Thuyết minh nguồn gốc, đặc điểm và vai trò của con trâu trong đời sống con người Việt Nam.
- Mở bài:
Con trâu là hình ảnh của bản chất hiền lành, cần cù của con người Việt, là nét đẹp tinh hoa văn hóa từ bao đời nay. Trên những cánh đồng, người ta bắt gặp hình ảnh con trâu cần mẫn kéo cày, giúp xới tơi những thửa đất cho người nông dân gieo trồng dễ dàng. Có thể nói con trâu là một người bạn chuyên giúp đỡ nông dân trong những công việc nặng nhọc.
- Thân bài:
Trâu là loài động vật thuộc họ Trâu bò. Chúng sống hoang dã ở Nam Á (Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Bhutan) Đông Nam Á, miền Bắc Úc. Trâu thuần dưỡng, tức trâu nhà được nuôi phổ biến nhất ở vùng nhiệt đới châu Á. Một số nhỏ có mặt ở Nam Mỹ và Bắc Phi.
Trên thế giới có hai nhóm trâu: trâu rừng châu Phi và trâu châu Á, tức trâu nước. Giống trâu ở nước ta thuộc loài trâu đầm lầy ở Đông Nam Á, và trâu rừng Á châu. Chúng có bộ da dày chắc nịch, ít lông, sinh sống gần quanh các đàm lầy, ưa đầm mình trong nước nên gọi là trâu đầm lầy.
Về ngoại hình, trâu đực có tầm vóc lớn, cân đối, dài đòn, trước cao sau thấp, hăng hái, hiền lành. Trâu cái có tầm vóc từ vừa đến to, linh hoạt, hiền lành. Về các bộ phận của trâu gồm có đầu, cổ, sừng, thân, chân, đuôi,… Đầu trâu đực dài, to vừa phải. Trâu cái đầu thanh, dài. Da mặt khô, mạch máu nổi rõ; trán rộng, phẳng hoặc gồ. Mắt to tròn, lanh lẹ, mí mắt mỏng; mũi kín, bóng ướt; mồm rộng. Tai to vừa, phía trong có nhiều lông; răng đều, khít, không sứt mẻ. Sừng thanh, cân đôi, đen, ngấn sừng đều, cong vè phía sau. Cổ trâu dài vừa phải, liền lạc; ức rộng, sâu. Lưng dài thẳng hoặc hơi cong; xương sườn to tròn, khít cong đều. Mông to, rộng, nảy mở, đít tròn. Bốn chân trâu thẳng, to, gân guốc; hai chân trước cách xa nhau, thẳng; bàn chân thẳng, ngắn, to vừa, tròn trịa; hai đùi sau dài, bàn chân sau xuôi, ngắn; móng khít, tròn, đen bóng, chắc chắn. Đuôi trâu to, dài đến quá kheo chân. Da trâu hơi mỏng, bóng láng. Lông trâu đen, thưa, cứng và sát vào da.
Trâu trưởng thành nặng khoảng từ 250 đến 500 kg. Loài trâu rừng hoang dã lớn hơn thế rất nhiều; con cái có thể nặng 800 kg, con đực lên tới 1,2 tấn, và cao tới khoảng 1,8 m. Trâu rừng châu Á có cặp sừng dài nhất trong số các loài thú có sừng trên thế giới.
Loài trâu đẻ con. Trâu cái mang thai khoảng hơn 10 tháng thì sinh. Trâu con gọi là nghé mới sinh ra nặng khoảng 22kg, giai đoạn đầu sống nhờ bú sữa mẹ. Sau khoảng 2 năm thì nghé trưởng thành, to lớn có thể khai thác sức kéo.
Loài trâu có có sức sống mạnh vì có thể tận dụng thức ăn kém chất dinh dưỡng mà lại có sức sản xuất cao. Trong việc đồng áng cày bừa thì trâu kéo cày khỏe hơn bò, nhất là ở những vùng ruộng sâu. Trâu làm việc ban ngày thì nên cho ăn ba bữa chính: sáng sớm, trưa và tối. Sau khi đi làm về không nên cho ăn ngay. Cho nghỉ ngơi, tắm rửa sạch sẽ, sau đó khoảng 30 phút cho uống nước có pha muối (10g muối/100kg trọng lượng) rồi mới cho ăn. Mùa nắng, khi trâu mới làm việc xong không nên cho trâu uống nước ngay mà cho nghỉ 15 – 20 phút rồi mới cho uống từ từ.
Hàng ngày cho trâu uống nước sạch, đầy đủ (30 — 40 lít/con). Mỗi buổi làm việc, cần cho trâu nghĩ hai lần, mỗi lần 20 – 30 phút. Làm việc liên tục 5-6 ngày, nên cho nghỉ một ngày. Trong thời gian làm việc, nếu thấy sức khoẻ của trâu bị giảm sút, nên cho trâu nghỉ 3-5 ngày, bồi dưỡng cỏ tươi, cám, cháo,…
Trâu mang lại rất nhiều giá trị cho con người. Thịt trâu là một nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng. Ngoài thịt trâu tươi thường sử dụng, người ta còn làm thịt trâu khô, da trâu khô để dành. Da trâu là chất liệu quan trọng trong ngành thuộc da. Các sản phẩm từ da trâu dùng để làm mặt trống, dây buộc hết sức bền chắc. Xương trâu, sừng trâu dùng làm đồ mĩ nghệ. Phân trâu dùng làm nguồn phân bón hữu cơ. Sữa trâu rất bổ dưỡng, cũng được sử dụng. Tuy nhiên, trâu cái cho ít sữa nên nguồn sữa này còn hạn chế.
Hình ảnh con trâu đi trước cái cày đi sau đã trở thành hình ảnh gần gũi bao đời nay với người Việt. Nhưng con trâu còn có một vị trí to lớn trong đời sông tinh thần của con người Việt Nam. Hình ảnh lũ trẻ chăn trâu, thả diều trên cánh đồng xanh mát, những chú bé thổi sáo du ca, những trạng nguyên miệt mài học tập trên lưng trâu đã đi vào thơ ca, nhạc họa,… để trở thành một nét đẹp, một biểu tượng văn hóa của người Việt.
Tính trâu hiền lành, điềm đạm, cần mẫn và rất trung thành bởi thế con trâu tượng trung cho khí cốt của người cứng cỏi, trung thực, thông minh và biết giữ chữ tín. Trâu đời đười ăn ở với con người, cùng con người làm lụng, cùng con người chiến đấu. Con người đã dành cho trâu tình cảm mến yêu và trân trọng xứng đáng.
Con trâu được xem là một con vật linh thiêng bởi vì nó nằm trong mười hai con giáp mà người Việt Nam cũng như người phương Đông dùng để tính tuổi, tính năm. Con trâu còn được đưa vào nhiều bức tranh của làng tranh Đông Hồ nổi tiếng như bức tranh “Trẻ em cưỡi trâu thổi sáo”. Và con trâu cũng đã dược xem là biểu tượng của SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam.
Ngoài ra, trâu còn gắn liền với những lễ hội truyền thông như chọi trâu, đâm trâu. Lễ hội đâm trâu cúng lúa mới của các dân tộc người thiểu số từ lâu đã được xem là một nét văn hóa đặc sắc. Thịt trâu được rửa sạch và dâng lên các vị thần, mong cầu sự phù trợ từ các thần linh.
Ớ nước ta hiện nay, tuy đã có máy móc, nhưng trâu vẫn là một con vật rất cần thiết cho nhà nông, vẫn là con vật gắn bó thân thiết với người nông dân. Trâu luôn là con vật không thể thiếu ở làng quê nước ta – con vật in đậm kí ức trong sâu thẳm tâm hồn người dân Việt.
- Kết bài:
Con trâu gắn bó với người Việt Nam từ rất lâu do đó trong kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca có rất nhiều câu nói về con trâu Con trâu, trong ngôn ngữ dân gian cũng đã được điển hình hóa nên thành ngữ, thành chuyện. Con trâu cũng là hình ảnh gắn với nông nghiệp và nông dân và được mượn để ví von, so sánh, để răn dạy nhau trong cách ứng xử, sinh hoạt. Qua kho tàng thành ngữ này nêu lên vai trò quan trọng của trâu trong nông nghiệp, ở đồng quê cũng như cách đối nhân xử thế, ứng xử sinh hoạt hàng ngày.