»» Nội dung bài viết:
Thuyết minh cây sáo trúc.
- Mở bài:
Trong bài thơ “Tiếng trúc tuyệt vời”, nhà thơ Thế Lữ viết:
“Tiếng địch thổi đâu đây,
Cớ sao mà réo rắt?
Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt”.
Từ lâu, cây sáo đã có mặt trong nền văn hóa việt nam tạo nên một nét văn hóa bình dị, đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Có thể cây sáo không phải là sản phẩm sáng tạo của dân tộc ta nhưng hình ảnh cây sáo và tiếng sáo đã in đậm trong tâm hồn ta từ bao đời nay.
- Thân bài:
Nguồn gốc cây sáo trúc:
Bắt nguồn từ cây sáo lau sậy vào thời cổ đại, đến ngày nay, cây sáo đã không ngừng phát triển ngày càng đa dạng, phong phú. Do tính năng đơn giản, tiện lợi, cây sáo đã đi khắp thế giới. Có thể nói nơi nào có âm nhạc, nơi đó có tiếng sáo.
Trong những dấu tích cổ xưa, cây sáo được ghi nhận từ rất sớm. Kinh Thánh có trích dẫn người Jubal là cha đẻ của cây sáo đầu tiên. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thể xác thực.
Ở vùng Địa Trung Hải, người ta cũng tìm thấy dấu hiệu của cây sáo. Nhưng những dữ kiện này chỉ là các hình ảnh trên đền thờ.
Ở Ấn Độ, 1500 năm trước công nguyên dã có những tài liệu nói về sáo. Bộ môn sáo cũng là một phần thiết yếu trong văn hóa và tôn giáo Ấn Độ. Tiếng sáo là giao kết của nhiều thế giới với nhau. Người ta tin rằng tiếng sáo có khả năng dẫn dắt linh hồn con người về nơi cực lạc vĩnh hằng.
Người Trung Quốc cũng đã sớm biết sử dụng sáo trong đời sống. Tiếng sáo réo rắt đã làm nên một nét độc đáo của nền văn hóa vĩ đại này.
Như vậy, sáo là nhạc cụ đã có từ thời cổ đại. Rất nhiều nước trên thế giới sử dụng sáo với những hình thức khác nhau để tạo ra những âm thanh đặc trưng phù hợp với cuộc sống. Tiếng sáo đi vào đời sống văn hóa, tâm linh, nghệ thuật tạo nên những bản sắc riêng biệt không thể hòa lẫn ở mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam, cây sáo cũng đã tạo nên một bản sắc đậm đà, bình dị của nền văn hóa thuần nông. Tiếng sáo chiều véo von trên đồng quê yên ả, hay réo rắt trên đỉnh núi cao gọi mời luôn cho ta cảm giác yên bình, nhung nhớ da diết. Sáo thường được làm từ cây trúc nên quen gọi là sáo trúc.
Phân loại các loại sáo trúc:
Dựa theo cách thổi, sáo trúc chia ra 2 loại: sáo ngang hoặc sáo dọc. Mỗi loại đều rất phong phú về thể loại. Ở Việt Nam, Sáo ngang là loại phổ biến thông dụng cao. Mỗi loại sáo có mỗi tông riêng nên người chơi thường chọn loại sáo làm sao để phù hợp với tông của bản nhạc. Còn có các loại sáo có thêm một số lỗ bấm phụ trên thân sáo, giúp việc diễn tấu các nốt thăng/giáng dễ dàng.
Cấu tạo cây sáo trúc thường thấy:
Đã có nhiều dòng sáo phát triển ở Việt Nam. Phổ biến nhất là loại sáo ngang có 6 lỗ bấm, 1 lỗ thổi, âm vực rộng 2 quãng 8, được làm bằng thân trúc hoặc nứa theo hệ thất cung.
Ngoài sáo ngang còn có loại sáo dọc, với đầu thổi được thiết kế ở phần đầu ngậm. Các lỗ hơi và thế bấm cũng tương tự như sáo ngang nhưng dễ thổi hơn. Nhiều khi, người ta thường nhầm lẫn giữa loại sáo dọc và tiêu.
Nguyên liệu làm sáo:
Sáo thường được làm bằng thân cây trúc, nứa hoặc gỗ. Ngoài ra, sáo còn được làm bằng nhựa, kim loại, xương, thậm chí là bằng vàng. Phổ biến nhất vẫn là loại sáo trúc. Sáo trúc có thanh âm trong trẻo, thanh thoát, bay bổng lại rất dễ bảo quản hơn các loại sáo khác.
Mỗi loại chất liệu khác nhau sẽ tạo nên âm thanh khác nhau. Tùy vào từng loại hình nghệ thuật mà người ta lựa chọn loại sáo phù hợp.
Cây sáo trong đời sống con người:
Từ lâu, sáo đã nằm trong bộ nhạc cụ của dân tộc. Trong các ban nhạc, đều chọn cây sáo làm âm đệm hoặc âm chính. Sáo có thể đọc tấu hay hòa tấu một cách dễ dàng.
Người ta thường sử dụng tiếng sáo để giao lưu trong các cuộc chơi, hoặc thể hiện tâm tư, hoặc bày tỏ tình cảm,… Tiếng sáo vắt vẻo trên đỉnh núi cao, hòa lẫn với gió mây, vi vút tận trời xanh từ lâu đã làm mê hoặc lòng người. Tiếng sáo trúc chiều réo rắt dẫn đàn trâu về bản làng hay tiếng sáo diều trên những cánh đồng rộn gió gợi lên nét bình dị âm ả của đời sống nông thôn Việt Nam từ bao đời nay.
- Kết bài:
Ngày nay, với sự ra đời của nhiều khí cụ điện tử, đáp ứng hiệu quả nhu cầu thưởng thức âm nhạc con người nhưng vẫn không thể thay thế được vai trò của cây sáo. Tại những buổi biểu diễn âm nhạc lớn, đặc biệt là âm nhạc dân tộc, người ta vẫn còn nghê thấy tiếng sáo trong trẻo vang lên khẳng định sức sống mãnh liệt của loại khí cụ này trong thời gian.