»» Nội dung bài viết:
Tri thức Ngữ văn bài 8
(Ngữ văn 11, tập 2, Kết Nối Tri Thức)
Các yếu tố hình thức của văn bản thông tin.
– Văn bản thông tin thường có những dấu hiệu nổi bật về hình thức thể hiện qua nhan đề, đề mục, sơ đồ, bảng biểu, chữ in nghiêng, chữ in đậm,… Những dấu hiệu này giúp cho người đọc nắm bắt thông tin chính của văn bản một cách nhanh chóng. Nhan đề thường giới thiệu chủ đề của văn bàn. Các đề mục tô đậm nội dung chính hoặc chỉ ra điểm bắt đầu của một chủ đề hoặc một mục mới. Các chữ in nghiêng, in đậm thường được sử dụng để nhấn mạnh những từ ngữ then chốt. Các phương tiện phi ngôn ngữ như hình ảnh, bảng biểu, sơ đồ,… thường trực quan hoá những thông tin quan trọng trong văn bản. Bằng cách đọc lướt hình thức trình bày của văn bản, người đọc có thể dễ dàng nhận ra chủ đề, các nội dung chính và cấu trúc của văn bản thông tin.
Bố cục, mạch lạc của văn bản thông tin.
– Nội dung của văn bản thông tin được tạo thành bởi các yếu tố chính: chủ đề, các ý chính và ý phụ. Chủ đề là vấn đề chủ yếu được đề cập trong văn bản thông tin, thường được diễn đạt bằng một từ hoặc một cụm từ. Ý chính là ý quan trọng nhất mà tác giả muốn nói về chủ đề. Thông thường, ý chính của một đoạn văn hoặc một mục sẽ được trình bày trực tiếp trong câu chủ đề, thường ở đầu hoặc cuối đoạn văn. Đôi khi ý chính ẩn chìm trong văn bản và người đọc cần phải suy luận dựa vào những thông tin mà tác giả cung cấp. Ý phụ là các thông tin chi tiết nhằm bổ sung, làm rõ cho ý chính. Việc nhận ra chủ đề, ý chính và ý phụ của văn bản giúp người đọc nắm được bố cục, mạch lạc của văn bản, hiểu được bản chất của vấn đề được đề cập, nhờ vậy dễ dàng tiếp nhận và ghi nhớ thông tin.
Cách trình bày dữ liệu trong văn bản thông tin.
– Văn bản thông tin thường được trình bày theo những cách phù hợp với tiến trình nhận thức tự nhiên của người đọc. Có một số mô hình tổ chức thông tin chính: tổ chức thông tin theo trật tự thời gian, theo trật tự nhân quả, theo tầm quan trọng của vấn đề, theo quan hệ so sánh hoặc tương phản.
– Tổ chức thông tin theo trật tự thời gian là trình bày các sự kiện theo tiến trình trước sau mà chúng diễn ra. Mô hình tổ chức này thường được sử dụng trong các văn bản lịch sử, tự thuật, tiểu sử, hướng dẫn quy trình tiến hành một hoạt động,… Có thể dễ dàng nhận ra mô hình tổ chức này dựa vào các từ ngữ chỉ thời gian như ngày, tháng, năm; các từ ngữ chỉ trình tự như trước hết, sau đó, tiếp theo;…
– Tổ chức thông tin theo trật tự nhân quả là dựa vào mối liên hệ giữa một sự kiện với nguyên nhân và kết quả của sự kiện đó. Mô hình tổ chức này thường được sử dụng trong các văn bản lịch sử, văn bản khoa học mô tả các hiện tượng tự nhiên,… Có thể nhận ra mô hình tổ chức này dựa trên các từ ngữ chỉ quan hệ nhân quả như bởi vì, cho nên, vì thế, do đó, nguyên nhân là, kết quả là,…
– Tổ chức thông tin theo tầm quan trọng của vấn đề là sắp xếp các thông tin theo cách từ những thông tin quan trọng nhất đến những thông tin ít quan trọng hơn hoặc ngược lại. Mô hình tổ chức này thường được sử dụng trong các văn bản mô tả cấu trúc của một đối tượng hoặc phân tích một vấn đề, thực trạng,… Có thể nhận ra mô hình tổ chức này dựa trên các từ ngữ chỉ thứ tự ưu tiên như thứ nhất, thứ haithứ ba,…
– Tổ chức thông tin theo quan hệ so sánh hoặc tương phản là trình bày thông tin theo những đặc điểm tương đồng, khác biệt hoặc đối lập của hai hay nhiều đối tượng. Mô hình tổ chức này thường được sử dụng trong các văn bản khoa học. Các từ ngữ thể hiện mối quan hệ so sánh, tương phản thường là giống với, khác với, ngược lại, tương tự như vậy, điểm chung, điểm khác biệt,…
Mục đích, quan điểm của người viết trong văn bản thông tin.
– Văn bản thông tin có nội dung khách quan, hạn chế tối đa việc thể hiện quan điểm, thái độ của tác giả. Tuy nhiên, mỗi tác giả khi viết văn bản thông tin thường hướng tới một mục đích nhất định. Mục đích giao tiếp chủ yếu của văn bản thông tin là cung cấp thông tin, nhưng bên cạnh đó, nó còn có thể nhắm đến mục đích khác như: thuyết phục, giải trí,… Mặt khác, kinh nghiệm, niềm tin của người viết cũng chi phối việc bày tỏ quan điểm, thái độ đối với vấn đề được đề cập, mặc dù điều này thường không được thể hiện một cách trực tiếp trong văn bản. Có thể nhận ra toàn bộ mục đích, quan điểm, thái độ nói trên dựa vào cách tiếp cận, Ií giải chủ đề, dựa vào giọng điệu hoặc cách sử dụng ngôn từ của tác giả.