van-ban-co-to-trich-nguyen-tuan

Văn bản: Cô Tô (Trích, Nguyễn Tuân)

CÔ TÔ
(Trích, Nguyễn Tuân)

Hình như gió bão chờ chúng tôi lọt hết vào trạn địa cánh cung bãi cát, rồi mới tăng thêm hỏa lực của gió. Mỗi viên cát bắn vào má vào gáy lúc này buốt như một viên đạn mũi kim. Gió bắn rát từng chập. Chốc chốc gió ngừng trong tích tắc như để thay băng đạn, thì đầu cổ lại bật lên khi gió giật. Gió liên thanh quạt lia lịa vào gối vào ngang thắt lưng, đẩy cả người chạy theo luồng cát mà bạt ra phía sát bờ biển của một bãi dài ba ngàn thước, rộng chừng trăm thước. Sóng cát đánh ra khơi, bể đánh bọt sóng vào, trời đất trắng mù mù toàn bãi như là kẻ thù đã bắt đầu thả hơi ngạt. […] Sóng thúc lẫn nhau mà vào bờ âm âm rền rền như vua thủy tộc rung thêm trống trận. […]

Cuối canh một sang canh hai, bão thực sự bắt đầu. Gác đảo ủy nhiều khuôn cửa kính bị gió vây và dồn, bung bết. Kính bị thứ gió cấp 11 ép, vỡ tung. Tiếng gió càng ghê rợn mỗi khi nó thốc vào, vuốt qua những gờ kính nhọn còn dắt ở ô cửa vỡ. Nó rít lên rú lên như cái kiểu người ta vẫn thường gọi là quỷ khốc thần linh. […]

Ngày thứ năm trên đảo Cô Tô là một ngày trong trẻo sáng sủa. Từ khi có vịnh Bắc Bộ và từ khi quần đảo Cô Tô mang lấy dấu hiệu của sự sống con người thì, sau mỗi lần dông bão, bao giờ bầu trời Cô Tô cũng trong sáng như vậy. Cây trên núi đảo lại thêm xanh mượt, nước biển lại lam biếc đậm đà hơn hết cả mọi khi, và cát lại vàng giòn hơn nữa. Và nếu cá có vắng tăm biệt tích trong ngày động bão, thì nay lưới càng thêm nặng mẻ cá giã đôi. Chúng tôi leo dốc lên đồn Cô Tô hỏi thăm sức khỏe anh em bộ binh và hải quân cùng đóng sát nhau trong cái đồn khố xanh cũ ấy. Trèo lên nóc đồn, nhìn ra bao la Thái Bình Dương bốn phương tám hướng, quay gót 180 độ mà ngắm cả toàn cảnh đảo Cô Tô. Nhìn rõ cả Tô Bắc, Tô Trung, Tô Nam, mà càng thấy yêu mến hòn đảo như bất cứ người chài nào đã từng đẻ ra và lớn lên theo mùa sóng ở đây.

[…] Mặt trời lại rọi lên ngày thứ sau của tôi trên đảo Thanh Luân một cách thật quá là đầy đủ. tôi dậy từ canh tư. Còn tôi đất, cố đi mãi trên đá đầu sư, ra thấu đầu mũi đảo. Và ngồi đó rình mặt trời lên. Điều tôi dự đoán, thật là không sai. Sau trận bão, chân trời, ngấn bể, sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt giờ nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm, và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hừng đông. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thưở Biển Đông. Vài chiếc nhạn mùa thu chao đi chao lại trên mâm bể sáng dần lên cái chất bạc nén. Một con hải âu bay ngang, là là nhịp canhd. […]

Khi mặt trời đã lên một vài con sào, tức là lúc nó trở về sự bình dị hàng ngày, thì tôi đang múc gầu nước giếng dội lên đầu lên cổ lên vai lên lưng, nghĩa là tôi cũng đang đi tắm như mọi người lao động bình thường đang tắm quanh giếng. Cái giếng nước ngọt ở ria một hòn đảo giữa biển, cái sinh hoạt của nó vui như một cái bến và đậm đà mát nhẹ hơn mọi cái chợ trong đất liền.

Cái giếng nước ngọt đảo Thanh Luân sớm nay có không biết bao nhiêu là người đến gánh và múc. Múc nước giếng vào thùng gỗ, vào những con những ang gốm màu da lươn. Lòng giếng vẫn còn rớt lại vài cái lá cam lá quýt của trận bão vừa rồi quăng vào. Chỗ bãi đá nuôi sáu mươi vạn con hải sâm ngoài kia, bao nhiêu là thuyền của hợp tác xã đang mở nắp sạp đổ nước ngọt vào. Sau trận bão, hôm nay hợp tác xã Bắc Loan Đầu cho 18 thuyền lớn nhỏ cùng ra khơi đánh cá hồng. Anh hùng Châu Hòa Mãn cùng bốn bạn xã viên đi chung một thuyền. Anh quẩy nước bên bờ giếng, tôi né ra một bên. Anh quẩy 15 gánh cho thuyền anh: “Đi ra khơi, xa lắm mà. Có khi mười ngày mới về. Nước ngọt cho vào sạp, chỉ để uống. Vo gạo thổi cơm cũng không được lấy nước ngọt. Vo gạo bằng nước biển thôi”.

Từ đoàn thuyền sắp ra khời đến cái giếng ngọt, thùng và cong và gánh nối tiếp đi đi về về. Trông chị Châu Hòa Mãn địu con, thấy nó dịu dàng yên tâm như cái hình ảnh biển cả là mẹ hiền mớm cá cho lũ con lành.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang