“Anh có thích nước Mỹ không” – Tân Di Ổ
“Có lẽ tuổi xuân của mỗi cô gái đều đã từng gặp Trần Hiếu Chính của mình, sau đó mới tìm thấy Lâm Tĩnh; nhưng mỗi người đàn ông đều đã một thời là Trần Hiếu Chính, khi họ đã trưởng thành chín chắn, họ sẽ biến thành Lâm Tĩnh.”
————–
“Anh Có Thích Nước Mỹ Không” là một tác phẩm chất chứa những nỗi buồn len lỏi trong từng câu chữ. Câu chuyện xoay quanh đề tài về tuổi thanh xuân, những hồi ức buồn, nghẹn ngào và tiếc nuối của Trịnh Vy, Trần Hiếu Chính, Lâm Tĩnh, Khai Dương, Nguyễn Nguyễn, Lão Trương,…Mỗi người trong số họ đều có những nỗi niềm, những luyến tiếc, xót xa riêng của bản thân mình. Song, những hoài niệm ấy đều gợi cho ta một cảm xúc bâng khuâng khó tả, một nỗi buồn man mác xuyên qua cả không gian và thời gian.
Trịnh Vy, 18 tuổi, có làn da trắng, đôi má hồng bầu bình tự nhận mình là Ngọc diện Tiểu Phi Long, một cô gái vô tư, cuộc sống dường như không có gì khiến cô phải buồn. Trịnh Vy quyết định thi vào Học viện Kiến trúc của thành phố G vì một lời hẹn ước với Lâm Tịnh – chàng trai sống cùng khu nhà tập thể với cô và hơn cô 5 tuổi.
Với riêng cá nhân tôi, tôi thích Trịnh Vi, một nàng Ngọc diện Tiểu Phi Long đầy nhiệt huyết và có một lòng can đảm đáng ngưỡng mộ. Tôi thích cách Trịnh Vi “dòm ngó” Lâm Tĩnh lúc thơ ngây, vì có lẽ ai cũng từng có một “Lâm Tĩnh thời trẻ” giống như thế, để nhìn ngắm, để mơ ước, để hy vọng và huyễn hoặc mình. Nàng khờ dại, lãng mạn, nhưng cũng thẳng thắn vô cùng. Trịnh Vi dần được trui rèn để rời bỏ từng góc của tuổi xuân, để xét đoán hơn cho cuộc sống của mình một cách tỉnh táo. Thì quả vậy, cuộc sống người con gái nào cuối cùng cũng muốn tìm cho mình một bàn tay rộng có thể nép vào, một trái tim cùng nhịp, “không phải là không có tình yêu”, cái câu này mới chua chát làm sao…
một ai đó bằng tình thương so sánh với thời mãnh liệt, sao mà so đây? Mà phàm ở đời cái gì nhạt nhạt thì tồn tại lâu hơn, cuồng nhiệt quá lại tuột trôi qua kẽ tay như sóng nước. Có một câu rất hay trong truyện tôi nghĩ để dành cho Trịnh Vi là xác đáng, “khi chúng ta còn trẻ, làm sao chúng ta tin rằng, sẽ có định mệnh khiến chúng ta không đạt được những điều mình mong muốn…”
Từ khi còn rất nhỏ cô đã nói trước mặt mọi người là sẽ lấy Lâm Tịnh. 17 năm cô mải miết theo anh trên mọi con đường anh đi, đến cuối cùng cô tưởng như mình đã được ở gần anh sẽ không phải xa cách. Thật không ngờ, chuyện của người lớn – chuyện mẹ cô và cha anh đã từng yêu nhau đã khiến cho hai bên gia đình tan vỡ. Lâm Tịnh đã chọn con đường ra đi, sang Mĩ bỏ cô ở lại với bao câu hỏi ngổn ngang. Song, trong thời gian này, cô lại gặp Trần Hiếu Chính_người đã khiến tuổi thanh xuân của Ngọc diện Tiểu Phi Long ta không chỉ đơn thuần là vô tư và can đảm trước những gian nan, thử thách trong cuộc sống mà còn làm thay đổi rất nhiều bước ngoặc trong cuộc đời của Trịnh Vy.
Trần Hiếu Chính. Tôi không thích anh ta. Cái tôi quá lớn trượt dài, và sự so đo tình yêu làm đánh mất những điều lẽ ra làm anh ta hạnh phúc! “Anh biết con đường anh sẽ phải đi, cũng biết nơi anh sẽ phải đến, nhưng điều duy nhất anh không thể biết là sẽ có em.” Trần Hiếu Chính , anh đánh cắp những mãnh liệt đầu tiên, đỉnh cao thanh xuân của Trịnh Vi, và rồi anh bỏ đi… Đúng là Trịnh Vi dù cưỡi mây đạp gió cũng không đến được chân trời góc biển của anh ta, vì điều cần thiết là mở lòng đến cùng nhau tôi thiệt thấy anh không có.
Từ đầu tới cuối tôi không thấy anh xứng với những gì Trịnh Vi dành cho, dù tình yêu sinh viên của hai người đẹp như một giấc mơ, dù sự day dứt của anh có ở trong quyết định của anh, nhưng anh luôn đặt lòng tự trọng tối cao của mình lên trên trái tim đang khóc, thì anh dệt nên muôn vết sẹo trong lòng cô gái anh yêu. Anh không biết rằng trái tim đó dù còn yêu, nhưng sẽ rạn vỡ, và người con gái kia ôm nỗi tủi thân đến một bến bờ khác…
Nhưng nếu suy xét theo một phương diện khác ta có thể thấy rằng,Cuộc sống cũng bất công với Trần Hiếu Chính quá nhiều. Mặc dù Tân Di Ổ không miêu tả tuổi thơ của Trần Hiếu Chính nhưng ai dám khẳng định anh có một tuổi thơ, bình lặng và êm đềm.
Xưa vẫn vậy nay cũng thế cái câu hỏi “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?” vẫn là câu hỏi khó, làm người ta trằn trọc, băn khoăn, làm người ta nuối tiếc, dạy dứt. Một bên là người mình yêu thương hết mực, một bên là người có ơn sinh thành, dưỡng dục biết chọn bên nào? Trần Hiếu Chính đã chọn bên hiếu, nhưng ai dám nói Trần Hiếu Chính không nghĩ đến Trịnh Vy, đã bao lần Trần Hiếu Chính cầm tay Trịnh Vy và tự hỏi chính mình “có thể làm cho bàn tay ấy mãi mềm mại như ngày hôm nay” anh cũng đã nói với cô “Anh không thể yêu em với hai bàn tay trắng” như thế là đúng hay sai là nên hay không nên? Thời nay đã khác thời xưa quá nhiều, có mấy ai có thể yêu nhau nếu như những yêu cầu cơ bản của bản thân mình còn chưa đáp ứng đủ? Cũng chỉ vì cái lẽ đó mà một cuộc tình dang dở, cũng có lẽ vì nó dang dở nên nó đẹp “giống như một ca khúc, dừng giữa khoảnh khắc du dương nhất, có lẽ lại là điều tốt…”.
Cũng như Trịnh Vy, tôi thích Lâm Tĩnh bởi vì tôi thấy được sự cứng rắn của bản thân anh ta, tôi thấy được sự nhẫn nại, kiên trì theo đuổi người mình yêu dù hy vọng còn rất ít. Tôi thích Lâm Tĩnh bởi vì anh luôn chú ý những chi tiết nhỏ nhặt không là gì nhưng thật chất những điều nhỏ nhặt ấy lại thật lớn lao. Anh ta biết lo lắng và quan tâm đến Trịnh Vy cũng như cuộc sống của người mình yêu. Có thể ta thấy Lâm Tĩnh thật nhẫn tâm khi từ bỏ, làm tổn thương Thi Khiết. Nhưng ta không thể không khẳng định rằng đó chính là sự cương quyết, dứt khoát từ bỏ mọi thứ chỉ vì tình yêu nồng nhiệt với Trịnh Vy. Và tôi tin Trịnh Vi có thể nhớ tiếc một Trần Hiếu Chính ở những trang cuối quyển sách này, nhưng sống với người đàn ông như thế những trang cuối cuộc đời cô sẽ dày dặn hơn nhiều so với cuộc sống với người đàn ông mà mọi cuộc hẹn đều có thể trễ, và luôn vất vả đoán ý anh ta chỉ qua đôi mắt.
Tôi đã từng đặt ra một câu hỏi rằng tại sao Trịnh Vy đã tuyệt tình như vậy rồi mà Trần Hiếu Chính vẫn không chịu buông tay ? Có phải là vì anh vẫn đang tiếc nuối cho mối tình đối với Trịnh Vy cũng như là tiếc nuối cho chính bản thân mình… Trần Hiếu Chính đã cố gắng xây dựng một tương lai đầy hoàn hảo mà theo anh là không có sự sai lệch. Vì chính anh đã nói với Trịnh Vy rằng “ Anh không thể lấy em với hai bàn tay trắng”. Nhưng anh đâu biết rằng cái mà anh cho là không sai lệch, nó đã sai lệch ngay từ phút đầu tiên.
Những năm tháng ở Đại Học, anh trắng tay nhưng anh có Trịnh Vy. Giờ đây, anh đã công thành danh toại nhưng anh đã đánh mất đi Trịnh Vy, người mà anh từng cho rằng quan trọng nhất cuộc đời anh. Anh yêu Trịnh Vy nhưng anh lại không biết cách xây dựng tình yêu của mình. Mất Trịnh Vy, anh không cam tâm và luôn muốn hoàn hảo trở lại như lúc trước. Trần Hiếu Chính đã rất ích kỉ. Sự ích kỉ của anh đã đánh mất đi thứ quý giá nhất trong cuộc đời anh.
Phải chi anh nhận ra điều này sớm hơn một chút thì có lẽ anh đã không phải chịu đau đớn, xót xa cho sự ích kỉ này. Chỉ khi anh nhận ra được nó thì anh và cũng như Trịnh Vy mới trở nên thật thanh thản và nhẹ nhõm.
Trong cuộc tình này, Trịnh Vy không sai, Trần Hiếu Chính cũng không sai, Lâm Tĩnh lại càng không. Nếu thử đặt chúng ta vào trường hợp ba mình yêu mẹ của người yêu mình thì thật sự chúng ta có chịu nổi hay không? Cũng như tôi đã nói ở trên, có người cho rằng Lâm Tĩnh quá tàn nhẫn với Thi Khiết , cho rằng Lâm Tĩnh quá vô tình. Nhưng chúng ta có dám chắc rằng khi đứng ở vị trí của Lâm Tĩnh, ra không làm như thế không?
Phải chăng thanh xuân của Nguyễn Nguyễn là thanh xuân trọn vẹn nhất trong “Anh Có Thích Nước Mỹ Không”? Tôi không thể trách tại sao Tân Di Ổ lại giết đi cô gái hồn nhiên, trong sáng và luôn chân thành với tình yêu bất diệt của mình. Bởi vì tôi biết rằng cái chết của Nguyễn Nguyễn là cách duy nhất khiến cho người đọc cảm nhận được sự khao khát yêu và được yêu của Nguyễn Nguyễn. Ta cảm nhận được cái chết của Nguyễn Nguyễn không phải là dấu chấm cho cuộc đời cô mà đó còn là cách cô bảo vệ tình yêu chân chính của cuộc đời mình. Thanh Xuân của Nguyễn Nguyễn không đơn thuần chỉ là một kết thúc mà nó có thể là cả linh hồn của quyển sách này.
Mọi việc xảy ra đều có kí lẽ của riêng nó. Ngoài việc tập chấp nhận ta còn phải đối đầu và tìm cách vượt qua nó. Dù đúng hay sai thì mọi chuyện vẫn sẽ qua đi, thời gian rồi cũng sẽ xóa nhòa tất cả và mọi người sớm muộn cũng sẽ phải đổi thay. Có lẽ chỉ cần giữ chút hồi ức trong lòng để đôi khi nghĩ lại và mỉm cười thì có lẽ đã là hạnh phúc, đâu cần phải tham làm đòi hỏi quá nhiều.
“Tình yêu là ngọn lửa khiến con người phải liều mình, cho dù là người thông minh hay ngốc nghếch, đã yêu rồi, đều biến thành con thiêu thân. Ai cũng biết xông vào lửa sẽ biến thành tro bụi, nhưng biết làm thế nào, trăm năm sau, cho dù đã từng bốc cháy hay không, chúng ta đều biến thành cát bụi.”