Dàn ý Đoạn văn cảm xúc về bài thơ Lời của cây
- Mở đoạn:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nêu ấn tượng, cảm nhận chung của em về bài thơ.
- Thân đoạn:
– Nêu cảm xúc về nội dung của bài thơ.
– Nêu cảm nhận về hình thức nghệ thuật của bài thơ: thể thơ, biện pháp nghệ thuật,…
- Kết đoạn:
– Khái quát được cảm xúc về bài thơ. Nêu tác động của bài thơ đối với bản thân.
Đoạn văn 1:
Tôi rất thích bài thơ Lời của cây của nhà thơ Trần Hữu Thung vì cách dẫn dắt bất ngờ, thú vị của tác giả về quá trình lớn lên của mầm xanh từ lúc còn là hạt cho đến khi trở thành một cái cây. Qua lời của tác giả và lời của cây, bài thơ kể lại quá trình khi cây còn là hạt nằm trong tay thì lặng thinh, không cử động, nhưng khi được gieo xuống đất, mầm bắt đầu nảy lên. Mầm cây cần được chăm sóc với đủ nắng, tránh gió và mưa giông để thành cây. Khi đã đủ thời gian, thân và lá xanh bắt đầu xuất hiện, dần lớn lên và khao khát làm xanh đất trời. Biện pháp nhân hóa, điệp cấu trúc, kết hợp với thể thơ bốn chữ cùng những từ ngữ mộc mạc, gợi hình, gợi cảm khiến cho bài thơ vừa sinh động, hấp dẫn vừa khơi gợi trí tưởng tượng phong phú ở người đọc. Qua bài thơ, tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp: thiên nhiên cũng có tâm hồn và tiếng nói riêng. Mỗi một mầm xanh nhỏ bé trong hiện sẽ góp một màu xanh lớn ở tương lai. Hãy lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên, biết trân trọng, yêu thương, nâng đỡ sự sống ngay từ khi sự sống mới là những mầm non.
Đoạn văn 2:
Đọc bài thơ Lời của cây của nhà thơ Trần Hữu Thung người đọc như được cuốn vào câu chuyện kể về sự trưởng thành của cây. Khi nói đến quá trình phát triển của cây, ta thường hình dung đến những kiến thức, thuật ngữ khoa học khô khan. Nhưng với “Lời của cây”, ngôn từ đậm chất nghệ thuật đã phát huy tối đa tính gợi hình, biểu cảm của nó để mang đến người đọc những nhận thức và cảm xúc mới mẻ. Khổ thơ thứ nhất cho ta biết khởi đầu của cây là hạt. Cách biểu đạt lạ ở chỗ hạt khi chưa gieo vào đất, chưa nảy mầm thì hạt “lặng thinh” chưa có tiếng nói. Khổ thơ thứ hai không chỉ tiếp tục phát huy hiệu quả biểu đạt của phép nhân hóa “Mầm đã thì thầm” cất lên tiếng nói đầu tiên của sự sống mà còn gây ấn tượng ở các từ ngữ giàu giá trị biểu đạt “nhú”, “giọt sữa”. Hai từ này gợi lên hình ảnh mầm cây vừa hé lên khỏi mặt đất – non tơ, mỡ màng. Trong khổ ba, nhà thơ tiếp tục hình dung vỏ hạt như chiếc nôi xinh xắn ôm ấp mầm cây ở giữa, bên nôi là tiếng bàn tay vỗ, tiếng ru hời. Mầm cây được chăm chút như em bé vậy. Quả là một liên tưởng độc đáo khiến người đọc thích thú. Đến khổ thơ thứ tư, mầm cây đã lớn thêm một chút, vài lá bé đã nở ra. Và nhà thơ như đang lắng nghe được tiếng “bập bẹ” của lá xanh. Từ láy “bập bẹ” đặt trong phép nhân hóa khiến ta liên tưởng em bé đang đến giai đoạn tập nói. Trong những tiếng “bập bẹ” đầu đời ấy, nhà thơ đã nghe thấy niềm tự hào của mầm non khi được làm một cái cây, ngày mai sẽ góp xanh cho đời. Bài thơ kết lại bằng hình ảnh của ngày mai – ngày mai tràn đầy màu xanh tạo nên bởi cây cối, gợi lên sự sống trường tồn, bất diệt. Như vậy, bài thơ không chỉ thú vị ở nghệ thuật biểu hiện mà còn sâu sắc ở thông điệp: Hãy yêu cây xanh, bởi cây xanh làm nên một phần cuộc sống đáng yêu này.
Đoạn văn 3:
Bài thơ “Lời của cây” được tác giả Trần Hữu Thung sáng tác gửi gắm đến bạn đọc thông điệp ý nghĩa. Với thể thơ bốn chữ ngắn gọn, hình ảnh thơ gần gũi, bài thơ ghi lại một cách sinh động quá trình hạt phát triển thành cây: nằm lặng thinh, nảy mầm, nhú lên giọt sữa, thì thầm, mầm mở mắt, đón tia nắng hồng, nở vài lá bé. Mầm cây được nhân hóa giống như một con người, có sức sống mãnh liệt. Qua đó, nhà thơ muốn thể hiện thái độ nâng niu, trân trọng mà nhân vật trữ tình dành cho mầm cây. Bài thơ không chỉ thú vị ở lời thơ, hình ảnh trong bài mà còn là thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc: Hãy yêu cây xanh, trân trọng sự sống của cây, bởi cây làm nên một phần cuộc sống xinh đẹp, đáng yêu này.
Đoạn văn 4:
Lời của cây là một bài thơ mang đậm phong cách sáng tác của nhà thơ Trần Hữu Thông. Quá trình phát triển của một mầm cây được tác giả khắc họa thật sinh động. Ở khổ thơ thứ nhất, cây vẫn còn là hạt mầm nằm lặng thinh. Đến khi hạt bắt đầu nảy mầm xanh, đã có thể cất tiếng nói thì thầm. Khi hạt phát triển thì chiếc vỏ của hạt lúc này như chiếc nôi xinh xắn ôm ấp mầm cây. Cách viết này gợi liên tưởng mầm cây giống như một em bé đang được chăm sóc ân cần. Đến khi mầm cây đã phát triển, người đọc dường như lắng nghe được tiếng “bập bẹ” của lá. Từ láy “bập bẹ” khiến ta liên tưởng đến giai đoạn tập nói của một đứa trẻ. Kết thúc bài thơ là hình ảnh cây đã phát triển, với một ngày mai tràn đầy màu xanh tươi mới của cây gợi lên một sự sống trường tồn, bất diệt. Bài thơ không chỉ thú vị ở lời thơ, hình ảnh trong bài mà còn là thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc rằng hãy biết yêu và bảo vệ cây xanh bởi chúng đã tạo nên một cuộc sống tươi mới, tràn đầy sức sống.