Thuyết minh ý nghĩa hình ảnh của con gà trong văn hoá.
- Mở bài:
Gà là một trông những loài vật nuôi được thuần hóa sớm nhất của con người. Những loài gà cổ xưa hiện nay vẫn còn được bảo tồn trên khắp thế giới. Ngày nay, loài gà trở nên gần gũi và gần như được nuôi trên khắp trái đất.
Con gà là loài gắn bó sâu sắc nhất trong đời sống con người. Đặc biệt là con gà trống. Từ thời cổ đại, gà trống là một loài vật thiêng liêng trong một số nền văn hóa và gắn chặt với nhiều hệ tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo với tư cách là một lễ vật.
Con gà cũng sớm khẳng định vị trí, hình ảnh của mình trong nền văn hóa Việt Nam từ rất xa xưa. Người ta tìm thấy hình vẽ con gà trên trống đồng Đông Sơn. Con gà cũng đóng vai trò một vị thần linh trong truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh và câu chuyên An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa. Cũng như các quốc gia khác, con gà trong nền văn hóa Việt Nam cũng mang tính huyền thoại và tâm linh sâu sắc, đặc thù của nền văn hóa phương Đông.
Hình ảnh đàn gà sum vầy biểu hiện sự phồn thịnh. Đôi gà trống mái nói lên hạnh phúc tràn đầy. gà mái đại diện cho sự tần tảo và tình thương yêu. Gà trống đại diện cho uy dũng, cao thượng. Cũng ít có loài vật nuôi nào lại đi sâu vào đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt đến vậy.
Gà trống được đặc biệt chú trọng bởi có hình dáng mạnh mẽ, cân đối và đầy cá tính. Theo quan niệm dân gian, gà trống được coi là đại diện của người quân tử, với 5 đức tính quý báu. Chiếc mào đỏ cao ngất, đỏ chói ở trên đầu biểu hiện của tính văn bởi nó giống với chiếc mũ thường đội của các quan văn. Cựa gà sắc nhon như dao gươm, bước đi oai vệ, uy dũng phi thường đại diện cho tính võ. Khi xung trận thì cực kì mau lẹ, sẵn sàng chiến đấu chí tử trong mỗi cuộc chiến đại diện cho tính dũng. Gà trống đầu đàn luôn bảo vệ đàn con, chia sẻ thức ăn, bảo về kẻ yếu, trừng trị kẻ hung ác là biểu hiện của tính nhân.
Dù trời nắng hay mưa, ngày lạnh hay ngày nóng, gà trống đều thức dậy đúng giời và cất tiếng gáy vang. Một con gà cất tiếng gáy, các con gà trống khác đều gáy theo hưởng ứng đó là tính tín, biểu tượng cao đẹp cho lòng tín nghĩa của người.
Con gà từ lâu đã đi vào tranh vẽ của làng nghề Đông Hồ như một đại điện cho sự thịnh vượng, đại cát, an lành. Hình ảnh con gà được cách điệu hóa, vừa thân thiện gần gũi vừa tỏa sáng những đức tính quý báu vốn có của loài vật này.
Ở các nước Châu Á, loài gà sớm được thuần hóa tại vùng Đông Nam Á. Từ ngữ chỉ gà đầu tiên được tìm thấy sớm nhất trong ngôn ngữ Nam Đảo nguyên thủy.
Theo tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, gà là một vật tế thiêng liêng dành dâng lên tổ tiên và thờ cúng thành hoàng. Trong các lễ thờ cúng ta đều thấy có con gà được đặt trang trọng chính giữa các lễ vật. Trong tiếng Hán, đại kê có âm đọc gần giống với đại cát, nên gà trống được xem là biểu tượng của may mắn và phồn thịnh.
Đối với người Nhật, con gà trống cũng có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống. Người Nhật cũng dùng gà trống làm vật thờ cúng như người Trung Quốc. Gà trống được xem là biểu tượng cho tinh thần quả cảm, khả năng chiến đấu của các võ sĩ.
Người Ấn Độ tin rằng, gà trống là hiện thân của năng lượng mặt trời, là vật hiệu của thần Chiến tranh. Ở Hàn Quốc, gà trống được xem là vị thần của thời gian và là biểu tượng của sự bắt đầu đầy hi vọng hay điềm báo về may mắn, tốt lành. khi gà trống cất tiếng gáy vang, mọi điều xấu xa, đen đủi đều tan biến. Trong lễ cưới, Người Hàn Quốc thường dùng một đôi gà được bọc bằng vải xanh và vải đỏ đặt ở bàn cưới như biểu tượng mong cầu hạnh phúc và sự sinh sôi nảy nở.
- Kết bài:
Ngày nay, con gà ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cung cấp thực phẩm cho đời sống con người. Niềm tin vào sự linh thiêng của con gà vẫn không hề thay đổi. Nhiều giống gà mới đã được lai tạo. Thú chơi gà của con người vẫn được duy trì và phát triển từ nghìn năm qua.