»» Nội dung bài viết:
Về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, có ý kiến cho rằng: Đó là một người đàn ông có tâm hồn đơn giản, hời hợt. Ý kiến khác lại khẳng định: Đó là một người đàn ông tâm hồn vẫn có những nét sâu sắc, tinh tế.
Từ cảm nhận của mình về hình tượng nhân vật Tràng, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nhân vật:
– Kim Lân là một trong những nhà truyện ngắn có nhiều trang viết cảm động về đề tài nông thôn và người nông dân. Văn phong của ông giản dị mà thấm thía.
– Tiền thân của truyện ngắn Vợ nhặt là tiểu thuyết Xóm ngụ cư, viết sau khi Cách mạng tháng Tám thành công nhưng còn dang dở, sau đó bị lạc mất bản thảo. Sau hòa bình lập lại 1954, Kim Lân dựa trên một phần cốt truyện cũ để viết truyện Vợ nhặt.
2. Giải thích các ý kiến:
– Ý kiến thứ nhất: cho rằng nhân vật Tràng là một người đàn ông có tâm hồn đơn giản, hời hợt. Ý kiến trên có lẽ đã nhìn nhân vật ở những biểu hiện bên ngoài dễ thấy nhất (đưa người đàn bà về chỉ sau hai lần gặp, sau vài câu nói đùa…).
– Ý kiến thứ hai: khẳng định nhân vật Tràng là một người đàn ông vẫn có những nét sâu sắc, tinh tế trong tâm hồn. Có lẽ người bảo vệ ý kiến này đã nhìn nhân vật ở chiều sâu bên trong các thái độ, hành động, ứng xử của nhân vật.
3. Cảm nhận về hình tượng nhân vật Tràng:
Cảnh ngộ và phẩm chất của nhân vật – được Kim Lân khắc họa đầy chân thực và cảm động:
– Tràng là một người đàn ông có tâm hồn đơn giản, hời hợt:
+ Quyết định của Tràng trong việc lập gia đình (vội vàng; không phù hợp hoàn cảnh;…).
+ Cách biểu hiện niềm vui và nỗi buồn chán (bộc lộ hoàn toàn ra dáng vẻ bên ngoài).
– Tràng là một người đàn ông vẫn có những nét sâu sắc, tinh tế trong tâm hồn:
+ Cách đối xử với người đàn bà không tên trong hai lần gặp (cảm thông, giàu tình người).
+ Thái độ sẵn sàng đón nhận người đàn bà vào cuộc đời của mình (trân trọng, hoan hỉ).
+ Ý thức về trách nhiệm, bổn phận của người chồng (lo toan, chăm chút cho hạnh phúc).
+ Tinh thần lạc quan, niềm tin vào ngày mai (vượt qua sự ảm đạm của nạn đói để nghĩ về sự đổi đời trong tương lai).
4. Bình luận về các ý kiến.
– Cả hai ý kiến đều có cơ sở dù cách đánh giá về nhân vật có vẻ như trái ngược nhau (thực chất là bổ sung cho nhau).
– Ý kiến thứ nhất thiên về hiện tượng, về biểu hiện bên ngoài của nhân vật. Ý kiến thứ hai có cơ sở từ chiều sâu bên trong các thái độ, hành động, ứng xử của nhân vật.