Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim) (Ngữ văn 11, tập 1, Chân trời sáng tạo)
Đọc ngữ liệu tham khảo 1:
Câu 1: Vấn đề nghị luận trong văn bản là gì?
Trả lời:
– Vấn đề nghị luận trong văn bản là xung đột trong bi kịch Vũ Như Tô.
Câu 2: Người viết đã đưa ra những lí lẽ, bằng chứng nào để khẳng định: xung đột quyết liệt trong tác phẩm bi kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng là xung đột giữa nghệ sĩ và nhân dân trong văn bản?
Trả lời:
– Những lí lẽ, bằng chứng người viết dùng để khẳng định: xung đột quyết liệt trong tác phẩm bi kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng là xung đột giữa nghệ sĩ và nhân dân trong văn bản:
– Vũ Như Tô phải chọn lựa giữa 2 con đường, mỗi con đường oan nghiệt theo một kiểu.
– Quyền lợi của quần chúng nhân dân được tác giả bênh vực bằng những phương tiện nghệ thuật đầy thuyết phục, không thể đặt chúng xuống dưới phạm trù “cái nhất thời” mà hi sinh cho “cái vĩnh cửu” được.
– So sánh: công trình với năm vạn thợ bên trong và mười vạn thợ bên ngoài – cuộc chiến tranh với nước ngoài.
– Quyền sống của nhân dân bị hi sinh không thương tiếc được phát lên thành lời nhiều lần và từ nhiều miệng.
– Xung đột quyết liệt giữa nghệ sĩ và nhân dân: Nghệ sĩ mượn tay vương quyền >< Nhân dân không chấp nhận sự áp đặt.
Câu 3: Bạn rút ra được lưu ý gì khi viết văn bản nghị luận về một vở bi kịch từ văn bản trên?
Trả lời:
Những lưu ý khi viết văn bản nghị luận về một vở kịch từ văn bản trên:
– Lựa chọn vấn đề bàn luận phù hợp vì nội dung, hình thức của một vở kịch thường có nhiều khía cạnh, vấn đề.
– Các luận điểm cần rõ ràng, mạch lạc để làm sáng tỏ luận đề bài viết
– Khẳng định lại luận đề sau khi phân tích.
Đọc ngữ liệu tham khảo 2:
Câu 1: Vấn đề nghị luận trong văn bản.
Trả lời:
– Vấn đề nghị luận trong văn bản: Ám ảnh nước trong “Mùa len trâu”.
Câu 2: Việc người viết trích dẫn ý kiến của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, đạo diễn phim Mùa len trâu và nhiều lần liên hệ đến tập truyện Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam nhằm dụng ý gì?
Trả lời:
– Người viết trích dẫn ý kiến của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, đạo diễn phim Mùa len trâu và nhiều lần liên hệ đến tập truyện Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam nhằm dụng ý: đưa dẫn chứng cụ thể để làm rõ và xác thực quá trình chuyển thể từ truyện sang phim, thể hiện ý kiến về hình tượng nước trong phim thông qua tác phẩm và giá trị hiện thực của người đạo diễn.
Câu 3: Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm phim truyện có gì giống và khác với viết văn bản nghị luận về một kịch bản văn học?
Trả lời:
Đặc điểm | Văn bản nghị luận về một kịch bản văn học | Văn bản nghị luận về một tác phẩm phim truyện |
Giống nhau | – Nội dung và hình thức của 1 kịch bản văn học hoặc một tác phẩm phim truyện đều có nhiều khía cạnh, vấn đề có thể gợi lên một hay nhiều vấn đề cần bàn luận. | |
Khác nhau | – Nội dung chính: xung đột bi kịch và hành động trong bi kịch. Từ xung đột, cốt truyện và hành động của các nhân vật chính → Gửi gắm thông điệp về xã hội, vấn đề | – Nội dung chính thể hiện qua hình ảnh và hành động của nhân vật vì vậy ít chi tiết hơn là ngôn ngữ trong kịch. |
Thực hành viết theo quy trình.
Câu hỏi: Câu lạc bộ Văn học – Nghệ thuật của trường bạn tổ chức cuộc thi viết về Tác phẩm sân khấu – điện ảnh tôi yêu. Để tham gia, hãy viết văn bản nghị luận nhận xét về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc một bộ phim mà bạn yêu thích.
Bài viết tham khảo:
Cảm nhận về giá trị nội dung và hình thức nghệ thuật của “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”
Bài làm 1:
Nguyễn Huy Tưởng đã tạo nên một câu chuyện về nhân vật Vũ Như Tô từ một sự kiện lịch sử có thật ở thế kỉ XVI, Nguyễn Huy Tưởng đã hư cấu, sáng tác vở kịch Vũ Như Tô, một vở kịch hiện đại có yếu tố bi kịch, đặt ra vấn đề có tầm quan trọng: số phận của nghệ thuật và của người nghệ sĩ trong hoàn cảnh đất nước bị chìm đắm trong chế độ phong kiến thối nát.
Tác giả đã xây dựng một nhân vật trung tâm của vở kịch hết sức đặc biệt, đó là người nghệ sĩ tài ba, ngàn năm chưa dễ có một người như Vũ Như Tô. Người kiến trúc sư thiên tài này có lí tưởng nghệ thuật, ham mê cái đẹp và khao khát sáng tạo cái đẹp nhưng không nhận thức được mâu thuẫn giữa lí tưởng nghệ thuật và hoàn cảnh thực tế của nhân dân đang bị đày đọa, giết hại trong việc xây Cửu Trùng Đài nên cuối cùng phải trả giá bằng sinh mệnh bản thân thật bi thảm.
Vũ Như Tô vẫn không thể thoát ra khỏi trạng thái mơ màng, ảo vọng của chính mình. Ông không tin rằng, công trình cao cả mình làm lại có thể xem là tội ác, cũng như không thể tin sự quang minh chính đại của mình lại bị rè rúng, nghi ngờ. Sự vỡ mộng của Vũ Như Tô vì thế đau đớn, kinh hoàng gấp bội so với Đan Thiềm. Nỗi đau ấy bộc lộ thành tiếng kêu bi thiết và âm điệu não nùng, khắc khoải chẳng những trở thành âm hưởng chủ đạo bao trùm đoạn kết đã đành, mà còn là một thứ chủ âm dội ngược lên toàn bộ những phần trước của vở kịch. “Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!”. Đó cũng là những tiếng kêu cuối cùng của Vũ Như Tô khi ngọn lửa oan nghiệt đang bùng bùng thiêu rụi Cửu Trùng Đài, ngay sau đó tác giả của nó bị dẫn ra pháp trường. Trong tiếng kêu ấy, mộng lớn, Đan Thiềm, Cửu Trùng Đài đã được Vũ Như Tô đặt kế tiếp nhau, nỗi đau mất mát như nhập hòa làm một, một nỗi đau bi tráng tột cùng.
Tận mắt chứng kiến Nguyễn Vũ tự sát, nghe tên nội gián thông báo kẻ phá, người đốt cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô vẫn cho là điều vô Lý. Nghe tiếng quân lính reo hò truy tìm mình để phanh thây, Vũ Như Tô vẫn cố đấu lý với số phận và cuộc đời: Có lý gì để họ giết tôi? Đứng trước quân khởi loạn gươm giáo sáng lòa, Vũ Như Tô tự trấn an: Đời ta chưa tận, mệnh ta chưa cùng. Ta sẽ xây một tòa đài vĩ đại để tạ lòng tri kỷ. Bị ra lệnh dẫn về trình chủ tướng, Vũ Như Tô vẫn hy vọng sẽ có thể phân trần giảng giải cho người đời biết rõ nguyện vọng của ta. Ông dường như không hề nghe thấy tiếng cười ầm ĩ và lời quát tháo của quân lính. Mày không biết mấy nghìn người chết vì Cửu Trùng Đài, mẹ mất con, vợ mất chồng vì mày đó ư? Người ta oán mày còn hơn oán quỷ. Ông vẫn say sưa trong giấc mộng Cửu Trùng Đài: Vài năm nữa, đài Cửu Trùng hoàn thành, cao cả, huy hoàng, giữa cõi trần lao lực, có một cảnh Bồng Lai…
Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng nhân vật Vũ Như Tô cùng với khát vọng nghệ thuật cao cả, nhưng khát vọng nghệ thuật ấy lại xa rời thực tế. Vũ Như Tô và Đan Thiềm coi Cửu Trùng Đài là cả phần xác lẫn phần hồn của cuộc đời mình. Vì nó mà Vũ Như Tô chấp nhận làm việc cho hôn quân bạo chúa. Vì nó mà dù bị thương trên công trường, ông vẫn tiếp tục chỉ đạo công việc. Cũng vì nó, để giữ gìn kỷ luật, ông buộc phải trị tội những người thợ bỏ trốn. Cũng lại vì nó mà ông quyết ở lại trong cung cấm, giữa cơn biến loạn để bảo vệ không phải mạng sống của mình mà là bảo vệ Cửu Trùng Đài – sinh mạng nghệ thuật của cả đời ông.
Có thể nói rằng thông qua đoạn trích này ta như thấy nó có đầy đủ các yếu tố để làm nên một vở kịch hấp dẫn, dường như tất cả các xung đột kịch được nhà văn tổ chức lôi cuốn hấp dẫn. Chính cái không khí nhịp điệu thì dường như cứ tăng tiến dần dần lên tạo nên một tính chất gay gắt của xung đột kịch. Nhà văn cũng đã thật tài tình khi thắt núi sau đó lại mở nút nhưng kết cục vẫn là bi kịch. Qua đây Nguyễn Huy Tưởng như cũng đã thể hiện quan niệm nghệ thuật phải gắn liền với cuộc sống đời thường. Nghệ thuật chân chính nhất thì không thể tách rời cuộc sống.
Bài làm 2:
Bao trùm lên sáng tác của nhà văn là nguồn cảm hứng lớn về lịch sử. Viết văn để tỏ lòng yêu nước, đó là triết lí sống và là quan điểm sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng: “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi.” Vũ Như Tô là vở kịch nổi tiếng nhất của Nguyễn Huy Tưởng. Nhân vật chính của vở kịch là Vũ Như Tô, là một nhà kiến trúc tài giỏi, một nghệ sĩ có chí lớn, tính tình cương trực, trọng nghĩa khinh tài. Lê Tương Dực, một hôn quân bạo chúa, sai Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi ăn chơi với đám cung nữ. Vũ đã từ chối dù bị đe dọa kết tội tử hình. Song Đan Thiềm, một cung nữ tài sắc nhưng đã bị ruồng bỏ, đã khuyên Vũ nên nhận lời xây dựng Cửu Trùng Đài vì đây là cơ hội để Vũ đem tài ra phục vụ đất nước. Vũ đã nhận lời và dồn hết sức xây Cửu Trùng Đài. Nhưng Cửu Trùng Đài đã làm cho dân chúng thêm cực khổ. Họ đã nổi dậy. Vũ Như Tô bị giết, Cửu trùng Đài bị thiêu trụi.
Tác phẩm phản ánh tình hình chính trị loạn lạc thời Lê Tương Dực Nguyên nhân là do Vua ăn chơi vô độ làm mất lòng dân, hao tổn sức người sức của” mấy nghìn người chết vì Cửu Trùng Đài, mẹ mất con, vợ mất chồng..”. Trịnh Duy Sản sắm sưả thuyền bè khí giới, họp ở bến đó Thái Cực, nó reo là đi đánh Trần Cao, rồi đương đêm đem ba nghì quân Kim Ngô (cận vệ) vào cửa Bắc Thần đốt lưả cho sáng.. Hoàng thượng trông thấy lưả sáng hốt hoảng lên ngưạ lẻn ra cửa Bảo Khánh, qua cửa Thái Học, đến ao Chu Tước ở phường Bích Câu vưà gặp Duy sản. Duy Sản sai võ sĩ tên Hạch đâm vua ngã ngưạ chết. Hoàng hậu thương vua nhảy vào lưả chết. Nguyễn Vũ ăn lộc vua, tự sát theo vua..
Miêu tả bi kịch của người nghệ sĩ Vũ Như Tô Nguyễn Huy Tưởng đã đặt một câu hỏi trong Đề Tựa vở kịch: “Chẳng biết Vũ như Tô phải hay những kẻ giết Vũ Như Tô phải? (…) than ôi, Như Tô phải hay những kẽ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. ”Đó là bi kịch của Như Tô và cũng là bi kịch của người nghệ sĩ trong xã hội cũ. Như Tô là kiến trúc tài năng. Lúc đầu ông từ chối yêu cầu của Lê Tương Dực, không xây Cửu Trùng Đài. Đan Thiềm khuyên: “Ông cứ xây một toà đài cao cả. Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi sẽ mất đi, nhưng sự nghiệp của ông còn thuộc về muôn đời. Dân ta nghìn thu được hãnh diện…Hậu thế sẽ xét công và nhớ ơn ông mãi mãi “. Vũ Như Tô nghe lời Đan Thiềm, đã dốc hết tâm huyết, tài năng vào việc xây Cửu Trùng Đài. Thế nhưng việc xây Cửu Trùng Đài làm chết mấy nghìn người, hao tổn công quỹ, mà chỉ phục vụ cho mục đích ăn chơi của vua. Sự bất mãn của nhân dân và cuả những người thợ xây ngày càng tăng lên, sau cùng họ đã theo Trịnh Duy Sản nổi dậy, giết vua phá Trùng Đài, rồi giết cả Đan Thiềm và Vũ Như Tô. Những phút cuối đời, Vũ Như Tô vẫn không tin mình có tội với nhân dân, vẫn không tin Cửu Trùng Đài bị đốt phá, vì đó là một điều vô lý, ông không thể hiểu. Chỉ khi biết rõ Cửu Trùng Đài bị phá. Vũ Như Tô kếu lên; “Thôi thế là hết! dẫn ta đến pháp trường”. Bi kịch của Vũ Như Tô là bi kịch của người nghệ sĩ trong sự chọn lưạ mục đích sáng tạo nghệ thuật là để đạt tới cái đẹp vĩnh cửu (sự nghiệp còn lại muôn đời) hay phục vụ chính trị (phục vụ yêu cầu của Lê Tương Dực xây cung điện để ăn chơi). Chính vì thế, Vũ Như Tô trở nên ảo tưởng. Ông không nghĩ hành động của mình đang phục vụ nhà vua, gây bao đau khổ cho nhân dân, mà chỉ nghĩ đó là công trình của tâm huyết, tài năng, khát vọng và sống chết với công trình ấy. Bi kịch là ở chỗ ông không biết mình đúng hay sai, và nhân dân, những người theo 1 Trịnh Duy sản đã giết ông là đúng hay sai. Ông đã chết trong ảo tưởng của mình. Còn tác giả Nguyễn Huy Tưởng đã trả lời vấn đề đó bằng hành động kịch. Nhiều lần các nhân vật đều khẳng định tội của Vũ Như Tô, tội gây ra mấy nghìn người chết, hao tốn bao nhiêu công quỹ, phục vụ cho hôn quân, và vì thế Vũ Như Tô phải ra pháp trường. Nguyễn Huy Tưởng đặt ra vấn đề: nghệ thuật phải đứng về phía nhân dân mới tồn tại (phục vụ hôn quân thì bị nhân dân đốt phá). Người nghệ sĩ phải đem tài năng phục vụ nhân dân mới có thể tồn tại và phát triển (Vũ Như Tô phục vụ thế lực tàn bạo thì bị nhân dân tiêu diệt).
Nhân vật Vũ Như Tô Một kiến trúc sư tài ba, có hoài bão lớn, có nghĩa khí của kẻ sĩ, và sống chết với hoài bão của mình. Không sợ cường quyền, không sợ gian khổ hy sinh. Nhưng sự phát triển tính cách và số phận của Vũ Như Tô lại không thuyết phục. Lúc đầu Vũ Như Tô nhất quyết từ chối yêu cầu của Lê Tương Dực, dù biết rằng có thể mất mạng. Vậy mà chỉ vì lời khuyên của Đan Thiềm, một cung nữ, mà Vũ Như Tô xây đài cho Lê Tương Dực. Ông đã coi lời của Đan Thiềm là chân lý, và quyết tâm thực hiện chân lý ấy, bất chấp tất cả những lời khuyên can, những tiếng kêu thương của nhân dân. Sau cùng, Đan Thiềm khuyên ông đi trốn, ông không đi, ông không nhận ra sai lầm của mình và chết trong mù quáng. Với một kẻ sĩ (nhà Nho có lý tưởng trị quốc, bình thiên hạ) thì không ai lại đem lý tưởng, hoài bão và cuộc đời giao vào tay một cung nữ, để chết thảm như vậy. Lê Tương Dực vì cung nữ mà đắc tội với nhân dân nên phải chết. Vũ Như Tô cũng vậy, vì cung nữ Đan Thiềm (dù hai người có là tri kỷ của nhau) mà mang tội với nhân dân, bị dẫn ra pháp trường.
Nói cho đúng, Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng một nhân vật kẻ sĩ phong kiến, mang ảo tưởng nghệ thuật vị nghệ thuật của người trí thức tiểu tư sản hiện đại. Vì thế hình tượng nhân vật không hiện lên như mong muốn của tác giả.
Đỗ Đức Hiểu coi Vũ Như Tô là một anh hùng bi kịch (tạp chí Văn Học số 10, 1997), tôi nghĩ điều ấy là một ngộ nhận, bởi vì chính tác giả Nguyễn Huy Tưởng cũng không xác định được lý tưởng của Vũ Như Tô là đúng hay sai, hành động, cuộc đời của Vũ Như Tô có vì mụch đích cao cả của nhân dân mà phục vụ hay không, thì sao Vũ Như Tô có thể là một nhân vật anh hùng. Trái lại, cuộc đời ấy bị điều khiển bởi một cung nữ Đan Thiềm, chạy theo những ảo tưởng, hơn nữa những ảo tưởng ấy lại chà đạp lên sinh mệnh nhân dân Vũ Như Tô phải chết trong bi thảm , sao có thể gọi là một nhân vật anh hùng, dù là anh hùng bi kịch? Người anh hùng phải là người chiến đấu cho một lý tưởng cao đẹp và là người chiến thắng. Vũ Như Tô thì ngược lại, sống và chết trong mù quáng.
Hạn chế của vở kịch Nguyễn Huy Tưởng chỉ mượn Vũ Như Tô để thể hiện những trăn trở của người trí thức trước thời đại. Vở kịch được viết năm 1941, lúc đất nước đang trong ách Thực dân Phát xít. Người nghệ sĩ sẽ phục vụ ai? Sẽ sáng tác thế nào? ghệ thuật vị nghệ thuật, hay nghệ thuật phục vụ cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng. Nguyễn Huy Tưởng còn lung túng trong sự chọn lưạ. Ông để cho Vũ Như Tô phục vụ cái đẹp cao cả, vĩnh cửu, tách rời cuộc sống, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân, nhưng ông lại để nhân dân xử tội Vũ Như Tô. Hoàn cảnh hiện nay đã khác với những năm 1941, người nghệ sĩ hôm nay phục vụ 2 chính trị là chính trị của nhân dân, nghệ thuật thuộc về nhân dân là nghệ thuật vĩnh cửu.Vở kịch Vũ Như Tô chưa đạt tới tầm tư tưởng như thế. Mọi giải thích khác đi, hoặc tụng ca quá đáng vở kịch đều làm khúc xạ đi giá trị thực của vở kịch.
Hạn chế cơ bản của vở kịch là hạn chế tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng. Không phải vô tình mà vở kịch ra đời 1941 nhưng mãi 1995 mới được công diễn lần đầu, bởi vì đạo diễn sẽ rất khó giải quyết vấn đề tư tưởng còn lung túng của Nguyễn Huy Tưởng.