Viết đoạn văn 200 chữ bàn về truyền thống nhân nghĩa
Nhân nghĩa là lòng thương người và sự đối xử với người theo điều phải, là tình cảm, thái độ, việc làm đúng đắn, phù hợp với đạo lí của dân tộc Việt Nam. Người có tấm lòng nhân nghĩa là người luôn thương yêu, giúp đỡ người khác, biết nhường nhịn đùm bọc nhau. Họ sống vị tha, bao dung và độ lượng, không bao giờ ích kỉ, đố kị, ganh ghét lãn nhau. Sống có lòng nhân nghĩa giúp cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp, con người thêm yêu cuộc sống, có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn. Nhân nghĩa không những là phẩm đức cao đẹp mà còn là truyền thống tốt đẹp, cao quý của dân tộc ta từ bao đời nay. Từ xưa, khi đất nước có giặc ngoại xâm, nhân dân vì nhân nghĩa mà đánh giặc cứu nước. Khi kẻ thù bị đánh bại, ta mở lòng hiếu sinh, nhân nghĩa mà không giết hại, mưu cầu hòa hiếu. Khi đất nước hòa bình, ta chăm lo dựng xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chẳng bao giờ tham vọng xâm lấn các dân tộc khác. Đó là nhân nghĩa. Rèn luyện lòng nhân nghĩa, trước hết, chúng ta phải biết kính trọng, biết ơn hiếu thảo với ông bà cha mẹ; biết quan tâm giúp đỡ mọi người; cảm thông, bao dung, độ lượng vị tha. Đồng thời, tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa trong cuộc sống. Nhân nghĩa nâng cao phẩm giá con người. Sống mà không co lòng nhân nghĩa, sớm muộn gì cũng chuốc lấy thất bại.