Cảm nhận bài thơ Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng

Cảm nhận bài thơ Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng

  • Mở bài:

Lí Bạch là nhà thơ lãng mạn vĩ đại nhất trong phong trào Đường thi – Trung Quốc. Ông có tính cách phóng khoáng, thích ngao du sơn thuỷ nên được mệnh danh là “Thi Tiên”. Thơ Lí Bạch thể hiện  khát vọng giải phóng cá tính, vươn tới lí tưởng cao cả, bất bình trước hiện thực tầm thường, tình bạn… Bút pháp lãng mạn, hào hùng, tinh tế, bay bổng, hồn nhiên và hết sức giản dị. Bài thơ Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng thể hiện tình cảm chân thành của nhà thơ khi tiễn bạn lên đường.

  • Thân bài:

Bối cảnh cuộc chia tay:

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.

(Bạn từ lậu Hạc lên đường,
Giữa mùa hoa khói, Châu Dương xuôi dòng)

Cuộc chia tay diễn ra tại Hoàng Hạc lâu, một địa danh có thật, xưa tiên ở, nay là nơi hội tụ bạn bè. Dương Châu là nơi xa lạ, phồn hoa đô hội. Thời gian tiễn đưa vào khoảng giữa tháng ba. Thời điểm tháng ba ở Trung Quốc trời còn khá lạnh, dòng sông xuất hiện sương mù như mây khói huyền ảo, nước sông bốc lên cuộn tròn nhìn từ xa như những đoá hoa khói.

Chỉ tròn 14 chữ mà địa điểm đi và đến, thời gian tiễn bạn hiện lên đầy đủ, rõ ràng. Lời thơ tự sự giản dị, tự nhiên mà chứa chan bao nỗi niềm thầm kín của kẻ ở người đi. Hình ảnh thơ chọn lọc, ngôn ngữ thơ gợi cảm, giọng điệu trầm láng, hai câu thơ không chỉ gợi lên khung cảnh mà còn làm nổi bật tâm trạng buồn. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, ý tại ngôn ngoại của Lí Bạch đạt đến mức điêu luyện.

Tình cảm của nhà thơ Lí Bạch đối với bạn:

Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.

(Bóng buồm đã khuất bầu không,
Trông theo chỉ thấy dong sông bên trời)

Mạnh Hạo Nhiên đã lên thuyền đi xa, hình ảnh đọng lại trong con mắt của nhà thơ lúc này chỉ còn là cô phàm (con thuyền lẻ loi) và trường tiang (sông dài). Không gian mở ra đến vô cùng vô tận. Cánh buồm cô độc xa dần, mờ dần (người đi); chỉ còn lại dòng sông mênh mông chảy vào cõi trời.Không gian vừa xa (viễn), vừa cao (không) lại được kéo dài bởi màu xanh biếc của nước, trời (bích) khiến cho đường đi lối về xa đến không cùng. Ý thơ biểu hiện sự xa cách đến tột cùng

Đối chiếu bản dịch thơ so với phiên âm, dịch nghĩa thì bản dịch thơ vẫn chưa chưa chuyển tải hết được ý nghĩa từ “cô”: lẻ loi, đơn độc; không giữ được từ “bích”(màu xanh đầy gợi cảm). Có nghĩa là chưa nói được cái vô tận của khoảng không xanh biếc, cái bao la của dòng sông và cái lẻ loi của cánh buồm.

Phép ẩn dụ: “cô phàm viễn ảnh” đã khiến câu thơ chứa chan tình cảm. Tình cảm của nhà thơ cũng dạt dào như dòng sông cuồn cuộn chảy.  Không một chữ buồn, trông, luyến mà ta thấy dòng tình cảm của tác giả chảy mãi, chảy mãi theo dòng sông.  Tác giả đơn độc đứng trông theo cánh buồm, nỗi buồn li biệt thấm đẫm vào trời đất, sông nước chìm ngập trong nỗi buồn vô biên. Tình cảm quyến luyến, bịn rịn của kẻ ở, người đi, đặc biệt là tấm lòng của người ở lại. Nói cách khác tình hòa thắm trong cảnh. Câu thơ thể hiện tình cảm thắm thiết, chân thành và sâu nặng của tác giả đối với người đi.

Lí Bạch viết về người ra đi nhưng thực chất là nói về tâm tình của người ở lại. Nhà thơ tả cảnh nhưng thưc chất là để tả tình: ý ở ngoài lời, lời đã cạn mà ý còn mênh mang, hàm súc. Đó là đặc trưng thi pháp thường thấy của thơ Đường

  • Kết bài:

Hình ảnh, ngôn ngữ thơ tươi sáng, gợi cảm, chất suy tư sâu lắng đầy tính triết lí của tác giả về mối quan hệ tương quan giữa cái hữu hình vô hình, giữa quá khứ và hiện tại thể hiện qua lời bài thơ, bài thơ Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng thể hiện tình bạn sâu sắc, chân thành trong sáng, cảm động của nhà thơ đối với Mạnh Hạo Nhiên, một người bạn thân thiết của ông.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang