Viết đoạn văn ( 10 – 15 câu ), phân tích tám câu thơ cuối đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.
Tám câu thơ cuối đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” (“Truyện Kiều” của Nguyễn Du) là bức tranh tâm trạng đau buồn, lo âu, sợ hãi của Thúy Kiều:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”.
Điệp ngữ “buồn trông” được lặp lại bốn lần tạo âm hưởng trầm buồn cho các câu thơ, diễn tả nỗi đang dâng lên lớp lớp trong lòng Kiều. Nỗi buồn ấy cứ trào dâng và lan tỏa vào thiên nhiên, thấm đẫm vào cảnh vật. Nhìn cánh buồm thấp thoáng nơi “cửa bề chiều hôm”, Kiều cảm thấy bơ vơ, cô lẻ giữa biển đời mênh mông, nàng khao khát được trở về quê hương, được gặp gỡ và sum họp với gia đình. Nhìn cánh hoa trôi man mác trên “ngọn nước mới sa”, Kiều nghĩ đến thân phận mong manh, trôi dạt của mình trước sóng gió cuộc đời. Không biết cuộc đời sẽ trôi nổi đến đâu, tương lai rồi sẽ thế nào, hay lại tan tác, bị dập vùi như cánh hoa kia, đang lênh đênh trên dòng đời vô định? Hình ảnh “nội cỏ rầu rầu” héo úa với màu xanh nhạt nhòa, trải rộng nơi chân mây mặt đất là hình ảnh của thiên nhiên úa tàn, buồn bã. Nó gợi ở Kiều nỗi chán chường, vô vọng vì cuộc sống tẻ nhạt, cô quạnh này không biết bao giờ mới kết thúc. Tiếng sóng vỗ cùng những đợt “gió cuốn mặt duềnh” khiến Kiều vô cùng sợ hãi. Nàng dự cảm về cuộc sống bấp bênh với bao nhiêu tai ương đang bủa vây nàng. Nghệ thuật ẩn dụ, hệ thống câu hỏi tu từ, các từ láy “thấp thoáng”, “xa xa”,”man mác”… góp phần làm nổi bật nỗi buồn nhiều bề trong tâm trạng của Kiều. Tác giả đã lấy ngoại cảnh để bộc lộ tâm cảnh: cảnh được miêu tả từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động, nỗi lòng từ man mác, mông lung đến lo âu, sợ hãi. Chỉ với tám câu thơ, đã thể hiện được cái tâm, cái tài của Nguyễn Du.
Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)
Tham khảo:
Tâm trạng của Thúy Kiều qua 8 câu thơ cuối đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.
I. Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đề tài bài thơ. Nêu vấn đề: tâm trạng buồn khổ, cô đơn và tuyệt vọng của Thúy Kiều ở Lầu Ngưng Bích được miêu tả qua cảnh vật.
II. Thân bài:
– Giới thiệu vị trí đoạn trích: thuộc phần 1 (Gia biến và lưu lạc). Sau khi biết mình bị Mã Giám SInh lừa bán vào lầu xanh, Thúy Kiều toan tự tử. Tú bà sợ mất món tiền lớn nên kịp thời ngăn cản, lựa lời ngon ngọt dụ dỗ Thúy Kiều ra lầu Ngưng Bích tịnh dưỡng, hứa sẽ tìm một tấm chồng xứng dáng để gã nàng.
– Tâm trạng của Thúy Kiều ở 8 câu thơ cuối:
+ Trước lầu Ngưng Bích, Thúy Kiều thấy lòng trống trải vô cùng hướng về cảnh vật bằng cái nhìn lặng lẽ: “Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa…ghế ngồi”.
+ Nàng nhìn ra cửa bể buổi chiều, một cánh buồm nhỏ bé giữa bát ngát rộng lớn, hoang vắng và xa lạ. Hình ảnh thơ ẩn dụ về cuộc sống lẻ loi, bơ vơ sau bao nhiêu tai họa của nàng Kiều. Con thuyền, cánh hoa trôi vô định, quá nhỏ bé cũng lênh đênh không biết đâu là bến bờ, như số phận mong manh cuộc đời nàng không biết ngày mai sẽ ra sa
+ Nàng nhìn vào nội cỏ “rầu rầu” tàn lụi và héo úa. Màu xanh của cây cỏ và màu xanh của bầu trời, chân mây, mặt đất… bị nhòe đi, pha lẫn vào nhau khắc vẽ cảnh vật nhuốm màu buồn chán và hoang vu, không một bóng người làm cho tăng thêm nỗi đau đơn và buồn tủi của Thúy Kiều.
+ Nàng lắng nghe tiếng động của xung quanh, nhìn theo cơn gió cuốn, nhận ra bốn bề bát ngát, bốn bề sóng nước phá tan cảnh vật rộng lớn. Tiếng kêu “ầm ầm sóng vỗ” chân thực và sống động. Cuộc đời năng vừa xa gia đình chưa lâu mà sóng gió cuộc đời đã đổ ập lên cuộc sống của Kiều.
– Tám câu lục bát chia thành 4 cặp, mỗi cặp đều bắt đầu bằng từ “buồn trông” từ xa tới gần, cao tới thấ.. kết hợp với nhiều từ láy tượng thanh, tượng hình và rất gợi cảm diễn tả thành công tâm trạng buồn đau, khổ sở và cô đơn của Thúy Kiều.
– Nguyễn Du đã dùng điệp từ, từ láy, hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Cảnh vật Lầu Ngưng Bích được miêu tả qua cái nhìn của nhân vật. Người buồn nhìn cảnh vật cùng buồn. Bị Tú Bà giam lỏng, sau khi bị lừa và xỉ nhục, bắt tiếp khách ở lầu xanh, Kiều đã mất tất cả. Một mình ngồi trông cảnh cửa biển lúc chiều tàn, nàng không tìm thấy hình ảnh nào gần gũi và dễ chịu.
- Kết bài:
– Miêu tả thành công cảnh vật để gợi tả tâm trạng Thúy Kiều, Nguyễn Du thấu hiểu, đồng cảm sâu sắc với tâm tư, số phận bi kịch của con người tài sắc. Nguyễn Du là nhà thơ nhân đạo và nghệ sĩ ngôn từ tài hoa…