gần hơn với dân tộc, với cuộc đời.

Đức tính giản dị của Bác Hồ thể hiện ngay trong cách sống hàng ngày của Người. Khi ở Pari hoa lệ hay lúc về hoạt động bí mật tại vùng Pác Bó, kể cả khi đã trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn thích lối ăn đạm bạc, mang tính truyền thống quê hương. Có “của ngon, vật lạ” Người thường không chịu ăn một mình, mà san sẻ đều cho những người cùng đi, để phần cho người đi vắng… Khi ăn xong, bao giờ Người cũng sắp xếp lại mâm bát cho gọn ghẽ, thể hiện sự tôn trọng đối với người phục vụ của mình.

Đức tính giản dị của Bác Hồ thể hiện trong cuộc sống sinh hoạt. Quần áo và cách mặc của Bác Hồ vô cùng giản dị, gần gũi và thân quen như mọi người xung quanh mà vẫn lịch sự, tao nhã. Khi ở miền núi, Người mặc bộ đồ chàm như một ông ké người Nùng. Đến với nông dân, Người mặc bộ cánh nâu, khăn mặt vắt vai như một lão nông. Đi chiến dịch, Người mặc bộ quân phục như một chiến sĩ. Hành trang của vị Chủ tịch nước, là thượng khách của nước Pháp, cũng chỉ có hai bộ quần áo ngoài, một bộ bằng kaki, một bộ bằng dạ cùng vài bộ đồ lót, vừa xếp gọn trong chiếc vali nhỏ. Dùng lâu, quần áo đã cũ, sờn nhưng Người vẫn không chịu cho may bộ mới…

Bác thích sống gần gũi và hòa mình với thiên nhiên: “trên có núi, dưới có sông; có đất ta trồng, có bãi ta chơi; nhà thoáng ráo, kín mái; gần dân, không gần đường”. Đối với Bác, được làm cách mạng và sống hòa mình giữa thiên nhiên là một niềm vui lớn. Chính vì vậy mà sau khi giải phóng Thủ đô, về Hà Nội, Người không vào ở phủ lớn đài cao, không xây “cung điện” riêng mà chọn ở trong một ngôi nhà sàn đơn sơ, quanh năm lộng gió, ríu rít tiếng chim kêu, rộn ràng hoa nở.

Lúc nào, Bác cũng chủ trương và đề cao tính tự lực. Trong sinh hoạt đời thường, việc gì có thể làm, Người đều tự làm, không muốn phiền người khác. Thật cảm động và gần gũi khi xem hình ảnh dọc đường đi công tác, Người tắm suối, tự giặt quần áo, phơi lên sào rồi vác vai đi tiếp, bình dị, tự nhiên như một lão nông, thật gần gũi với chúng ta.

Cả cuộc đời Bác thục hiện nếp sống tiết kiệm, quý trọng sức động và tiền của của nhân dân. Mỗi khi đi công tác xuống cơ sở, Bác ít khi báo trước, hoặc yêu cầu địa phương không được tổ chức đón tiếp linh đình. Người dặn, đi như thế này mới thấy sự thật. Nếu báo trước thì không thấy gì hết. Thế rồi địa phương lại lấy cớ ta ăn mà mổ gà, mổ lợn. Đoàn công tác ăn một, cán bộ địa phương ăn hai và kết quả cuối cùng là gì? Nhân dân lại è vai ra mà gánh… Khi đi công tác ở cơ sở, Bác dặn dò các đồng chí ở Văn phòng Chính phủ phải luôn chuẩn bị mọi thứ để ăn trưa nếu làm việc quá giờ.

Lối sống giản dị của Bác hài hòa, kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa giữa Đông và Tây. Đó là phong cách sống vừa thấm nhuần văn hóa Nho – Phật – Lão, vừa chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Âu – Mỹ nhưng luôn giữ vững, yêu quý và tự hào về văn hóa Việt Nam. Lối sống giản dị ấy thể hiện thái độ tôn trọng quy luật tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên. Chưa bao giờ thấy Người phàn nàn về thời tiết, mưa không bực, nắng không than, bình thản trước mọi diễn biến của đất trời, dung mạo lúc nào cũng vui vẻ, trán không nhăn, mày không nhíu, mát mẻ như mùa thu, ấm áp như mùa xuân, cứ thuận theo tự nhiên mà sống.

Như mọi trí thức phương Đông khác, những khi rỗi rãi, Người cũng làm thơ – thơ trữ tình – nhiều bài bằng chữ Hán. Trong thơ có trăng, có hoa, mai vàng, tuyết trắng, chim rừng về tổ, mây lượn tầng không, có hoàng hôn, nắng sớm… Tất cả đều được nhân cách hóa, giao hòa với con người. Điều khác biệt ở Người là “tiên” mà không thoát tục, vẫn luôn gắn bó với dân, với nước, vẫn theo đuổi khát vọng nhân văn cao cả. Nét chung trong phong cách sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất mực giản dị, thanh cao, đạm bạc trong đời sống vật chất, nhưng lại vô cùng phong phú về những giá trị đạo đức – tinh thần; chứa chan tình yêu thương con người, yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp… với những rung động, nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ.

  • Kết bài:

Có thể nói, Bác Hồ vĩ đại là bởi tài năng, bởi nhân cách lớn, bởi tấm lòng trọn đời trung trinh với nước với dân. Người luôn lấy việc xây dựng hòa bình của đất nước, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, mục tiêu hành động. Người đề cao tính tiết kiệm, lối sống giản dị, không cầu kì hay xa hoa lãng phí. Chưa bao giờ Người giữ lại riêng gì cho mình. Con người ấy, nhân cách ấy mãi mãi tỏa sáng, khiến cho người ta phải kính yêu và nể phục.

2 bình luận trong “Suy nghĩ về đức tính giản dị của Bác Hồ”

  1. Pingback: Nghị luận: Ý nghĩa của việc xây dựng lối sống giản dị đối với con người - Theki.vn

  2. Pingback: Chứng minh: Đức tính đáng quý nhất ở con người là giản dị - Theki.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang