Nghị luận: Ý nghĩa của việc xây dựng lối sống giản dị đối với con người

loi-song-gian-di

Ý nghĩa của việc xây dựng lối sống giản dị đối với con người

  • Mở bài:

Để thành công trong cuộc sống và được mọi người yêu mến, kính trọng, con người cần hình thành ở mình nhiều phẩm chất và đức tính tốt đẹp. Một trong những phẩm chất cần có đó là lối sống giản dị. Xây dựng lối sống giản dị làm nên vẻ đẹp thanh cao ở con người.

  • Thân bài:

Lối sống giản dị là gì?

Lối sống giản dị là sống phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội. Sống giản dị còn là không lãng phí, không cầu kì, kiểu cách, không chạy theo những nhu cầu vật chất và hình thức bề ngoài.

Biểu hiện của lối sống giản dị:

Người có lối sống giản dị thường không xa hoa lãng phí, không cầu kì kiểu cách. Họ cũng không chạy theo những nhu cầu vật chất và hình thức bề ngoài. Trong cuộc sống họ là những người thẳng thắn, chân thật, gần gũi, hoà hợp với mọi người trong cuộc sống. Người có lối sống giản dị thường đề cao tình cảm, sống yêu thương và hòa hợp với thiên nhiên, con người.

Trái với lối sống giản dị là lối sống xa hoa, lãng phí. Họ chạy theo đời sống vật chất, phô trương về hình thức. Không những thế, họ còn thường ăn mặc, cầu kì trong cử chỉ sinh hoạt và cả giao tiếp.

Tại sao phải rèn luyện và thực hành lối sống giản dị?

Của cải, vật chất không tự nhiên mà có được. Nó là thành quả, là kết tinh của biết bao sức lao động. Bởi vậy, để góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị ấy, mỗi con người cần rèn luyện và xây dựng cho mình lối sống giản dị và tiết kiệm.

Lối sống giản dị vốn là một nét đẹp trong truyền thống dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay. Sống giản dị là trở về với những giá trị tốt đẹp, bền vững của cha ông. Giản dị là phẩm chất tốt đẹp cần có ở mỗi con người. Người có lối sống giản dị thường được sự yêu mến, cảm thông và giúp đỡ của mọi người.

Có lối sống giản dị giúp con người tiết kiệm được thời gian, sức lực vào những việc không cần thiết để làm được những việc có ích cho bản thân và cho mọi người. Sống giản dị làm cho mối quan hệ xã hội trở nên hài hòa, chân thành và gắn kết chặt chẽ với nhau

Sống giản dị giúp nâng cao và di dưỡng những phẩm giá tốt đẹp của nhân cách và tinh thần con người. Con người hòa hợp với thiên nhiên có ở xung quanh. Tinh thần cũng được an tịnh trong cuộc sống đơn sơ và bình lặng ấy. Chính bởi thế mà người xưa thường tìm về cuộc sống thôn dã sau khi đã bôn ba trên đường đời để tìm lấy sự an tinh như nhiên ấy.

Chính trong cuộc sống giản dị, con người mới thấy được vai trò của tự nhiên trong việc rèn luyện và kiện toàn những phẩm chất cao quý của con người. Người sống giản dị luôn hướng đến những giá trị đích thực và vĩnh hằng. Họ biết trân trọng tất cả những gì có ở xung quanh, đề cao tình nghĩa và từng ngày vun đắp.

Lối sống giản dị còn giúp loại trừ được những thói hư tật xấu do lối sống xa hoa, lãng phí đem lại, làm lành mạnh xã hội. Tính giản dị giúp người ta được thanh thản, nhẹ nhàng, xóa bỏ được những ưu tư, phiền muộn. Từ đó mà đạt lấy được các giá trị đích thực trong cuộc sống.

Rèn luyện và xây dựng lối sống giản dị như thế nào?

Trước hết, phải tăng cường học tập và rèn luyện bản thân trở thành người có hiểu biết và nhân cách tốt đẹp. Biết trân trong những thành quả lao động do bản thân và người khác làm ra. Chỉ khi biết quý trọng của cải và yêu mến mọi người, ta mới rèn luyện và thực hành được lối sống tiết kiệm.

Biết sử dụng của cải, vật chất một cách hiệu quả. Phát huy được giá trị và lợi ích của chúng trong cuộc sống. Sử dụng của cải, vật chất đúng với mục đích, nhu cầu của bản thân và gia đình. Không nên phung phí, làm thất thoát hoặc thiệt hại tài sản đang có. Nhất là đối với tài sản chung của nhiều người. Lối sống giản dị phải được thực hành từng ngày và duy trì bền bỉ đến suốt cuộc đời.

Trong sinh hoạt, nên sắm sửa những gì cần thiết. Không cần quá nhiều, cũng không nên quá ít. Biết đủ tất sẽ được đủ. Trong ăn uống, không cầu kì, mĩ vị tốn kém. Nên ăn uống bình dị để giữ gìn thân thể được khỏe mạnh và tráng kiện.

Trong lời nói nên điềm đạm, nhẹ nhàng. Người giản dị phải toát lên vẻ tĩnh lặng, thanh cao của khí chất. Không nên nói lời thô tục, xúc phạm đến người khác. Cung cách ứng xử phải nhã nhặn, lịch sự, tế nhị, biểu hiện phẩm cách cao quý của con người.

Trong đối xử với người khác, phải nhiệt tình, chân thành và tôn trọng. Luôn quan tâm đến mọi người xung quanh. Giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn. Đồng thời quyết liệt phê phán, lên án và chống lại các hành vi lãng phí tài sản của tập thể, của cộng đồng, của đất nước.

Sống giản dị không phải là sống một cách khắc kỉ, tiết kiệm quá mức mà là sống phù hợp với điều kiện mình có và những gì có ở xung quanh mình.

Phê phán những người có lối sống xa hoa, lãng phí:

Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người không có lối sống giản dị. Người không có tính giản dị dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn làm lãng phí của cải vật chất. Họ khoe mẽ, phô trương của cải quá mức cần thiết. Về hình thức, họ luôn cố tỏ ra có nhiều hơn những cái mình đang có. Họ luôn chạy theo đời sống vật chất và xem vật chất quan trọng hơn tất cả. Để có được nó, họ bất chấp thủ đoạn để giành lấy lợi ích về mình. Những người như thế thật đáng chê trách.

Bài học về lối sống giản dị:

Sống giản dị là lối sống thanh cao, rất cần có ở mỗi con người. Để bảo vệ và làm cho cuộc sống thêm thịnh vượng và hạnh phúc, nhất định mỗi người phải rèn luyện và thực hành lối sống giản dị.

  • Kết bài:

Người xưa từng nói, biết đủ tất sẽ được đủ. Làm cho của cải mất đi thật dễ nhưng tạo được ra nó thật khó. Những gì mất đi thật khó lấy lại được. Và để bảo vệ lấy nó, không có gì tốt hơn là sống giản dị một cách bình tâm. Xây dựng một lối sống giản dị, hòa hợp với thiên và con người, sống thanh đạm, tĩnh lặng luôn là khao khát của biết bao con người.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Suy nghĩ về đức tính và lối sống vô cùng giản dị của Bác Hồ - Theki.vn
  2. Lối sống giản dị là gì? Xây dựng lối sống giản dị như thế nào? - Theki.vn
  3. Nghị luận ý thức góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.