Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”
- Mở bài:
– Giới thiệu chủ đề nghị luận: Lòng tin (CHỮ TÍN) là nền tảng quan trọng giữ gìn mối quan hệ bền chặt giữa con người và con người. Nếu là người đã từng lừa dối hoặc thất tín thì rất khó để họ có thể lấy lại niềm tin từ người khác.
– Giới thiệu câu tục ngữ: Nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc biết giữ chữ tín, giữ lời hứa trong cuộc sống, người xưa có câu: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”
– Nêu nhận xét khái quát về câu tục ngữ: Câu tục ngữ là một lời khuyên đúng đắn, một bài học sâu sắc, nhắc nhở chúng ta phải biết giữ lời hứa, không ngừng xây dựng niềm tin tưởng ở người khác.
- Thân bài:
1. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ
– “Một lần bất tín” : không giữ chữ tín (uy tín), tức là nói dối, thất hứa hoặc phản bội lòng tin của người khác.
– “Vạn lần bất tin” : Khi đã mất lòng tin, dù sau này có cố gắng dù thế nào, người khác cũng rất khó để tin tưởng tưởng lại một lần nữa.
→ Ý nghĩa: Chỉ một lần không giữ lời hứa thì sẽ bị mất lòng tin, rất khó để lấy lại. Câu tục ngữ khẳng định tầm quan trọng của chữ tín trong cuộc sống. Lòng tin là nền tảng cho mọi mối quan hệ, khi đã mất đi lòng tin, rất khó để xây dựng lại.
2. Bàn luận về ý nghĩa câu tục ngữ.
– Chữ tín là niềm tin của con người đối với nhau. Giữ chữ tín là coi trọng, giữ gìn niềm tin của mọi người đối với mình. Giữ chữ tín là giữ niềm tin, nhân phẩm đạo đức cao quý, là sợi dây bền chặt liên kết con người với nhau.
– Biết giữ chữ tín là điều vô cùng quan trọng. Sống biết giữ chữ tín sẽ được mọi người tin tưởng, tôn trọng, hợp tác, dễ thành công hơn trong công việc, cuộc sống và góp phần làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Người biết giữ chữ tín sẽ được mọi người tin tưởng, yêu quý và kính trọng. Ngược lại, người không biết giữ chữ tin sẽ không được ai tin tưởng, giúp đỡ, nhất định sẽ thất bại, bị mọi người khinh ghét và xa lánh.
– Để giữ chữ tín, tạo dựng niềm tin vững chắc ở người khác, chhúng ta cần biết trân trọng lời hứa, đúng hẹn, nói đi đôi với làm. Biết thực hiện những lời đã hứa. Học tập và noi gương những người biết giữ chữ tín. Sống thật thà, trung thực và luôn tôn trọng người khác. Biết tôn trọng phẩm giá và danh dự của bản thân, luôn cẩn trọng trong lời nói và hành động. Khi đã hứa hoặc cam kết điều gì, ta cần thực hiện để không đánh mất uy tín của mình.
– Chữ tín là yếu tố quan trọng để xây dựng mối quan hệ bền vững trong gia đình và xã hội. Mỗi người cần sống trung thực, lời giữ hứa, tránh nói dối hay lừa gạt người khác. Khi gặp lỗi, cần biết nhận lỗi và sửa lỗi để lấy lại niềm tin từ mọi người.
3. Bàn luận mở rộng
– Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người khong biết giữ chữ tín. Họ dễ dàng hứa hẹn, cam kết chỉ để làm hài lòng người khác, giành lấy lợi ích cho mình chứ không thực hiện. Những người như thế thật đáng chê trách và lên án.
- Kết bài:
– Khẳng định ý nghĩa câu tục ngữ: Câu tục ngữ “Một lần bất tín, vạn lần bất tin” là một lời cảnh tỉnh đối với những ai không biết xem trọng lời hứa của mình. Một khi đã đánh mất lòng tin, sẽ rất khó để lấy lại, vì vậy hãy cẩn trọng và trân trọng tín nhiệm của những người khác dành cho mình.
– Rút ra bài học, liên hệ bản thân: là học sinh, chúng ta phỉ biết giữ chữ tín, không tùy tiện hứa hẹn, nói đi đôi với làm, chăm chỉ trong học tập và rèn luyện để hoàn thiện bản thân, mai này đem sức mình xây dựng cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, góp phần xây dụng quê hương, đất nước.
Bài văn tham khảo:
- Mở bài:
Con người gắn kết bền chặt với nhau bởi tin tưởng lẫn nhau. Điều khiến con người tin tưởng lẫn nhau đó chính là biết giữ chữ tín. Nhằm khuyên chúng ta phải biết giữ chữ tín, biết giữ lời hứa, người xưa có câu: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Câu tục ngữ là một lời khuyên đúng đắn, một bài học sâu sắc đối với mỗi người.
- Thân bài:
Tín có nghĩa là chữ tín, là sự tin tưởng, lòng tin tưởng vững chắc vào một cái gì đó. Tín có nghĩa là sự tin cậy lẫn nhau, không thất hứa, luôn thực hiện đúng những gì mình đã hứa. Người biết giữ chữ tín luôn biết trọng lễ nghĩa, thực hiện nghiêm khắc những gì mình đã hứa, dám chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm và luôn khiến người khác hài lòng, tin tưởng.
Tín là một trong những phẩm chất quan trọng trong Nho giáo. Biết giữ chữ tín là mấu chốt cho mọi người tín nhiệm vào. Người không giữ chữ tín (không tạo được niềm tin) cũng thành người vô dụng, luôn bị người khác xem thường, khinh ghét.
Cuộc sống rất cần có chữ tín. Ai cũng biết trọng danh dự, luôn giữ chữ tín trong công việc và trong lời nói thì xã hội sẽ ổn định, cái xấu, cái ác bị loại bỏ, niềm tin tưởng tăng lên. Chữ tín gắn kết con người lại với nhau cùng hướng đến những lợi ích tốt đẹp nhất. Biết giữ chữ tín là bắc cầu nối giữa con người với con người, là nền tảng, cơ sở để con người sống chân thành với nhau.
Sống và làm việc có uy tín sẽ khiến người khác vô cùng tin tưởng, phấn đấu cùng ta làm việc và hướng đến kết quả tốt đẹp nhất. Nếu không biết giữ chữ tín, không những công việc bị đổ vỡ mà tình người cũng mất theo. Mọi lợi ích bắt đầu từ sự tin tưởng lẫn nhau.
Sống biết giữ chữ tín thể hiện một nhân cách cao cả, một lối sống trọng tình trọng nghĩa. Đó cũng là cách sống mà biết bao con người đã lựa chọn để có thể thành công trong cuộc sống này.
Sống biết giữ chữ tín là sống đúng với đạo lí truyền thống của dân tộc ta. Đó là một phẩm chất tốt đẹp được gìn giữ và trân trọng qua biết bao thế hệ và ngày càng được tỏa sáng hơn.
Con người nếu không biết giữ chữ tín thì sẽ không có nhân nghĩa. Sống không biết giữ chữ tín làm con người sẽ đề phòng lẫn nhau, dẫn đến việc coi nhau như kẻ địch, quan hệ giữa người với người sẽ trở nên căng thẳng.
Người không biết trọng chữ tín, luôn ích kỉ, vụ lợi cá nhân sẽ không được người khác tin tưởng, yêu thương và giúp đỡ. Họ thường bị mọi người chê trách và xa lánh dẫn đến thất bại trong cuộc sống. Những người như thế thật đáng chê trách.
Người biết giữ chữ tín sẽ nhận được sự tin cậy tiền nhiệm của người khác đối với mình đoàn kết dễ dàng hợp tác. Chính niềm tin tưởng sẽ tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa người và người. Tinh thần đoàn kết, tin cậy, tín nhiệm để dễ dàng hợp tác hơn trong công việc. Những công việc được diễn biến suôn sẻ hơn.
Muốn giữ gìn và phát huy chữ tín trong công việc và trong đời sống, trước hết là phải sống chân thực, ngay thẳng. Bởi khi sống trung thực và ngay thẳng ta mới biết coi trọng lòng tin của mọi người đối với mình. Cuộc sống muốn nhận về lòng tin thì phải cho đi lòng tin. Ta tin tưởng ở mọi người tất sẽ được mọi người tin tưởng. Lòng tin tưởng không thể đánh đổi bằng tiền bạc. Nó chỉ có được khi ta tin vào chính nó mà thôi.
Sống phải biết trọng lời hứa và tin tưởng nhau. Chính lười hứa gây được ở người ta sự tin tưởng. Nhưng người ta chỉ thật sự tin tưởng khi lời hứa đó được thực hiện. Bởi thế, đừng bao giờ thất hứa và đừng hứa nếu mình không làm được. Lời một khi nói ra thì có trời đất chứng giám, cho nên, đừng vì tùy hứng mà lỡ thất tín với người khác. Chúng ta cần phải noi gương người xưa, coi trọng chữ tín, như thế mới có thể khiến cho xã hội này trở nên tốt đẹp hơn. Dành được niềm tin của người khác đã khó nhưng giữ được niềm tin ấy còn khó hơn nhiều lần.
Sống phải biết giữ chữ tín. Biết giữ chữ tín là sống đúng với đạo lí làm người, là chiếc chìa khóa mở rộng cánh của đi đến thành công.
Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người không biết giữ chữ tín. Họ hứa nhưng không làm nhằm lợi dụng niềm tin của người khác, chiếm đoạt tiền bạc, giành lấy phần lợi về mình. Những người như thế thật đáng lên án và trừng trị.
Sống mà không có chữ tín, mọi lời nói và hành động dẫu có thật lòng cũng chẳng ai tin. Nó là sợi chỉ kết nối con người lại với nhau, tin tưởng lẫn nhau cùng hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tín nghĩa là một nhân cách đáng quý của con người mà chúng ta có dùng tiền cũng không mua được. Cần biết giữ chữ tín mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Dẫu có bị tổn thất, một khi bạn đã hứa với ai điều gì đó, nhất định, hãy thực hiện nghiêm túc.
- Kết bài:
Mất của dễ tìm, mất lòng khó kiếm. Muốn giữ được lòng tin của mọi người đối với mình thì mỗi chúng ta cần phải thực hiện tốt chức trách và trách nhiệm của mình, giữ đúng lời hứa, đúng hẹn trong các mối quan hệ với mọi người, không nói nhiều hơn những gì mình có thể làm. Giữ lời hứa không chỉ là giữ lời đã hứa mà còn thể hiện ý thức trách nhiệm và quyết tâm của mình khi thực hiện lời hứa. Câu tục ngữ “Một lần bất tín, vạn lần bất tin” lời khuyên, một bài học mà còn là một lẽ sống ở đời, ai cũng cần nhớ lấy.