ngu-van-7-canh-dieu-tap-2

Văn bản: Tượng đài vĩ đại nhất (Ngữ văn 7, Cánh Diều)

Tượng đài vĩ đại nhất (Ngữ văn 7, Cánh Diều)

1. Chuẩn bị.

– Xuất xứ: 27/7 là ngày Thương binh – Liệt sĩ, là một ngày lễ kỉ niệm được tổ chức hàng năm nhằm tưởng niệm về những người thương binh, liệt sĩ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày lễ này được ghi nhận như là một biểu hiện của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, ăn quả nhớ kẻ trồng cây ở Việt Nam. Trong ngày này, chính quyền các cấp, các đoàn thể mà trọng tâm là Hội cựu chiến binh tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, rầm rộ, chủ yếu là việc các cá nhân, tổ chức, nhà chức trách thăm và tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, dâng hương tri ân tại các Nghĩa trang liệt sĩ…

– Những tấm gương hi sinh cao cả của những lớp người đi trước: Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lê Lợi, …Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh…..

* Nội dung chính: Tượng đài vĩ đại nhất là hình hài Tổ Quốc – đó là máu xương, mồ hôi công sức, trí tuệ của lớp anh hùng đi trước.

2. Đọc hiểu.

* Trả lời câu hỏi giữa bài:

Câu 1 (trang 43 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Ý khái quát được nêu phần 1 là gì?

Trả lời:

– Ý khái quát được nêu phần 1 là: những câu chuyện về sự hi sinh cao cả vì nghĩa lớn, vì cộng đồng dân tộc ở nơi nào cũng có.

Câu 2 (trang 44 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Phép lặp ở phần 2 có tác dụng biểu đạt điều gì?

Trả lời:

– Phép lặp ở phần 2 có tác dụng biểu đạt: tạo sự liên kết trong câu, trong đoạn văn và liệt kê, nhấn mạnh những thành phần tạo nên dải đất chữ S đều mang bóng dáng con người hi sinh vì Tổ Quốc.

Câu 3 (trang 44 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Chú ý các bằng chứng được nêu trong phần 2.

Trả lời:

– Các bằng chứng được nêu trong phần 2: đó là những bằng chứng cụ thể xác thực ai cũng biết: Việt Bắc, Tây Nguyên, Trường Sơn…; kháng chiến chống thực dân, đế quốc.

Câu 4 (trang 44 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Chú ý câu mở đầu phần 3.

Trả lời:

– Câu mở đầu phần 3: Cách hi sinh vì nghĩa lớn của người con đất Việt cũng thật đáng tự hào, luôn ngẩng cao đầu hướng về phía trước.

→ Mở đầu nêu luận điểm trực tiếp, ngắn gọn, không vòng vo dài dòng.

Câu 5 (trang 45 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Thời điểm 27-7 được nêu ở cuối bài giúp em hiểu thêm gì về nội dung bài viết?

Trả lời:

– Thời điểm 27-7 được nêu ở cuối bài giúp em hiểu thêm về nội dung bài viết là: ngày 27/7 là ngày thương binh liệt sĩ, là ngày tưởng nhớ những chiến sĩ đã anh dũng hi sinh bảo vệ độc lập dân tộc. Viết bài Tượng đìa vĩ đại nhất vào ngày này càng thể hiện tấm lòng của tác giả cũng như của nhân dân luôn hướng về cội nguồn, về công lao to lớn của ông cha ta ngày trước.

* Trả lời câu hỏi cuối bài:

Câu 1 (trang 45 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Văn bản Tượng đài vĩ đại nhất viết về vấn đề gì? Vì sao có thể cho rằng vấn đề đó rất đáng quan tâm?

Trả lời:

– Văn bản Tượng đài vĩ đại nhất viết về vấn đề: sự hi sinh anh dũng của nhân dân vì nghĩa lớn, vì cộng đồng, vì dân tộc.

– Vấn đề đó rất đáng quan tâm là bởi: đây là vấn đề phổ biến, ở xung quanh chúng ta, vấn đề có ý nghĩa sâu rộng với cộng đồng.

Câu 2 (trang 45 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Mục đích của văn bản này là gì? Hãy chỉ ra những lí lẽ và bằng chứng cụ thể được tác giả nêu trong văn bản để làm sáng tỏ mục đích đó.

Trả lời:

– Mục đích của văn bản này là cho mọi người, nhất là thế hệ về sau biết và nhớ tới công lao to lớn của anh hùng đã hi sinh thân mình gìn giữ bảo vệ Tổ Quốc, có được cuộc sống ấm no như ngày nay.

– Những lí lẽ và bằng chứng cụ thể được tác giả nêu trong văn bản để làm sáng tỏ mục đích đó:

Lí lẽBằng chứng
– Ở đâu trên đất Việt Nam cũng có những câu chuyện về sự hi sinh cao cả vì nghĩa lớn vì cộng đồng– Người ở vùng quê, người ở phố đều sẵn sàng xả thân khi Tổ Quốc lâm nguy
– Ở đâu trên đất Việt Nam cũng có những anh hùng liệt sĩ xả thân vì dân tộc– Tây Bắc, Việt Bắc đến miền Trung, Nam Bộ, Tây Nguyên… đường Trường Sơn đến biển Đông, trên không
– Cách hi sinh vì nghĩa lớn của dân ta cũng thật đáng tự hào– Ra pháp trường vẫn lạc quan tin vào chiến thắng; bị bắt đi đày, tra tấn vẫn một lòng trung kiên; chiến sĩ ôm bom ngăn giặc; chiến sĩ làm cọc tiêu bên bom nổ chậm…

Câu 3 (trang 45 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2):   Em hiểu “tượng đài vĩ đại nhất” mà tác giả muốn nói tới là gì? Vì sao đó lại là “tượng đài vĩ đại nhất”?

Trả lời:

“Tượng đài vĩ đại nhất” mà tác giả muốn nói tới là hình hài Tổ Quốc

– Đó là “tượng đài vĩ đại nhất” là bởi đó là máu xương, mồ hôi, công sức, trí tuệ của lớp lớp anh hùng, liệt sĩ.

Câu 4 (trang 45 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Viết một đoạn văn (khoảng 6-8 dòng) giải thích vì sao thế hệ trẻ cần phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Bài làm 1:

Uống nước nhớ nguồn là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Thế hệ trẻ Việt Nam chúng ta hôm nay cần có trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy. Uống nước nhớ nguồn được hiểu là hưởng thụ thành quả của người đi trước thì chúng ta cần trân trọng, biết ơn và giữ gìn, phát huy những thành quả đó. Bản thân mỗi chúng ta cần có những hành động thiết thực bày tỏ, thể hiện truyền thống đạo lí ấy. Những hành động cụ thể có thể kể ra như chúng ta thăm viếng mộ liệt sĩ, biết ơn thương binh, bệnh binh vào ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, những ngày hiến chương cao cả như 20 tháng 11 với lòng biết ơn thầy cô. Nó không phải là truyền thống gì xa vời mà luôn gần bên ta qua việc làm, hành động. Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, nói lời cảm ơn với người đã giúp đỡ… những điều nhỏ nhoi ấy làm nên truyền thống rạng ngời trong người trẻ. Khi chúng ta ý thức được truyền thống ấy trong suy nghĩ cũng như hành động thì chúng ta có hướng đi đúng đắn, sống vì người khác và biết cống hiến không ngừng. Nó cũng trở thành nguồn động lực lớn lao để thế hệ chúng ta học tập, thay đổi và rèn luyện để mai này cống hiến cho quê hương. Trong thời đại công nghệ phát triển, ý thức của thế hệ trẻ đi xuống, truyền thống đạo lí ngày càng phai nhạt, vì vậy thế hệ trẻ càng cần nâng cao ý thức, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” hơn nữa.

Bài làm 2:

Từ xa xưa, lòng biết ơn luôn được cha ông ta đề cao, phát huy như một truyền thống quý báu. Cùng với quan niệm trên, tục ngữ có câu “Uống nước nhớ nguồn”. Nghĩa hàm ẩn là khi chúng ta hưởng thụ bất cứ thành quả nào, dù là vật chất hay tinh thần, cũng phải nhớ đến công ơn người đã làm ra chúng. Ăn một bữa cơm no đủ phải nhớ đến người làm ra hạt gạo; mặc một chiếc áo ấm áp phải biết ơn người đã thêu dệt nên. Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp nhất của con người. Khi chúng ta biết ơn quá khứ, trân trọng giá trị nguồn cội cũng là khi chúng ta đang làm giàu vốn văn hoá cho bản thân và góp phần bảo vệ văn hoá truyền thống của đất nước. Tuy nhiên với sự phát triển hiện đại như hiện nay, những giá trị truyền thống đang ngày càng mai một, một bộ phận giới trẻ ngày nay đang quay lưng với truyền thống, sống ích kỷ, chỉ biết cho riêng mình. Chính vào lúc này đây, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” – truyền thống biết ơn cần phải được đề cao hơn nữa. Bởi không có những bài học quá khứ làm sao có được thành công trong hiện tại và tương lai? Vậy nên, hãy chắt chiu những giá trị tốt đẹp từ quá khứ bằng lòng biết ơn, nhưng cũng vừa nhìn vào tương lai một cách đầy tích cực và chiến đấu với thực tại thật nhiệt huyết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang