Triết lý cuộc sống từ một bài thơ đậm màu sắc cổ tích “Quán hàng phù thủy” của K.Bađijađrô
Một phù thủy
Mở quán hàng nho nhỏ
“Mời vào đây
Ai mua gì cũng có”
Tôi là khách đầu tiên
Từ bên trong
Phù thủy ló ra nhìn:
“Anh muốn gì”?
“Tôi muốn mua tình yêu.
Mua hạnh phúc, sự bình yên, tình bạn,…”
“Hàng chúng tôi chỉ bán cây non
Còn quả chín anh phải trồng,
Không bán”!
(“Quán hàng phù thuỷ” – K.Bađijađrô, Thái Bá Tân (dịch))
Bài thơ dựng lên lối trò chuyện phúng dụ giữa hai nhân vật: Phù thủy – người đại diện cho sức mạnh quyền năng biến hóa và nhân vật tôi- người mua hàng đầu tiên, đang khao khát có được những thứ mình đang thiếu thốn: hạnh phúc, tình yêu, tình bạn… để rồi qua đó, nhà thơ Ấn Độ K.Bađijađrô muốn gửi gắm triết lý sâu sắc về đời sống nhân sinh.
Một quán hàng nho nhỏ, nhưng nó là quán hàng của một phù thủy nên đương nhiên, nó có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu của khách hàng đủ mọi lứa tuổi, cả những khách hàng khó tính nhất. Ai bước vào đó đều có thể thỏa mãn mọi nhu cầu, mọi ước muốn. Nhân vật tôi là người khách đầu tiên tìm đến với hy vọng cùng một lúc mua được những thứ mình đang ao ước, thiếu thốn. Đó là hạnh phúc, tình yêu, sự bình yên…nhưng thật buồn, anh đã không có được thứ mình muốn. Anh thất bại không phảo vì mình không có thứ trao đổi ngang giá để thu về thứ mình đang khao khát mà vì cửa hàng không đáp ứng được:
“Hàng chúng tôi chỉ bán cây non
Còn quả chín anh phải trồng
Không bán”
Té ra, thứ mà người khách đầu tiên tìm kiếm, mong muốn qua cuộc mua bán ấy là “hạnh phúc, tình yêu, tình bạn”- là quả chín mà quán hàng phù thủy không bán. Vậy thì “cây hạnh phúc”, “cây bình yên”, “cây tình bạn”.. và muôn vàn thứ cây mơ ước khác đều do chính con người làm ra. Muốn có những giá trị ấy, không ai khác, chính ta phải ra sức vun trồng, xây đắp, nuôi dưỡng… có như vậy những giá trị mà ta đạt được mới trở nên bền vững, có ý nghĩa.
“Quán hàng phù thủy” có thể có nhiều thứ, nhưng có những giá trị trên đời này không quyền lực nào, sức mạnh nào, tiền bạc nào có thể làm ra, có thể mua được đó là tình yêu, hạnh phúc, tình bạn chân chính. Tất cả những giá trị này muốn có được đều phải có thời gian, công sức, đều phải xuất phát từ tình cảm chân thành, không vụ lợi, toan tính….
Bài thơ “Quán hàng phù thủy” thật hấp dẫn đối với con trẻ, thậm chí cả người lớn vì lối thơ đậm sắc màu cổ tích. Nó cũng có thể coi là một lời khuyên chí tình, chí lý đối với tất cả mọi người về cuộc sống. Hạnh phúc hay đau khổ, bình yên hay sóng gió, thắm thiết hay hững hờ… Tất cả đều phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta. Với sự cố gắng không ngừng từ mỗi ngày để kiếm tìm bằng chính sức lực, khả năng, bằng tâm huyết và niềm tin, chắc chắn chúng ta sẽ có được những thứ mình khao khát.
Nghị luận: Hãy sống nhanh cùng thời đại, hãy sống chậm cho tâm hồn