viet-van-ban-nghi-luan-ve-mot-van-de-xa-hoi-trong-tac-pham-van-hoc-bai-6-ngu-van-11-tap-2-chan-troi-sang-tao

Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học (Bài 6, Ngữ văn 11, tập 2, Chân trời sáng tạo)

Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học
(Ngữ văn 11, tập 2, Chân trời sáng tạo)

Câu 1 (trang 30, SGK Ngữ Văn 11, tập hai): Người viết có quan điểm như thế nào về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học?

Trả lời:

 Người viết đưa ra quan điểm về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học:

– “đời sống là một cuộc chuyển hóa của cho và nhận, nhận và cho. Chúng ta không thể nào sống mà không kết nối với người khác. Tình cảm của chúng ta là kết quả của quá trình tương tác với đồng loại”

– “Chỉ cần tận tụy với lí tưởng cống hiến của mình, dù thành tự có nhỏ bé, bạn vẫn là người đã để lại cho cuộc sống một nền móng, một mảng nào đó của một thành tựu lớn lao”

Câu 2 (trang 30, SGK Ngữ Văn 11, tập hai): Để làm rõ quan điểm của mình, người viết đã đưa ra những luận điểm nào?

Trả lời:

Để làm rõ quan điểm của mình, người viết đã đưa ra một loạt những luận điểm:

– “Sống trọn vẹn là biết cho đi, như việc dâng tặng “chiếc ly tràn đầy cuộc sống” của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ”.

– “Sống trọn vẹn là kiên trì cống hiến, theo đuổi lý tưởng”.

Câu 3 (trang 30, SGK Ngữ Văn 11, tập hai): Mỗi luận điểm, lí lẽ và bằng chứng có sự kết hợp với nhau như thế nào? Phân tích một ví dụ để làm rõ.

Trả lời:

– Mỗi luận điểm, lí lẽ và bằng chứng có sự kết hợp, bổ sung ý nghĩa cho lẫn nhau. Luận điểm là tiền đề để phát triển các lý lẽ, bằng chứng và ngược lại, lí lẽ, bằng chứng là yếu tố làm rõ luận điểm.

Ví dụ: Tác giả đưa ra luận điểm “sống trọn vẹn là biết cho đi..”, để làm rõ vấn đề đó với người đọc, tác giả đã đưa ra những lí lẽ, bằng chứng cụ thể “Một đứa trẻ chỉ có thể lớn lên khi được chăm sóc bởi cha me, gia đình – nhận sự dưỡng nuôi từ thân nhân. Sau đó đứa trẻ sẽ nhận được sự giáo dục của nhà trường, sự bảo trợ từ xã hội. Lớn lên, nó lao động và ngầm thực hiện một giao kết xã hội giữa quyền lợi và nghĩa vụ đất nước”. Ngược lại, nhờ luận điểm đó mà những lí lẽ, bằng chứng mới được thấu đáo, cụ thể, rõ ràng và phù hợp. Nếu không có luận điểm thì việc đưa ra lý lẽ, bằng chứng trên làm cho bài văn lan man, sáo rỗng, không có mục đích rõ ràng.

Câu 4 (trang 30, SGK Ngữ Văn 11, tập hai): Mở bài, thân bài và kết bài của ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu của kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học chưa? Vì sao?

Trả lời:

– Mở bài, thân bài và kết bài của ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu của kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học vì những lí lẽ, dẫn chứng trong bài chặt chẽ, mang tính thuyết phục người đọc vì soi chiếu vấn đề trên nhiều khía cạnh, có những những cơ sở vững chắc làm điểm tựa. Các lí lẽ, dẫn chứng tác giả đưa ra hoàn toàn có cơ sở, xác thực từ đó làm nên sức hấp dẫn, thuyết phục của văn bản nghị luận.

Thực hành viết.

Đề bài ( trang 30, SGK Ngữ Văn 11, tập hai): Hãy viết bài văn nghị luận về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên được gợi ra từ một trong ba truyện ngắn đã học.

Bài văn tham khảo:

Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn mang đến những làn sóng mới trên văn đàn Việt Nam với những thể văn đa dạng và cách viết mang tính “không trùng lặp”. Trong “Muối của rừng”, Nguyễn Huy Thiệp đã đào sâu mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người. Tác phẩm đã gửi đến người đọc những hồi chuông cảnh tỉnh về giá trị chân chính của thiên nhiên – đánh thức nhân tính con người. Vậy mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là gì, tại sao cần giữ gìn mối quan hệ ấy và chúng ta cần làm gì?

Trước hết, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là mối quan hệ bền chắc, không thể tách rời, nó tồn tại đời đời kiếp kiếp, không thể tách rời, thiên nhiên và con người tồn tại song hành và tương trợ lẫn nhau. Con người vẫn tồn tại được trong một thời gian nhất định nếu bị tách rời môi trường xã hội nhưng con người không thể sống nếu thiếu không khí để thở, nước để uống, thức ăn, không thể sản xuất nếu thiếu đất, nước, ánh sáng….Con người được sinh ra từ thiên nhiên, thiên nhiên quyết định cuộc sống của con người và con người quyết định số phận của thiên nhiên. Con người vừa là sản phẩm vừa là chủ thể của tài nguyên và môi trường. Vì con người tồn tại được là cần có các tài nguyên của môi trường cung cấp; bên cạnh đó con người trong hoạt động của mình có tác động mạnh mẽ trở lại và làm thay đổi môi trường.

Tuy nhiên trong mối quan hệ ấy, thiên nhiên mang đến cho chúng ta bao nhiêu là lợi ích. Thế nhưng con người chúng ta lại không biết tôn trọng, bảo vệ và giữ gìn chúng. Chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ. Chúng ta làm ô nhiễm tài nguyên nước cũng như không khí bằng các chất thải độc hại từ các nhà máy, xí nghiệp, các phương tiện giao thông thường ngày. Tất cả các khu rừng đều bị chúng ta tàn phá, chúng ta đốt rừng, chặt phá cây cối để tìm kiếm lợi nhuận riêng cho chính bản thân mình mà không nghĩ đến người khác. Những nguồn lợi từ thiên nhiên mang đến cho cuộc sống chúng ta tưởng chừng như vô tận, nhưng nếu chúng ta không biết bảo tồn và gìn giữ sẽ dẫn đến việc tài nguyên bị cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm sẽ làm thủng tầng ozon, trái đất bị nóng lên cũng như nguy cơ hạn hán, lũ lụt càng nhiều. Chính chúng ta đã góp phần tạo nên những tác động nguy hại đến đời sống của bản thân chúng ta. Thiên nhiên có vai trò rất quan trọng đối với tất cả con người cũng như tất cả những sinh vật sống trên trái đất. Chính vì thế chúng ta phải biết khai thác, sử dụng hợp lí cũng như bảo tồn, giữ gìn thiên nhiên để thiên nhiên trở thành một trong những tài sản quý giá nhất của con người chúng ta.

Thông qua các phương tiện truyền thông đã giúp cho chúng ta có nhiều thông tin về hiện trạng môi trường thiên nhiên ngày càng ô nhiễm, vỏ trái đất đang nóng dần lên, thiên tai nhiều hơn, nhân loại đang phải đối mặt với sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Sự thay đổi của môi trường thiên nhiên ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con người, dịch bệnh ngày càng nhiều hơn. Đời sống con người đang xa dần với môi trường thiên nhiên do chịu ảnh hưởng của hiện trạng đô thị hóa của xã hội.

Đứng trước những thực trạng tiêu cực ấy, mỗi người chúng ta cần có nhận thức đúng đắn hơn về tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống của con người. Mỗi người chúng ta hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường và với các hoạt động trong và ngoài nước về bảo vệ môi trường. Việc cải thiện môi trường là một quá trình và cần có thời gian, chính vì vậy mỗi người chúng ta cần chọn cho mình một giải pháp chăm sóc sức khỏe cho mình và gia đình với tình trạng môi trường hiện nay.

Như vậy, “Muối của rừng” là một tác phẩm hoàn hảo để con người nhận thức lại vị thế của mình trên bàn cân: con người – thiên nhiên.  Tác phẩm đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về giá trị chân chính của thiên nhiên – đánh thức nhân tính. Một tác phẩm nhắn nhủ con người phải luôn bảo vệ, nâng niu, che chở cho thiên nhiên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang